Teen pop có thoái trào?

NICK D. 21/07/2012 23:07 GMT+7

TTCT - Công chúa nhạc pop Britney Spears đi lấy chồng, sinh con. NSYNC tan rã. Backstreet Boys đình công. Westlife tụt dốc. Người ta lạnh lùng tuyên bố thời của dòng nhạc teen pop đã chấm hết. Có phải thế không?

Phóng to
Cô bé lí lắc dễ thương Carly Rae Jepsen - Ảnh: wordpress.com

Tuy lần lượt sau đó xuất hiện những Vanessa Hudgens, Selena Gomez, The Jonas Brothers… và đỉnh cao là hiện tượng Justin Bieber, nhưng không, không ai trong số "những đứa trẻ" đó có thể thật sự gánh trên mình trọng trách khôi phục thời kỳ đỉnh cao chói lọi của thứ âm nhạc đã từng gắn bó với tuổi thơ của một nửa dân số thế giới hiện nay.

Vì sao nhạc sến thành công?

Call me maybe chứa đựng một điều gì đó gần như là một thứ “niềm tin con trẻ”, rằng đâu đó vẫn luôn có một tia hi vọng dành cho mỗi chúng ta.

Năm 2011, mặc cho những nữ hoàng nhạc pop mới như Rihanna, Lady Gaga hay Katy Perry nhuộm đủ các loại tóc xanh tóc đỏ, khoác lên mình đủ loại trang phục gây sốc hay gây cười và nhảy múa khắp các bảng xếp hạng, cả thế giới vẫn đắm mình trong không khí ảm đạm của giọng ca được mệnh danh là viên kim cương mới Adele.

Cô gái mập mạp có khuôn mặt xinh đẹp đến từ nước Anh này, cùng với album thứ hai trong sự nghiệp của mình - album 21, đã khiến cả thế giới phải lặng người trước màn biểu diễn tuyệt đỉnh ca khúc Someone like you của mình trên sân khấu lễ trao giải Brit Awards đầu năm 2011. Và gần như ngay lập tức, cái tên Adele gắn liền với những kỳ tích. Cô phá vỡ những kỷ lục trong âm nhạc chưa ai phá được từ thời The Beatles. 21, cùng với các đĩa đơn Rolling in the deep Someone like you trở thành một trong những album và đĩa đơn bán chạy nhất trong lịch sử. Cô gái có giọng ca đầy kịch tính Adele nghiễm nhiên trở thành nữ hoàng âm nhạc mới.

Có một nhận xét hoàn toàn rõ ràng trong thành công của Adele và album 21: chưa bao giờ những ca khúc về bi kịch tình yêu lại có thể thành công rực rỡ đến vậy. Nói một cách bình dân theo ngôn từ của người Việt thường nói thì Someone like you thật ra là một ca khúc rất sến. Hay cũng chính vì thế nó mới thành công đến vậy?

Hãy nhìn vào bối cảnh thế giới lúc đó. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài suốt từ cuối năm 2008 đã khiến mọi người thật mệt mỏi. Suốt hai năm 2009 và 2010, người ta vẫn cố nuôi hi vọng về một tương lai kinh tế xán lạn hơn. Lúc này, người ta tìm thấy sự chia sẻ trong những thứ âm nhạc vui vẻ, khuấy động. Chả trách mà 2010 trở thành năm của các nữ hoàng disco Lady Gaga, Rihanna và Katy Perry.

Nhưng đến cuối năm 2010, kinh tế vẫn chẳng sáng sủa hơn, và người ta đã bắt đầu thật sự uể oải. Đó là chưa kể những đồn thổi về "ngày tận thế" năm 2012. Chán chường với sự nghiệp, mệt mỏi vì mưu sinh, người ta càng có nhu cầu về một chỗ dựa tình cảm. Bản năng của con người là tìm kiếm sự đồng cảm, và không có thứ cảm xúc nào khiến người ta dễ mủi lòng hơn là những chuyện tình buồn.

Chẳng phải đó chính là một môi trường hoàn hảo để nhạc sến lên ngôi?

Thế là người người hát nhạc sến, nhà nhà nghe nhạc sến. Đến tận đầu năm 2012 vẫn có thêm chàng trai Gotye đến từ Úc ăn theo Adele mà trở thành hiện tượng với ca khúc tuyệt đối bi lụy Somebody that I used to know.

Teen pop - Ðừng bao giờ biến mất!

Người viết bài này đã từng tự hỏi chúng ta sẽ còn ngoi ngóp trong cái bầu không khí ảo não thương tâm này đến bao giờ nếu, vào một ngày đẹp trời nọ, không có một cô bé lí lắc dễ thương đến từ Canada mang tên Carly Rae Jepsen cất tiếng hát một ca khúc cực kỳ nhạt nhẽo và vô nghĩa tên là Call me maybe?

Ngay lập tức, cả thế giới giống như đang chìm dần trong cái đại dương lạnh lẽo của ái tình bi thương bỗng vớ được chiếc phao cứu sinh sáng lấp lánh.

Video của ca khúc trên YouTube vượt con số 150 triệu lượt xem. Hàng loạt ca sĩ trẻ, diễn viên nổi tiếng đều ghi hình hát nhại ca khúc này để thể hiện sự yêu mến với nó. Call me maybe, đến lúc này, chính là hiện tượng âm nhạc của năm 2012, thậm chí vượt mặt cả Someone like you của Adele năm ngoái.

Điều gì đã khiến Call me maybe thành công đến vậy? Giai điệu pop dễ nghe, dễ nhớ và rất trong sáng của ca khúc? Có thể lắm. Sự dễ thương và vẻ ngọt ngào của Carly? Có thể. Hay anh chàng người mẫu Holden Nowell với màn cởi áo khoe cơ thể vạm vỡ siêu hot trong video của ca khúc? Cũng rất có thể!

Hay chỉ đơn giản vì tên bài hát là Call me maybe, chứa đựng một điều gì đó gần như là một thứ "niềm tin con trẻ", rằng đâu đó vẫn luôn có một tia hi vọng dành cho mỗi chúng ta. Nó giống như một "wake up call" - hồi chuông thức tỉnh những kẻ đang đắm chìm trong sự ủ rũ của tuyệt vọng, rằng dù cuộc sống có những lúc tưởng như toàn những cánh cửa đóng - những "definitely no" (hoàn toàn không), thì ngoài kia vẫn còn những cánh cửa khép hờ - những "cơ hội có thể", những "maybe". Và vì thế, nếu còn sống thì tại sao lại tước đi của mình quyền được hi vọng.

Thế là người ta chẳng thể ngăn nổi mình lắng nghe Call me maybe, lẩm nhẩm hát theo Call me maybe, và cứ mỗi lần hát đến câu "So, call me maybe", người ta càng không thể ngăn mình khẽ nở một nụ cười, trong đầu bỗng chốc vụt hiện lên những cảnh tượng hạnh phúc đẹp đẽ, những ước mơ trong trẻo và ngọt ngào.

Và một lần nữa teen pop trở lại, hoành tráng và đẹp đẽ. Có thể lớn mạnh tiếp không, có thể quay trở về thời kỳ hoàng kim được không là những câu hỏi không ai trả lời được. Nhưng teen pop sẽ không bao giờ, và tốt nhất là đừng bao giờ, biến mất. Bởi vì, trong mỗi người đang lớn và đã lớn đều luôn ấp ủ một giấc mơ nho nhỏ được trở về với cái cuồng nhiệt, cái trong sáng và những suy nghĩ tích cực đôi khi thật thiển cận của tuổi trẻ, mỗi lúc người ta mệt mỏi với cuộc sống bon chen của người lớn.

Người ta cần teen pop để nuôi dưỡng cho giấc mơ đó không bao giờ tắt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận