“Tệ nạn” ở sàn NFT lớn nhất thế giới

TỊNH ANH 25/06/2022 23:00 GMT+7

TTCT - Cơn sốt NFT đã qua và sàn giao dịch sôi động nhất của thứ từng được tung hô này cũng bắt đầu bộc lộ hàng loạt bất cập.

Bộ sưu tập NFT Crash Test Joyride trên OpenSea. 0,17 Eth tương đương trên 1.100 USD, tức hơn 26,7 triệu đồng.

Năm 2021, cơn sốt NFT lên đỉnh điểm khi người ta vung tiền thật để đổi lấy NFT - bản chứng thực quyền sở hữu một tài sản kỹ thuật số như file ảnh, đoạn video, tác phẩm đồ họa số, rồi mua bán chúng để kiếm lời. Giá trị giao dịch NFT đã lên tới 17,6 tỉ USD trong năm 2021, tăng 21.000% so với một năm trước đó, theo trang Nonfungible.com.

Các hoạt động chào bán, mở đấu giá, chọn mua đòi hỏi cần có địa điểm mới diễn ra được, vì thế các sàn giao dịch NFT cũng nổi lên và hốt bạc nhờ thu hoa hồng trên các giao dịch. Trong số các sàn NFT, OpenSea là nơi hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi nhất với hàng triệu NFT được đăng bán kể từ đầu năm 2021.

Xuất phát là một startup khiêm tốn năm 2017, OpenSea đã đổi đời chỉ sau một đêm khi ai nấy đều không muốn lạc hậu trong cơn sốt NFT: công ty gọi vốn được hơn 400 triệu USD và được định giá tới 13,3 tỉ USD, thu hút được nhân tài là nhân sự cấp cao từng làm cho những gã khổng lồ công nghệ như Meta và Lyft. Nhưng đằng sau bề ngoài hào nhoáng này là một thế giới hỗn loạn với những vụ cướp NFT, rao bán hàng đạo nhái, theo báo The New York Times.

Tháng 12-2021, Chris Chapman, chủ một hãng xây dựng ở Texas (Mỹ), đăng bán NFT là ảnh một con khỉ mặc đồ phi hành gia (nằm trong bộ sưu tập gồm 10.000 NFT nổi tiếng Bored Ape Yacht Club) lên OpenSea với giá 269 Ether (lúc đó tương đương 1,1 triệu USD); 2 tháng sau, khi đang đưa con gái đi sở thú, Chapman nhận được thông báo từ sàn giao dịch cho biết NFT của anh đã được bán, nhưng với giá 90 Ether (300.000 USD).

Với vai trò trung gian, OpenSea sẽ ra chỉ “khớp lệnh” nếu ai đó đưa ra giá bằng với giá người bán mong muốn, và thu phí 2,5% giá trị giao dịch. Con số 90 Ether không phải ngẫu nhiên mà có; đó là giá mà Chapman đăng bán lần đầu vào tháng 9-2021, trước khi tăng lên 269 Ether khi bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club gây sốt trong giới đầu tư NFT. Kẻ xấu đã phát hiện ra lỗ hổng bảo mật và hoàn tất giao dịch với mức giá cũ thay vì mức hiện hành.

Ban đầu OpenSea đề nghị trả lại Chapman số tiền bằng 2,5% giá trị giao dịch (mức phí chung của sàn), nhưng anh này không chịu và thuê luật sư vào cuộc. Đến tháng 5 vừa rồi, sàn này nói sẽ trả lại cho anh 15 Ether, lúc đó chỉ trị giá khoảng 300.000 USD nhưng nhà đầu tư 35 tuổi vẫn chưa đồng ý. Theo anh, công ty đã “có nhiều sai lầm ngu ngốc” và “họ còn không biết mình đang làm gì”. The New York Times nói OpenSea từ chối bình luận về vụ việc của Chapman.

 
 Một phần trong bộ sưu tập NFT nổi tiếng Bored Ape Yacht Club

Ăn cắp NFT của người khác và rao bán công khai cũng là một vấn nạn ở OpenSea. Tháng 2-2022, Eli Shapira, cựu lãnh đạo một công ty công nghệ, bị lừa click vào đường link của hacker và trao quyền cho hắn truy cập vào ví chứa NFT của mình. 

Kẻ cắp chọn lấy 2 NFT giá trị nhất và mang lên OpenSea bán, thu về hơn 100.000 USD. Khổ chủ kể đã báo ngay cho sàn giao dịch nhưng không được giải quyết. Ông còn phát hiện tay đạo tặc kia còn rao bán nhiều NFT khác, nhiều khả năng cũng là đồ ăn cắp, trên OpenSea. 

“Rất dễ để các hacker này mở một tài khoản [trên OpenSea] và ngay lập tức giao dịch thứ mà chúng vừa đánh cắp được” - Shapira nói và kêu gọi các sàn NFT phải tăng cường bảo mật. 

NFT ngay từ đầu đã khiến nhiều người khó hiểu vì người ta bỏ tiền tươi thóc thật chỉ để đổi lấy chứng nhận sở hữu cho tài sản đã đưa lên mạng, ai cũng có thể copy, tải về, hay muốn làm gì với chúng cũng được. Ngược lại, ai cũng có thể tạo NFT, từ bức ảnh đại diện trên Facebook đến bài viết trên blog của mình, hay thậm chí của người khác. Điều này đã xảy ra với OpenSea: nhiều người tự tiện lấy tác phẩm nghệ thuật số của người khác, biến thành NFT và rao bán, thu lợi, còn chính chủ không biết gì.

Cộng đồng nghệ thuật DeviantArt phải viết hẳn phần mềm ngày đêm “quét” nội dung OpenSea xem có tác phẩm nào đang bị đạo nhái và bán dưới dạng NFT ở đó không (tới nay đã phát hiện 290.000 trường hợp, cả trên OpenSea lẫn các sàn NFT khác). 

Các sàn giao dịch như OpenSea còn cung cấp sẵn luôn công cụ để người dùng tải file lên và biến thành NFT. Mới đây, OpenSea đã trang bị thêm tính năng quét ảnh mới đưa lên để phát hiện đạo nhái, nhưng hệ thống này chỉ so sánh NFT mới đưa lên với các NFT đã có trên sàn, vì thế sẽ không phát hiện được sản phẩm chôm từ nơi khác. Đại diện công ty cho biết đang cố gắng để mở rộng phạm vi so sánh hơn.

OpenSea gặp thời nhờ cơn sốt NFT, nhưng có lẽ công ty không lường trước được những bất cập phát sinh. “Sẽ rất khó cho bất kỳ công ty nào để kịp thay đổi và thích nghi với mức tăng trưởng nhanh như thế. Mọi thứ rất hỗn loạn” - Carrie Presley, người từng làm vài tháng cho OpenSea, nhận xét.

Những vấn đề của sàn giao dịch này ngày càng chồng chất, cùng lúc cơn sốt NFT hạ nhiệt và giá tiền mã hóa lao dốc. Theo NonFungible, giao dịch NFT đã giảm khoảng 90% kể từ tháng 9-2021. OpenSea là đại diện của các ứng dụng thời web3, một môi trường Internet “dân chủ hóa”, chỉ có người dùng với người dùng, không phụ thuộc vào các ông lớn công nghệ. Sàn này giao dịch toàn trăm ngàn đến triệu đôla nhưng không thu thập thông tin của đa số khách hàng, và tự quảng bá là cửa ngõ đến một thị trường tự do không bị quản lý quá chặt. Trớ trêu là giữa nạn trộm cắp, đạo nhái tác phẩm NFT, người ta lại kêu gọi OpenSea phải hành xử như một doanh nghiệp truyền thống, tức là chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân và chủ động bài trừ tệ nạn.

Trước mắt, công ty này phải thỏa hiệp để xoa dịu người dùng: thuê thêm nhân sự để trực đường dây nóng 24/24, tiếp nhận phản ảnh của khách hàng, phong tỏa các giao dịch đăng bán NFT được xác nhận là hàng ăn cắp và tăng cường công nghệ phát hiện sản phẩm đạo nhái. “Như mọi công ty công nghệ, sẽ có lúc bạn phải cố vượt lên để bắt kịp tình hình; phải gắng làm mọi thứ có thể để phục vụ những người dùng mới toanh đang bước vào thế giới này” - Devin Finzer, giám đốc điều hành 31 tuổi của OpenSea, nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận