28/01/2012 03:01 GMT+7

Tăng ca xuyên tết

M.TRƯỜNG - B.SƠN
M.TRƯỜNG - B.SƠN

TT - Trong cái vắng ngắt của ngày tết, ở các khu công nghiệp - khu chế xuất tại TP.HCM vẫn có những công nhân đạp xe đến công ty để làm tăng ca xuyên tết. Không chỉ tăng ca vào mồng 1, mồng 2, mồng 3 mà ngay cả thời khắc giao thừa họ vẫn miệt mài sản xuất.

DyhhpA3x.jpgPhóng to

Các nhân viên nhà ăn của Công ty FAPV phục vụ công nhân tăng ca xuyên tết - Ảnh: Đình Dân

Chiều mồng 1 tết, chúng tôi gặp ba nữ công nhân trẻ là Võ Thị Phượng, Đỗ Thị Mến và Ngô Thị Thanh Trà của Công ty FAPV đang dẫn xe từ xóm trọ vào Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, Q.7. Mỗi người một quê, người ở miền Tây, người miền Trung, nhưng tất cả đều không về quê ăn tết mà ở lại tăng ca xuyên suốt mùa tết.

Tiếng pháo hoa trong nhà xưởng

Xe buýt không nghỉ tết

Gặp chúng tôi trong buổi sáng mồng 1 tết, anh Nguyễn Đức Phú, tài xế xe buýt tuyến Thủ Dầu Một - bến xe miền Đông, bộc bạch: “Nhiều lúc nhìn gia đình người ta vui vầy du xuân tôi cũng chạnh lòng khi nghĩ vợ con đang ở nhà một mình. Nhưng cảm giác được phục vụ, được mang lại niềm vui cho nhiều người trong những ngày tết làm tôi cảm nhận được một nguồn động viên lớn trong công việc”.

Trong khi đó, một nữ tiếp viên xe buýt rưng rưng nói: “Những ngày này xe buýt chạy qua các tuyến đường trong thành phố, nhìn qua cửa xe thấy nhiều đứa trẻ được gia đình chở đi chơi, tay cầm bong bóng khiến tôi thấy thương con mình đến chảy nước mắt...”.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã tăng cường hơn 590 chuyến xe buýt trong dịp tết năm nay để phục vụ nhu cầu người dân. Hình ảnh những chuyến xe buýt vẫn chạy đều đặn trong những ngày tết khiến người dân xúc động khi cảm nhận được sự phục vụ tận tụy của đội ngũ lái xe, tiếp viên và cả hệ thống điều hành xe buýt.

Ngày bình thường cả Phượng, Mến và Trà làm từ 6g-18g, nếu tăng ca nhiều mỗi tháng lãnh được khoảng 4 triệu đồng. Nhưng ngày tết họ làm từ 18g hôm trước đến 6g sáng hôm sau sẽ được trả tiền công gấp bốn lần. Chính động lực này đã khiến họ quyết định ở lại TP.HCM làm tết chứ không về quê.

Trong gian phòng trọ nhỏ của Phượng, ngày tết nhưng chẳng có gì ngoài mấy bông hoa dại cô hái ở bờ mương trên đường đi làm về. Cô cho biết: “Người dân ở xóm trọ đón tết rộn ràng nhưng với chúng tôi thì khác, làm quần quật suốt đêm nên ngày về là ngủ vùi để đêm có sức đi làm tiếp. Đêm giao thừa chúng tôi đang làm thì nghe tiếng pháo hoa nổ đì đùng nhưng nhà xưởng che kín nên chẳng nhìn thấy gì. Lúc đó tự dưng nhớ ba mẹ, nhớ em út không chịu nổi...”.

Tại Công ty Nidec Tosok (KCX Tân Thuận), ngay trong đêm giao thừa 300 công nhân vẫn miệt mài làm việc trong phân xưởng. Anh Vũ Văn Đoàn - bảo vệ ca trực này - cho biết tranh thủ giờ nghỉ, một số dây chuyền công nhân tổ chức đón giao thừa bằng nước ngọt và bánh kẹo, khi tiếng pháo hoa hết nổ thì anh em bắt tay làm việc lại ngay”.

Mong năm mới sáng sủa hơn

Tối mồng 2 tết, anh Chí phải chở vợ là chị Hiền vào KCX Tân Thuận để làm ca đêm. Thấy chúng tôi hỏi chuyện, anh bảo ba ngày tết người ta dẫn vợ con đi đây đó, còn anh phải chở bà xã đi tăng ca nên chẳng vui sướng gì. Nghe chồng than thở, chị Hiền liền phân trần: “Nhưng làm trong ngày tết được trả gấp ba lần ngày thường”, tức một đêm bình thường chị được trả 250.000 đồng cho 12 tiếng làm việc, nhưng ngày tết được trả 700.000 đồng/đêm”.

Sau khi tan ca, nhiều nhóm công nhân đứng chờ xe buýt để trở về khu lưu trú. Chúng tôi nghe rõ giọng anh Phạm Dương Khang, quê ở Bạc Liêu, đứng chờ xe nhưng tranh thủ điện thoại về chúc tết cha mẹ ở quê nhà. Anh nói: “Ở lại ngày tết thiệt thòi một tí nhưng đổi lại được công ty trả công cao gấp bốn lần ngày thường và được thưởng thêm 300.000 đồng nữa”.

Theo Ban quản lý KCX-KCN TP.HCM, các công ty đăng ký tăng ca xuyên tết dựa trên sự thỏa thuận tiền công với công nhân như Công ty Nidec Tosok (có 800 công nhân đăng ký làm ba ca xuyên tết), Công ty FAPV (có trên 600 công nhân)... Lãnh đạo nhiều công ty đã đưa ra mức trả công tăng gấp bốn lần và thưởng thêm cho mỗi công nhân 300.000 đồng nên khá nhiều công nhân đã ở lại sản xuất cả mùa tết.

Những ngày không khí tết ngập tràn đường phố Sài Gòn, thật khó quên hình ảnh người công nhân đạp xe vào nhà xưởng làm việc quên cả niềm vui. Họ chỉ có một điều mong ước: việc làm và tiền công trong năm mới sẽ sáng sủa hơn năm cũ.

M.TRƯỜNG - B.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên