Ta đang bỏ qua những điều rất đơn giản

BS VÕ XUÂN QUANG 28/10/2018 16:10 GMT+7

TTCT - Chữa bệnh có thể là công việc của riêng giới bác sĩ, nhưng ngăn chặn dịch bệnh là công việc của cả cộng đồng. Nếu mỗi người hãy làm đúng việc của mình, có khi chỉ đơn giản là rửa tay, nhưng hiệu quả là thực sự lớn.

Các em nhỏ được hướng dẫn rửa tay sạch sau khi chơi chung đồ chơi với các bạn để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Ảnh: DUYÊN PHAN
Các em nhỏ được hướng dẫn rửa tay sạch sau khi chơi chung đồ chơi với các bạn để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Những ngày này, hình ảnh nhiều trẻ em nằm chen chúc trong các bệnh viện làm chúng ta thấy vô cùng nhức nhối. Khó chịu hơn cả, ta đang có tâm lý chấp nhận dịch tay chân miệng như một điều bình thường, như mùa khai trường đến thì dịch lại đến, rồi các em lại vào viện, nơi cái gầm giường cũ, gặp lại anh bác sĩ khó tính năm ngoái...

Chúng ta còn có thể làm gì để giảm con số bệnh nhi đang tăng lên mỗi ngày?

Đầu tiên là giảm các nguồn lây

Ai cũng biết bệnh tay chân miệng có quanh năm, nhưng chỉ bùng lên thành dịch khi có những ổ lây lớn và rộng. Không khó để thấy đó là những nơi có mật độ tập trung trẻ em dày đặc: các nhà trẻ, trường học, các phòng khám, bệnh viện nhi...

Không phải tình cờ, mà dịch luôn bắt đầu vào tháng 9 hằng năm. Đó là thời điểm trẻ gặp nhau trong trường học và một chú nhỏ đang mang mầm bệnh trong người vui vẻ... san sẻ với bạn mình. Những bệnh nhân mới, không chịu nằm yên ở nhà, cũng nhiệt tình không kém, mang con virút đến bệnh viện để tìm thêm bạn mới. Câu chuyện đó xảy ra trên khắp thế giới nhưng ở ta, cái vòng luẩn quẩn đó không ngăn chặn được vì nhiều lý do rất... Việt Nam.

 Khi nghi ngờ trẻ có bệnh, đừng cố bắt trẻ đi học. Khi trẻ chưa khỏe, đừng ép cháu trở lại lớp.

- Nghỉ khoảng 10 ngày đến khi các mụn nước đã khô.

- Trẻ vẫn là nguồn lây tiềm tàng vì virút còn tồn tại trong phân nhiều tháng sau.

Trước hết, người Việt Nam vô cùng “hiếu học” và có xu hướng tiếc rẻ từng ngày từng giờ đến lớp của trẻ. Hoặc cũng có thể do không có người trông cháu và mỗi ngày nghỉ học là một nan đề đối với các cha mẹ. Hậu quả chung là trẻ hay đến lớp hay trở lại lớp khi khả năng lây của chúng vẫn còn mạnh và góp phần tạo dịch.

Vấn đề còn nằm ở những nơi nuôi dạy trẻ tự phát, dân lập, các cha mẹ trẻ thường bỏ qua những hướng dẫn của bác sĩ. Ngành y tế khuyến cáo rất rõ rằng nên cho học sinh nghỉ khoảng 10 ngày trước khi đi học lại. Nhưng thiếu sự hướng dẫn, thiếu sự hợp tác giữa phụ huynh và cô giáo, việc lây nhiễm khó mà kiểm soát được.

Một đặc trưng khác rất Việt Nam nữa là y tế cơ sở. Mọi trường hợp dù chỉ nghi ngờ hay rất nhẹ đều được quý phụ huynh đem thẳng về tuyến trung ương, mà không hề nghĩ rằng đó chính là nơi tập trung những mầm bệnh đáng sợ nhất và chính mình đang đưa con vào chốn nguy hiểm không cần thiết.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà và cảnh giác để theo dõi khi bé chuyển nặng là đủ. Những cái tít đáng sợ trên báo đã biến căn bệnh này thành “ông ba bị”, làm mọi người hốt hoảng nháo nhào đi tìm bác sĩ giỏi nhất, bệnh viện uy tín nhất.

mh

Rửa tay - đừng nghĩ là vẽ chuyện

Vấn đề lây nhiễm luôn là một câu hỏi lớn của ngành y. Tùy theo căn bệnh có nhiều phương cách phòng ngừa, nhưng từ nhiều năm nay Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh rửa tay (nước và xà phòng/hoặc gel có chứa cồn) là phương pháp hiệu quả nhất làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, cũng là chiếc chìa khóa vàng làm giảm các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Cách rửa tay được chuẩn hóa và được yêu cầu trong mọi trường hợp có giao tiếp với bệnh nhân, hoặc khi có rủi ro bị lây.

Ở Mỹ, rửa tay đã được đưa thành một chủ đề lớn trong đảm bảo an toàn của bệnh nhân. Tỉ lệ nhân viên rửa tay là một trong những tiêu chuẩn chính đánh giá chất lượng bệnh viện, thay vì số lượng các tiến sĩ hay số chiến sĩ thi đua.

Kèm với việc giáo dục cho nhân viên y tế tầm quan trọng của việc rửa tay, người ta trang bị hết sức nghiêm túc các điều kiện để đảm bảo việc rửa tay ở nơi cần thiết. Bệnh viện và phòng khám có bình gel rửa tay đặt trước mỗi giường bệnh, phòng bệnh, mỗi bàn khám bệnh, mỗi vị trí làm xét nghiệm. Gel rửa tay cũng được đặt ở các vị trí dễ thấy cho công chúng như cửa ra vào, phòng chờ bệnh nhân, nhà vệ sinh.

Việc rửa tay đối với nhân viên y tế đã trở thành quán tính, tuy vẫn được nhắc lại và kiểm tra thường xuyên. Chính sách Gel in - Gel out được áp dụng ở mọi nơi: rửa tay khi bước vào và ra khỏi phòng bệnh. Nhân viên y tế tuyệt đối tuân theo, dù phải bước ra bước vào phòng bệnh hàng trăm lần mỗi ngày. Phải rửa tay khi vào phòng bệnh, ngay cả khi làm việc khác và không chạm đến bệnh nhân. Bệnh nhân và người nhà cũng được giáo dục và góp phần kiểm tra việc thực hành rửa tay có nghiêm túc hay không.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế có quy định 3671-QĐ BYT năm 2012 khá rõ và đủ về rửa tay. Tuy nhiên, việc thực hành rửa tay trên thực tế đang có 3 lỗ hổng khá lớn.

Một, thái độ thờ ơ của chính các nhân viên y tế. Quan sát sẽ thấy ở các phòng khám, phòng bệnh, bệnh viện, việc rửa tay và các dịch rửa tay không được tuân thủ hoặc chỉ dùng lấy lệ. Suy nghĩ “tay mình sạch rồi” hoặc “bệnh này đâu phải bệnh nhiễm” hoặc “chỉ vẽ chuyện rườm rà”... là rất phổ biến. Có lẽ việc rửa tay chỉ được chú ý ở một vài đơn vị đặc biệt như phòng mổ, hồi sức, khoa nhiễm, khoa sơ sinh...

Rất rõ ràng, đối với bệnh tay chân miệng, vốn lây qua da, bàn tay bác sĩ không được khử khuẩn sẽ trở thành công cụ gây lây nhiễm mạnh nhất.

Đó không chỉ là “ông” bác sĩ, mà còn có thể là “cô” y tá đang đo huyết áp. Đó không chỉ là bàn tay, mà còn có thể là chiếc ống nghe hay cây nhiệt kế... Mọi thứ chạm vào bé đều có khả năng trở thành vật trung gian lây bệnh. Bàn tay của mẹ, của cô giáo cũng có thể là nguồn lây khi vô tình chạm vào em bé khác.

Hai, chỉ đạo thiếu sót. Nếu đọc kỹ quyết định 3671 và các hướng dẫn phòng dịch tay chân miệng trong quyết định 581/QĐ-BYT 2012, sẽ thấy có một chi tiết khác biệt và đó là một sự khác biệt chết người. Quyết định 3671 nêu rõ việc rửa tay có 2 chọn lựa: nước/xà phòng và dịch rửa tay, trong khi quyết định 581 chỉ hướng dẫn sử dụng nước với xà phòng. Có lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến các tài liệu thứ cấp của các sở y tế, bệnh viện, báo chí... hoàn toàn bỏ qua việc dùng gel khử khuẩn.

Gel không chỉ nhanh, tiện lợi mà còn rẻ hơn dùng nước khi tính cả chi phí nước, giấy, xà phòng. Gel có thể dùng bất kỳ nơi nào, trong khi bồn rửa tay không phải ở đâu cũng có. Rửa tay bằng nước lâu hơn, chưa kể thời gian đi lại và thời gian chờ. Nếu bạn có 50 bệnh nhân hay có 30 trẻ, việc rửa tay liên tục trở thành không thể. Với bản tính xuề xòa, phần lớn sẽ chặc lưỡi và bỏ qua.

Ba, ý thức của cộng đồng còn thấp. Phần lớn người dân xem việc phòng chống bệnh là của bác sĩ. Bác sĩ thì chỉ cho toa và xem dịch là chuyện của Cục Y tế dự phòng. Cục Y tế dự phòng sau khi hoàn thành chỉ đạo thì coi như xong việc.

Nhưng ý thức của cộng đồng mới là chủ yếu trong việc phòng mọi bệnh tật. Ở các nước phát triển, ở nhà, các dịch lau chùi, giấy lau có tính khử khuẩn được dùng phổ biến. Đi du lịch, ai cũng mang theo các ống gel rửa tay.

Đến phi trường, quý ông có thể đi giải tỏa nỗi buồn mà không phải chạm vào bất cứ thứ gì. Phòng vệ sinh không dùng cửa mà có vách lệch. Toàn bộ thiết bị (vòi nước, nút xả nước, cấp giấy, hong khô tay, công tắc...) đều dùng cảm ứng. Không phải họ khoe giàu, nhưng đó là cách người ta ngừa lây nhiễm nơi công cộng.

Dấu hiệu sớm để đưa bé đi viện:

- Sốt cao.

- Quấy khóc.

- Giật mình.

Đừng đợi bé có biểu hiện nặng như khó thở, vã mồ hôi, ngủ lịm... việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Bộ Y tế hãy xem lại quy định về việc rửa tay và biến nó thành thực tế, chứ không chỉ trên giấy. Các giám đốc bệnh việc xin xem trọng vấn đề này, chú ý kiểm tra và cung cấp đủ vật tư. Các nhà kinh doanh xin hỗ trợ các nhà trẻ, trường học để nâng cao ý thức vệ sinh, phòng ngừa bệnh tật. Các bác sĩ, y tá xin đừng xuề xòa, mà hãy giữ bàn tay mình sạch và an toàn.

Các bà mẹ hãy dạy con mình rửa tay, cách dùng gel và hãy chú ý những người, những đồ vật có thể là nguồn lây. Đưa con đi khám, hãy chú ý bác sĩ có dùng gel. Đến nhà trẻ, xem phòng học và nhà vệ sinh có đủ trang bị không. Lựa chọn đúng để giảm rủi ro cho con mình.

Dịch bệnh hẳn vẫn tồn tại trong những năm tới nhưng cùng nhau phòng dịch, chúng ta có thể làm nên sự khác biệt và đương đầu được với nó tốt hơn nhiều. ■

Truyền thông là vũ khí mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức của người dân, nhưng đến nay hiệu quả vẫn còn rất thấp. Việc rửa tay không được coi trọng. Quá tải ngày càng nhiều. Dịch năm sau cao hơn năm trước. Hầu hết hướng dẫn cho cha mẹ đều nhấn mạnh việc rửa tay cho trẻ, mà sơ sài hay bỏ qua phần rửa tay cho những người tiếp xúc với trẻ như người thân, cô giáo, nhân viên y tế...

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận