Tái cấu trúc thực chất và nhận diện sớm khủng hoảng

LÊ NGUYÊN MINH THỰC HIỆN 21/01/2012 22:01 GMT+7

TTCT - “Nền kinh tế Việt Nam chỉ còn một lối thoát là tăng hiệu suất đầu tư, nhưng đây không phải chuyện “ngày một ngày hai” là có thể làm được” - tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM, nói về năm 2012, một năm mà nhiều dự báo cho thấy sẽ đầy khó khăn chồng lên khó khăn.

Phóng to
Quy hoạch cảng biển ở Việt Nam được xem là vừa thừa vừa thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: L.N.M.

* Khi bình luận về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2012, ông cho rằng có nhiều mâu thuẫn, đó là gì thưa ông?

- TS Lê Thẩm Dương: Các mục tiêu của năm nay dựa trên chỉ tiêu năm 2011, vì thế để đánh giá chỉ tiêu năm 2012 xem có khả năng đạt không, thử điểm lại năm 2011. Đầu tiên là lạm phát: ban đầu đề ra 7% nhưng cuối năm ở mức 18,12%. Sai biệt quá lớn, vì sao vậy? Tăng trưởng GDP đầu năm là 7,5%, đến cuối năm đạt 5,9%. Cung tiền M2 (tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) đặt trong cái thế lạm phát, thắt chặt tiền tệ là 16%, cuối cùng là 10%. Tăng trưởng tín dụng 20%, cuối cùng là 12%. Tổng đầu tư công tăng gần 40%. Có thể nói chỉ nhập siêu và tỉ giá là hai mặt trận thắng lợi.

Các chỉ tiêu trên cho thấy một điều là mình siết, cắt giảm quyết liệt nhưng cuối cùng lạm phát vẫn là 18,12%. Nghĩa là mâu thuẫn chưa giải quyết được.

Qua năm 2012, mục tiêu đề ra là kiềm chế lạm phát ở mức 9%, tăng trưởng GDP đạt mức 6,5%, tổng tín dụng tăng 15-17%, nghĩa là vẫn thắt chặt, nhập siêu 12% - tức là bằng năm 2011, bội chi 4,8%, tổng đầu tư toàn xã hội 33% - giảm gần 4%... Tôi cho rằng các mục tiêu trên bị mâu thuẫn. Đầu tiên GDP đặt cao trong khi tổng đầu tư lại giảm 4%, điều này rất khó thực hiện. Lạm phát đang 18,12%, làm sao giảm còn một nửa cũng là chuyện không dễ. Chính sách tiền tệ vẫn siết nhưng GDP vẫn phải tăng, vậy bằng cách nào? Có thể nói đó là mâu thuẫn và sinh ra một đống việc phải giải quyết mà nếu không quyết liệt sẽ không đi tới đâu.

Một mặt doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, lãi suất vẫn cao dù đặt giả thiết là đã giảm rồi lại là một mâu thuẫn nữa. Hay xuất khẩu đặt ra tăng trưởng 12% nhưng thâm hụt thương mại là 13 sẽ dẫn tới bài toán nhập khẩu phải giảm. Nhưng nếu nhập khẩu giảm thì dẫn tới chuyện khó khăn nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng tới sản xuất, xuất khẩu vì nhập khẩu đâu phải tất cả cho tiêu dùng.

Như vậy mất cân đối của nền kinh tế vẫn cao. Năm 2012 chúng ta thực hiện tái cấu trúc nhưng dựa vào mô hình cũ thì rất gay. Nếu tái cấu trúc cả mô hình lại là chuyện khác. Dựa vào năm 2011 rồi đưa ra các chỉ tiêu như vậy là khó quá.

* Vậy, theo ông, cách giải quyết thế nào là phù hợp?

- Năm 2012, dù muốn hay không chúng ta vẫn phải thừa nhận là phải đặt trong bối cảnh sức cạnh tranh của cả nền kinh tế yếu. Năm vừa rồi, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng ứng dụng công nghệ của Việt Nam rất thấp (92/117), cơ cấu hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao cũng rất thấp (chỉ 8,2%). Năm nay tiếp tục lộ trình cắt giảm thuế quan theo WTO, hàng nhập sẽ tiếp tục tràn vào trong khi sức cạnh tranh của ta vẫn yếu... do vậy ta sẽ bị áp lực nặng hơn.

Sau bốn năm liên tiếp bị khủng hoảng kép, sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi nhiều, lại đặt trong bối cảnh tổng năng lực tài chính quốc gia bị thu hẹp càng khiến tình hình nan giải. Một điều nữa không thể không kể đến bởi nó ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam là sự mong manh của kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chưa có điểm sáng nào cho thấy hướng giải quyết.

Tôi cho rằng Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng công cụ hành chính ít nhất đến hết quý 2. Đây là công cụ có tính chất “chữa cháy” nên sẽ gây ảnh hưởng tiếp. Năm nay chúng ta nói nhiều đến tái cấu trúc, nhưng tái cấu trúc không thể có kết quả ngay, vì thế phải chấp nhận trả giá trong năm 2012. Phải xác định nếu không có trả giá trong năm 2012 thì làm sao có được tương lai của năm 2015.

Vậy năm nay bấu víu vào đâu? Ba tháng cuối năm 2011, thắt chặt tiền tệ mới đưa lạm phát về mức 18,12%. Mọi năm tăng trưởng tín dụng 30% thì tăng trưởng GDP cũng chỉ 7%, nay tăng trưởng tín dụng 12% thì GDP cũng tăng trưởng 6%. Như vậy có thể nói cứ hai đồng tăng trưởng tín dụng thì được một đồng tăng trưởng GDP. Đây có thể là cửa thoát cho năm 2012. Bài học nữa là ngoại hối ổn định nhờ chính sách tỉ giá và chống đôla hóa. Tái cấu trúc ngân hàng, lộ trình về vàng rõ ràng sẽ giúp năm 2012 cân bằng khó khăn. Nghĩa là thắt chặt tiền tệ vẫn “ăn”.

Qua cách làm quyết liệt của năm 2011 mới nảy sinh được lộ trình, phương hướng giải quyết khó khăn rõ ràng hơn. Chính sách tài khóa cũng không “lình xình” như năm 2011, nhất là cắt giảm đầu tư công. Xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ thuận lợi hơn vì thị trường lương thực thế giới tiếp tục khó khăn. Tôi nghĩ rằng các “đòn” chúng ta đánh trong năm 2011 bắt đầu ngấm trong năm 2012, đang có đà tốt hơn. Không còn dấu hiệu xấu tích tụ để phá nền kinh tế như hồi tháng 4-2011.

* Ông tỏ ra lạc quan hơn, vì sao?

- Các bài học chúng ta đã có. Cả Bộ Chính trị và Chính phủ đều tỏ ra thấy được bệnh và quyết tâm chữa bệnh. Vấn đề là con bệnh có chịu uống thuốc hay không. Có thể năm 2012 sẽ đối mặt một loạt khó khăn nhưng tôi vẫn lạc quan. “Linh hồn của mọi linh hồn” vẫn là nâng hiệu suất đầu tư. Không còn cách nào khác. Tái cấu trúc không phải là câu nói thời thượng mà là đi vào làm thực chất. Chỉ cần tái cấu trúc được doanh nghiệp nhà nước thì nền kinh tế sẽ đi lên.

Những nhược điểm như dựa vào lực lượng lao động không đào tạo, tăng trưởng dựa vào số lượng chứ không phải chất lượng, phát triển bằng khai thác tài nguyên thô... cần phải dẹp bỏ thì mới tái cấu trúc thành công. Đưa ra một chính sách nào cũng sẽ xảy ra chuyện nhóm này được lợi, nhóm kia bất lợi, nhưng cái khéo léo của người làm chính sách là làm sao cân bằng được lợi ích vĩ mô.

Nhà nước sẽ tiếp tục siết nhưng là điều cần làm. Một số nhóm lợi ích sẽ kêu nhưng không thể cứ dễ dãi mãi vậy được. Rủi ro chính sách chực chờ nhưng không còn cách nào khác là phải uống thuốc đắng để được hồi phục và khỏe mạnh hơn.

* Với doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn này họ phải làm thế nào?

- Phải có cách chống khủng hoảng. Bốn năm vừa rồi dạy cho doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng chống khủng hoảng, quản trị rủi ro, có kế hoạch đối phó với các đột biến và chương trình ngăn chặn khủng hoảng. Quan trọng là ngăn chặn. Thế giới đã rút ra bài học là giải quyết nhanh và quyết đoán. Cháy nhà đến nơi rồi mà còn ngồi bàn thì sẽ mất nhà. Nếu không nhanh khủng hoảng sẽ chuyển từ xấu thành tồi tệ ngay.

Thứ hai, phải coi con người là trên hết, bằng mọi cách giữ người để họ xúm lại giúp mình giải quyết khủng hoảng chứ không phải khó khăn là cắt giảm nhân lực. Nguyên tắc thứ ba là có mặt tại hiện trường. Thứ tư là tạo ra một mạng lưới giao tiếp tự do để nắm bắt và giải quyết sự việc kịp thời... Có thông tin kịp thời và chính xác.

Để quyết đoán trong hành vi phải luôn luôn nhận diện được khủng hoảng. Khủng hoảng luôn có những dấu hiệu ban đầu mà là người lãnh đạo phải nhận biết sớm. Chẳng hạn tin đồn dai dẳng, sự phản đối của người tiêu dùng, một số bất thường trong báo cáo kiểm tra về sự lỏng lẻo quản lý, yêu cầu khẩn thiết của nhân viên cấp dưới...

Có nhận diện được dấu hiệu thì mới lập được các kịch bản ứng phó phù hợp với những khả năng xảy ra. Phân loại ưu tiên, chủ động lên kế hoạch ứng phó mới giải quyết được, chứ nửa vời là thua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận