Sự "lập lờ" của những cơn đau

ĐỖ MINH TUẤN 12/11/2012 04:11 GMT+7

TTCT - Vị trí đau là một phương tiện hữu hiệu trong chẩn đoán bệnh tật, cụ thể là chẩn bệnh cơ quan. Không phải tất cả nhưng đau là lời “ta thán” phổ biến của cơ quan bị bệnh nên nơi nào nó cất lời thì khoảng 80% nơi đó có kẻ cần thuốc thang.

Phóng to
Cơn đau ở thắt lưng nhưng căn nguyên lại từ chỗ khác - Ảnh: Thanh Đạm

Bệnh toàn thân, nhiễm trùng, chuyển hóa khó định vị hơn nhưng cũng có vài vị biết chọn cho mình một “cơ quan ngôn luận” để phát tín hiệu đau yếu khi cần. Nổi tiếng là cơn đau ngón cái trong bệnh gút cấp....

Đau chỗ này nhưng bệnh chỗ khác

20% còn lại tưởng nhỏ nhưng lại hóa ra lắm rắc rối, dành cho những trường hợp vị trí đau không phản ánh đúng cơ quan gốc, kéo theo chẩn đoán nhầm và lắm hậu quả.

Đầu danh sách là những cơn đau... dương đông kích tây, nôm na đau điểm A nhưng không phải cơ quan A bị bệnh mà là cơ quan B, gần đó hoặc có khi xa “hú ba ngày” không tới. Rõ ràng cơn đau không chính chủ xuất hiện càng xa bản quán thì khả năng và hậu quả định bệnh nhầm càng cao. Bệnh liên quan thần kinh hay xuất hiện những cơn đau “lang thang”, có khi xa nơi chôn nhau cắt rốn hàng nửa thân người. Cơn đau thần kinh tọa nổi tiếng lang bạt từ nơi phát tích ở vùng thắt lưng theo đùi, mông đến tận ngón út, bàn chân. Thoát vị ruột cũng là căn bệnh “digan” nổi danh khác...

Sự bất tín của cơn đau còn do lỗi tiền hậu bất nhất. Nghĩa là bệnh gốc khá “kiệm lời” nhưng khi xảy ra biến chứng lại khá to tiếng. Điển hình: sỏi thận lắm khi chẳng thấy ho he gì tại bản doanh nhưng khi mấy viên sỏi rời bước tha hương đến niệu quản, niệu đạo, bàng quang lập tức cho khổ chủ biết đá biết vàng. Một tên tuổi khác là cơn đau thắt ngực (mạch vành) đôi khi cũng rơi vào cảnh nhập nhèm: cơn đau gốc ngực trái không ầm ĩ bằng trạm dừng nào đó trên hướng lan vai, cánh tay, ngón út trái... Một số loại ung thư vào giai đoạn di căn cũng hay gửi tin xấu rất xa nguồn phát, chẳng hạn tế bào u ác đại tràng di căn gan.

Khó có thể kể hết sự bất nhất của cơn đau, cả khi “đau đâu chỉ đó” vẫn có thể sai. Hiểu điều này sẽ giúp nhiều người tránh được những cú giao trứng cho ác tức tưởi khi tin tưởng thái quá vào ngón tay trỏ của cơn đau.

Coi chừng tiền mất tật mang

Như đã nói, cơn đau và vị trí của nó là phương tiện quan trọng giúp thầy thuốc định bệnh nhưng đừng quên họ còn phải căn cứ nhiều yếu tố khác (tính chất, cường độ, thời điểm, hướng lan cơn đau), nhất là có cả... khoa cận lâm sàng hùng hậu đứng đằng sau. Đây là vốn liếng mà người bình thường không thể có, do vậy chỉ dựa vào mỗi cơn đau để chỉ ra cơ quan bệnh, từ đó chẩn đoán bệnh, có thể nói là một hành động phiêu lưu, dù lắm khi may mà trúng.

Không có gì đáng nói nếu sau cú hô hoán của cơn đau, người bệnh gửi hồ sơ đến tay bác sĩ. Chỉ phiền với những người sợ bệnh, dị ứng bệnh viện, quyết giữ lại chẩn đoán nội bộ và chọn cách xử lý nội bộ nốt (ra nhà thuốc, vén áo... chỉ vô chỗ đau và nhận thuốc về uống, cũng là cách giải quyết phổ biến). Có thể kể một ví dụ: cô công chức chuyên cạo giấy nọ phát hiện những cơn đau vùng thắt lưng. Phản ứng nhanh, cô vào mạng tìm “bác sĩ Google” và được cảnh báo: đó là vị trí kinh điển của các vấn đề về thận!

Trời đất tối sầm, “bệnh nhân” tự đổ dầu vào lửa bằng các triệu chứng ít tiểu, buồn nôn, nước tiểu vàng mà cô mắc gần đây. Vốn sẵn tính trời không ưa bác sĩ, sợ lấy máu, cô quyết định không làm phiền bệnh viện, về nhà đóng cửa âm thầm đeo sầu, chuốc khổ... Sau một tuần ủ rũ, những cơn đau bất ngờ... thuyên giảm và biến mất. Lấy làm lạ, cô đi khám và được thông báo: hai quả thận bình an vô sự và những cơn đau trước đó đơn giản do... căng cơ thắt lưng vì ngồi lâu gõ bàn phím.

Có thể hầu hết chẩn đoán dựa vào vị trí đau đều trúng nhưng đừng quên cẩn thận với cơn đau kế tiếp, bởi rất có thể nó sẽ cho bạn “vào tròng” tức tưởi đấy! Tốt nhất vẫn cần phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa để có lời khuyên chính xác.

Những cơn đau có địa chỉ:

* Đầu: đau cả đầu: căng cơ, chấn thương, tăng nhãn áp...; đau một bên: viêm động mạch thái dương, đau nửa đầu Migraine...

* Ngực: nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch phổi...

* Lưng, thắt lưng: loãng xương, căng cơ, viêm bể thận, sỏi thận...

* Bụng: giữa, trên: viêm, loét dạ dày...; trên, phải: viêm gan, viêm màng phổi (phải), viêm bể thận (phải), giun chui ống mật...; trên, trái: viêm tụy cấp, viêm màng phổi (trái), viêm bể thận (trái)...; dưới, phải: lỵ, amip, viêm ruột thừa cấp...; quanh rốn: nhiễm giun, viêm ruột, tắc lồng ruột...

* Chân: thần kinh tọa, thương tổn thần kinh do hút thuốc, tiểu đường, nghiện rượu, co cơ, tắc mạch máu...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận