Suy nghĩ đầu năm Thân

LƯU VĨ LÂN 23/02/2016 17:02 GMT+7

TTCT - Sau những ngày nghỉ tết, chúng ta quay lại nhịp sống cũ trong vòng thời gian mới: bắt đầu vòng quay 360 ngày của năm Bính Thân. Đáng chú ý là sau 48 năm, bốn chu kỳ thập nhị chi (12 con giáp), một năm Thân đã quay lại kể từ năm Thân lịch sử: Mậu Thân 1968.

Nguồn:
Nguồn:

Gác lại những vấn đề lịch sử nội tại, nhìn về xu thế vận động toàn cầu, ta chợt nhận ra căn tính khá tương đồng của hai năm Thân này. Cả hai đều có tính bước ngoặt mà ta cần lưu ý.

Bước ngoặt năm Thân

Cả Mậu Thân 1968 và Bính Thân 2016 đều là hai năm bầu cử tổng thống Mỹ và nước Mỹ đều ở vào giai đoạn bước ngoặt: hồi năm 1968 sa lầy ở cuộc chiến Việt Nam và đang tìm đường rút ra; và giờ đây năm 2016 sa lầy sâu vào cuộc khủng hoảng Trung Đông, không ổn định nổi tình hình Afghanistan, Iraq, Syria, Libya... và cuộc chiến với IS toàn cầu.

Ở cả hai năm Thân, đất nước đặc biệt ấy đều bị chia rẽ sâu sắc về sắc tộc, xã hội, định hướng chính trị và không khí phảng phất nhiều nét của sự hung bạo: năm 1968 hai cuộc ám sát chính trị và sắc tộc kinh hoàng làm lay động lịch sử, tháng 4 mục sư da màu Martin Luther King và tháng 6 là ứng cử viên tổng thống Robert Kennedy ngay sau khi ông này thắng đề cử tại California và khả năng trở thành tổng thống rất cao.

Còn năm Thân 2016 thì Donald Trump, một nhà tư bản ngành giải trí, nói “toạc móng heo” tất cả thủ thuật sau hậu trường chính trị bằng một ngôn ngữ thiếu lịch sự nhất lại đang được nhiều cử tri Mỹ đề cử dẫn đầu Đảng Cộng hòa; và một chính khách đậm chất “xã hội chủ nghĩa” đang được xứ sở “siêu tư bản” ưa thích và muốn đề cử đại diện Đảng Dân chủ.

Rồi các cuộc xả súng hàng loạt hay các vụ “bắn bỏ” người da màu vẫn đang ám ảnh xã hội Mỹ... Cả hai đều là lúc người dân Mỹ rất thất vọng và mất phương hướng.

Ở châu Âu, Mậu Thân 1968 cũng là năm mà lịch sử gọi là “Năm hình thành phương Tây” (The year that made the West).

Các cuộc biểu tình của sinh viên Pháp diễn biến gần như sắp trở thành một cuộc cách mạng kiểu Cách mạng Pháp 1789 hay Công xã Paris, thậm chí gần tiến đến chỗ uy hiếp phủ tổng thống, đến nỗi De Gaulle, tổng thống người hùng giải phóng nước Pháp, phải tháo chạy khỏi Điện Élysée lánh nạn tại một căn cứ quân sự ở Đức với tâm sự: “Tôi không cho phép máu đổ nhân danh việc bảo vệ tôi!”.

Sinh viên được sự hậu thuẫn của công nhân Pháp nổi dậy chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu thụ, các định chế cũ, những giá trị thủ cựu và tập quyền, đòi hỏi một tương lai tốt hơn, công bằng hơn; họ chán ngán sự cấm đoán của lớp già thủ cựu với câu khẩu hiệu nổi tiếng một thời:

“Cấm không được cấm” (Il est interdit d’interdire), hay tìm kiếm sự cởi mở tươi mới dưới những bộ mặt cũ mèm bằng khẩu hiệu “Dưới những viên gạch lát đường là bãi biển” (Sous les pavés, la plage), do sinh viên gỡ gạch lát đường ở đại lộ Gay-Lussac Paris để dựng chiến hào và đã lộ ra một nền cát đẹp như bãi biển.

Biến cố “Mùa xuân Pháp quốc” này gợi hứng cho một cuộc tỉnh thức đột ngột toàn cầu, các cuộc dấy loạn của sinh viên diễn ra khắp thế giới ở Mỹ, Mexico, Đức, Ireland, Nhật... Thế hệ trẻ 1968 ấy từ cốt lõi ấp ủ một lý tưởng mới về văn hóa, chính trị và cách nhìn thế giới khác đi. Từ họ, châu Âu già cỗi cũng bắt đầu khác đi bằng những giá trị nhân bản mới.

Giờ đây, Bính Thân 2016 cũng sẽ là năm thử thách xem “phương Tây có còn là phương Tây”, khi người ta đang bàn đến khả năng chấm dứt hiệp ước Schengen, tức sự tan rã của Cộng đồng châu Âu dưới áp lực của làn sóng di cư từ Trung Đông.

Bản thân mô hình kinh tế của cộng đồng này cũng đã lung lay từ cuộc khủng hoảng nợ vài năm qua với câu hỏi về sự ra đi của Hi Lạp, sự suy sụp của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý; nước Anh cũng phải trưng cầu ý dân về việc ở hay đi...

Cuộc đấu tranh nội tại trong lòng châu Âu tiến sát đến việc nhận diện lại mình: chúng ta thật sự văn minh, khoan dung, yêu thương, chia sẻ, tiếp đón người khốn khổ, chấp nhận đa văn hóa, tôn trọng sự khác biệt... hay thật ra đó chỉ là những mỹ từ để che giấu tính hai mặt của một nền văn minh đế quốc chỉ trục lợi từ các nước nghèo mang về xây dựng văn minh cho mình và mặc kệ người ta đang chết dần mòn ngay bên hàng rào nhà mình?

Xem thế để thấy có một sự gần gũi về tình cảnh của hai năm Thân này và khi bước vào Bính Thân chúng ta có thể phải ôn lại những bài học nào.

“Think Global, Act Local”

“Suy nghĩ tầm toàn cầu và hành động phù hợp với địa phương” - câu châm ngôn hiện được ưa chuộng trên toàn thế giới này nhắc nhớ rằng mọi diễn biến tại một quốc gia, địa phương riêng biệt luôn có căn nguyên trong bối cảnh toàn cầu. Và để giải quyết một vấn đề địa phương cần tác động cả vào tầm toàn cầu nữa.

Từ rất lâu trước khi có châm ngôn này, trong cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam hồi năm 1968, ta thấy quân đội của Việt Nam dân chủ cộng hòa đã vượt lên hẳn đối phương và hành động theo đúng tinh thần ấy, đó là giải quyết cuộc chiến tại Việt Nam bằng cách tác động vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Và Mậu Thân là chiến dịch mở đầu phương châm này, khởi đầu ba chiến dịch tiến công quyết định cuộc chiến Việt Nam tiếp theo: Năm 1968 bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 46 (tranh cử giữa Nixon và Humphrey), Chiến dịch hè 1972 tác động vào bầu cử tổng thống Mỹ thứ 47 (giữa Nixon và McGovern) và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, dù sớm một năm so với bầu cử 1976 nhưng thật ra việc tổng thống Nixon bị truất phế hồi năm 1974 và tổng thống Ford lên kế vị cũng chỉ để chờ một cuộc bầu cử mới.

Nhìn lại cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 1968 ấy, ta thấy cuộc tập kích Mậu Thân đã đưa chiến tranh Việt Nam thống lĩnh toàn bộ chủ đề bầu cử Mỹ và các ứng viên tổng thống lúc ấy thề chết sống sẽ chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt. Rồi bầu cử 1972 cũng thế... Như vậy, diễn biến trên chiến trường Việt Nam (act local) đã được nhìn dưới một góc nhìn toàn cầu (think global).

48 năm trước, bài học này là quá mới. Nhưng giờ đây trong một thế giới toàn cầu hóa, chiêu thức này không còn lạ nữa. Tuy nhiên trong một thế giới quá phức tạp, trắng đen lẫn lộn như hiện nay, cái khó là chữ “biết” trở nên quá “vô thường”.

“Biết” là mình “biết” chỉ là khởi đầu, “biết” là mình “không biết” thì cao sâu hơn, nhưng cái bẫy lớn nhất nằm ở chỗ “không biết” là mình “không biết”.

Nước Mỹ hay châu Âu vốn là phù thủy của tác động toàn cầu, phân chia thế giới theo ý mình mà từ năm 2003 đến nay gần như chới với hoàn toàn về các biến động tầm “global” này: chiến tranh Iraq không có đường ra, khủng hoảng kinh tế kéo dài không có đường gỡ, năm 2011 Mùa xuân Ả Rập và khủng hoảng toàn Trung Đông đưa hàng triệu người tị nạn tràn vào châu Âu làm họ gần như bó tay và ngay lúc này đây, đầu năm Bính Thân, giá dầu và chứng khoán suy biến chưa từng thấy, đến mức phải nghĩ đến một cuộc khủng hoảng tài chính mới...

Qua đó để thấy rằng chúng ta cần phải thẳng thắn và khiêm tốn nhìn nhận: mình không biết chuyện gì đang và sẽ xảy ra. Với tâm thế đó, chúng ta mới mong đạt được minh triết để kịp thời phát hiện xu thế đang chi phối lịch sử như những gì mà 48 năm trước từng diễn ra.

Phải tự giải quyết những vấn đề của mình

Tương lai là điều chẳng ai biết được. Người ta chỉ có thể đoán định nó bằng cách học ở quá khứ kết hợp nắm bắt các xu thế ở hiện tại. Xem thế, nếu chiếu chậm lại cuốn phim chuyển biến thế giới từ sau cuộc khủng hoảng hồi năm 1968, ta sẽ thấy rằng thế sự hỗn mang ấy chỉ tạo ra những sức ép chứ không có quốc gia nào chết vì nó hay mạnh lên do nó, mà chỉ có những quốc gia không tự giải quyết được những vấn đề của mình mới tiêu vong hoặc đi xuống và những quốc gia mạnh lên vì tự sắp xếp tốt chuyện nhà lẫn bắt kịp đường thời đại.

Nước Mỹ suy yếu và hỗn loạn chưa từng thấy suốt cuộc chiến Việt Nam, khi tỉnh ra và dũng cảm “muối mặt” chịu thua tức thì họ đã nhanh chóng củng cố vị trí và hùng mạnh trở lại từ những năm 1980. Trong khi Liên Xô vào thời điểm ấy dần trở thành một lực lượng lớn nhất thì bị suy yếu do không cải tiến được nền kinh tế - chính trị trong nước, đi đến chỗ tan rã.

Còn Trung Quốc ngập trong nghèo đói, nhưng từ năm 1974 Chu Ân Lai đã bắt đầu phát triển “Bốn hiện đại hóa”, dù bị ngưng đọng vài năm sau đó qua vụ án “Tứ nhân bang” nhưng họ đã nhanh chóng cải tổ, dựa theo thời thế, để từ một quốc gia mà nền sản xuất hàng hóa chỉ nổi tiếng với cái phích nước nóng và chiếc xe đạp Phượng Hoàng thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...

Ở gần chúng ta hơn, hai quốc gia thuộc loại khá giả lúc ấy của khu vực là Myanmar và Philippines thì nay trở thành những quốc gia yếu, trong khi Singapore mới độc lập từ năm 1965 lại lớn mạnh, Đài Loan, Hàn Quốc trở thành hổ, thành rồng, còn Thái Lan và Indonesia trồi sụt tùy theo các tranh chấp lúc tăng lúc giảm của chính trị nội bộ...

Cho nên trước hết vẫn là phải sắp xếp chuyện trong nhà đàng hoàng tử tế. Dân cường, nước thịnh. Trên nhường dưới, dưới kính trên. Xây dựng thể chế rõ ràng mạch lạc. Làm sao để xã hội khiêm cung, hài hòa, ai cũng chăm chỉ làm việc và làm thật giỏi từ những công việc nhỏ bé nhất. Phải “chân chỉ hạt bột”, không được phù phiếm ảo tưởng...

Hiện nay, hằng ngày chúng ta đau lòng khi thấy hàng triệu người dân của các quốc gia vang bóng một thời như Syria, Iraq, Libya, Afghanistan... lếch thếch kéo nhau lầm lũi vào châu Âu vừa đói khát, lạnh lẽo, vừa bị những hàng rào chặn lại, bị lục soát và xem thường...

Trong cuộc tranh luận của người châu Âu về việc tiếp hay không tiếp nhận họ, có người thương cảm muốn đón nhận, có người mặc cảm vì mình từng đô hộ, phân rẽ họ hồi giai đoạn thuộc địa nhưng trong một cuộc phỏng vấn, Jean-Marie Le Pen - người sáng lập Đảng Quốc gia cực hữu Pháp - đã nói thẳng thừng: “Họ đã có độc lập hơn 50 năm rồi, họ phải tự giải quyết các vấn đề của mình chứ!”.

Dù cách nói này nhẫn tâm nhưng đó là sự thật trần trụi và sòng phẳng, các quốc gia này đã không thể giải quyết được các vấn đề của mình nên người dân của họ mới bị rơi vào thảm cảnh đau thương, nhục nhã trên các vệ đường châu Âu như thế. Họ không thể biện hộ bằng cách đổ thừa cho các thế lực bên ngoài dù điều này là có thật.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, cách ngôn xưa đã nhấn mạnh. Do đó năm Bính Thân này, chúng ta sẽ cùng nhau cật vấn lại mình và cùng nhau tự giải quyết thật rốt ráo các vấn nạn cản đường đi lên của quốc gia.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận