Tăng cước 3G: Khi nhà mạng có rất nhiều quyền

TỪ PHONG 29/10/2013 01:10 GMT+7

TTCT - Hiếm khi nào dư luận xã hội đồng thuận cao như trong trường hợp phản đối các nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G vào tháng 10 này. Một phần có thể do dư luận hiện nay chủ yếu được tạo ra trên các mạng xã hội, nơi hầu hết thành viên đều ít nhiều có sử dụng 3G.

Chính phủ yêu cầu kiểm tra vụ tăng cước 3G

Phóng to

Mặc dù mức tăng giá quá sốc này quả là khó biện giải, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, thu nhập của người dân suy giảm lại còn phải chịu thêm rất nhiều loại thuế và phí, nhưng về phía nhà mạng không phải không có lý do hợp lý nào cho việc họ buộc phải bất chấp khách hàng để hành xử như vậy.

Lãi bao nhiêu cho đủ?

Lợi nhuận của Viettel, VNPT nói chung và Vinaphone, MobiFone nói riêng vẫn đang ở mức rất cao, thậm chí có thể nói là đặc biệt cao trong tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế nước nhà. Lợi nhuận của Viettel sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định đã lên con số 27.000 tỉ đồng - gấp ba lần lợi nhuận của VNPT.

Tổng doanh thu của hai mạng di động MobiFone và Vinaphone do VNPT quản lý năm 2012 đạt 66.379 tỉ đồng, đóng góp hơn nửa doanh thu của VNPT trong năm 2012 và tổng lợi nhuận đạt 8.660 tỉ đồng. Nhưng so với kết quả kinh doanh năm 2011 (10.000 tỉ đồng, tăng 6,15% so với năm 2010), mức lợi nhuận này đã suy giảm đáng kể.

Trên thực tế, lợi nhuận của tập đoàn này năm 2011 đạt mức tăng trưởng âm. Trước đó, năm 2010, VNPT công bố đạt lợi nhuận 11.200 tỉ đồng trên tổng doanh thu 101.569 tỉ đồng; năm 2009 lợi nhuận là 13.500 tỉ đồng.

Có thể thấy rất rõ sự suy giảm mạnh và đều đặn về lợi nhuận của VNPT trong nhiều năm gần đây, và con số lợi nhuận từ MobiFone mặc dù tăng trưởng rất chậm nhưng ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong lợi nhuận chung của tập đoàn. Năm 2012, lợi nhuận do MobiFone mang về đã chiếm đến 77,6% tổng lợi nhuận VNPT.

Như vậy, bài toán sống còn của tập đoàn một thời oanh liệt này là phải giữ bằng được lợi nhuận của MobiFone và Vinaphone. Chỉ thêm vài năm giảm lợi nhuận nữa thôi là VNPT sẽ đau đầu với dòng tiền và các dự án tương lai của mình.

Trăm dâu đổ đầu tằm!

Về phía người dùng, khi thiếu vắng các định chế trung gian để có thể tự bảo vệ túi tiền của mình hữu hiệu hơn trong cuộc chiến không cân sức này với các “anh lớn” đang chiếm hơn 90% thị phần viễn thông, có lẽ rồi cũng sẽ buộc phải chấp nhận mức cước phí mới. Trừ khi một phần lớn trong số họ nhân cơ hội này xem lại có thật sự cần phải online nhiều đến thế hay không, có cần trả lời ngay lập tức mọi email, chat cả khi ngồi trong nhà vệ sinh, cập nhật liên tục tâm trạng và hình ảnh các đĩa thức ăn lên Facebook không?

Nếu như sự ra đời của điện thoại di động đã giết chết các dịch vụ công nghệ cũ của VNPT như thư tín và điện thoại cố định, thì Google, Facebook, Viber và hàng loạt dịch vụ khác trên nền tảng Internet đang đặt sự tồn tại của VNPT trước đe dọa cuối cùng.

Nếu ngay hôm nay xuất hiện những hạ tầng công nghệ mới, phủ sóng toàn cầu, cho phép truyền nhận miễn phí (hoặc phí cực thấp), tín hiệu truy cập vào Internet từ trên vệ tinh hoặc trên khinh khí cầu (Project Loon) như Google đang theo đuổi, thì khách hàng cá nhân chẳng ai có nhu cầu sử dụng dịch vụ của VNPT nữa.

Mọi thứ đang được số hóa, các hàng rào vật lý ngày càng ít ý nghĩa, và những ưu thế doanh nghiệp có được do bảo hộ của Nhà nước có thể tan biến trong khoảnh khắc ra đời những công nghệ mới.

Đã có những dự đoán rằng một ngày nào đó không xa, người ta sẽ không nhắn tin hay gọi điện thoại cho nhau theo kiểu cũ nữa, và chỉ dùng các dịch vụ miễn phí trên Internet, đến lúc ấy thì toàn bộ doanh thu của nhà mạng sẽ chỉ đến từ 3G và quảng cáo. Bởi xu hướng này đang trở nên ngày một thịnh hành trong giới trẻ, nhiều bạn trẻ sử dụng trang web cá nhân như bản sao ảo của mình trên không gian ảo, và tất cả các liên lạc với thế giới bên ngoài đều được thực hiện qua bản sao đó.

Một tương lai toàn cầu hóa toàn bộ giao tiếp giữa các thực thể trên thế giới sẽ đẩy các công ty địa phương như VNPT trước nguy cơ mất sạch doanh thu từ các dịch vụ đang và sẽ trở thành cổ lỗ, lạc hậu như tin nhắn và cuộc gọi. Vì vậy, có thể hiểu rằng trong thời gian trước mắt, VNPT chẳng có con đường nào khác ngoài việc tăng giá dịch vụ 3G đang ăn mạnh vào doanh thu các dịch vụ còn lại của họ.

Một trong những lý do được nhà mạng đưa ra trong đợt tăng giá lần này là “thực hiện theo quy định của Nhà nước về giá dịch vụ viễn thông không được thấp hơn giá thành” và lần tăng cước 3G này nhằm đưa giá bán tiệm cận với giá thành. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp nhà nước vốn là một khái niệm khá trừu tượng.

Nếu như doanh nghiệp bình thường phải chấp nhận giá do thị trường quyết định và tìm cách sản xuất với giá thấp hơn cho có lãi, thì nhiều doanh nghiệp nhà nước lại tính một bài toán theo chiều ngược lại. Không biết cái gọi là giá thành ấy có hợp lý không, có thể cắt giảm không, chẳng hạn bằng cách sa thải nhân viên hoặc điều chuyển nguồn lực từ các mảng đang thua lỗ qua mảng đang tăng trưởng, hoặc cắt giảm lương và bỏ những dự án không hiệu quả?

Và cũng không rõ là giá thành 3G có phải gánh chịu các khoản chi phí từ những mảng đang thua lỗ, đang giảm mạnh lợi nhuận hay không. Liệu người tiêu dùng có phải trả giá cho những quyết sách sai lầm và tổ chức cồng kềnh, chi tiêu lãng phí, quản lý yếu kém của doanh nghiệp hay không?

Trong giai đoạn từ năm 2006-2011, VNPT triển khai thực hiện gần 42.000 dự án đầu tư. Rất nhiều dự án không hiệu quả. Rất nhiều dự án thua lỗ thê thảm. Trong đó có dự án cáp đồng còn tồn kho vật tư cáp các loại trị giá gần 70,5 tỉ đồng, dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao hết tổng cộng hơn 168,5 tỉ đồng. Hai dự án vệ tinh Vinasat I và Vinasat II có tổng mức đầu tư 9.280 tỉ đồng, thì Vinasat I tính đến năm 2011 đã lỗ trên 1.588 tỉ đồng, lỗ vượt dự kiến 329 tỉ đồng. Dự án Vinasat II được đánh giá có mức độ khai thác tốt nhưng vẫn lỗ 62-130 triệu USD, trường hợp xấu có thể lỗ tới 216 triệu USD.

Nhiều khoản đầu tư khác của VNPT cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cụ thể nào. Trong giai đoạn 2006-2010, VNPT thực hiện điều tiết doanh thu đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc, dẫn đến kết quả kinh doanh phản ánh trên báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp không đúng, một số doanh nghiệp kinh doanh thực tế có lãi nhưng do điều tiết doanh thu dẫn đến bị giảm lãi hoặc lỗ.

Điển hình là Công ty Dịch vụ viễn thông năm 2008 lãi 4.350 tỉ đồng nhưng khi bị điều tiết thì dẫn đến lỗ 1.544 tỉ đồng. Trong khi Viettel hằng năm vẫn tăng mạnh lợi nhuận còn VNPT thì giảm dần, như vậy nguyên nhân việc kinh doanh sa sút của VNPT không bắt nguồn từ việc cước 3G “quá thấp” như họ giải thích, mà cần xem xét đánh giá ở phạm vi rộng hơn. Khách hàng không phải là đối tượng duy nhất phải gánh chịu những sai lầm kinh doanh của doanh nghiệp.

Để có được một VNPT to lớn như ngày nay, đã có hàng triệu người phải trả trong hàng chục năm liền những mức phí rất cao cho các dịch vụ do doanh nghiệp này cung cấp. Và thật đáng tiếc nếu một lần nữa người dân lại phải bù đắp cho doanh nghiệp này có thể hoạt động hiệu quả và có tiền đầu tư vào các dự án mới.

Tuy nhiên, với tư duy của những người kinh doanh lâu năm trong thị trường độc quyền thì có lẽ giữ lợi nhuận bằng cách tăng giá trong một thị trường có thể xin tăng được sẽ đơn giản hơn là những cuộc tái cấu trúc công ty đầy đau đớn, những cuộc đại phẫu cắt xén chi phí và thay máu nhân sự, hay những kế hoạch công nghệ phức tạp và đầy rủi ro để cho ra đời các sản phẩm mới - vốn là những việc mà tất cả doanh nghiệp bình thường cần nghĩ đến trước tiên khi kết quả kinh doanh không đáp ứng mong muốn của chủ sở hữu.

Không dùng thì thôi!

Do biết khách hàng chắc là không thể chạy đi đâu được, và dù kêu ca thế nào thì cuối cùng cũng phải chấp nhận sử dụng dịch vụ 3G của mình nên các nhà mạng rất tự tin tuyên bố rằng lần tăng cước này mới chỉ là “bước đầu” của một lộ trình dài hạn.

Dường như nhà mạng đã có chủ định sẽ phải lấy được từ mỗi khách hàng một con số trung bình nào đó hằng tháng, và nếu như khách hàng vẫn từ chối sử dụng dịch vụ nhắn tin và gọi thoại thì sẽ phải bù đắp lại cho họ bằng phí sử dụng 3G. Nói cho cùng thì bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới cũng sẽ hành động như thế, nếu họ được phép hành động như thế.

Lịch sử của thế giới công nghệ cho thấy những doanh nghiệp non trẻ như Apple, Facebook, Google đã rất nhanh chóng vươn lên vị thế hàng đầu thế giới, bỏ lại sau lưng các đại gia từng độc chiếm thị trường như IBM, Bell, WorldCom (tập đoàn viễn thông đường dài lớn thứ hai Mỹ đã phải đệ đơn xin phá sản năm 2002 và đổi sang tên MCI)... do họ thật sự dành toàn bộ nguồn lực của mình cho việc cung cấp các sản phẩm mới với mức giá ngày càng rẻ cho khách hàng.

Đương nhiên, họ xa lạ với kiểu kinh doanh tính ngược từ quyền lợi của mình ra giá bán hàng - điều sớm muộn cũng đưa doanh nghiệp vào những chu kỳ khủng hoảng tất yếu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận