Sử học và tương lai

PHẠM HOÀNG QUÂN 28/02/2018 17:02 GMT+7

TTCT - Có lúc nào bạn nghĩ cầm một cuốn sách sử đọc chơi. Hãy làm điều đó và coi việc ấy rất bình thường, như cầm tờ báo lên coi vài mẩu quảng cáo rao vặt vậy.

Mỗi người đều có thể dùng sử làm của riêng. Ảnh: afamilychat.com
Mỗi người đều có thể dùng sử làm của riêng. Ảnh: afamilychat.com

 

 Đọc tin quảng cáo chưa chắc là nhu cầu, mà cũng đọc vì nó thật nhẹ nhàng, khỏi phải nghĩ ngợi, chỉ thi thoảng mới lăn tăn, ủa sao cái giường gỗ mà giá chưa tới ba phân vàng, cái bình trà mới toanh mà ngót nghét mười ba lượng. Và bạn cũng có thể đem luôn sự lăn tăn khó hiểu về giá cả chợ búa bất thường ấy đặt vào giữa những câu chữ trong sử sách.

Ngay sau lúc loài người chế ra chữ viết thì món sử cũng xuất hiện, đầu tiên là những ghi khắc sự việc cần giữ lại trong đời sống của một người hoặc một nhóm người, có thể là điều quan trọng cần thiết hằng ngày, cũng có thể là chuyện mông lung thiên trời địa đất.

Người sau nữa lại sắp xếp gạn lọc để những câu chuyện quá khứ kia gọn gàng dễ nhớ, một phần cũng do không đủ chỗ để cất chứa tất cả mớ xương thú, thẻ tre khắc vạch lỉnh kỉnh.

Thời điểm những người vô danh ấy chọn lựa cân nhắc điều cần giữ, điều bỏ đi là thời điểm manh nha hình thành lịch sử. Họ âm thầm truyền nhận mải miết cho đến khi những sử gia xuất hiện, tiêu biểu như Herodotus (người Hi Lạp sống ở khoảng năm 484 TCN - 425 TCN) hồi hai ngàn rưỡi năm trước, hay Tư Mã Thiên cách đây hai ngàn năm.

Sự ra đời của các quốc gia cùng những tập đoàn thống trị đã làm cho việc chép sử của loài người đi đến một ngã rẽ, một ngả dần dần chỉ chuyên phục vụ cho lợi ích những nhóm quyền lực, và một ngả thì lưu giữ và tích lũy từng bước những kiến thức góp thành văn minh của loài người.

Tuy nói là hai ngả nhưng có khi chúng lẫn trong nhau, bởi vậy đọc một cuốn sử do những quốc gia cực đoan hay chế độ độc tài tổ chức biên soạn cũng vẫn có cái hay với tâm thái nhẹ nhàng, lâu dần rồi cũng tự dưng thấy chuyện che giấu cái xấu hay nói cho bốc lên cái tốt hoặc ghi chép thiên lệch, nhận định phũ phàng... là chuyện bình thường, phần được của người đọc là sẽ tìm thấy trong thế giới mênh mông ấy những điều đáng thu thập, hay ít ra cũng có nhiều chỗ bất ngờ, nhiều điểm thú vị.

Bản đồ thế giới theo Herodotus, năm 450 trước Công nguyên. Ảnh: Wikimedia
Bản đồ thế giới theo Herodotus, năm 450 trước Công nguyên. Ảnh: Wikimedia

 

Nghe theo hay hoài nghi?

Sử học tiến bộ là nhờ truy vấn, sự hơi khác nhau giữa sử học phương Tây đại diện bởi Hi Lạp với sử học phương Đông đại diện bởi Trung Hoa có phần ở chỗ từ nguyên chữ “sử”. Story trước khi được hiểu là câu chuyện thì nghĩa gốc trong tiếng Hi Lạp cổ là truy vấn, còn chữ sử trong Hán tự thì gốc gác là tên chức quan lo chép lời vua nói, tức đố anh dám hỏi.

Một đằng thì thoải mái hỏi tới bờ tới bến để câu chuyện còn lại rất ít điểm đáng ngờ; một đằng chẳng dám hó hé, nghe sao chép vậy. Tất nhiên là ai cũng có thể hình dung được sự khởi nguồn đó đã ảnh hưởng như thế nào đối với hai nền sử học lâu đời ấy.

Khuất Nguyên (thế kỷ IV - TCN) có lẽ là người đặc biệt hiếm hoi khi qua thiên Thiên vấn đã đặt hàng trăm nghi vấn về những truyền thuyết, trong đó có chuyện chia đặt chín Châu thời vua Hạ Vũ trước ông ta khoảng ngàn rưỡi năm.

Làm thế nào và bằng phương tiện gì mà một anh tù trưởng bộ lạc như Vũ lại có thể đi lại khắp lưu vực sông Hoàng Hà để đo đạc chia ranh phân giới chín Châu nhằm phân loại đất đai mà thu thuế khóa như một dạng quản lý hành chánh? Ấy vậy mà đại đa số sử gia Trung Hoa từ cổ chí kim vẫn cứ nói mãi Hạ Vũ là người khai sáng mô hình tổ chức nhà nước trung ương tập quyền nhằm định hình cột mốc 5.000 năm lịch sử.

Lừng lẫy như Tư Mã Thiên, người sinh sau Vũ khoảng hai ngàn năm, vẫn có thể lập cho Vũ bản thế phả liền mạch tới bốn đời trước cùng với đầy đủ hành trạng công tích, hình như tài văn chương của ông ta đủ để lấp kín những khoảng hốc hố rất đỗi to lớn mà lẽ ra cần phải suy xét về độ khả tín của sử liệu.

Nói mãi thành ra như thật cũng là một đặc điểm của lịch sử, nhưng những nghi vấn đại loại như của Khuất Nguyên cũng vẫn được lưu giữ, cho dù số rất đông sử gia đã phân tích hóa giải những sử liệu kỳ cục ấy theo hướng vô hại cho đại cuộc, nhưng làm sao chắc được về sau này không có người trả lại bản nghĩa của nó, đồng nghĩa với việc phủ định mấy ngàn năm huyền thoại.

Công sức của người làm sử đáng trân trọng, tuy nhiên không có gì đảm bảo là những người ấy viết đúng tất cả, họ vốn bị bao vây bởi trăm thứ khó nên suy cho cùng hoài nghi vẫn là thái độ đáng phải theo đuổi.

Những bàn tay trên tường hang động ở gần thị trấn Perito Moreno, tỉnh Santa Cruz, Argentina, có niên đại 13.000-9.000 năm trước. Ảnh: Wikimedia
Những bàn tay trên tường hang động ở gần thị trấn Perito Moreno, tỉnh Santa Cruz, Argentina, có niên đại 13.000-9.000 năm trước. Ảnh: Wikimedia

 

Làm gì trong tương lai?

Trong Hán tự, chữ “sử” có nguồn gốc là tên chức quan. Quan Hữu sử có nhiệm vụ kè bên vua để ghi chép lời nói. Quan Tả sử lo việc liên quan đến hoạt động của vua.

Phần việc quan trọng đặc biệt của Tả sử là đốt yếm rùa, xương thú coi vết nứt để đoán sự việc, đa số là việc sắp tới, tỉ như vua muốn đi đâu, yếm rùa lờ mờ có chữ “cát” thì rầm rộ lên đường, hiện chữ “hung” thì đành hoãn lại. Tuy việc ấy giống như việc của thầy bói ngày nay, trúng trật toàn do ngẫu nhiên hên xui, nhưng qua đó cũng biểu hiện phần nào phương tiện, niềm tin và khả năng trong mục tiêu hướng tới phía trước của người thời đó.

Nếu thay thông tin nứt nẻ trên yếm rùa bằng thông tin do thám thời nay, thì cũng tựa như đoàn công cán của các nguyên thủ phải tìm hiểu để nắm tình hình thời tiết hoặc khả năng khủng bố có thể xảy ra trên đường hay điểm đến. Nếu thay thông tin trên yếm rùa bằng hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội, một người bình thường không phải là sử quan của thời nay cũng có thể dự đoán được phần nào tương lai của cộng đồng. Cách của xưa nay tuy khác, nhưng đều cho thấy con người luôn có nhu cầu muốn biết chuyện sắp tới dù mơ hồ hay chính xác.

Sử vốn hình thành trên nền tảng kiến thức chung của loài người, mỗi người đều có thể dùng sử làm của riêng. Là một loại của cải đặc biệt nên cách dùng cũng nhiều kiểu khác nhau. Đại thể có thể chia thành hai nhóm, hoặc là nhóm số đông, chỉ sử dụng tri thức lịch sử như kiến thức bách khoa, thỏa niềm ham thích chuyện xưa cũ, lấy việc đã qua giải thích một số điều hiện tại; hoặc là nhóm số ít, cầu tìm ngoài sử loại trí tuệ lịch sử, thông qua quá trình tiếp nhận tri thức đến phân tích xét đoán, để loại trừ khỏi sử những đơm đặt thêu dệt được rất đông người tin theo, để điều chỉnh những điều bất hợp nhằm tránh tự kiêu tự sướng.

Mỗi thời đại có quan niệm về lịch sử khác nhau, phạm vi vùng cấm cũng khác, lại thêm mỗi giai đoạn có khi rất ngắn lại nảy ra quan điểm lịch sử khác nhau nữa. Tại sao người ta cứ soạn tới soạn lui về một giai đoạn lịch sử xa xưa tưởng như đã ổn định, bởi lý do người sau không đồng quan điểm với người trước hoặc phe này không chịu nổi quan điểm của phe kia lớn hơn rất nhiều so với lý do số sử liệu gia tăng. Tuy nhiên, ở một góc nào đó, sự cạnh tranh quan điểm cũng là sự vận động trong tiến trình phát triển lịch sử.

Ở thời đại thông tin lan tỏa nhanh chóng cùng với phương tiện lưu trữ gọn gàng bất chấp khối lượng như hiện nay, những người trước đây mang công vụ “khâm định” đầy ưu thế trong nghề sử chẳng hạn sẽ mất dần uy lực, tài năng của họ rất dễ cân đo, độ xác thực trong điều họ viết ra rất dễ kiểm chứng.

Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều can dự vào sự hình thành và phát triển hoặc suy sụp của cộng đồng, nên lẽ công bằng là mỗi cá nhân đều có quyền giám sát, phản biện, truy vấn việc biên soạn bộ sử viết về cộng đồng ấy, và đối đế cũng có thể tỏ thái độ từ chối nếu nó được thực hiện thiếu khách quan.

Và nếu có điều phỏng định về tình hình sử học trong nước sắp tới. Ở hướng tích cực, nhà làm sử sẽ rất cẩn trọng, cho ra đời những sử phẩm cô đúc thiết thực, sử liệu chân xác, nhận định khách quan và quan trọng hơn cả là chịu tranh luận; người đọc sử bình tĩnh sâu lắng, hoài nghi, kiểm chứng và ráo riết truy vấn, coi những việc đó vừa là dịp rèn giũa tư duy, vừa là trách nhiệm. Còn ở hướng tiêu cực thì ngược lại.■

Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều can dự vào sự hình thành và phát triển hoặc suy sụp của cộng đồng, nên lẽ công bằng là mỗi cá nhân đều có quyền giám sát, phản biện, truy vấn việc biên soạn bộ sử viết về cộng đồng ấy, và đối đế cũng có thể tỏ thái độ từ chối nếu nó được thực hiện thiếu khách quan.

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận