27/02/2009 14:49 GMT+7

Tăng sản nội mạc tử cung và nguy cơ ung thư

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA
ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA

TTO - Tháng 9-2008 tôi bị rong kinh kéo dài, khi khám bệnh tại Bệnh viên Đại học Y dược TP, kết quả siêu âm nội mạc tử cung dày 16mm. Sau đó tôi đã được bác sĩ chỉ định nạo sinh thiết để xét nghiệm. Kết quả có ghi vi thể: nội mạc có hiện tượng tăng sản mô đệm và ống tuyến; các ống tuyến giãn rộng, tạo bọc, lót thượng mô trụ cao, nhân tăng sắc và phân bào.

Kết luận: tăng sản đơn thuần nội mạc tử cung, và BS điều trị đã cho tôi uống thuốc 4 tháng (2 loại thuốc: Orgametrl và Belajeap). Sau 4 tháng điều trị, ngày 3-2-2009 tôi có đi tái khám, qua siêu âm thì nội mạc tử cung dày 2mm.Vậy cho tôi được hỏi:1) Bệnh của tôi có phải tiền ung thư nội mạc tử cung hay không? Có chữa khỏi được không?

QUYEN DO

- Trả lời của phòng mạch online:

Tăng sản nội mạc tử cung là sự tăng sinh của các tuyến với kích thước và hình dạng không đều đặn kèm sự tăng tỉ lệ tuyến/mô đệm khi so với nội mạc tử cung ở giai đoạn phát triển (giai đoạn nội mạc tử cung ở nửa chu kỳ sau của chu kỳ kinh nguyệt).

Tổ chức Y tế thế giới chia tăng sản nội mạc tử cung thành 4 loại lớn:

Tăng sản điển hình (không có tế bào không điển hình nghĩa là không có tế bào có nhân dị dạng hay phân chia bất thường):

1. Tăng sản đơn giản

2. Tăng sản phức tạp (thay đổi cấu trúc)

Tăng sản không điển hình (có tế bào không điển hình)

3. Tăng sản đơn giản không điển hình

4. Tăng sản phức tạp không điển hình (với cấu trúc và tế bào học không điển hình)

Nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung chuyển thành ung thư nội mạc tử cung:

Loại tăng sản nội mạc tử cung

Nguy cơ ung thư

-Tăng sản đơn giản

- Tăng sản phức tạp

- Tăng sản đơn giản không điển hình

- Tăng sản phức tạp không điển hình

1%

3%

8%

30%

Như vậy dạng tăng sản điển hình (loại 1 và loại 2) không có các tế bào nhân dị dạng- tế bào không điển hình thì nguy cơ tiến triển thành ung thư chỉ 1-3% nên hướng điều trị sẽ là điều trị progestins. Siêu âm sẽ là biện pháp theo dõi dựa theo đo bề dày nội mạc tử cung. Tùy theo cải thiện lâm sàng (biểu hiện bởi tình trạng rong huyết), có thể cần can thiệp soi buồng tử cung hay nạo kiểm tra sau 3 tháng. Riêng đối với người tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh có tăng sản phức tạp, điển hình thì có thể cân nhắc chỉ định cắt tử cung.

Ngược lại dạng tăng sản không điển hình (loại 3 và loại 4) có nguy cơ chuyển thành ung thư 8-30% cho nên khuynh hướng điều trị sẽ là cắt tử cung. Nhưng nếu người phụ nữ còn trẻ, hay chưa đủ con thì sẽ cố gắng điều trị bằng thuốc, nếu tình trạng không cải thiện sẽ cắt tử cung.

Trong trường hợp của chị tăng sản nội mạc đơn giản - không ghi rõ điển hình hay không điển hình nên khó xác định nguy cơ tiến triển ung thư. Tuy nhiên, hiện tại bệnh đang đáp ứng tốt với thuốc điều trị, chị nên theo dõi sát tại bệnh viện theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện kịp thời bệnh tái phát.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên