Tái cơ cấu ngân hàng: Cần sự kiên định

LÊ XUÂN NGHĨA (*) 03/06/2014 19:06 GMT+7

TTCT - Hơn một thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, hệ thống ngân hàng (NH) đã phải hai lần tái cấu trúc. Thăng trầm đối với nhiều lĩnh vực kinh tế cũng là chuyện bình thường, nhưng đối với ngành NH, huyết mạch của nền kinh tế, tần suất thăng trầm ngắn như thế quả là điều đáng suy nghĩ.

Giảm lãi suất chỉ mới là một nửa của vấn đề... - Ảnh: Thanh Đạm

Còn nhớ vào năm 2001, chương trình tái cấu trúc NH lần thứ nhất được khởi động trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vừa thoát khỏi ngưỡng cận suy thoái 4% (1999), lần đầu tiên kinh tế rơi vào tình trạng thiếu phát với chỉ số CPI âm 1%, trong khi tỉ giá hối đoái tăng liên tục (đồng VN mất giá).

Đặc biệt, hệ thống NH thương mại phát triển khá nhanh trước đó cũng lâm vào tình trạng tiền khủng hoảng với khối lượng nợ xấu tính theo chuẩn kế toán VN khoảng 23.000 tỉ đồng (14,7%), gấp ba lần so với vốn điều lệ của các NH vào thời điểm đó. Gần như không năm nào lãnh đạo NH Nhà nước không phải trực thanh khoản vào dịp tết, tình trạng thiếu thanh khoản diễn ra không chỉ ở các NH cổ phần nhỏ mà cả các NH thương mại nhà nước lớn.

Chuyện cũ...

Tái cơ cấu NH thương mại một lần nữa trở thành thách thức to lớn nhất đối với cả hệ thống NH và nền kinh tế. Nó không chỉ đơn giản là sự sụp đổ của một vài NH thương mại yếu kém, mà là chất lượng tài sản của cả hệ thống suy giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin và làm gia tăng rủi ro thị trường khiến cả đầu tư và tiêu dùng bị đình trệ.

Trong vòng bốn năm từ 2002-2005, chương trình tái cấu trúc lần đầu đã đi được một nửa chặng đường quan trọng. Nợ xấu đã được xử lý chỉ còn ở mức dưới 5%, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu đã được tăng từ 3,7% trước đó lên xấp xỉ 7%, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của hệ thống NH đã được cải thiện. Có tới 14 NH thương mại cổ phần bị sáp nhập hoặc đóng cửa, một số tiêu chí về quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng, đã được áp dụng.

Về chính sách tiền tệ đã có những tiến bộ nổi bật, như việc tự do hóa hoàn toàn lãi suất tiền gửi (1998) và cho vay (2002); linh hoạt hóa cơ chế tỉ giá hối đoái, áp dụng trên thực tế các công cụ của chính sách tiền tệ để điều hành thị trường tiền tệ và tín dụng, xóa bỏ hoàn toàn chế độ hạn mức tín dụng trước đó...

Tuy nhiên, nửa chặng đường quyết định còn lại vừa mới được khởi sự trên nền tảng kết luận số 39 của Bộ Chính trị và quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chiến lược phát triển ngành NH và phê chuẩn 12 đề án triển khai cụ thể chiến lược đó đến năm 2010.

Một kế hoạch tái cấu trúc và hiện đại hóa sâu rộng xuyên suốt từ chính sách tiền tệ đến thanh tra giám sát; từ chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm đến phát triển công nghệ thông tin và nguồn nhân lực. Đáng tiếc, cả một chương trình cải cách được nghiên cứu công phu, xây dựng nghiêm túc với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức tư vấn quốc tế, được phê chuẩn ở cấp rất cao cuối cùng cũng kết thúc bằng một nhiệm kỳ thống đốc.

Bệnh cũ, cần bác sĩ kiên định

Rồi bệnh cũ tái phát, một lần nữa hệ thống NH được khiêng trở lại phòng cấp cứu và lần này phức tạp hơn, trầm trọng hơn. Lại vẫn là căn bệnh chưa được chữa trị từ tận gốc như quản trị NH lạc hậu, quản trị rủi ro yếu kém, giám sát không hiệu quả, chuẩn mực kế toán không minh bạch, tín dụng mở rộng không được kiểm soát, đặc biệt là tín dụng mở rộng gắn với sở hữu chéo vào lĩnh vực bất động sản.

Thế rồi một nhiệm kỳ mới lại đến vào cuối năm 2011, những người đứng đầu NH Nhà nước một lần nữa đối mặt với hiểm nguy và khó khăn chồng chất, lần này là cả vĩ mô lẫn vi mô. Thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô trong hơn hai năm được ghi nhận qua các chỉ số: lạm phát từ 20% giảm xuống còn 6%, lãi suất NH giảm, tỉ giá hối đoái ổn định, tình trạng đôla hóa giảm. Dự trữ ngoại tệ tăng từ 8 tỉ USD trong năm 2011 lên trên 35 tỉ USD vào đầu quý 2-2014.

Ngân hàng còn phải tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh: Thanh Đạm

Một thành công khác của NH Nhà nước là việc phối hợp các chính sách để ổn định thị trường vàng và kiên quyết loại bỏ rủi ro kinh doanh vàng khỏi hệ thống NH, xóa bỏ căn bản cái gọi là vàng hóa nền kinh tế mà chủ yếu là trong hệ thống NH. Mỗi khi các NH lao vào kinh doanh vàng (có NH giá trị kinh doanh vàng chiếm tới trên 30% tổng tài sản), điều gì sẽ xảy ra?

Một khối lượng rất lớn ngoại tệ bị tuồn ra nước ngoài hằng năm lên tới 5 tỉ USD, tương đương 100 tấn vàng. Điều này cũng tạo ra sự dịch chuyển tài sản không thể kiểm soát được từ nội tệ, ngoại tệ, vàng và ngược lại trong bảng cân đối tài sản của hệ thống, khiến cho tỉ giá hối đoái và giá vàng thường xuyên biến động phụ thuộc vào giá vàng và tỉ giá hối đoái trên thị trường thế giới.

Trên thực tế chương trình tái cơ cấu NH mới chỉ đi được chặng đường đầu tiên là ổn định thanh khoản, xử lý các NH yếu kém và xử lý một bước nợ xấu. Điều này có nghĩa là chặng đường gian nan nhất vẫn còn phía trước, đó là xử lý dứt điểm nợ xấu, cải cách quản trị NH và giám sát cẩn trọng theo chuẩn quốc tế.

Cũng giống như hầu hết các quốc gia khác (trừ Hàn Quốc), Việt Nam buộc phải xử lý nợ xấu bằng nguồn tái cấp vốn của NH Nhà nước, lý do là ngân sách không có nguồn và cũng không có sự đồng thuận chính trị để dùng nguồn ngân sách (như bán tài sản Nhà nước hoặc vay nợ trong nước và nước ngoài).

Sử dụng nguồn từ NH Nhà nước (NH Trung ương) thường có hai cách: (i) bơm thẳng tiền tái cấp vốn từ NH Nhà nước (NH Trung ương) cho các NH thương mại như đã làm trong thời kỳ 2001-2005; (ii) tái cấp vốn qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để định chế này mua nợ xấu từ NH thương mại sau đó tổ chức bán ra thị trường hoặc tái cơ cấu nợ.

Cách thứ nhất từng thực hiện thành công trong những năm 2001-2005 nhờ vào thời điểm đó nợ xấu chủ yếu từ NH thương mại nhà nước và con nợ chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và khu vực nông nghiệp. Mặt khác vào thời điểm đó lạm phát khá thấp (từ âm 1%-3%), tình trạng sở hữu chéo và nợ xấu từ các tập đoàn tư nhân không sở hữu NH hoặc có sở hữu NH không trầm trọng như hiện nay.

Hơn nữa, vào thời điểm đó tính minh bạch và kỷ luật thị trường chưa phức tạp như bây giờ. Vì vậy, hiện nay nếu NH Nhà nước (NH Trung ương) tái cấp vốn trực tiếp như từng làm trước đây sẽ rất khó có thể đảm bảo kiểm soát được lạm phát và kiểm soát được đích đến của đồng tiền.

Cách thứ hai là thành lập VAMC tập trung giúp kiểm soát được tiến trình xử lý nợ xấu một cách minh bạch, đúng mục đích, đồng thời việc sử dụng công cụ tài chính “trái phiếu đặc biệt” cũng được coi là cái van an toàn để kiểm soát cung tiền và qua đó kiểm soát lạm phát.

Trái phiếu đặc biệt là tài sản tài chính có thể chiết khấu thành tiền mặt tùy thuộc vào nhu cầu của NH thương mại và yêu cầu kiểm soát cung tiền của NH Nhà nước. Nói tóm lại nguồn tái cấp vốn từ NH Nhà nước (NH Trung ương) bao giờ cũng là một khoản nợ đối với NH thương mại, hoặc là một khoản thuế đánh vào dân chúng nếu nó gây nên lạm phát.

Rõ ràng là nếu không có nguồn tiền từ ngân sách mà chỉ dựa vào nguồn dự phòng rủi ro của NH thương mại và nguồn tái cấp vốn của NH Nhà nước thì tiến độ xử lý nợ xấu khó có thể nhanh chóng như mong đợi và vì thế tín dụng cũng tăng trưởng chậm, và tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phục hồi một cách khiêm tốn như đã diễn ra trong hai năm qua và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong vài năm tới.

Như vậy để đưa tỉ lệ nợ xấu của hệ thống NH về ngưỡng an toàn theo thông tư 02 của NH Nhà nước còn cần khoảng thời gian từ 2-3 năm. Trong thời gian đó khó có thể triển khai toàn diện cấu phần phức tạp nhất về quản trị NH, quản lý rủi ro và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính và an toàn hệ thống, chưa kể việc xử lý vấn đề sở hữu chéo có thể còn lâu dài hơn.

Xem ra vấn đề này có thể phải chuyển sang một nhiệm kỳ khác và liệu có còn lặp lại tình trạng như trong lần chuyển giao nhiệm kỳ 2006?

(*): TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận