Tăng học phí: Dịch vụ phổ quát và các giải pháp mềm

TRUNG TRẦN 10/06/2022 05:00 GMT+7

TTCT - Việc đề xuất tăng học phí tất cả các cấp học phổ thông ở hai thành phố lớn nhất nước mới đây, Hà Nội và TP.HCM, dường như là chẳng đặng đừng, dù có nhiều ý kiến phản đối - bởi tình hình khó khăn chung của toàn xã hội sau dịch, lạm phát, giá xăng dầu tăng, và những tai ương bất ngờ trên thế giới. Nhưng có thể có một cách nhìn khác?

Mức học phí, nói ví dụ cho cấp trung học cơ sở hiện tại gần như không có ý nghĩa với thu nhập của đa số người dân: 120.000 đồng/tháng. Học phí lại không phải khoản chiếm tỉ lệ lớn nhất trong chi phí giáo dục. 

Để con cái được ngồi lớp, phụ huynh cần đóng thêm xấp xỉ 10 loại phí khác: xây dựng cơ sở vật chất, bán trú, tăng cường tiếng Anh, tin học... tổng cộng trên dưới 1 triệu với trường công trung bình.

 
 Giáo dục công lập các cấp học cơ sở nên là miễn phí hoàn toàn và có tính phổ quát. Ảnh: Duyên Phan

Khó giải thích

Học phí do đó chỉ chiếm khoảng 1/4 số tiền nhà trường thực thu từ học sinh. Nó không phải là vấn đề của một số địa phương - bằng chứng là có nơi đã bỏ luôn việc thu học phí các cấp học phổ thông, như Hải Phòng (và đề xuất nhưng không được chấp nhận của TP.HCM).

Giáo dục phổ thông là một dịch vụ cơ bản phổ quát mà nhà nước hiện đại cung cấp cho người dân. Do là cơ bản phổ quát nên nó có tính... cào bằng, xét về đại thể. 

Việc tăng học phí dù là 300% hay 30% bao giờ cũng gây ra phản ứng từ xã hội, bởi khoảng cách thu nhập của nhóm người không có đủ tiền nộp học phí và nhóm người không quan tâm lắm đến việc trả thêm vài trăm ngàn một tháng là quá xa.

Kể từ năm 1990, khi khái niệm trường bán công ra đời - khởi điểm cho việc xã hội hóa, hay chính xác hơn là tư nhân hóa, giáo dục, người dân có thu nhập cao có quyền hưởng một dịch vụ giáo dục tốt hơn - ít nhất là về cơ sở vật chất và điều kiện học tập, nếu trả học phí cao hơn.

Mức chênh lệch chi phí giữa trường dân lập và công lập - tính cho cấp phổ thông, gấp 5-10 lần là chuyện bình thường, nếu lấy con số khiêm tốn 10 triệu đồng mỗi tháng các trường tư tốp giữa, ở TP.HCM hoặc Hà Nội. 

Nhìn vào mức học phí trường tư, ta có thể thấy giáo dục phổ thông hầu như vẫn được Nhà nước bao cấp. Đương nhiên là tiền lấy từ thuế.

Việc tăng học phí, dù là 250% về tỉ lệ, quy ra số tuyệt đối chỉ là 180.000 đồng, xét cho trường hợp học phí trung học phổ thông nhóm hai: từ 120.00 lên 300.000 đồng. Số thu được sau khi tăng - nếu tính một trường có khoảng 1.000 học sinh, tương đương 180.000 triệu đồng/tháng, hay khoảng 1,6 tỉ đồng/ năm. 

Với 1,6 tỉ đồng này cho cơ sở vật chất của một ngôi trường khoảng 30 lớp học, chúng ta hi vọng gì vào việc trường sẽ xanh sạch đẹp hơn, thầy cô giáo sẽ bớt vất vả hơn để tập trung vào việc dạy dỗ?

Nên xóa bỏ học phí giáo dục công lập

Chúng ta cũng khó thể đồng tình với ý kiến rằng tăng gấp 3 lần học phí thì chất lượng phòng ốc và giáo viên phải tăng tương ứng. Điều này chỉ đúng khi toàn bộ ngân sách nhà nước dành cho giáo dục tăng gấp ba, mà chuyện đó thì rất ít liên quan đến việc tăng học phí. 

Không cơ quan công quyền nào hi vọng tăng học phí đại trà để thực sự nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và năng lực giảng dạy.

Học phí là loại phí được điều chỉnh bởi Luật thuế và phí, nhằm bổ sung một phần cho ngân sách nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp. Nó được kiểm soát bởi cơ quan đại diện của dân là hội đồng nhân dân. Việc điều chỉnh tăng như kế hoạch hiện nay, mục đích chính là duy trì ý nghĩa thực tế của loại phí này. 

Xét về ảnh hưởng nguồn thu, TP.HCM hoàn toàn có thể bỏ không thu khoản này, bởi nó chỉ tương đương số tiền thu ngân sách của TP trong... 6 giờ đồng hồ (1.000 tỉ đồng mỗi ngày).

Tự do - bình đẳng là diễn ngôn mang tính lý tưởng, nhưng cũng mang tính mâu thuẫn. Tự do hàm ý có quyền lựa chọn, trong khi bình đẳng mang tính trung bình hóa. Xét cụ thể trong câu chuyện học phí, mức học phí tăng chấp nhận được là mức đa số đồng ý, trên cơ sở thu nhập trung bình. 

Nó không thể thấp quá, bởi đồng tiền phải ra tấm ra món thì mới làm được việc. Nó cũng không thể cao quá, đến mức vượt tầm của đa số người dân. Vấn đề là có thể hỗ trợ số ít người bị ảnh hưởng thực sự bởi việc tăng học phí như thế nào?

Đấy là nguồn hỗ trợ gia đình khó khăn, quỹ khuyến học của chính quyền hoặc cá nhân, dòng họ... Có thể tin rằng xã hội có tiền để chi, nhưng nan giải là làm sao để huy động được những khoản tiền đấy. 

Nhà nước cũng cần minh bạch hơn chi ngân sách cho giáo dục, để bớt lãng phí, nói ví dụ trong phát hành sách giáo khoa và sách tham khảo, hay loay hoay chắp vá sửa đổi chương trình... để dành nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho người học.

Nếu được lựa chọn một giải pháp triệt để, bỏ hẳn học phí các cấp giáo dục phổ thông công lập sẽ là tốt nhất, như Nhà nước từng làm tương tự với một loại thuế phí khác: thuế nông nghiệp.■

Xã hội hóa chi phí ở trường công lập thường gặp những khó khăn rất oái oăm. Ví dụ câu chuyện lắp máy lạnh cho lớp học. Hầu hết phụ huynh đồng ý sẽ bỏ tiền trang bị máy lạnh cho lớp. 

Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh khi thảo luận đến chi phí tiền điện hằng tháng và bảo trì, bảo dưỡng, rồi khi kết thúc năm học, nếu các con chuyển sang học một phòng khác thì máy lạnh đã lắp sẽ giải quyết thế nào… 

Giáo viên chủ nhiệm không hào hứng giải quyết vấn đề này, và cũng không vị hiệu trưởng nào muốn đưa ra giải pháp mà kiểu gì cũng vướng mắc quy chế thu chi. Kết cục thường thấy là học sinh sẽ tiếp tục chịu nóng, dù bố mẹ sẵn sàng bỏ tiền!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận