Sự đọc của tôi

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI 20/04/2014 02:04 GMT+7

TTCT - LTS: Quyết định 284/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24-2-2014 quy định ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. TTCT giới thiệu tâm sự của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (khoa báo chí truyền thông Đại học Quốc gia Hà Nội) nhân sự kiện này.

Bạn đọc mua sách tại Hội sách 2014 - Ảnh: Lam Điền

Chúng ta đang bị đặt trước một thách thức về cái đọc khi thống kê cho biết một người Việt Nam trong một năm chưa đọc hết một đầu sách (0,8), dù đã có nhiều cách tổ chức đọc sách tích cực xuất hiện. Đúng là khó có thể ngồi yên đọc sách, ngay cả đọc để giải trí. Phải chăng vì xã hội hiện đại từ lâu có Internet và chính thế giới mạng đã xô đẩy sách in và báo in vào cuộc khủng hoảng về cái đọc?

Doanh thu chưa phải là tín hiệu lạc quan

Làm thế nào để thói quen đọc sách trở lại? Căn cứ vào vài chục tỉ đồng bán sách và tên 10 đầu sách bán chạy nhất của Hội sách TP.HCM lần 8 vừa diễn ra trong một tuần thì thấy hội sách rất thành công về doanh thu. Số người trẻ tham gia hội sách chiếm tới 70% (của gần 1 triệu người).

Tôi thiết nghĩ, vui về doanh thu sách có thể chưa hẳn là tín hiệu lạc quan về cái sự đọc hôm nay, khi trong 10 sách ấy quá thiên về sách giải trí mà vắng bặt sách tri thức, sách công cụ cho sinh viên Việt, nhất là sách về văn hóa Việt. Tôi đồng thuận với tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên khi cho hội sách lần này đã “không đủ mua về sự lạc quan” và “chi phí quảng bá cho những dòng sách tri thức, tác phẩm nghiêm túc bị cắt bỏ để đầu tư cho những “event” sách mang hơi hướm son phấn nghe nhìn”.

Đọc sách, về bản chất là cuộc đối thoại cô đơn của người đọc với chữ nghĩa mà lại bị lạc sang việc trang điểm “son phấn nghe nhìn” thì thật nản lòng. Và nhà văn Trần Nhã Thụy cũng đã hài hước khi chua chát thốt lên ngay sau hội sách này: “Không phải cái gì kẹp vào giữa hai cái bìa thì cũng được gọi là sách”. Mặc dù có thể tự an ủi bây giờ giới trẻ chịu đọc sách trở lại, đọc cái gì cũng tốt, có đọc còn hơn không. Nhưng chẳng lẽ sự đọc lại chỉ để làm có mỗi một việc là giải trí thôi sao?

Các chuyên gia nghiên cứu về sự đọc đã chia ra bốn cấp độ đọc, nếu ta soi vào sự đọc của hôm nay mới “tá hỏa” mà nhận thấy người đọc Việt mới chỉ bắt đầu ở cấp thấp nhất là cấp độ 1: chỉ đọc lướt cho biết thông tin theo kiểu “tiêu dùng” chứ không đọc sâu để dò tìm lớp nghĩa nằm “ém nhẹm” dưới đáy chữ, “bóng chữ” (theo cách viết của thi sĩ Lê Đạt), nhất là chữ văn chương trong các tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật ngôn từ.

Biết “cắn vỡ cái ống xương”

Với sinh viên báo chí của mình, tôi buộc họ phải đọc sách công cụ ngay khi vào học năm nhất, trên tinh thần của phương pháp được tôi ghi rất rõ trên bảng: Đại học là TỰ HỌC. Trong tự học có tự đọc sách công cụ về ngành học của mình. Thí dụ, vào học ngành báo chí sinh viên phải đọc và biết ứng dụng vào nghề báo ba loại sách công cụ: sách văn hóa học, báo chí học và sách quan hệ công chúng (PR).

Bởi bất cứ nền báo chí truyền thông của quốc gia nào cũng phải giải mã nền văn hóa mà nó có nhiệm vụ tất yếu là phải thông tin và truyền thông. Nếu sinh viên không được giảng dạy môn Cơ sở văn hóa Việt Nam cho tử tế và biết cách tự đọc sách công cụ về văn hóa Việt thì làm sao thành nhà báo Việt hiện đại, để có thể thông tin về toàn bộ sinh hoạt văn hóa Việt hiện đại, trong cách ứng xử của người Việt với môi trường tự nhiên và xã hội đặc trưng của mình?

Và tất nhiên, sinh viên báo chí phải giải mã được các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của UNESCO đã và đang phong tặng cho Việt Nam và đưa vào kho tàng di sản văn hóa của nhân loại. Giúp sinh viên chọn sách công cụ, cách ứng dụng chúng vào ngành học của mình bằng phương pháp tự đọc sách (có hướng dẫn của giảng viên) là cách giảng dạy của tôi riêng về cái đọc.

Nghĩ vậy, tôi đã góp ý cho nhà tổ chức Ngày sách Việt Nam sắp tới là muốn cứu văn hóa đọc đang suy thì trước hết nên phân loại đối tượng đọc sách và đừng quên sách công cụ là nhu cầu về cái đọc lớn nhất của sinh viên nói chung, nhất là sinh viên đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật, báo chí và truyền thông. Việc đọc này thiết thân đến mức nếu sinh viên không biết đọc sách công cụ một cách tử tế và hiệu quả thì không thể hành nghề được, nhất là ngành nghề này đều liên quan đến cái viết, cái sáng tạo. Vậy nên, dưới cái viết phải có chắc chắn nền tảng của văn hóa đọc.

Tất nhiên Internet hôm nay sẽ giúp cho ta cái đọc nhanh vì tài liệu cần nghiên cứu, sách văn học và tri thức, tìm kiếm trên mạng là đầy rẫy. Cách phối hợp giữa việc đọc trên Internet và việc đọc sách giấy là việc của người đọc thông minh hôm nay, ai cũng phải tự giải quyết. Còn tôi, tôi thấy hạnh phúc khi đọc và thu lượm kiến thức, phối hợp từ cả hai cách đọc này. Tôi nhớ một câu rất hóm của nhà văn Pháp François Rabelais khi ông ao ước người đọc văn chương ông phải giống con chó thông minh, biết cắn vỡ cái ống xương để hút lấy cái tủy bên trong!

Việc đọc sách với tôi, ngay từ ấu thơ, vừa biết chữ, đã là một ham mê vô tận. Tôi nghĩ mình sẽ chẳng thành người nếu không đọc sách văn chương. Thi sĩ Phùng Quán từng viết: Khi tôi ngã, tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy. Nếu tôi ngã, và đã ngã, tôi sẽ vịn vào văn chương mà đứng dậy.

Tôi nhớ hồi bé, bố tôi đọc gì tôi đọc nấy. Tôi tự đọc, tự học trong sách cách hiểu biết con người, đời sống, cả kỹ năng sống, nhất là cách ứng xử với người xung quanh và với chính bản thân. Tôi vẫn đang đọc sách và rất ý thức về cái đọc của mình. Vì nếu không đọc sách cả đời thì tôi khó làm tốt hai việc chính của mình là giảng dạy và viết văn viết báo. Vì đã chọn nghề dạy học và nghề viết, tôi thường đọc sách công cụ, nhất là sách về văn hóa học, về báo chí học (nghề báo), về văn học (nghề văn), về sân khấu học (nghề sân khấu)...

Tôi thường đọc song song sách công cụ và sách văn chương. Thí dụ, tôi vừa đọc lại một số chương sách của cụ Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đức Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Phan Ngọc, Trần Ngọc Thêm... để viết soạn bài giảng, viết giáo trình. Tôi còn đọc để tham gia viết chùm bài Tính xấu người Việt (khởi đăng từ ngày 8-4 của báo Tuổi Trẻ). Tôi đang đọc quyển thứ hai của Nguyễn Trí, tập truyện ngắn Đồ tể sau cuốn trình làng, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013. Và sau đấy sẽ là tác phẩm mới của Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư, Bích Ngân, Đỗ Phấn, Trần Trọng Vũ... Tôi rất mê Dan Brown, đã mua sách mới Hỏa ngục và định đọc ngay khi có thể.

Chính vì vậy tôi ủng hộ Ngày sách Việt Nam và hi vọng ngày này sẽ đánh thức văn hóa đọc trở dậy, nhất là cho những sinh viên của tôi...

Khởi điểm mới từ Ngày Sách

Ngày sách Việt Nam (21-4) cùng với Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4) sẽ là một tâm điểm để tôn vinh sách, những hiệu ứng từ đọc sách và cả công việc làm sách. Quyết định về Ngày sách Việt Nam có thể xem như kết quả của một quá trình chuyển động từ phía cộng đồng đọc sách, trong đó có chương trình “10.000 chữ ký vì Ngày đọc sách Việt Nam” do nhóm sachhay.org phát động từ lần Hội sách TP.HCM năm 2010, có ngày “Tết sách” do Công ty Thái Hà phát động hằng năm, và trực tiếp là đề án Ngày sách Việt Nam do Bộ Thông tin - truyền thông trình Chính phủ hôm 18-2.

Về việc lựa chọn ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, Bộ Thông tin - truyền thông lý giải: Tuần lễ cuối tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách Đường Cách mệnh (1927) - tác phẩm bằng tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quyển sách đầu tiên của nền xuất bản cách mạng, được in bởi những thợ in người Việt Nam.

Ngày sách Việt Nam ra đời mang sứ mệnh “Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” (điều 2, quyết định 284), trong bối cảnh tình trạng đọc của người dân Việt Nam đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại: Theo thống kê của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, mỗi người dân đọc chỉ 0,8 bản sách/năm, tức bình quân một người dân đọc chưa tới một quyển sách mỗi năm.

Nếu tham khảo từ Malaysia, số liệu năm 2012 cho thấy mỗi người dân nước này đọc từ 10-20 quyển sách/năm sẽ thấy câu chuyện đọc sách của người dân Việt Nam còn rất nhiều chuyện đáng bàn, mà Ngày sách cũng chỉ là thêm một điểm mới tích cực.

LAM ĐIỀN

Phát triển tri thức phải đi trước

Tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam khá thấp. (Bình quân một người Pháp đọc 15 quyển sách/năm (1), người Mỹ: 12 quyển/năm (2)). Ở những xã hội văn minh, sự phát triển tri thức thường đi trước và làm tiền đề cho sự phát triển về kinh tế, giúp con người tránh khỏi những sai lầm, cạm bẫy, những ấu trĩ, mù quáng trong cuộc sống, kinh doanh, kiếm tiền, trưởng thành, học tập... Nhưng với Việt Nam, sự phát triển của tri thức lại chậm hơn cả sự phát triển của nền kinh tế.

Xây dựng thói quen đọc sách phải là sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và Chính phủ. Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình từ nhỏ đã thấy người thân đắm chìm vào những trang sách sẽ dễ yêu sách và tìm đến sách. Lớn lên khi đi học, nhà trường và thầy cô cũng yêu cầu học sinh phải đọc tài liệu, sách để hoàn thiện các bài tiểu luận, khóa luận mà kiến thức không nằm trong sách giáo khoa thì thói quen đọc sách sẽ được cuốn thêm rễ bền chặt.

Một số nước cổ vũ phát triển dân trí bằng cách tổ chức các chương trình xúc tiến đọc, xúc tiến xuất bản, thành lập các ủy ban độc lập để giới thiệu những cuốn sách hữu ích cho độc giả như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil... kéo theo một chiến dịch truyền thông rầm rộ của các phương tiện thông tin đại chúng.

Tri thức dân tộc chỉ có thể phát triển nếu được triển khai đồng bộ với những hoạt động ở các lĩnh vực khác như cải cách nền giáo dục (đang quá chú trọng đến bằng cấp), tăng thuế rượu, bia, thuốc lá để đảm bảo sức khỏe thể lực và trí lực, tạo môi trường cho nghiên cứu khoa học thực chất để từ đó làm nền tảng cho sự phát triển...

(1): http://www.humaniteinenglish.com/spip.php?article2452

(2): http://www.pewinternet.org/2014/01/16/a-snapshot-of-reading-in-america-in-2013/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận