“Tạp ghi” những điều tinh túy

TÙNG PHONG 23/07/2016 01:07 GMT+7

TTCT - Ở tuổi 95, ông trao tặng bạn đọc một cuốn sách mới: Tạp ghi Việt sử địa (NXB Trẻ), ghi chép công phu trên nhiều lĩnh vực: địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... trong đó nhiều tạp ghi chưa từng công bố.

M.N.
M.N.


Ngoài giá trị thiết thực về tư liệu lịch sử, địa lý, văn hóa, cuốn sách được viết bằng lối văn gần gũi, súc tích, cô đọng nhằm khơi gợi bạn trẻ thêm yêu, thêm tò mò và hứng thú với lịch sử đất nước, những điều mà tác giả - nhà nghiên cứu địa lý học lịch sử Nguyễn Đình Đầu - kỳ vọng khi xuất bản tập sách này.

Nổi tiếng là nhà nghiên cứu khoa học uyên bác, nghiêm túc, tỉ mỉ và cẩn thận, xuyên suốt 350 trang cuốn sách Tạp ghi Việt sử địa, tác giả đưa người đọc ngoạn du trong khu vườn tri thức rộng lớn từ lịch sử, địa lý tới báo chí, tiền tệ, văn hóa, đôi khi là những dòng hồi ức, kỷ niệm chân thực.

Với kiến thức sâu rộng, lập luận sắc sảo, bố cục rõ ràng trong từng tạp ghi, tác giả cung cấp cho người đọc vô vàn thông tin thú vị, hữu ích và những phát hiện mới trong nghiên cứu sử học, địa lý học của nước nhà.

Sử học

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 (giấy khai sinh ghi 1923) tại Hà Nội, từng học Trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941) và Đại học Công giáo Paris (1951-1953). Ông là bí thư Bộ Kinh tế trong Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945. Ông là tác giả của hàng trăm công trình (sách đã xuất bản và bài báo bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh), nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ và một số sách về địa chí văn hóa TP.HCM, các tỉnh Nam bộ, Trung bộ. Ông từng được nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu và Giải thưởng Phan Châu Trinh.

Tạp ghi Việt sử địa cung cấp cho người đọc những tạp ghi ngắn khai thác từ nguồn tư liệu Pháp văn giá trị, phần nào bổ khuyết cho lịch sử nước nhà. Đó là báo cáo tổng kết tình hình kinh tế Đại Việt năm 1512-1515 của kinh tế gia Bồ Đào Nha Tomé Pires.

Một báo cáo kinh tế viết cách nay gần 500 năm, thế nhưng đọc kỹ vẫn còn thời sự: mặt hàng may mặc xuất khẩu của ta vào thế kỷ thứ 16 rất trọng yếu, chỉ đứng thứ hai sau dầu thô. Với mô tả kỹ càng: “Họ [tức Đại Việt] có đủ mặt hàng tơ lụa loại hảo hạng, vừa dài vừa rộng vừa mịn màng hơn bất cứ nơi đâu và cả ở nước ta (Bồ Đào Nha).

Họ có những thứ hàng đũi nhuộm màu tốt nhất và có rất nhiều ở đây. Đó là những mặt hàng tinh xảo và hoàn mỹ được dệt không một lỗi sai như các xứ khác”. Đôi khi là tạp ghi nêu giả thuyết về nguồn gốc địa danh Sài Gòn, khẳng định dải đất Việt Nam hình chữ S là một đất nước thống nhất và toàn vẹn với Thăng Long thành là gốc, Gia Định thành là ngọn.

Địa lý

Là một nhà nghiên cứu địa lý học lịch sử, với kho tư liệu đồ sộ, cách phân tích sắc sảo, tác giả đã đưa ra nhiều kiến giải và tư liệu mới như: Phải chăng bản đồ Alexandre de Rhodes 1650 vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490 và có ghi địa điểm Hoàng Sa (Pulo Sisi);

Tổng kết nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn; Góp phần nghiên cứu vấn đề đo, đong, cân, đếm của Việt Nam xưa; Trồng lúa là trọng điểm của nền kinh tế đồng bằng sông Mê Kông...

Có những tạp ghi vừa đầy tính thời sự vừa khoa học như Lịch sử về hệ thống kênh rạch thoát nước thành phố, khái lược lịch sử hệ thống kênh rạch này từ Bản đồ Trần Văn Học 1815, Sơ đồ Coffyn 1852, Bản đồ Cảng Sài Gòn 1864, Bản đồ thành phố Sài Gòn 1867, Bản đồ Sài Gòn Chợ Lớn và phụ cận 1872...

Những tư liệu này có thể giúp ích nhiều cho các nhà hoạch định chính sách trong xây dựng hệ thống chống ngập, thoát nước của Sài Gòn đương đại.

Các nhân vật “công tội khác nhau”

Trong số 25 tạp ghi được xuất bản lần này, xuất hiện một vài nhân vật lịch sử rất đáng được quan tâm nhưng lại ít khi được nhắc tới trong giới sử học.

Đó là nhà hàng hải Vasco de Gama sinh năm 1469 tại Alentejo (Bồ Đào Nha), người mở đường biển sang Viễn Đông truyền giáo và giao thương. Hay Hoàng Hữu Xứng - tổng lý biên tập cuốn sách Đại Nam cương giới vựng biên - một cuốn sách vô cùng giá trị hiện lưu lạc bên Pháp, từng được học giả Đào Duy Anh nhắc tới trong chuyên khảo Đất nước Việt Nam qua các đời.

Hay trong tạp ghi Nhà lao An Nam ở Guyane - một kiếp thề ghi với nước non, ta biết thêm về thân thế cuộc đời của chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - người nghe nói có phong trào Đông Du thì hăm hở xuất dương, tới Hương Cảng bị Pháp bắt rồi đày đi Guyane ở Nam Mỹ, sau đó trốn thoát về Trung Hoa, rồi cả gan về ngay Cao Lãnh tổ chức một đảng cách mạng.

Việc thất bại, ông phải trốn lên dạy học ở một miền giáp ranh Miên Việt. Về sức vùng vẫy và tính mạo hiểm của ông, ít ai bì kịp.

Văn hóa, giáo dục, tiền tệ

Trong Tạp ghi Việt sử địa, người đọc còn thấy được một Nguyễn Đình Đầu với những nghiên cứu nghiêm túc về giáo dục, tiền tệ, báo chí của Sài Gòn - Gia Định. Tạp ghi Giáo dục ở Sài Gòn - Gia Định thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn và Pháp thuộc tổng thuật chi tiết về tình hình giáo dục của Sài Gòn xưa, với chân dung những nhà nho tiêu biểu dưới thời các chúa Nguyễn (1698-1802), hay dưới thời Pháp thuộc (giai đoạn 1859-1917);

những dò dẫm tổ chức giáo dục bước đầu của Soái phủ Nam kỳ từ 1860 đến 1874; tình hình giáo dục ở Sài Gòn thời Pháp tái xâm lược Việt Nam (1954-1955)... đều là những nội dung rất thú vị, sẽ có giá trị với độc giả, với các nhà hoạch định giáo dục.

Có khi là những tạp ghi gợi mở nhiều hướng cho các nhà nghiên cứu như Sưu tầm và nghiên cứu ảnh hưởng của Gia Định báo (tờ báo quốc ngữ lớn của Việt Nam), Paul Bert lập Hàn lâm viện Bắc kỳ cung cấp tư liệu cho giới nghiên cứu về nguyên văn bản nghị định thành lập Bắc kỳ hàn lâm viện bằng tiếng Pháp mà Tổng trú sứ Bắc kỳ và Trung kỳ Paul Bert trực tiếp ký vào ngày 3-7-1886. Hay khái lược về Tiền tệ Sài Gòn từ 1859 đến 1954.

Hồi ức, kỷ niệm

Người đọc sẽ có những phút giây lắng đọng khi bắt gặp những tạp ghi chứa hồi ức, kỷ niệm của tác giả. Đó là Ghi nhớ những ngày lịch sử từ 19-8 đến 2-9-1945; hay Được tin chiến thắng Điện Biên Phủ khi ở giữa đường phố Paris; Hồi ức của một thanh niên Công giáo về Hiệp định Genève; Tường thuật của người trong cuộc (kỷ niệm ngày 29 và 30-4-1975), về Nạn đói năm 1945.

Gọi là hồi ức, nhưng trong đó cũng chất chứa nhiều thông tin hữu ích để chúng ta ngày nay thấy được một quá khứ đau thương của dân tộc, thấy được tội ác của chiến tranh mà thêm trân quý hòa bình, tự do.

Tạp ghi Việt sử địa toát lên nhân cách của một trí thức cả đời dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, một đời tận tụy chở chữ cho đời. Khép lại những tạp ghi, những điều tinh túy vẫn còn đọng trong tâm khảm.■

 

Trong tạp ghi Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa, tác giả đã khái lược dễ hiểu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ lịch sử Nam tiến của dân tộc ta và Biển Đông; Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa dưới thời Lê, thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, thời nhà Nguyễn; thời Pháp thuộc; thời Việt Nam dân chủ cộng hòa và thời Việt Nam cộng hòa; từ 1975 đến nay; hay cả những tấm bản đồ cổ và tư liệu phương Tây ghi nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam; chỉ ra những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những tư liệu vô cùng hữu ích, quý báu, cần thiết và thiết thực trong việc chứng tỏ chủ quyền không ai có thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận