Sudan: Cuộc chiến ủy nhiệm tiếp theo?

TƯỜNG ANH 29/04/2023 15:27 GMT+7

TTCT - Một đất nước với hai đội quân từng đảo chính quân sự để lật đổ và cầm tù tổng thống, nhưng rồi hai đội quân đó lại xung đột, các tay súng giải thoát cho tổng thống bị giam cầm, trong khi nhiều cường quốc lớn đang theo dõi sát sao thế cờ.

Sudan: Cuộc chiến ủy nhiệm tiếp theo? - Ảnh 1.

Xung đột đã bắt đầu ở căn cứ không quân Meroe. Ảnh: AFP

Ít nhất 459 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương trong cuộc giao tranh ở Sudan kể từ 15-4, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 25-4.

Để hiểu vòng xoáy khủng hoảng mới, có lẽ phải trở lại năm 2003, khi cuộc xung đột Darfur nổ ra khiến từ 180.000 đến 300.000 người chết, theo các ước tính khác nhau. 

Tên của khu vực xung đột bắt nguồn từ tên các dân tộc Fur châu Phi, những nông dân định cư đã sống lâu đời ở đây, lối sống xung khắc với dân du mục gốc Ả Rập cũng đã di cư đến đây và yêu sách hưởng tài nguyên thiên nhiên.

Xung đột đẫm máu Darfur 2003 nổ ra khi các bộ lạc địa phương không phải người Ả Rập nổi dậy chống lại chính quyền trung ương được các lực lượng thân phương Tây hỗ trợ. 

Tổng thống Omar al-Bashir, để dẹp tan cuộc nổi dậy, đã quyết định dựa vào người Ả Rập ở Darfur và các vùng lân cận. Với sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, lực lượng dân quân Ả Rập có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa Janjaweed được thành lập để hỗ trợ quân đội. 

Năm 2004, Liên Hiệp Quốc chính thức cáo buộc Janjaweed vi phạm nhân quyền ở Darfur.

Giữa hai viên tướng

Khi tình hình ở Darfur trở lại ổn định tương đối, năm 2013 Tổng thống al-Bashir quyết định tổ chức lại Janjaweed, biến nó thành Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) dưới quyền lãnh đạo của trung tướng Muhammad Hamdan Dagalo (Hemedti). 

Giám đốc Chương trình An ninh và Chính sách đối ngoại tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu Adel Abdel Ghafar nói trên Al Jazeera rằng "nhờ sự giúp đỡ từ al-Bashir, lợi ích kinh doanh (của Dagalo) tăng lên và gia đình ông ta đã mở rộng cổ phần trong lĩnh vực khai thác vàng, chăn nuôi và cơ sở hạ tầng".

Kết quả là ở Sudan tồn tại hai đội quân: một là quân đội chính thức (SAF) do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, và hai là RSF, thực tế không thua kém nhau về số lượng. Năm 2019, hai lực lượng này bắt tay nhau làm đảo chính quân sự, lật đổ ông al-Bashir, chấm dứt 30 năm cầm quyền của ông bằng ngục tù. 

Hai năm sau, thỏa thuận chia sẻ quyền lực với giới dân sự với mục tiêu dần chuyển đổi sang chính phủ dân chủ gián đoạn bởi cuộc đảo chính năm 2021. Tướng al-Burhan giải tán chính phủ dân sự và ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước. 

Hội đồng Chủ quyền lâm thời được thành lập do tướng al-Burhan làm chủ tịch, tướng Dagalo làm phó. Ông al-Burhan hứa sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7-2023, đồng thời yêu cầu sáp nhập RSF vào SAF. Nhưng các bên không đạt được đồng thuận về cơ cấu này và vị trí mới của Dagalo, hai viên tướng quay ra căng thẳng với nhau.

"Giọt nước tràn ly" được cho là việc al-Burhan mưu toan chiếm căn cứ không quân Meroe, vốn do RSF cai quản. Đây không chỉ là trung tâm hậu cần lớn của RSF, mà còn là nơi Dagalo bán vàng ra nước ngoài.

Đêm 12 rạng sáng 13-4, SAF ra tối hậu thư cho RSF, yêu cầu họ rời khỏi Meroe. Căng thẳng gia tăng nhanh chóng, đến 15-4 xung đột vũ trang trực tiếp nổ ra.

Sudan có vị trí địa lý chiến lược nhạy cảm: giáp biên giới bảy nước (Libya, Ai Cập, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia và Eritrea) và gần như tất cả láng giềng của họ đều đang diễn ra xung đột vũ trang nội bộ với nhiều nhóm phiến quân hoạt động dọc các tuyến biên giới. Dễ hiểu là những gì diễn ra ở Sudan nhanh chóng dẫn tới can thiệp từ bên ngoài. 

Quân đội Sudan có quan hệ gần gũi với Ai Cập, khi hai nước này từng là đồng minh chống Ethiopia. Từ Libya, đã xuất hiện những tin tức về việc tướng Khalifa Haftar của lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) đang hỗ trợ RSF. Xa hơn chút trong khu vực, Saudi Arabia và UAE từng được RSF hỗ trợ trong cuộc chiến chống lực lượng Houthi ở Yemen.

Nhiều nước (bao gồm Ai Cập, Nga) và Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các bên kiềm chế và nước ngoài không can thiệp vào Sudan. 

Trước mắt, hệ quả chắc chắn là cuộc khủng hoảng người tị nạn: chỉ sau 10 ngày đầu giao tranh, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết họ đang chuẩn bị sơ tán 270.000 người Sudan qua biên giới Nam Sudan và Chad. Với dân số 50 triệu người, nếu giao tranh kéo dài, số người Sudan chạy nạn có thể lên đến 10 triệu.

"Rào cản cho tham vọng của Bắc Kinh"

Sudan giáp Hồng Hải, vùng Sahel và vùng Sừng châu Phi. Vị trí chiến lược và sự giàu có về nông nghiệp cùng khoáng sản của Sudan thu hút nhiều cường quốc khu vực và thế giới, khiến tình hình thêm phức tạp. 

Theo Liên Hiệp Quốc, Sudan xếp thứ 172/191 về Chỉ số phát triển con người, dù rất giàu khoáng sản - uranium, dầu mỏ, khí đốt, vàng và kim cương. Ở nước này, các lợi ích kinh tế đó chủ yếu nằm trong tay những nhóm quân sự: khai thác vàng, đá quý, dầu mỏ, buôn bán vật liệu xây dựng, thực phẩm. 

Còn rắc rối hơn, đây là nơi có lịch sử lâu đời xung đột sắc tộc - giữa hai sắc dân lớn là Kiir và Dinka, lẫn tôn giáo - giữa miền nam Ki tô giáo và miền bắc Hồi giáo.

Bà Natalia Piskunova, phó giáo sư tại Đại học Tổng hợp Matxcơva, nhận định trên News.ru 15-4: "Cuộc đấu tranh không phải vì hạnh phúc của người dân, các nhóm dân tộc, mà còn vì lợi ích của việc phân phối lại đầu tư nước ngoài và hỗ trợ tài chính. 

Tiếp cận được các cảng Sudan sẽ mang lại lợi ích lớn nhờ vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ và Trung Quốc sang châu Âu và ngược lại. Các con tàu đi qua kênh đào Suez sau đó đều phải đi ngang các cảng của Sudan". 

Theo bà Piskunova, Saudi Arabia đã tìm thấy dầu mỏ ở Nam Sudan nhưng chưa tiến hành khai thác quy mô lớn. Uranium, mà cả Saudi Arabia và Trung Quốc đều quan tâm, cũng được tìm thấy ở Sudan.

Trong thời kỳ cai trị của ông al-Bashir, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Sudan và là đối tác mua phần lớn dầu mỏ của nước này. Nhưng từ năm 2011, tình hình thay đổi. Sau một cuộc nội chiến, Nam Sudan tách ra độc lập, và hầu hết các mỏ dầu nằm ở đây. 

David Shinn, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - châu Phi ở Đại học George Washington, cho biết Sudan ngày nay "ít quan trọng hơn với Trung Quốc so với 10 - 15 năm trước". 

Cũng theo ông Shinn, đặc phái viên của Trung Quốc tại vùng Sừng châu Phi đã tổ chức một hội nghị hòa bình ở Addis Ababa vào tháng 6-2022, nhưng nỗ lực đó dường như không đạt được kết quả gì. 

"Trong điều kiện Trung Quốc quyết định tham gia tích cực hơn nhằm mang lại hòa bình cho vùng Sừng châu Phi, tình hình ở Sudan rõ ràng sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực của họ". 

South China Morning Post 18-4 cũng cho rằng tình hình Sudan đang tạo ra rào cản với các kế hoạch cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc và tham vọng của Bắc Kinh muốn dàn xếp hòa bình ở vùng Sừng châu Phi.

Nga sẽ không "hành động tích cực"?

Tương tự Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Nga chỉ "kêu gọi các bên ngừng bắn và giải quyết vấn đề bằng thương lượng". Theo tờ Moskovsky Komsomolets ngày 19-4, giữa Nga và Hoa Kỳ "có xung đột lợi ích ở Sudan", thể hiện qua dự án đã được thảo luận từ lâu về lập trung tâm hậu cần cho hải quân Nga trên lãnh thổ Sudan.

Sudan: Cuộc chiến ủy nhiệm tiếp theo? - Ảnh 2.

Tướng al-Burhan (trái) và tướng Dagalo. Ảnh: Anadolou Agency

Kế hoạch được thỏa thuận vào năm 2020, nhưng theo phó giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (CAST), chuyên gia về châu Phi Maxim Shapovalenko, kế hoạch này khiến Washington cũng như Brussels không hài lòng và Sudan đã vài lần mặc cả lại với Nga. 

Đáp lại, Matxcơva đề xuất hỗ trợ Sudan tăng cường hệ thống phòng không khu vực Bắc Sudan, bao gồm toàn bộ vùng bờ biển. Đến tháng 2-2023, cuối cùng hai bên cũng đạt được thỏa thuận. 

Chính quyền Sudan, bất chấp sự phản đối của Mỹ, xác nhận Nga có thể tin tưởng rằng họ "sẽ có căn cứ riêng ở Hồng Hải với tối đa 300 nhân sự, ở nơi bốn tàu có thể ra vào cùng lúc". Tin này được loan báo vào 11-4. Chỉ vài ngày sau, như đã biết, xung đột nổ ra.

Điểm thứ hai là vấn đề khai thác vàng. Trong tháng 4 này, Sudan đã đệ đơn kiện một công dân Nga, nhân viên của Công ty Al Sawlaj for Mining, với cáo buộc xuất khẩu trái phép 5kg vàng. 

Các nhà điều tra đã thẩm vấn 58 nhân viên công ty này, gồm 35 người Nga. Bloomberg nhấn mạnh rằng tất cả các cuộc thẩm vấn "được thực hiện vì lợi ích của các nước phương Tây, vốn lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga" ở Sudan.

Khi xung đột nổ ra, truyền thông đã nhắc đến vai trò của công ty quân sự tư nhân Wagner PMC ở Sudan. 

Nhà bình luận chính trị Iraq Ibrahim Musa nói trên EADaily rằng các chỉ huy Wagner "đã huấn luyện lính cho Dagalo được vài năm". Ông này cũng nhắc chuyến thăm Nga của Dagalo ngay trước ngày Matxcơva tấn công Ukraine.

Vai trò của Israel và Mỹ

Ở Sudan, Mỹ đang muốn đóng vai chính trong nỗ lực kiến tạo hòa bình, đưa ra thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời thành lập "nhóm tác chiến" để giải quyết khủng hoảng Sudan.

Nhưng có vai trò trực tiếp hơn cả Washington ở Sudan sẽ là đồng minh cật ruột của Mỹ trong khu vực: Israel. Một trong những yếu tố dấu ấn của Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu khi ông trở lại vai trò này là nỗ lực bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Hồi giáo. 

Vị thế địa chính trị của Sudan, sự hợp tác chặt chẽ của nước này với một số ít đồng minh của Israel ở Trung Đông - Ai Cập và Ethiopia - khiến Sudan trở thành nhân tố then chốt trong Hiệp định Abraham (Hiệp định hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

Năm 2020, với sự tham gia trực tiếp của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, Sudan được gọi tên đầu tiên khi Israel mở lại quan hệ với thế giới Ả Rập và Hồi giáo. 

Trong khi Khartoum quan tâm đến các ưu đãi kinh tế và quân sự - chính trị do Washington cung cấp, thì chính phủ Netanyahu nhắm tới hai điều: chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ Sudan làm khu vực trung chuyển vũ khí và thiết bị quân sự cho phong trào Hamas của Palestine, và ghi điểm chính trị với cử tri Israel. 

Tuy nhiên, năm 2021 Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok bị cách chức, những hợp tác đa ngành với Mỹ ngưng lại, tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel bị đóng băng. Cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao Israel - Sudan, lẽ ra là từ tháng 4 này, đã bị bỏ lỡ.

Giới quan sát dự báo những liên lạc đấy sẽ chỉ được nối lại sau khi tình hình ở Sudan đã rõ ràng, với chiến thắng dứt khoát cho một trong hai viên tướng. 

Đáng lưu ý là trong quá trình 3 năm chuẩn bị để thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Tel Aviv đã xây dựng được mối liên hệ tin cậy với cả hai phe xung đột ở Sudan hiện giờ. Bộ Ngoại giao Israel làm việc với al-Burhan, trong khi cơ quan tình báo Mossad chủ yếu liên lạc với Dagalo.

Đến nay thì Israel, giống như Trung Quốc và Nga, mới dừng lại ở kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn qua đàm phán. Về phần Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 21-4 cho biết đã triển khai quân trong vùng chiến sự Sudan để "đảm bảo sơ tán công dân Hoa Kỳ và sự an toàn của thường dân" nếu cần thiết, nhưng "vẫn chưa nhận được bất cứ yêu cầu gì" từ phía Khartoum. ■

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken hôm 25-4 tuyên bố SAF và RSF đã đồng ý ngừng bắn 72 tiếng trên toàn quốc bắt đầu từ nửa đêm 25-4. Tuy nhiên, các thỏa thuận ngưng bắn trước đó đã liên tục bị vi phạm, khiến lệnh ngưng bắn mới không mang tới nhiều lạc quan.

Hiện các nước đang sơ tán công dân khỏi Sudan, điều không dễ dàng khi có tin một quan chức ngoại giao Ai Cập chết và một nhân viên ngoại giao Pháp bị thương trên đường đến lánh nạn ở đại sứ quán nước mình. Quân đội Anh và Mỹ đã đưa các đơn vị đến để giúp sơ tán công dân.

Theo tường thuật trên các kênh Telegram Sudan, hiện thủ đô Khartoum thực sự bị "bóp nghẹt" bởi cuộc khủng hoảng nước uống do nhiều trạm bơm bị phá hủy trong các cuộc đụng độ. Internet thì đứt đoạn.

Việc cung cấp điện trong thành phố vẫn chưa được khôi phục và các hãng viễn thông đã chuyển sang dùng máy phát điện. Khủng hoảng điện nước kéo theo khủng hoảng bánh mì, với những hàng dài người xếp hàng trước các tiệm bánh quanh Khartoum.

Ngày 25-4, đại diện WHO tại Sudan thông báo một phòng thí nghiệm y tế công cộng, nơi lưu trữ mẫu bệnh sởi, dịch tả và bại liệt, đã rơi vào tay của một trong hai bên tham chiến, tức thêm một rủi ro chết người nữa với Sudan vốn đã rối beng rồi.

Mỹ di tản vội vã

Ngay sau khi xung đột nổ ra, nhiều nước đã bắt đầu rút nhân viên ngoại giao và sơ tán công dân khỏi Sudan.

"Như trong phim ảnh nhất" là chiến dịch di tản của quân đội Hoa Kỳ vào tối chủ nhật 23-4.

Khoảng 100 binh sĩ lực lượng đặc biệt Mỹ đã bay vào Khartoum trên ba chiếc trực thăng MH-47, đáp xuống tòa đại sứ Mỹ, bốc đi khoảng 70 nhân viên sứ quán còn lại lúc đó và hoàn tất cuộc di tản trong vòng chưa đầy một giờ - kịch bản "thuộc lòng" của lực lượng đặc biệt Mỹ.

Lần này đã không có phát súng nào nổ và không có thương vong - bản tin Military Times của Mỹ loan báo.

Các chuyến bay giải cứu rời Sudan rồi trực chỉ Ethiopia, hạ cánh xuống một địa điểm không được tiết lộ. Military Times cũng cho biết Ethiopia đã hỗ trợ nạp lại nhiên liệu sau mỗi chuyến bay ra vào.

Cuộc di tản bằng trực thăng này được hỗ trợ bởi một lực lượng liên hiệp có cả khu trục hạm Truxtun ở ngoài khơi bờ biển Sudan và căn cứ viễn chinh di động Lewis B. Puller có khả năng cung cấp phương tiện vận chuyển người sơ tán, các máy bay không người lái tham gia giám sát chiến dịch di tản, theo lời tướng Mark Milley - tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại châu Phi kiêm tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Được biết, từ hôm thứ năm 20-4, quân đội Mỹ đóng tại trại Lemmonier (Djibouti) đã được lệnh sẵn sàng lên đường. Trong thời gian đó, tướng Ryder liên lạc với hai phe giao chiến tại Sudan để đảm bảo cho cuộc di tản an toàn. Phe RSF của Sudan sau đó loan tin rằng họ đã hỗ trợ cuộc di tản của Mỹ, song Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass đã bác bỏ tin này.

Thông báo của sứ quán Mỹ tại Khartoum đề ngày 25-4 cho biết thêm chi tiết: Hôm 22-4, sứ quán Mỹ tại đây đã ngưng hoạt động, Bộ Ngoại giao ra lệnh cho người làm việc cho Mỹ và những người phụ thuộc của họ di tản.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng Military Times nhận xét Washington đã bỏ lại hàng ngàn công dân Mỹ ở Sudan, cụ thể là khoảng 16.000 người, hầu hết có song tịch Mỹ - Sudan, còn kẹt lại.

D.ĐỨC

Lịch sử xung đột lâu dài

Xung đột quân sự hiện tại ở Sudan chỉ là một phần nhỏ của lịch sử đẫm máu và đầy hỗn loạn ở nước này.

Các cánh quân được sự ủng hộ của các chính phủ theo định hướng Hồi giáo đã chi phối nền chính trị quốc gia kể từ khi Sudan giành được độc lập từ sự đồng cai trị của Anh - Ai Cập vào năm 1956. Triều đại kéo dài 30 năm của Tổng thống Omar al-Bashir kết thúc bằng cú đảo chánh quân sự buộc ông này phải ra đi vào tháng 4-2019.

Trước đó 8 năm là một biến cố dữ dội với Sudan: Ngày 9-7-2011, sau nhiều thập niên nội chiến với hơn 2 triệu người thiệt mạng, Nam Sudan tách khỏi Sudan, trở thành quốc gia mới nhất trên thế giới. Việc Nam Sudan ly khai được thể hiện qua một cuộc trưng cầu ý dân tổ chức vào tháng 1-2011 với 98,83% người bỏ phiếu đồng ý.

Được biết, năm 1978 Hãng dầu Chevron (Mỹ) phát hiện ra dầu tại các quận Bentu và Heglig ở miền nam Sudan. Chính quyền trung ương ở Khartoum quyết tâm kiểm soát các mỏ dầu ngay từ đầu và chuyển sang thành lập "tỉnh Thống nhất" vào năm 1980, loại trừ các vùng dầu mỏ khỏi sự kiểm soát của miền nam và sáp nhập chúng vào miền bắc.

Việc chính quyền Khartoum tiếp quản dầu mỏ và sự ra đời của luật Sharia vào năm 1983 đã khơi lại cuộc nổi loạn ở miền nam. Đại tá John Garang thành lập Quân đội Giải phóng nhân dân Sudan (SPLA), tấn công các cơ sở khai thác dầu của Chevron.

Đến năm 1993, cuộc chiến chống lại chính quyền trung ương đã trở thành một cuộc thánh chiến. Cuối cùng, một thỏa hiệp hòa bình được ký kết vào năm 2005, trả lại độc lập cho miền nam, đổi lấy sự chia phần 50/50 thu nhập dầu hỏa cho chính quyền trung ương ở Khartoum.

Đại tá John Garang của miền nam nay lên tướng và trở thành phó tổng thống Sudan cùng thỏa thuận trưng cầu dân ý độc lập cho nam Sudan trong vòng 10 năm. Đến 2011, sau trưng cầu ý dân, Nam Sudan chính thức "ra riêng".

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập vào ngày 8-7-2011 bởi Hội đồng Bảo an theo nghị quyết 1996 nhằm yểm trợ và hỗ trợ tạo môi trường an toàn và ổn định cho Nam Sudan. Việt Nam tham gia UNMISS với một bệnh viện dã chiến.

Nay những xung đột phe phái ở miền bắc, tức Sudan, lại đưa vùng đất này vào binh đao và chết chóc chưa biết bao giờ ngưng.

D.LONG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận