Tản mạn sau mùa thi

TRUONGUY 01/07/2012 02:06 GMT+7

TTCT - Triết gia đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng của Mỹ John Dewey từng cho rằng: "Nền giáo dục đích thực là nền giáo dục khuyến khích mọi năng lực của đứa trẻ, thông qua sự đòi hỏi của hoàn cảnh xã hội, mà trong đó đứa trẻ luôn tìm được chính mình.

Phóng to
Nếu lấy mục tiêu là vượt qua các kỳ thi, các em khác gì những cái máy bị nhồi nhét kiến thức? - Ảnh: Như Hùng

Trước đòi hỏi này, đứa trẻ được khích lệ để có thể hành xử như một thành viên đơn nhất, lộ diện từ tính cách độc đáo trong hành động và cảm xúc của chính nó, nhận biết được mình từ quan điểm lợi ích tập thể mà nó là thành viên".

Nhìn những gì mà nền giáo dục VN đang thực hiện - theo đuổi, có vẻ chưa thật sự hướng đến mục tiêu này. Nó vẫn nặng tính thi cử, thành tích hơn là "khuyến khích mọi năng lực của đứa trẻ". Nhào nặn, nhồi nhét, sáo rỗng là những gì đã và đang thực hiện ở các trường học, các cấp học.

Khi giáo dục được xã hội hóa, nó đẩy mục tiêu của nền giáo dục đi đến sự bế tắc của phương pháp. Hệ thống trường ngoài công lập đã và đang hình thành như một "thế lực" thật sự để cạnh tranh với các trường công lập, thậm chí là trường công lập có thương hiệu, nổi tiếng. Lấy mục tiêu gì để cạnh tranh? Vẫn là kết quả của các kỳ thi.

Ðể đạt được mục tiêu đó, họ đã biến những đứa trẻ thành những cái "máy cày" và thu nhận tất cả mọi kiến thức được nhồi nhét. Chỉ đạt một kết quả cuối cùng: vượt qua các kỳ thi. Mục tiêu "khích lệ để có thể hành xử như là một thành viên đơn nhất, lộ diện tính cách độc đáo trong hành động và cảm xúc..." hoàn toàn không thể tồn tại trong từng cá nhân đứa trẻ. Chúng được "đồng phục hóa". Từ ăn mặc bên ngoài đến những hành xử trong trường học luôn ở thế "khỏa lấp" khái niệm cá nhân - đơn nhất.

Ðề thi văn tốt nghiệp năm nay có ý hướng sự nhận thức của những đứa trẻ đến "thói giả dối". Nhưng xem ra mục tiêu đó khó đạt được, thậm chí phản tác dụng. Bởi khi thí sinh đặt bút để viết ra điều đó, "thói giả dối" tràn ngập ngay trước mắt. Và giấc mơ về những ai mong mỏi nền giáo dục đưa những đứa trẻ "nhận biết được mình từ quan điểm lợi ích tập thể mà nó là thành viên" trở nên tan biến.

NGỌC LỮ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận