"Tên hề" mặt hẻo

NGỌC VINH 19/01/2004 18:01 GMT+7

TTCN - “Tôi là một tên hề. Một con người có khuôn mặt rất “hẻo” với tướng đi lắt nhắt lùn sịt. Một người ít học, một kẻ bị cuộc đời đối xử “quá khó”. Tôi đã lang thang từ lúc mới bắt đầu được sinh ra. Tôi chẳng làm được cái quái gì trong suốt cuộc đời mình!”. Đó là tự họa của Mạc Can! Ông chưa biết mình đã vượt lên trên những nét vẽ đó từ lâu rồi!

Phóng to
Mạc Can
TTCN - “Tôi là một tên hề. Một con người có khuôn mặt rất “hẻo” với tướng đi lắt nhắt lùn sịt. Một người ít học, một kẻ bị cuộc đời đối xử “quá khó”. Tôi đã lang thang từ lúc mới bắt đầu được sinh ra. Tôi chẳng làm được cái quái gì trong suốt cuộc đời mình!”. Đó là tự họa của Mạc Can! Ông chưa biết mình đã vượt lên trên những nét vẽ đó từ lâu rồi!

Tôi ngồi đối diện Mạc Can từ sáng đến trưa trong quán cà phê Mục Đồng. Ông bảo muốn uống bia với điều kiện tôi phải cùng uống. Ừ thì uống! Tôi cố tìm một nét hài hước bẩm sinh trên khuôn mặt người đàn ông 58 tuổi này trong lúc ông cười, khóc và kể chuyện nhưng tuyệt nhiên không thấy. Tôi chỉ thấy sự nhàu nhò của khổ đau!

Trong các triều đại phong kiến châu Âu, tên hề bên cạnh vua chúa được ban cho một đặc ân: kẻ duy nhất được quyền nói lên sự thật. Chính vì vậy, khác với hạnh phúc của kẻ điên là được trốn khỏi thực tại ưu phiền, tên hề chỉ thấy đau khổ dù cho nghề nghiệp của hắn là phải tạo ra niềm vui!

Tuổi thơ lang bạt

Có thể coi tiểu thuyết Tấm ván phóng dao là tự truyện của Mạc Can về thời trẻ của mình. Ông nội ông là một hảo hán - đại bàng muốn mai danh ẩn tích. Cha ông là nghệ sĩ Lê Văn Quý, một tên tuổi trong làng ảo thuật của Sài Gòn trước 1975. Khi ông chưa được sinh ra, cha ông có một gánh hát - ảo thuật - nhổ răng bán thuốc ở Bạc Liêu. Gánh hát được đặt trên một chiếc thuyền rày đây mai đó trên các ngả đường sông nước của đồng bằng sông Cửu Long.

Ông đã được sinh ra khi chiếc thuyền đang trôi giữa sông Tiền và không bao giờ có được giấy chứng sinh, dù sau này khi điền vào giấy tờ ở mục nơi sinh, ông vẫn để “trên sông ở Mỹ Tho”. Đứa bé sau này mang nghệ danh Mạc Can ấy tiếp tục lang bạt kỳ hồ cùng gánh hát của cha cho tới khi nó rã đám và cha ông bỏ lên Sài Gòn biểu diễn ảo thuật trong các rạp xinê, giữa thời gian chết của hai cuộn phim.

Ở Sài Gòn, ông được cha gửi cho các bà xơ ở nhà thờ Chợ Quán dạy học trong vòng ba năm. Đó cũng là ba năm duy nhất trong đời ông được đi học. Năm Mạc Can 8 tuổi, cha ông thấy cái dáng mạo “xập xệ - hài hước và khuôn mặt hẻo” của thằng con mình nên chọn nó làm hề để diễn phụ trong các màn ảo thuật hài. Thế là từ đó, vai hề theo đuổi Mạc Can suốt kiếp như một định mệnh.

Khi thằng nhóc lên tám là ông phải từng ngày học lấy những ngón hề và ảo thuật từ người cha thì các anh trai, em gái của ông trong cái gia đình - gánh hát ấy cũng học mỗi người một nghề để kiếm cơm. Một người anh của Mạc Can học nghề phóng dao để rồi trở thành nghệ sĩ phóng dao, mà cái bia sống phải đỡ những ngọn dao đó cùng với tấm ván chính là đứa em gái bé nhỏ của ông.

Cái hình ảnh đứa em gái ruột phải trân mình chịu đựng những ngọn dao phóng đi từ bàn tay người anh mà không biết nó chệch hướng lúc nào đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trong tâm thức ông, để rồi hàng chục năm sau được ông mô tả lại một cách dữ dội và đau đớn trong Tấm ván phóng dao. Ông nói: “Tôi đâu có chọn hề mặc dù tôi thấy mình cũng có năng khiếu hài. Tại vì sự phân công của ba tôi, giống như em gái tôi vậy. Tại vì tướng mạo tôi dễ khiến người ta bật cười”.

Anh hề chịu đựng

Phóng to
Trong vai thầy địa lý của phim video "Giai thoại Trạng Lường"
Khi thành niên, khi đã kiếm được cơm ăn với nghề diễn viên ảo thuật hài trong các phòng trà - hộp đêm sang trọng, trong túi ông vẫn không hề có một mảnh giấy tờ tùy thân. Đó là giai đoạn mà ông tự nhận mình là kẻ lang thang không căn cước. “Tướng mạo khó tin của tôi, trong túi lại không giấy tờ, khiến lính Sài Gòn bắt tôi nhốt khám dù tôi không hề có tội”.

Không biết cái thời thơ ấu lang bạt chìm nổi cùng cái kinh nghiệm ở tù đó có đóng vai trò gì để sau này ông có thể viết được những câu văn hay như thế này trong Tấm ván phóng dao: “Tôi đã không chọn mà có cuộc đời bất trắc và khổ ải cho mình, tuy nhiên điều đó thú vị thật, số vốn này quá lớn mà lại ít ai có. Ông tôi, cha mẹ tôi, anh em tôi nào ai đã chọn, tất cả đều trong thế bị động”.

Vào tù, ông ở chung với những tay giang hồ. Để tránh phải làm tạp dịch và để được sống “ưu đãi”, ông phải trổ tài ảo thuật để mua vui cho bạn tù và được một tay đại bàng yêu quý. Rồi những ngón nghề cũng hết. Trước nguy cơ phải làm tạp dịch, ông bịa chuyện coi bói để mua vui cho tay đại bàng.

“Tôi bảo rằng cuộc đời anh ta chỉ tạm khổ thôi, nửa tháng tới anh ta sẽ đổi đời. Đúng một tuần sau anh ta bị lính lôi đi bắn. Tôi khóc hết nước mắt vì dẫu sao anh ta cũng là bạn của tôi mà. Khi tôi được thả ra, những người bạn tù bám song sắt nhìn theo lưu luyến khiến tôi bật khóc. Họ là khán giả của tôi, còn tôi chính là nghệ sĩ duy nhất của họ trong chốn lao tù ấy” (ông lại khóc khi kể cho tôi nghe câu chuyện này).

Sau năm 1975, ông bỏ sân khấu làm đủ thứ nghề để sống và nuôi vợ con, không từ nan một công việc gì. Trong một lần đạp xích lô chở khách, Mạc Can ngất xỉu vì không chịu nổi cường độ lao động của đôi chân. Người ta đưa ông vào bệnh viện, từ đó ông chuyển sang bán trà đá dạo ở bến xe, bán cá kiểng và chim bồ câu ở chợ, bán đồ chơi tự tạo cho con nít ở các cổng trường…

“Chính nhờ thời gian bán chim bồ câu mà tôi mới hiểu được tính khí của chim bồ câu để sau này viết được truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu”. Rồi nhờ gặp lại ông bầu Bảo Thu mà Mạc Can được kéo trở lại sân khấu với những vai hề. Rồi ông gặp được Phan Vũ để được trở thành người viết kịch bản cho các vở kịch Trong nhà ngoài phố. Rồi ông tham gia đóng các vai nhỏ nhỏ trong hàng chục bộ phim. Rồi chính ông trở thành người viết kịch bản phim, với hai bộ phim được dựng hẳn hoi…

“Đã quyết tâm thực hiện Tấm ván phóng dao rồi, nghe Hồ Anh Thái nói Mạc Can vui lắm khi biết Việt Linh sẽ làm phim. Đang chờ xác nhận của tác giả để có thể đầu tư viết kịch bản… (Mạc Can đã làm giấy xác nhận vào ngày 8-1-2004 tại Hãng phim Giải Phóng - LTS).

Mình quen nhiều với Mạc Can từ khi anh ấy làm cố vấn ảo thuật cho Gánh xiếc rong, thật bất ngờ anh ấy viết hay như vậy, các truyện ngắn trước cũng hay nhưng qua tiểu thuyết này mới thấy cái “lực” văn chương thật lớn so với một người học vấn không cao và tưởng như rất xuề xòa...

(Anh ấy thường viết sai chính tả, câu cú lung tung nhưng phóng túng, đầy rung cảm). Rõ ràng một tài hoa bẩm sinh”.

(Thư của đạo diễn Việt Linh gửi TTCN sau khi đọc bản thảo Tấm ván phóng dao do Hồ Anh Thái gửi sang Pháp bằng e-mail).

Ông cũng đi làm tiếp thị bia BGI, tiếp thị quảng cáo cho siêu thị Cora… Những tưởng như vậy đời ông sẽ khá hơn nhưng “tôi là kẻ chẳng bao giờ có tiền trong túi”. Cho tới bây giờ, mỗi sô diễn hề của ông tại các tụ điểm, nhà hàng chỉ được trả thù lao có 60.000 đồng. Nếu đi lưu diễn xa thì được tăng gấp đôi. Chỉ có các trường tiểu học ưu ái ông: mỗi sô phục vụ học sinh giữa sân trường, ông được trả 200.000 đồng. Đóng phim thì chưa có vai nào ông được trả catsê quá 1 triệu.

Ngay cả khi Mạc Can quảng cáo trên tivi cho một hãng dầu ăn những tưởng ông trúng mánh lắm nhưng thật ra ông chỉ được trả 800.000 đồng. Tiền bạc với ông nhiều hay ít cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn ông làm vì thích, không đòi hỏi ít hay nhiều! “Giới sân khấu hài đặt tôi biệt danh: Hề chịu đựng. Họ cũng bảo tôi “vô thưởng vô phạt”.

Họ thương tôi bởi tôi không làm phiền ai, không muốn trở thành đối thủ của ai. Tôi không muốn ai giận tôi, coi tôi là một trở ngại và nhất là tôi không muốn mình trở thành nỗi sợ cho một ai đó. Tôi biết rất nhiều thứ trong cuộc đời chìm nổi của mình nhưng cũng chính cuộc đời đã dạy tôi biết nín thinh”.

Đánh vật với con chữ

Tôi ít gặp ai thật thà như con người này, ông kể về những nỗi đau của mình một cách hồn nhiên, không che giấu, biện bạch. Sống bằng nghề diễn nhưng ông kính nể những người cầm viết. “Tôi là người ít học và tôi khao khát chữ nghĩa dù nó quá khó với tôi. Tôi ngưỡng mộ những người sống bằng nghề cầm viết. Tôi không đủ chữ nhưng lại thích viết văn một cách tuyệt vọng. Tôi viết chỉ để tôi đọc thôi, không bao giờ nghĩ nó được in. Cầm bản thảo đến nhà xuất bản tôi cũng sợ mà!”.

Nhưng Mạc Can là con người biết vượt khỏi những giới hạn của bản thân. Đọc mảnh giấy ông gửi, tôi không nghĩ đó là chữ viết của một người trong đời chỉ có ba năm đến lớp. “Tôi đọc tất cả những gì có trong tay, ngay cả những miếng giấy báo gói xôi. Tôi tập viết từng con chữ để bớt sai lỗi chính tả. Những bạn bè nghệ sĩ thân quen của tôi khuyến khích tôi viết vì cho rằng trong đầu tôi có những ý tưởng ngộ ngộ”.

Truyện ngắn đầu tay của ông là Ảo thuật trong tù (đăng trước 1975 trong bán nguyệt san Thời Nay - số 288) viết về những kỷ niệm ám ảnh ông trong những ngày làm nghệ sĩ bất đắc dĩ trong tù. Truyện viết đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với cái thực tại khắc nghiệt mà ông cùng các khán giả - bạn tù đã trải qua, nhưng đó là tác phẩm mà ông gọi là “làm quen với chữ lần đầu”. Rồi ông dấn tới từ từ. Trong cái giỏ đệm mà ông luôn mang bên mình nhiều năm về trước, không có bản thảo này thì bản thảo kia.

Khi Mạc Can viết tin kịch trường cho mục “Shop văn nghệ” trên Báo Thanh Niên, ông vẫn còn chưa phân biệt được dấu hỏi, ngã. Phan Vũ bảo: “Cái gì nó viết cũng được nhưng chữ nghĩa bết quá”. Còn những người ở HTV thì bảo: “Kịch bản Trong nhà ngoài phố của Mạc Can rất tức cười nhưng khó dựng quá!”.

Có lần khi đang trầy trật viết một tác phẩm và định bỏ dở giữa chừng, Mạc Can đã than thở với nhà văn Sơn Nam. Ông già liền bảo: “Cái này phải chính mày viết mới hay vì mày sống trong nó”. Lời động viên ấy đã tiếp lửa cho Mạc Can để ông có thể hoàn thành câu chuyện của mình.

Nhưng rồi lần lượt các tác phẩm “chữ nghĩa trầy trật” của Mạc Can ra đời và được in. Ông ghi ơn tất cả những người đã giúp in chúng. Ghi ơn Phạm Sỹ Sáu và Hoàng Phủ Ngọc Phan vì nhờ họ ông đã có được tập truyện Món nợ kịch trường (1999), ghi ơn Lê Minh Khuê vì đã chọn truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu của ông trong tập truyện ngắn hay năm 2002 của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn...

Phóng to
Quảng cáo cho siêu thị Cora (Biên Hòa)
Khi gửi bản thảo cho Phạm Sỹ Sáu, ông hay đi qua cổng Nhà xuất bản Trẻ “để thăm dò số phận của nó” nhưng không dám bước vào; và lúc sách được phát hành, nhận được 2 triệu đồng nhuận bút, ông đã khóc nức nở như một đứa bé. Khi Hồ Anh Thái gọi điện thoại xin phép biên tập và in tiểu thuyết Tấm ván phóng dao thì Mạc Can đang chạy xe giữa đường.

Kiếm một góc phố khuất để dừng xe, Mạc Can lại ôm mặt khóc vì mừng. Ông bảo sau khi Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật trích đăng tiểu thuyết này kèm lời giới thiệu trân trọng của Hồ Anh Thái, ông trân trân nhìn vào tờ báo mà không tin vào mắt mình, rồi đưa lòng bàn tay chạm nhẹ vào chúng như người lần đầu tiên được sờ vào mặt trăng!

Tấm ván phóng dao hay cuộc đời quá khó!

Tôi đã đọc một số truỵện của “anh hề” Mạc Can. Có thể nói Tấm ván phóng dao là “đỉnh cao” của những gì ông đã viết ra từ trước đến giờ. Quả là không ngờ nổi ông có thể viết được một câu chuyện với những đoạn mô tả, tự sự kỳ lạ và hay đến như vậy so với vốn liếng chữ nghĩa của ông; và Hồ Anh Thái đã phải bật thốt lên rằng tác phẩm đó là “lời tự vấn về kiếp người”.

Trong phần cuối của truyện có một đoạn tác giả để cho nhân vật chính đặt câu hỏi về thân phận: “Tại sao tôi không được sống bình thường như những người khác chung quanh tôi, tại sao tôi dốt nát mê muội, tôi có quyền được sống làm người, được học hành, yêu thương và hạnh phúc chứ”.

Nhân vật chính đó không ai khác hơn là Mạc Can. Ba năm về trước, bỗng dưng một hôm ông cầm bút viết lên giấy bốn chữ Tấm ván phóng dao. Bốn chữ này ám theo ông để rồi hôm nay có một cuốn tiểu thuyết ra đời. Mạc Can đã viết Tấm ván phóng dao bất kỳ lúc nào rảnh rỗi và luôn mang bản thảo theo mình. Ròng rã ba năm, khi đưa bản thảo cho Lê Minh Khuê đọc, tác phẩm vẫn còn đang viết dở dang.

“Hay quá, đoạn cuối đâu, gửi ngay cho tôi” - bà Khuê hỏi. Nỗi đau thật của cả một đời được ông đưa hết vào truyện. Ông bảo khi ông kể câu chuyện gia đình này, lòng ông rất đau. Trong truyện ông lên án người cha bắt con gái mình đứng làm bia sống phóng dao, nhưng ngoài đời, phận làm con ông không muốn xúc phạm đến cha mình.

Nhưng cái thực tế nghiệt ngã ấy cứ hiện ra trước mắt ông: “Em tôi từng bị dao phóng trúng vào người. Những cô gái khác làm nghề này mà tôi chứng kiến cũng vậy. Em tôi bị bệnh đau tim do ảnh hưởng công việc thời nhỏ, bây giờ nó sống cô đơn một mình, không dám lập gia đình, hằng đêm trong giấc ngủ nó mơ thấy những con dao phóng vào người. Một chiếc lá rơi cũng làm nó giật mình”.

Phóng to
Mạc Can trên phố Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng
Thời trẻ ông cũng được một vài cô ca sĩ để ý, nhưng ông cho rằng mình sinh ra không phải để... đèo bòng nên ông lấy vợ làm nghề uốn tóc. Ông từng diễn hề ở những hộp đêm sang trọng nhưng ông không bao giờ coi mình thuộc về cái thế giới đó. Ông bảo cuộc đời quá khó đối với ông nên nhiều lần “định tự tử vì quá đói và tuyệt vọng”, nhưng khi sắp đụng đầu xe tải thì quay xe lại vì nghĩ rằng “dại gì phải làm như vậy”.

Cho đến bây giờ, khi đi trên một con đường sang trọng như Đồng Khởi, Mạc Can vẫn thấy lấm lét, sợ sệt. “Không phải tôi ganh tị. Tôi sợ vì tôi mặc cảm, vì tôi nghèo, vì không có học, vì tôi sinh ra và sống trong môi trường “rong rêu”. Cái gì tôi cũng sợ. Tôi sợ mọi thứ trên đời!”.

Hồi xưa ông kiếm tiền để đưa vợ nuôi con, còn bây giờ ông kiếm tiền để đưa con cất nhà. Có cháu nội, ngoại nhưng ông vẫn lang bạt trên chiếc Honda cà tàng. Lâu lâu ông xin vợ mướn nhà trọ để sống một mình... viết văn. Chuyện này được ông miêu tả bằng cái xóm bồ câu siêu thực trong tiểu thuyết chưa được in Những bầy mèo vô sinh.

Chia tay tôi trong buổi trưa quá muộn, ông nói: “Bây giờ thì tôi đã có thể hy vọng vào cái mà tôi đang có (ý ông nói văn chương). Tôi ít đi diễn hề hơn trước, bớt bận tâm mình phải làm thế nào để chọc thiên hạ cười. Công ty Kiến Vàng đặt tôi viết truyện tranh nhiều kỳ và cấp cho tôi cái vi tính xách tay để tôi vừa đi vừa viết nhưng tôi vẫn chưa quen sử dụng. Tôi đã viết được tập thứ 6. Chị Việt Linh cũng đã ngỏ ý làm phim dựa theo tiểu thuyết Tấm ván phóng dao”.

Ông ngượng nghịu khoe tôi cái cặp da có chiếc máy tính mà ông đeo theo người rồi há miệng cười với hàm răng cửa gãy.

Mạc Can sinh ra không phải để làm hề, nhưng cuộc đời buộc ông phải làm hề và ông đã cố gắng vượt qua những đau khổ của riêng mình để đóng trọn vai diễn! Hy vọng những gì ông đang gầy dựng hiện nay sẽ mang ông đến với một tương lai khác, sẽ không còn quá khó đối với ông!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận