Suốt đời như đang chờ một ai đó...

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 22/06/2020 01:06 GMT+7

TTCT - Nhà báo là những người suốt một đời như đang chờ ai đó, cố thuyết phục và làm họ mở lòng để… có được thông tin

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong cuộc gặp với người vợ của Norman Morrison.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong cuộc gặp với người vợ của Norman Morrison.

* LTS: Những chia sẻ về nghề báo của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải (tác giả của nhiều bài báo và cuốn sách viết về các nhân vật và sự kiện lịch sử lừng lẫy như Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời (năm 2002), Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo (xuất bản năm 2003), Tôi chết bắt đầu một thế giới sống (xuất bản năm 1997), Đại tướng Mai Chí Thọ (xuất bản năm 2005), Chuyện đời Đại sứ (xuất bản năm 2014), Tò mò một cách chân thành (phỏng vấn 24 nhân vật nổi tiếng))... không chỉ hữu ích cho những người làm báo. Những câu chuyện ấy cho thấy một người đã theo đuổi nghề nghiệp của mình đầy tâm huyết, cẩn trọng, thiết tha, vừa tò mò chân thành vừa háo hức học hỏi, hẳn cũng sẽ mang tới những hiểu biết hữu ích và lý thú cho độc giả nói chung.

​==================================

Một lần, khi tiếp cận Thiếu tướng, nhà tình báo “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn, tôi xin được nghe chuyện làm báo của ông. Vì có thể coi ông là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên “đi du học Mỹ” về ngành báo chí.

Đã có một đời làm báo thật sự thành công, từ vị trí “phóng viên Tây” với ưu thế tin tức và tư chất đặc biệt có được qua nhiều mối quan hệ chóp bu, ông đã làm cả hai nhiệm vụ đều thành công trên cả tuyệt vời: nhà tình báo phân tích chiến lược (chứ không phải chỉ…“ăn cắp đồ” - chữ dùng hài hước của ông) và làm nhiệm vụ xuất sắc với tòa báo của mình. Ông đã là phóng viên của hầu hết các báo phương Tây có văn phòng tại miền Nam trước năm 1975.

Sau khi chiến tranh kết thúc, biết anh phóng viên của mình là một nhà tình báo chiến lược, tờ Time và nhiều báo mà ông Ẩn từng làm việc đều tức tốc kiểm tra lại toàn bộ bài vở của ông. Họ cuối cùng đều xác nhận đó là phóng viên giỏi, trung thực nhất, không lợi dụng làm gì sai hại cho nghề nghiệp.

“Chiến tranh Việt Nam đã sản sinh ra những câu chuyện, những nhân cách lạ kỳ. Nhưng không có gì giống với phóng viên Phạm Xuân Ẩn. Ông có một cuộc đời mà trong chúng ta không ai biết rõ. Nhưng bất kể ai trong số chúng ta từng làm việc với ông đều hiểu Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hạng nhất, là người nắm bắt sâu sắc nhất những thông tin, những hiểu biết về chính trị, lịch sử chiến tranh Việt Nam” - Stannley Cloud, người từng làm việc với ông Ẩn giai đoạn 1970-1972 khi còn là trưởng Văn phòng đại diện Time tại Sài Gòn viết về ông trong một bài tưởng nhớ người đồng nghiệp này trên Time năm 2006.

Khi tôi hỏi về những cuộc gặp với VIP - giới chức cao cấp của Sài Gòn và của Mỹ rất quan trọng và căng thẳng lúc đó, ông bảo có nhiều lần trước khi đến nơi hẹn phỏng vấn, ông phải uống một viên thuốc an thần. Tôi thật ấn tượng khi ông giải thích nghiêm túc: “Mình đi xin tin mà, đâu phải cha người ta”. Lúc đó tôi nghĩ ngay đến một số ít nhà báo tôi biết, thường tranh luận, đi phỏng vấn cứ như đi dọa, đi khoe kiến thức, tưởng là cách đó oai, dễ thu phục lòng tin của nhân vật. Cuối cùng về gỡ băng ra, thấy toàn lời của mình.

Tôi không thuộc dạng nhà báo điều tra, trẻ trung và có vẻ ngoài sang trọng, sắc sảo, luôn ủ những câu hỏi chết người, “đâm rồi chạy” (từ dùng của nhà báo Mỹ Tom Plate) dù đôi khi cách đó cũng hiệu quả. Thời đó của tôi qua lâu rồi. Và tôi trải qua thất bại cũng nhiều rồi. Tôi luyện mình theo lời khuyên này của nhà báo Mỹ Tom Plate: “Đừng đi đến cuộc phỏng vấn VIP mà trong tay không thủ sẵn một câu hỏi lạ lùng, hiểm hóc, bất ngờ, bạo gan để quăng ra trước mặt nhân vật VIP. Nếu không chuẩn bị điều đó, sáng hôm sau bạn sẽ ghét bản thân mình” (Nghệ thuật phỏng vấn chính trị). Nó chứng tỏ bạn có tiêu chuẩn hành nghề cao.

Các đầu sách đã xuất bản của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải
Các đầu sách đã xuất bản của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải

NHÀ BÁO VÀ NHÂN VẬT

Trong lý thuyết dạy nghề phỏng vấn, có một câu hay dùng: “Muốn có món ragu thỏ, trước tiên hãy bắt được thỏ đã”. Nghĩa là không tìm được và thuyết phục nhân vật nhận lời thì sao có được cuộc phỏng vấn? Trong nghề báo, tôi đã bỏ sót nhiều nhân vật khi còn ở Hà Nội và tiếc nuối mãi. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tôn Thất Tùng, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Quang Dũng, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… Trong đó có người tôi vẫn hay gặp, được quen thân, mà quên… phỏng vấn. Đó là khoảng trống lớn trong đời một phóng viên.

Nhưng thật ra, tôi chỉ thực sự biết làm báo khi vào sống ở Sài Gòn đúng những năm đầu Đổi mới 1986 - thời vàng son của báo chí. May mắn nhất của những năm tháng ấy là tôi đã phỏng vấn và viết được chân dung của nhiều “người hay” như một số nhà tình báo, nhân vật lịch sử nổi tiếng Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn, Mai Chí Thọ, Hoàng Đạo… Và hơn nữa, tất cả họ đều đã đọc từ bản thảo viết tay của tôi, được đọc sách về mình lúc họ còn sống.

Thí dụ là tướng Phạm Xuân Ẩn. Tất cả sách viết về ông của các tác giả phương Tây đều chỉ in ra sau khi ông mất. Sách của họ xuất sắc hơn, có bề dày tư liệu chiến tranh hoành tráng, còn cuốn của tôi thiếu sót sự “hấp dẫn gián điệp”, nhưng bù lại, đó hoàn toàn là những cuộc trò chuyện đối thoại và chuyện kể sâu sắc sinh động về con người ông.

Tôi đã phỏng vấn khá nhiều người làm các công việc khác nhau, nên tôi thích các “Mẹo phỏng vấn” của Tom Plate, chẳng hạn: “Đừng bao giờ từ bỏ… Vì mỗi con người là một cá tính riêng nên mỗi dự án phỏng vấn đều khác biệt. Không có gì kết thúc như bạn dự tính lúc bắt đầu. Quy tắc linh hoạt duy nhất là luôn sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt của mình”.

Tôi đã từng ôm máy ghi âm, sổ sách trong một cái bị to đùng để… chạy theo nhà văn Nguyễn Khải khi ông nằm bệnh viện. Lúc các bác sĩ vào phòng khám, đuổi hết người nhà, ông Khải vẫy tay ra hiệu tôi tạm chuồn ra ghế ngoài sân ngồi đợi. Thấy tôi khổ sở quá, ông bảo tôi chờ ông mổ xong đàng hoàng tốt đẹp cả sẽ tiếp tục. Thế rồi ông ra đi đột ngột khiến dự án viết sách chân dung ông không thành, chỉ kịp được vài bài phỏng vấn giờ chót quý báu.

Tôi cũng kịp phỏng vấn thi sĩ Hồ Dzếnh, tác giả tập Chân trời cũ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương của Bình Trị Thiên khói lửa, nhạc sĩ Hoàng Giác và được chính ông đàn ca cho nghe bản Ngày về với ca từ da diết “Tung cánh chim tìm về tổ ấm…”. Tôi đã phỏng vấn được nhạc sĩ mù Văn Vượng, ngồi nghe ông chơi hợp âm thần thánh của bài Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi): “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây...”. Và đặc biệt là có dịp gặp nhà thơ Hoàng Cầm lúc ông đã đau yếu, ở trên căn gác cao ngôi nhà trước nhà thờ lớn Hà Nội, cùng ông nghe tiếng chuông nhà thờ rung, chảy nước mắt im lặng ghi được đoạn ông so sánh cái hay tuyệt vời của tiếng chuông chùa lan ra trên cánh đồng chiều quê nghèo.

Ngay khi nhạc sĩ Phạm Duy về nước lần đầu, tôi gặp phỏng vấn rồi gửi tặng ông cuốn ký sự Tôi chết bắt đầu một thế giới sống - cuốn sách mà tôi viết về chuyện bác sĩ Trần Văn Bản đi tìm xương cốt đồng đội và những câu chuyện thời hậu chiến. Tôi đề tặng “Kính tặng nhạc sĩ Phạm Duy, để ông biết thêm đoạn đời khác của các chàng thợ cày thợ cấy trong các bài hát của ông”.

Với tôi, dường như ai cũng có thể là nhân vật. Và nghề báo mang lại cơ hội thú vị đó rất nhiều, nên tôi được phỏng vấn các nhà sử học, nhà khoa học, các đức cha từ nước ngoài về, các trí thức Việt kiều, các doanh nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước. Một lần, tôi phỏng vấn vợ anh Norman Morrison - người đã tự thiêu trước Lầu Năm Góc (Mỹ) để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Sau cuộc trò chuyện ấm áp với bà Morrison, tôi đã đưa một bao hương nhỏ, nhờ bà khi đi thăm mộ Morrison thì thắp giúp tôi một nén tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn của một nhà báo xa xôi chưa từng và chưa có ý muốn đến Mỹ. Đó cũng là lần tôi được “đi bụi” cùng Lady Borton và vài nhà văn Mỹ, cùng họ lang thang trên đường Đồng Khởi, la cà gặp gỡ những người dân Sài Gòn, cho họ cảm nhận đời sống vỉa hè thành phố. Lần khác, tôi dắt díu các nhà báo Mỹ đi theo bác sĩ Bản lội bì bõm, qua cầu khỉ trên cánh đồng Củ Chi…

Hẳn bạn sẽ hỏi: Làm cách nào để có được nhiều nhân vật hay đến thế ? Và làm cách nào cho họ nhận lời trả lời phỏng vấn?

Đó là điều khó nhất. Nếu bạn sang trọng, sắc sảo, bạn dễ được những người ưa sang trọng, sắc sảo nhận lời tiếp với sự tin tưởng để tranh luận những chuyện lớn quan trọng. Nếu bạn chân thật, thiết tha và biết nghe sâu lắng, bạn sẽ dễ được những người quảng giao, hiểu đời, giàu thương mến tiếp bạn. Đi cửa trước hay cửa sau, cách nào cũng được hết. Tôi thì thuộc cách thứ hai. Tôi cố học theo cách của ông vua phỏng vấn Mỹ Larry King. Khi được hỏi bí quyết thành công, ông đã trả lời: “Đó là tò mò một cách chân thành”. Tôi đã theo phương châm này và đã trích nó làm tiêu đề cho một cuốn sách về phỏng vấn của tôi đã xuất bản.

Và tôi có nhiều bạn bè. Phương châm làm việc ấy của tôi cũng là điều khiến tôi được bạn bè giúp đỡ rất nhiều. Họ thương, hay mách tôi có chuyện gì hay, có ai “mày không viết thì thiệt thân, mà viết thì sẽ tuyệt vời”. 

Họ còn nói vui thế này sau lưng với các nhân vật khi đã “móc nối” trước giúp tôi: “Có một… mụ nhà báo xuềnh xoàng, hơi nhát, nhưng nhanh hiểu và… mê nhân vật như điếu đổ. Ông (bà) nên tiếp nó, sẽ có nhiều chuyện hay”. 

Tôi thích câu giới thiệu này lắm, bởi vì nghe xong, các nhân vật lớn đều vui vẻ gặp mà dành cho thương mến, không còn thành kiến vừa sợ vừa ghét đám nhà báo thiếu ngay thẳng, công bằng.

LẤY ĐÂU RA CÂU HỎI HAY?

Đây là điều khó nhất. Có câu chuyện về một nhà báo Peru bị tổng thống… tát vì đã hỏi ám chỉ tổng thống tham nhũng. Không chút chùn bước, nhà báo này đã đáp lại bằng những câu hỏi dai dẳng tiếp theo, đại ý: “Đấy là cách ông trả lời công luận đấy phải không? Đó là cách ông coi trọng tự do ngôn luận đấy phải không?”. Cảnh vệ phải xúm vào lôi nhà báo này ra ngoài để anh ta khỏi… tiếp tục hỏi.

Đó có thể là một thí dụ hơi cực đoan về sự “giàu có” các câu hỏi của nhà báo. Nhưng để ta hiểu rằng, trong tình huống nào nhà báo cũng không cạn kiệt và “vũ khí” của nhà báo nhiều khi là những câu hỏi.

Vậy làm thế nào để có câu hỏi hay? Lời đáp của tôi là: Nghiên cứu kỹ. Chuẩn bị là bước bắt buộc của một cuộc phỏng vấn. Ta không được quên rằng nguyên lý xuất hiện câu hỏi báo chí là: Câu hỏi báo chí đưa ta từ chỗ đã đi đến cùng sự hiểu biết của ta mà ta vẫn còn muốn biết thêm.

Nếu không biết thì hỏi để biết. Loại câu hỏi này cần có, nhưng dễ rồi. Ta vẫn nghe trên talk show, các MC thường hỏi: “Xin anh cho biết anh làm MV này từ bao giờ”, “Xin chị cho biết cảm tưởng về abcd?”… Nhưng loại câu hỏi hay chắc chắn phải có nghiên cứu chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng về nhân vật và vấn đề sắp hỏi. Tôi nghe nhiều biên tập viên phàn nàn rằng các phóng viên trẻ thường xách máy nhào tới hỏi mà chẳng biết rõ về con người mình sắp tiếp xúc. Như vậy không thể có câu hỏi hay được.

Dạo chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi có dịp ra Hà Nội. Tôi xin phỏng vấn một kiến trúc sư và nhà nhiếp ảnh chuyên chụp Hà Nội, được hẹn gặp tại một quán cà phê phố cổ. Tôi phải tới sớm hơn giờ hẹn (không bao giờ đi phỏng vấn lại đến trễ để nhân vật phải chờ mình). Đẩy cửa bước vào, tôi thấy hết thảy khách trong quán đều giật mình vì thấy tôi ào vào, đem theo gió lạnh, rồi hớt hơ hớt hải dáo dác nhìn, phá tan không khí êm đềm của họ - những người đang thong thả ngồi trước ly cà phê bốc khói, ngắm qua cửa kính một Hà Nội mùa đông rét mướt. 

Đấy cũng là lúc tôi… thấy thương nghề phóng viên. Và thương cả nhân vật tình báo hoàn hảo từng phải uống viên an thần trước khi vào cuộc phỏng vấn quan trọng. Chúng tôi là những người suốt một đời như đang chờ ai đó, cố thuyết phục và làm họ mở lòng để… có được thông tin.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận