Tác giả giấu mình đoạt giải "sách bán chạy toàn Nga"

ĐĂNG BẨY (FONTANKA.RU) 26/07/2013 08:07 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng “Sách bán chạy toàn Nga”, một tác giả giấu mặt với một bút danh kỳ quặc đã được trao giải.

Phóng to
Người nhận giải “Sách bán chạy toàn Nga” Ekaterina Chebotareva - Ảnh: metronews.ru

Sáu thành viên chung khảo giải thưởng “Sách bán chạy toàn Nga” đã chia đều phiếu cho hai tiểu thuyết: Đèn đỏ của Maxim Kantor cũng như Lũ sói và đàn gấu của Figl-Migl, cho nên quyền quyết định cuối cùng dành cho chủ tịch danh dự của ban giám khảo, ông Lev Makarov, chủ kênh truyền hình 2x2. Và vị này đã có công “bật mí” về một tác giả lâu nay chỉ lẳng lặng in tác phẩm nhưng quyết giấu biệt nhân thân.

Khi chủ khảo xướng danh tác phẩm được giải, cuốn Lũ sói và đàn gấu, tác giả mới “xuất đầu lộ diện”: một phụ nữ tuổi độ tứ tuần bước lên sân khấu nhận bó hoa tươi rồi chỉ nói độc một câu, giọng đanh như đọc quân lệnh: “Vì Tổ quốc phục vụ”. Hết. Người dẫn chương trình phải nằn nì, người được giải mới chịu hất lên cặp kính râm to tướng che gần hết khuôn mặt, nhưng khi gạn hỏi họ tên thật và đôi điều về nhân thân thì bị từ chối khéo...

Giới nhà văn chụm đầu thì thào: à, cô này họa hoằn có thấy xuất hiện, nhưng lần nào đến cũng mặc quần, áo veston và trong tay là một... cây gậy.

Giải thưởng hằng năm “Sách bán chạy toàn Nga” được thành lập từ năm 2001, trao cho cuốn tiểu thuyết hay nhất được xuất bản trong niên lịch. Người chiến thắng được thưởng 10.000 USD nhưng chỉ nhận 7 phần, còn 3 phần kia chung vui với các tác giả được đề cử.

Lũ sói và đàn gấu kể chuyện Petersburg hậu tận thế, khi bị chia thành những vùng cát cứ riêng của những trùm trộm cướp, những phường buôn bán của người Tàu, bọn chợ trời, những tay bắn lén, quân vô chính phủ và những tổ cảnh sát hung thần bảo kê những băng đảng cạnh tranh với những trùm buôn ma túy và đội ngũ đặc nhiệm. Vị thủ hiến thì muốn thiết lập một trật tự mới, như ở thời Trung cổ: biến những khu phố thành rừng rú cho lũ thú hoang dã và những chú hề thượng lưu...

Trên một nền văn minh đã bị phá tan hoang ấy, nhân vật chính với những khả năng siêu nhiên dấn thân vào những chốn nguy hiểm nhất để thực hiện nhiệm vụ bí mật do thủ hiến giao phó...

Tuy nhiên, phần đặc sắc nhất của quyển sách không phải ở mô tả mối quan hệ giữa các nhân vật, mà là ở những chi tiết dù rất nhỏ nhặt của những “xác chết biết đi”: những tử thi hậu tận thế ấy sống thế nào, ăn uống ra sao, họ mua thức ăn ở đâu, giải trí những gì và nghe những kênh truyền thanh nào (trong thế giới sau ngày tận thế chỉ còn có radio!)...

Viết về thời kỳ hậu ngày tận thế của Petersburg, Lũ sói và đàn gấu như chỉ nói bâng quơ, nhưng kỳ thực lại nhằm vào chính trị, vào các thước đo của chính trị để bộc lộ một nỗi hoài nghi về tương lai nhân loại. Tác giả có tìm tòi trong cách viết, dùng một thứ ngôn ngữ giễu nhại có chủ định. Về cấu trúc, tác phẩm được xây dựng sao cho tính khái quát toát lên từ các chi tiết cá biệt, dễ thương.

Cho đến nay, những gì người ta biết về tác giả Figl-Migl mới là tên thật của cô: Ekaterina Chebotareva, sinh năm 1970 trong một gia đình trí thức, hiện sống tại Saint Petersburg. Tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Petersburg từ đầu những năm 1990, cô làm luận văn tiến sĩ về sáng tạo của Alexandr Sumarokov (1717-1777, nhà thơ, nhà văn kiêm nhà soạn kịch Nga nổi tiếng thế kỷ 18) và có nghiên cứu văn học Anh.

Năm 2005 cô đã in bản dịch Lửa thiêng (Fire from heaven, 1969) của nữ văn sĩ Anh Mary Renault (1905-1983) viết về Alexandros Đại đế (thế kỷ 4 trước Công nguyên). In thơ, tiểu luận trên báo chí từ năm 1995, nhưng sang đầu thế kỷ 21 cô bắt đầu dùng bút danh Figl-Migl trên các tạp chí Ngôi Sao và Neva.

Công chúng vẫn chưa hiểu vì sao tác giả có bút danh kỳ lạ lại giấu mình như vậy. Bố mẹ Ekaterina Chebotareva thì giải thích: “Ekaterina cực kỳ ngại xuất hiện trước công chúng, và đấy là quyền của Ekaterina. Có thể do tự kiêu, hoặc cũng có thể do khiêm tốn”...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận