​Sức mạnh của thông tin

Không chỉ là quyền được biết của công dân mà TTCT nêu ra trong số báo trước (ra ngày 5-7-2015), thông tin còn rất cần cho công cuộc cải cách hành chính, là yêu cầu sống còn trong địa hạt kinh tế và phòng chống tham nhũng...

 

Những năm qua đất nước Việt Nam có nhiều biến chuyển về mặt kinh tế - xã hội, đời sống của người dân cơ bản có cải thiện. Nhưng bên cạnh những thành công còn có rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nguồn gốc của bất bình đẳng trong xã hội.

Các “bong bóng” đất đai, các vụ khiếu nại, khiếu kiện, oan sai… mà dư luận đang đặc biệt quan tâm có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị Việt Nam vẫn còn được vận hành theo tư duy cũ của thời kỳ kế hoạch, bao cấp, thậm chí của cả thời kỳ chiến tranh của văn hóa bí mật, không có sự thông tin đầy đủ qua lại giữa người dân và các cơ quan nhà nước.

TÁI KHẲNG ĐỊNH QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN

Quyền được thông tin lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 tại điều 69. Điều này trong Hiến pháp năm 2013 không những được tái khẳng định tại điều 25 mà sự chỉnh lý cụ thể hơn, với tên gọi “quyền tiếp cận thông tin” (rights of access to information).

Thông tin là một trong những quyền của thời hiện đại. Tuy nhiên, trừ một số quốc gia như Thụy Điển đã nhận ra tầm quan trọng của thông tin rất sớm, với đa số thì quyền này chỉ được phát triển nhất vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ này với sự xuất hiện của Internet.

Những năm gần đây, thuật ngữ “access” của tiếng Anh được sử dụng rất nhiều cùng với các danh từ khác như justice (được dịch là tiếp cận công lý), hay thuật ngữ information được dịch là tiếp cận thông tin (không tương đương đầy đủ). Khái niệm “access” trong tiếng Anh không chỉ đơn thuần là việc tiếp cận như trong tiếng Việt, mà còn hướng tới sự tra cứu, truy tìm, phát tán, truyền tải…

Thông tin rất cần cho công cuộc cải cách hành chính. Không có tự do thông tin thì không thể cải cách hành chính hiệu quả. Công khai, minh bạch là một cách nói khác của quyền tự do thông tin và đây cũng là một nhu cầu rất lớn. Ví dụ để làm hồ sơ, người dân, doanh nghiệp cần thông tin về một dự án để tham gia đấu thầu; nhân viên ban quản lý có văn bản nhưng không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng cung cấp cho người dân và doanh nghiệp có yêu cầu.

Một ví dụ điển hình khác vì thông tin không công khai, bị bưng bít nên người dân hầu như không biết về quy hoạch, về giải tỏa, đền bù, về những dự án ưu đãi, hay khoản tiền tài trợ, tiền cứu trợ thiên tai...; hoặc khi có nhu cầu thì việc liên hệ với cơ quan đang giữ thông tin rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào sự “hảo tâm” của cán bộ đang quản lý thông tin. Đây cũng chính là nguyên nhân của “bong bóng” đất đai, nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng và cũng không ít người nghèo đi một cách không ngờ, kiện cáo xuất hiện ngày càng nhiều.  

Trong chính quyền, sự thiếu thông tin xuất hiện qua các biểu hiện dễ nhận biết như người dân không có hoặc ít có thông tin về các dự án hay các chương trình hoạt động của Chính phủ có liên quan tới người dân; không có hoặc ít có thông tin về các vị đại biểu trong các đợt bầu cử Quốc hội; không có hoặc ít có thông tin về các phiên tòa xét xử tội phạm; không có hoặc có ít thông tin về thế giới và những giá trị phổ quát đang hiện hữu trên thế giới như dân chủ và tự do... Từ chỗ thiếu thông tin và không minh bạch dẫn đến bộ máy hành chính muốn hành xử với dân thế nào cũng được.

Cũng vì thiếu thông tin nên người dân không thể thực hiện được quyền giám sát đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước, yêu cầu về dân chủ hóa hoạt động quản lý hành chính bị hạn chế, cơ chế “kiểm soát và đối trọng” giữa công dân với nhà nước , giữa các cơ quan nhà nước với nhau không được thực hiện. Có trường hợp chính quyền xử lý đúng nhưng người dân không hiểu, hoặc có trường hợp chính quyền thiếu thông tin nên xử lý sai nhưng người dân không biết. Cả hai trường hợp này đều dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây mất thời gian, khủng hoảng lòng tin (1).

Công khai thông tin là cực kỳ cần thiết cho hoạt động kinh tế. Bất đối xứng thông tin là khái niệm mô tả các tình huống trong đó những người tham gia tương tác trên thị trường không nắm được thông tin khác nhau về giá trị hoặc chất lượng của một tài sản đang được giao dịch (trao đổi) trên thị trường đó.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, đã viết về bất đối xứng thông tin như sau: “Khoa học thông tin đã chứng minh sự lừa đảo liên quan đến bất đối xứng về thông tin. Bên lừa biết bản chất, giá trị của món hàng nhưng không cung cấp thông tin cho người mua, người mua cũng không có khả năng kiểm chứng chất lượng hàng hóa mà mình mua tại thời điểm mua hàng. Khi mua rồi mới té ngửa ra “nói vậy mà không phải vậy” thì đã muộn”.

Tiếp cận thông tin được cộng đồng quốc tế coi là công cụ không thể thiếu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) trong Báo cáo về tình hình tham nhũng trên toàn cầu (Global corruption report) năm 2003 đã khẳng định tiếp cận thông tin là “vũ khí quan trọng nhất trong đấu tranh chống tham nhũng” (2). Một tổ chức quốc tế hàng đầu khác trong lĩnh vực này là Privacy International cũng đưa ra nhận định tương tự (3).

Về vấn đề này, Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng yêu cầu với các quốc gia thành viên thực thi các biện pháp để bảo đảm quyền của công chúng được tiếp cận với thông tin, coi đó như cách thức quan trọng nhằm phòng chống tham nhũng (điều 10), đồng thời đề ra nhiều yêu cầu khác có liên quan, cụ thể là về tính minh bạch và cởi mở trong hoạt động của các cơ quan công quyền (các điều 5, 7, 9, 10, 12, 13).

Nói tóm lại, thông tin có giá trị và tác động cực kỳ to lớn. Có thể nói thông tin là tiền bạc, thông tin là sức khỏe, thông tin là sự sống, thông tin là tri thức, thông tin là phát triển, thông tin là quyền lực, thông tin là quyền của các quyền. Không có quyền này thì các quyền khác khó có điều kiện cho việc thực hiện...

Chính vì tầm quan trọng như vậy nên Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã phải tuyên bố tại điều 19 rằng:  Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm,… tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin. Điều khoản nói trên được tái khẳng định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 và nhiều công ước khác.

XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI CỞI MỞ

 

Bối cảnh kể trên chính là động lực dẫn tới phong trào rộng rãi pháp điển hóa quyền tiếp cận thông tin trên thế giới. Tính đến tháng 9-2009 đã có 140 quốc gia trên khắp các châu lục ban hành luật tiếp cận thông tin (4). Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 (ban hành kèm theo nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 của Chính phủ) đã xác định một trong các giải pháp cụ thể để phòng chống tham nhũng trong giai đoạn tới là: “…xây dựng và ban hành luật về tiếp cận thông tin” (mục III, 1(đ)). Xuất phát từ yêu cầu thực tế và dựa trên chiến lược này, hiện nay Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, tổ chức xây dựng Luật tiếp cận thông tin đầu tiên của nước ta.

Cụ thể hóa Hiến pháp 1992, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong những năm qua Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thật sự đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin ở nước ta hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Việc xây dựng, ban hành Luật tiếp cận thông tin tại thời điểm này là cần thiết và là thời điểm thích hợp vì một số lý do chủ yếu sau đây:

Một là nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quyền được thông tin theo Hiến pháp năm 1992.

Hai là nhằm bảo đảm pháp luật về tiếp cận thông tin phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra, nhất là vấn đề tôn trọng, đảm bảo thực thi quyền con người.

Ba là góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Việc tiếp cận thông tin chính thức của Nhà nước cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước tham gia quá trình hội nhập quốc tế và đẩy mạnh quá trình hội nhập chủ động, tích cực của các thành phần kinh tế nói riêng và của đất nước nói chung.

Bốn là nhằm thực hiện các cam kết quốc tế: Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước, hiệp ước quốc tế, kế hoạch hành động, các tuyên bố quốc tế đã đưa ra những yêu cầu có tính ràng buộc hoặc khuyến nghị các quốc gia thành viên ban hành Luật tiếp cận thông tin (5).        

(1): Ý kiến của ông Nguyễn Ký, nguyên phó trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, tổ trưởng Tổ Nhà nước và hành chính.

(2): Transparency International, Global Corruption Report 2003: Special Focus: Access to Information, London: Profile Books, tr.6.

(3): Privacy International, Freedom of Information Around the World 2006: A Global Survey of Access to Government Information Laws, tr.7

(4): Privacy International (2009), Global Freedom of Information Map

(5): Xem dự thảo tờ trình Luật tiếp cận thông tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận