Sự sống sau bom mìn

LÊ ĐỨC DỤC - QUỐC NAM 30/04/2013 11:04 GMT+7

TTCT - Ở một nơi như Quảng Trị, máu đổ suốt thời chiến tranh vì bom đạn nóng trút xuống và hàng chục năm sau vẫn còn tiếp tục đổ bởi những quả bom, trái đạn lạnh vùi sâu dưới lòng đất phát nổ bất kỳ lúc nào.


Nổ hủy mìn tại Khe Sanh (Quảng Trị) tháng 4-2013 - Ảnh: Nick Út


Công việc của những đội rà phá bom mìn trên mảnh đất này vẫn diễn ra hằng ngày, hằng tuần trong muôn vàn khó khăn để trả lại những vùng đất “sạch” cho khoai sắn, cao su mọc lên và người dân an cư...

Với gần 84% diện tích đất tự nhiên (391.500/461.297ha) có bom mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh, Quảng Trị là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam.

Đất của... truyền kỳ bom đạn

Đem con số diện tích hơn 391.000ha đất đai đang chất chứa bom mìn kia làm phép chia cho diện tích bình quân 2.300ha được rà phá mỗi năm thì sẽ cần thêm 165 năm nữa, đất Quảng Trị mới gọi là đất “sạch”. Nghĩa là khi ấy, may ra dưới tầng sâu đất đai kia những cái chết không còn nấp trong bom mìn, đạn pháo. 20 năm chiến tranh, rồi hơn 200 năm giải quyết hậu quả là một cái giá đắt kinh khủng!

Sau ngày hòa bình, ngay khi tiếng súng chiến tranh vừa ngưng lại, trên ruộng đồng Quảng Trị đã hình thành những nhóm nông dân, thanh niên với một vài chiến sĩ công binh làm nòng cốt vừa học vừa thực hành công việc tháo gỡ bom đạn để lấy đất canh tác.

Thiếu phương tiện, yếu kỹ thuật, việc rà phá bom mìn ngày đầu giải phóng ấy dường như để mang lại một “liệu pháp tinh thần” để người dân mạnh dạn bổ nhát cuốc xuống ruộng đồng, trồng tỉa mùa màng trên mảnh đất bao năm hoang hoải vì bom đạn chứ không mang lại sự an toàn. Lại thêm hàng trăm người ngã xuống ngay trên mảnh đất quê nhà, nụ cười mừng ngày hòa bình vẫn còn đọng trên môi những nông dân cần mẫn thương khó ấy.

Quê tôi ở thị trấn Cam Lộ là một xóm nhỏ, không giáp ranh với các căn cứ quân sự lớn trong chiến tranh nên mật độ bom mìn trên ruộng đồng chưa phải là nhiều. Vậy mà từ sau năm 1975 đến năm 1980, cả làng không tháng nào không có người chết vì cuốc phải bom đạn khi làm đồng. Ám ảnh đau đớn ấy còn dai dẳng đến tận bây giờ.


Làng tái định cư Trúc Lâm (Gio Châu, Gio Linh) được lập sau khi đất đai được rà phá sạch bom mìn - Ảnh: L.Đ.Dục


Một ngày bình thường...

Công việc sáng hôm nay ở thôn Tân Sơn, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa mà các anh em trong đội rà phá bom mìn lưu động Quảng Trị (EOD) đang làm là sự tiếp tục bền bỉ đó. Tân Sơn là một thôn thuộc vành đai của căn cứ Làng Vây xưa kia nên hứng chịu rất nhiều bom đạn, mìn các loại.

Thành lập từ năm 2003, 24 người của đội chịu trách nhiệm rà phá bom mìn trong toàn tỉnh. Quảng Trị có nhiều nhóm như vậy, triển khai công việc rà phá dưới sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế như RENEWS, SODI, MAG, C.P.I... Đội EOD đang tiến hành ở khu vực Tân Sơn do Tổ chức Peace Tree tài trợ. Ở đâu có thông tin về bom mìn là đội lập tức có mặt để xử lý.

Mặt trời vừa lên, cả đội đã sẵn sàng bắt tay vào công việc. Hơn một nửa đội đảm nhận việc phát quang giải phóng bề mặt. Khu vực này nằm trên quả đồi rộng gần 1ha, được quy hoạch là sân vận động của thôn nên địa phương đề nghị đội lên rà phá bom mìn trước khi xây dựng. Số anh em còn lại chia nhau, nhóm dùng máy dò bom và cắm mốc đánh dấu vị trí phát hiện, nhóm còn lại trực tiếp xử lý.

Vì việc giải phóng đất đai sâu đến vài mét nên đội phải thực hiện tỉ mẩn từng centimet. Trong khoảnh đất gần trăm mét vuông vừa khoanh vùng, hai người trong đội dùng dây chia ra từng ô có chiều ngang 1m để đảm bảo không một centimet đất nào bị bỏ sót. Một tổ hai người sẽ chịu trách nhiệm rà soát khuôn viên nhỏ ấy, người đi trước rà máy, người đi sau cắm cọc định vị.

Được vài bước, máy phát tín hiệu báo có kim loại. Một chiếc cọc định vị được cắm xuống đánh dấu. Anh Nguyễn Văn Thành, người được đội giao nhiệm vụ đào vật liệu nổ, cầm dao xắn từng nhúm đất nhỏ lên tìm kiếm. Việc đào bới rất nhạy cảm bởi có những loại bom đạn chỉ cần chạm mạnh vào là phát nổ.

Tỉ mẩn từng chút một, đào chừng hơn gang tay, lớp vỏ sần sùi gỉ sét của một quả đạn pháo cỡ lớn lộ ra. Tỉ mẩn hơn nữa, anh nhẹ nhàng vét hết lớp đất xung quanh quả đạn rồi đưa nó lên khỏi mặt đất. Với con dao nhỏ đó, có khi anh Thành phải đào cả khối đất đá mới tìm được vật nổ dưới đất, hai bàn tay đỏ tấy.


Chứng tích chiến tranh ở Quảng Trị - Ảnh: Nick Út


Ngoài việc đi giải phóng đất đai cho các công trình phúc lợi, họ còn hoạt động như một đội phản ứng nhanh trước sự cố bom mìn. “Mới cách đây một tháng, từ tin báo của người dân tại khóm 3, thị trấn Khe Sanh, tụi tôi phải tức tốc gác lại việc giải phóng đất đai ở xã Tân Lập để có mặt. Đợt đó cả đội tìm được cả một hầm chứa bom đạn có hơn 600 quả lớn nhỏ”- anh Nguyễn Văn Cường, đội trưởng, kể.

Những tình huống nguy cấp xảy ra bất kỳ lúc nào. Đầu tháng 3-2013, một người dân tại khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa phát hiện một hầm bom đạn, vật nổ mà nhiều người dân khi làm rẫy đã nhặt và gom lại một chỗ. Một người dân đã vô tình đốt rác trên hố bom ấy khiến một quả đạn nổ. Chính quyền địa phương phải cho người canh giữ suốt đêm chờ đội rà phá bom mìn lên xử lý ngay sáng sớm hôm sau. Trong hầm đạn đó, cả đội “lôi ra” hơn một nghìn quả các loại.

Nhiều lần theo anh em của các nhóm đi hủy bom, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều quả bom “khủng” nặng tới 1.000 pound Anh (tương đương hơn 450kg). Thông thường những vật nổ vừa tháo gỡ được tập trung về một kho chứa cách xa khu dân cư. Cứ sáng thứ sáu hằng tuần, họ chất đầy vật liệu nổ thu được lên xe tải, chạy vào trảng cát ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng.

Trảng cát rộng mênh mông này là địa bàn duy nhất trên toàn tỉnh được dùng làm bãi hủy bom mìn và vật nổ rà phá được. Do quy định chỉ được nổ vào thứ sáu nên có tuần nhân viên của 3-4 dự án cùng về một lúc khiến nơi này như một “hội chợ” đạn bom, có thể nhìn thấy hàng chục loại bom mìn sát thương bày la liệt chờ tiêu hủy.


Cao su và khoai mì lên xanh tốt ở vùng làng Cồn Trung - nơi ngày xưa là “đất chết” - Ảnh: L.Đ.Dục


Sống lại những làng...

Khi những quả bom, đạn pháo... kết thúc vòng đời của mình ở bãi hủy giữa trảng cát Hải Lăng thì trên những mảnh đất đã được rà phá cẩn thận kia, những ngôi làng mới bắt đầu mọc lên như một chỉ dấu cụ thể về sự hồi sinh của đất. Cồn Trung là một ngôi làng “hồi sinh” như thế nằm trên địa bàn vùng Cùa (huyện Cam Lộ), không xa căn cứ Tân Sở thuở vua Hàm Nghi dựng cờ ban chiếu Cần Vương là mấy.

Ngay đám ruộng đầu làng, bà Lê Thị Gái, 58 tuổi, đang cuốc đất trồng sắn. Ruộng sắn của bà nằm bên những ruộng sắn khác đã lên xanh tốt. Bà nói làng chỉ mới “sống lại” gần chục năm nay sau khi một lượng lớn bom mìn được đưa lên khỏi mặt đất.

Anh Lê Hoàng Chủng, trưởng làng Cồn Trung, cho biết trước đây vùng này là sân bay dã chiến và là nơi đóng quân của Mỹ nên sau khi rút đi, nơi này như một vùng đất chết. Bom mìn và vật nổ nằm lại dày đặc. Người dân trong làng lên lập nghiệp cuốc đâu cũng đụng bom mìn nên bỏ về. Trong làng đã có hàng chục người bị bom mìn gây thương tích. Sau đó, vùng đất này được “làm sạch” với nguồn kinh phí từ dự án phá gỡ bom mìn của SODI (Cộng hòa liên bang Đức).

SODI sau đó tiếp tục hỗ trợ xây dựng làng tái định cư với 65 hộ dân đầu tiên đi từ các thôn trong xã Cam Chính (huyện Cam Lộ) lên. Mỗi hộ được hỗ trợ một số tiền làm nhà ở, một khoản vốn vay nhỏ lãi suất thấp để làm ăn.

Sự “liều lĩnh” ban đầu nay đã được đền đáp. Cây cao su đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Cồn Trung sau khi lập làng (năm 2004 đến nay). Cả làng trồng được gần chục hecta cao su, trong đó hơn một nửa bắt đầu cho thu hoạch. Những vườn tiêu, khoai mì cũng mọc lên từ mảnh đất đầy bom đạn ngày trước. Dân Cồn Trung đã có nhà đạt thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng từ cao su, hồ tiêu và sắn.

Cũng cần nói thêm ngày mới lập làng, Cồn Trung chưa có trường học. Những hộ dân ở đây phải gửi con về ở với ông bà để con cái được đến trường, nhiều hộ không cho con đi học được bởi bố mẹ không đủ điều kiện. Nay trường học đã ở ngay đầu làng. Hơn 100 học sinh đủ các cấp học của Cồn Trung đều được đến trường, không trẻ nào bỏ học.


Một góc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - Ảnh: Nick Út

Cồn Trung chỉ là một trong số rất nhiều làng tái định cư vừa được xây dựng trên những “vùng đất chết” năm xưa, bởi mật độ bom mìn còn dày đặc trên nhiều ngôi làng của Quảng Trị, từ làng Phường Cội, Tân Hiệp (Cam Lộ), Tân Định (Triệu Phong) qua Trúc Lâm (Gio Linh)...

Mấy chục năm, hành trình nhọc nhằn và cam go ấy vẫn đang tiếp diễn. Nhưng những ngôi làng tái sinh ấy thắp lên hi vọng về một tương lai an bình thật sự, dù vẫn phải nhắc lại rằng cuộc chiến làm sạch bom mìn ở miền đất này còn phải kéo dài chí ít thêm... 165 năm nữa!

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975-2000 Việt Nam có 42.134 người tử vong, 62.163 người bị thương tật do bom mìn, vật nổ. Nạn nhân bom mìn chủ yếu là những lao động chính trong gia đình, trẻ em chiếm 30% số người bị nạn. Diện tích ô nhiễm là 66.000km2 (chiếm hơn 20% diện tích cả nước, chưa kể vùng biển). Còn hơn 600.000 tấn bom mìn, vật nổ đang nằm sâu trong lòng đất. Ước tính Việt Nam cần trên 10 tỉ USD để loại bỏ được hết các loại bom mìn chưa nổ.

Tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn được rà phá trên cả nước.

Chương trình quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn đặt mục tiêu (từ năm 2010-2025) làm sạch được 1,3 triệu ha đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng các chuyên gia dự tính với tốc độ này, sẽ phải mất hàng trăm năm nữa Việt Nam mới sạch hết bom mìn và vật nổ.

Qua điều tra, khu vực miền Trung, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh ở Nam Trung bộ có mật độ và mức độ ô nhiễm bom mìn lớn nhất.

(Số liệu của Ban chỉ đạo chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025

 


___________

Ông Hoàng Minh Hồng, phó giám đốc Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn, chia sẻ với TTCT những khó khăn của công việc này hiện nay.

Quả bom nặng 450kg tìm thấy ở huyện Hướng Hóa được mang đi hơn 120km về hủy tại Hải Lăng - Ảnh: L.Đ.Dục

Ông Hoàng Minh Hồng cho biết: “Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc rà phá, cơ bản là hết mìn để giải phóng đất đai cho bà con canh tác, nhưng do nguồn lực và điều kiện kinh tế nên rà phá bom đạn ở độ sâu lớn hơn vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều nơi người dân vẫn còn đang canh tác, trồng rừng trên những vùng đất chứa bom mìn”.

* Việc rà phá bom mìn đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Trước tiên là khó khăn về địa hình. Phần lớn những vùng bị “ô nhiễm bom mìn” là vùng đồi núi, địa hình dốc đứng và hay bị lũ quét, ngập nước, nhiều nơi gần sông thì lâu ngày bị phù sa bồi lắng, bom mìn càng bị vùi sâu thêm. Địa hình và tính đa dạng của các loại vật nổ khiến việc cơ giới hóa hay sử dụng chó dò mìn trở nên không hiệu quả.

Thứ hai là khó khăn về việc xác định đâu là bom mìn, đâu là các dị vật, vì tại những khu vực diễn ra nhiều trận đánh lớn còn sót lại rất nhiều mảnh bom đạn, ngoài ra là sắt thép phế liệu được thải ra trong quá trình người dân sinh hoạt và sản xuất dẫn đến việc mất rất nhiều thời gian và công sức khi máy dò tìm không phân biệt được đâu là vật nổ, đâu là dị vật.

Thứ ba, bom đạn, vật nổ thường nằm ở độ sâu 0,3-5m, nhưng cũng có thể sâu tới 10-20m nên rất khó tìm ra, đặc biệt nếu đây là những bom đạn ít thành phần kim loại. Trang thiết bị và công nghệ cũng luôn là một khó khăn, đặc biệt là trang thiết bị cho rà phá bom mìn dưới nước và xử lý bom mìn sau khi tìm được.

Vấn đề của chúng tôi hiện nay không những là tài chính mà còn là nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng để sử dụng các thiết bị này.

* Các chuyên gia cho rằng phải mất vài trăm năm nữa mới làm sạch hết bom mìn tại Việt Nam. Vậy có cách nào để đẩy nhanh quá trình này?

- Ta phải nâng cấp hơn nữa công nghệ và trang thiết bị để dò tìm được chính xác hơn, không những trên cạn mà còn ở dưới nước. Ngoài ra cũng rất cần những trạm xử lý bom đạn cơ động với giá thành thấp, dễ sử dụng cho việc xử lý bom đạn tại chỗ.

Trong phê duyệt chương trình quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn, Chính phủ đặt ra vấn đề vận động mọi nguồn lực trong nước cũng như sự tài trợ của các cá nhân và tổ chức nước ngoài để cùng nhau khắc phục hậu quả bom mìn của chiến tranh để lại.

 - Đây là một nghề nguy hiểm nên năm nào cũng có trường hợp hi sinh hoặc nhẹ thì bị thương trong khi làm việc. Rà phá bom mìn ở Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính thủ công, vì thế độ rủi ro càng cao. Nhiều loại bom mìn vì chôn vùi sâu trong lòng đất nhiều năm nên mất hết ký hiệu, nhưng lại luôn trong tình trạng sẵn sàng phát nổ.

Đối với những loại bom này, cách xử lý triệt để duy nhất là hủy đốt hoặc hủy nổ, nhưng cách này lại gây nhiều nguy hiểm cho người thực hiện. Chưa kể có những loại như bom bi hoặc đầu đạn M79 đòi hỏi phải hủy ngay tại nơi tìm thấy, song vì nhiều nơi gần khu dân cư nên buộc phải di chuyển ra chỗ khác để hủy, quá trình di chuyển cũng rất không an toàn.




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận