“Tất cả chỉ là ở cái chỗ vẽ”

QUANG THI THỰC HIỆN 31/08/2014 23:08 GMT+7

TTCT - Nhắc đến Lê Kinh Tài là nhắc đến một phong cách hội họa đương đại đã khẳng định nội lực.

Hành trình đi tìm cái tôi, sơn dầu 200x600cm, bộ sưu tập của Haslla Art World - Ảnh: Hàn Quốc
Hành trình đi tìm cái tôi, sơn dầu 200x600cm, bộ sưu tập của Haslla Art World - Ảnh: Hàn Quốc

Anh từng gây xôn xao dư luận khi bán loạt tranh với “giá khủng”, hay những bức tranh triển lãm được treo với giá 55.000 USD.

TTCT gặp anh khi Lê Kinh Tài studio chuẩn bị ra mắt vào ngày 5-9.

Ở Lê Kinh Tài studio mới xây xong có một khoảnh tường Lê Kinh Tài sẽ vẽ với màu trắng đen. Anh giải thích đen trắng là hai màu cơ bản, nếu con nít trong xóm có nguệch ngoạc vẽ màu gì khác lên cũng không ảnh hưởng. Chút ý tưởng đó có thể chấm phá nên chân dung của một họa sĩ Lê Kinh Tài mà nhiều người biết: vẽ và sống tự do, làm việc liên tục, lúc mệt nhoài thì buông cọ thảnh thơi.

Một đứa trẻ đi tè, một đứa trẻ nguệch ngoạc vẽ, hay những mặt người cười hềnh hệch… trong hội họa của anh đều được coi trọng như những bản năng hồn nhiên, ban sơ của con người, cần được tự do và phóng túng.

Trò chuyện với Lê Kinh Tài về studio cũng là cái nhìn của anh đối với một phần đời sống mỹ thuật Việt Nam hôm nay.

* Trước tiên, xin chúc mừng anh với Lê Kinh Tài studio đã thành hiện thực. Con đường đi đến quyết định xây hẳn cho mình một studio này của anh như thế nào?

- Tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ họa sĩ nhiều nước khác nhau, phần lớn trong số họ đều có một studio độc lập để làm việc. Tôi cũng từng tham quan những building for artist ở nước ngoài mà… thòm thèm. Họ xây cả tòa nhà lớn như chung cư, không phải để ở mà chỉ cho họa sĩ thuê để làm việc dài hạn.

Hay những lúc tán dóc bên lề cũng vậy, tôi thấy ước mơ của các họa sĩ trên thế giới này gần như là như nhau: có một studio trần cao (Lê Kinh Tài studio cao 9m) để các mùi chất liệu phân tán đi, và một chỗ ngủ lại để vẽ.

* Một studio như vậy sẽ giúp cho họa sĩ nhiều hơn so với một xưởng vẽ thông thường?

- Một studio hoàn toàn khác một xưởng vẽ bình thường. Với một họa sĩ vẽ salon hoặc thương mại thì chỉ cần một chỗ để vẽ. Nhưng với một studio, nó thích hợp cho những họa sĩ làm việc chuyên nghiệp, luôn tìm tòi, thể nghiệm. Bởi vì đối với các họa sĩ này, triển lãm hay không triển lãm, bán tranh hay không bán tranh chưa phải điều quan trọng nhất.

Điều cốt yếu là họ làm việc. Nhưng, như trường hợp tôi trước đây, mỗi khi có ý tưởng vẽ hàng loạt hơn 10-20 bức tranh, bức nào cũng to thì thử hỏi với không gian vỏn vẹn 9m2 như chỗ vẽ cũ của tôi thì phải luôn… loay hoay.

Họa sĩ Lê Kinh Tài - Ảnh: Tiến Long
Họa sĩ Lê Kinh Tài - Ảnh: Tiến Long

Họa sĩ Lê Kinh Tài (sinh năm 1967) tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 1997. Từng tham dự các trại sáng tác quốc tế Haslla art world museum (Hàn Quốc, 2011), Vermont studio center (Mỹ, 2009, 2011), Indochina art partnership (Mỹ, 2008)...

Lê Kinh Tài studio (ấp 4, xã Long Hậu, Cần Guộc, Long An sẽ ra mắt vào ngày 5-9) rộng 400m2, diện tích xây dựng 280m2, bao gồm phòng sáng tác (trần cao 9m), hệ thống chiếu sáng tranh, sân làm điêu khắc, hai phòng ngủ cho các họa sĩ khách mời lưu trú…

Tất nhiên tôi phải cố gắng làm tốt mà thôi. Nhưng ở Việt Nam, thông thường họa sĩ khi đã có vợ con thì chỗ vẽ sẽ bị co cụm lại, sức tìm tòi bị hạn chế hẳn đi. Tôi nói điều này cũng là kinh nghiệm từ chính mình.

Hay nhiều họa sĩ khi vẽ ở nhà, đến khi ra triển lãm mới thốt lên: sao tranh mình đẹp thế! Hoặc trước kia tôi mang hai bức đi triển lãm tại Indonesia, ở nhà nhìn rất thích, nhưng khi qua đó treo lên thì… nhìn chưa đã. Thế là thấy tiếc.

Chưa kể một họa sĩ tìm tòi không chỉ gói gọn trong một chất liệu nào đó, không thể vẽ sơn dầu thì chỉ có vẽ sơn dầu, làm điêu khắc chỉ làm điêu khắc. Anh ta nên tìm tòi bản thân mình ở nhiều chất liệu, nhiều loại hình.

Vậy khi muốn làm điêu khắc thì chỗ đâu, không gian đâu? Lợi thế một studio là khi vẽ xong, làm điêu khắc xong có thể bày ra, treo lên. Đẹp hay xấu chỗ nào đều thể hiện ra hết.

* Anh cần studio, bởi vì anh xem mình là một họa sĩ của sự tìm tòi, thể nghiệm?

- Tôi vốn đang trên con đường tìm tòi. Mặc dù câu này có rất nhiều người nói, nhưng tôi nghĩ vấn đề là cách mình đi con đường đó như thế nào mà thôi. Tôi gặp nhiều họa sĩ thấy tác phẩm người khác mới giật mình: “Ơ, cái này mình đã nghĩ rồi, nhưng chưa làm”. Họ tiếc vì họ không có điều kiện để làm.

Một người lấy vài vụn sắt về làm điêu khắc, bị cho là tào lao. Nhưng đó là do anh ta chưa có một không gian studio để biến ý tưởng thành một loạt tác phẩm hoàn chỉnh. Tôi nghĩ rằng thiếu hụt đó có thể khiến sức sáng tạo của người họa sĩ chúng ta bị trì trệ nhiều lắm.

* Những nghệ sĩ thường mơ vẽ được những tác phẩm lớn. Nhưng với giải thích của anh thì dường như các họa sĩ tìm tòi hôm nay phải cụ thể ý tưởng bằng một loạt tranh?

- Đó là điều bắt buộc. Nếu anh là họa sĩ chuyên nghiệp, anh phải làm như vậy. Sự tương tác giữa những bức tranh trong một loạt tranh là điều rất quan trọng. Nhiều khi tôi thấy tiếc cho các họa sĩ trẻ, tiếc cho bản thân mình. 20 năm cạy cục trong nghề với những kìm hãm sáng tạo không ít.

Đôi khi thấy một cái ghe, nảy ra một ý tưởng với nó, nhưng lại không có chỗ để làm, để bày. Tất cả chỉ là ở cái chỗ vẽ. Họa sĩ không nhất thiết phải vẽ điều gì đó lớn lao. Mỗi khi thấy cái gì đẹp, anh hãy sáng tạo đi đã. Bởi vì anh ta có một mỹ cảm mạnh hơn người thường, phải không?

* Thành công thương mại giúp anh đủ sức xây cho mình riêng một studio. Nhưng không phải họa sĩ nào cũng vậy, phần đông họ vẫn sáng tác ở 9m2 như anh trước kia. Vậy khi có Lê Kinh Tài studio, anh chia sẻ gì với họ?

- Nếu không xây được thì thuê, tôi thấy điều này các họa sĩ Hà Nội làm tốt hơn là họa sĩ ở TP.HCM. Nhưng nỗi khổ của họ là không ổn định được chỗ vẽ, vì chủ nhà lấy nhà lại hoặc tăng tiền thuê…

Thật ra tôi xây studio này bằng tiền gom góp 20 năm làm nghề. Bán cả hai căn hộ chung cư trả góp của vợ. Nhiều người không hiểu tại sao từ năm 2005 tôi phải đi nhiều, triển lãm nhiều, tốn cả tiền tỉ... Bỏ cả vợ, con nhỏ mà đi, phải to nhỏ với vợ rằng: “Anh đi vì sự nghiệp!”. Bởi vì tôi cần một chỗ để vẽ cho những ý tưởng mới của mình.

Bạn tôi, những họa sĩ nghèo ở Mỹ cũng vậy, vì không đủ tiền xây studio họ phải luôn tìm ý tưởng, rồi nộp đơn cho những trại sáng tác quốc tế để có chỗ ở, chỗ vẽ. Nhưng khi có studio này rồi thì tôi xin nói rằng Lê Kinh Tài sẽ không đi đâu nữa, không triển lãm nữa.

Đối với những họa sĩ trẻ nhiều nhiệt huyết, tôi có thể mời họ đến đây. Studio có hai phòng cho khách ở lại, họ sẽ cùng làm việc với tôi. Tôi sẽ nói với họ rằng anh không thể chỉ các em cách trở thành họa sĩ, nhưng anh có thể chỉ em cách thức để đi.

Studio rộng 400m2 được Lê Kinh Tài xây bằng thu nhập 20 năm làm nghề - Ảnh: Tiến Long
Studio rộng 400m2 được Lê Kinh Tài xây bằng thu nhập 20 năm làm nghề - Ảnh: Tiến Long

* Là người từng dự nhiều trại sáng tác quốc tế, anh có kinh nghiệm nào để chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ?

- Những trại như vậy không phải dành cho những họa sĩ giỏi nhất. Họ chọn những họa sĩ có ý tưởng thuyết phục và làm việc chuyên nghiệp. Vì vậy, hãy mạnh dạn đưa ra ý tưởng của mình.

* Xem tranh anh, người thích thì cảm thấy hạnh phúc, như được giải thoát mọi đè nén, stress. Nhưng người không quen nhìn những con người nhe răng, xù lông xù lá… của anh, nửa đêm đang ngủ bỗng bật dậy vì ám ảnh. Anh đón nhận điều đó như thế nào?

- Không sao cả, đó là tùy gu thẩm mỹ của mọi người. Không có chuyện vui buồn ở đây. Mà gu thẩm mỹ cũng là điều cần phải học. Như trước đây, học đến năm cuối đại học tôi vẫn không thấy tranh Picasso đẹp. Phải khi đứng trong phòng tranh ông ở Bảo tàng đương đại Moma (New York, Mỹ), tôi mới kinh sợ sức tự do sáng tạo của người họa sĩ thế nào.

Tôi vẫn đi xem tranh của những họa sĩ theo lối đẹp mượt mà và vẫn thấy đẹp. Vấn đề là con người anh thế nào thì tranh anh thế ấy.

* Từng đi nhiều, anh có thể cho biết xu hướng mỹ thuật của công chúng thế giới nghiêng về tranh thương mại hay tranh của họa sĩ tìm tòi như anh?

- 95% vẫn là tranh thương mại thôi. Nhiều người ở ta cứ thấy họa sĩ bán được tranh là gán ghép rằng: tranh chợ. Tôi thì cho là do con đường tìm tòi của họ chưa được mãn mà thôi. Với họa sĩ, quan trọng là biết mình thuộc về dòng nào, kênh nào. Ví dụ bản thân tôi, ở Việt Nam bói không ra gallery nào có tranh Lê Kinh Tài. Tranh của tôi dành cho những nhà sưu tập.

* Công chúng mỹ thuật Việt Nam đã ít, người mua tranh cũng ít hơn. Thường họ chỉ chơi dòng tranh với giá dăm ba ngàn USD, trong khi tranh anh vượt xa giá đó. Làm sao họ có thể mua tranh Lê Kinh Tài?

- Với người Việt Nam tôi có thể bán với giá đó. Không phải là tôi đang PR cho chuyện bán tranh đâu. Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam, nhiều người đủ sức có tiền mua tranh.

* Xin cảm ơn anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận