Sự đánh đổi quá mạo hiểm?

VŨ NGỌC LONG 08/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - TS Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cung cấp thêm một góc nhìn khác về môi trường, thiên nhiên của Quảng Ngãi.

Bản đồ phân vùng
Bản đồ phân vùng

Vùng đặc trưng của miền Trung

Ngày 2-2-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định số 116/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ hoàn thiện quy hoạch chi tiết công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và các vùng phụ cận; dự kiến thành lập khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Sa Huỳnh - Quảng Ngãi.

Nhờ vào sự giàu có của tài nguyên tự nhiên, tính đa dạng phong phú của địa cảnh quan và độc đáo của các loài; nhờ vào sự lưu giữ được các di tích khảo cổ xa xưa của một nền văn hóa Sa Huỳnh, cùng với bề dày truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, khu DTSQTG Sa Huỳnh - Quảng Ngãi đã mang đầy đủ những giá trị về tài nguyên thiên nhiên và sinh thái nhân văn để đáp ứng được 7 tiêu chí của một khu DTSQTG.

Sở dĩ lấy tên Sa Huỳnh đặt cho khu DTSQTG ở Quảng Ngãi vì đây là một không gian văn hóa đặc sắc nhất đang còn được lưu giữ của tỉnh Quảng Ngãi. Văn hóa Sa Huỳnh Quảng Ngãi có bề dày lịch sử vào thế kỷ thứ nhất đã tồn tại hơn 5.000 năm, kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình, đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Vào năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên tại Quảng Ngãi với khoảng 200 hiện vật khảo cổ quý giá gọi là “Kho chum Sa Huỳnh” phát lộ bên cạnh đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ. Với “Kho chum Sa Huỳnh” còn lưu giữ được ở vùng ven biển Quảng Ngãi đã phơi bày dấu tích một đời sống của các tộc người thời tiền sử xưa kia cư trú ở Quảng Ngãi và dọc khắp miền Trung Việt Nam.

Các hệ sinh thái của một vùng đồi núi thấp ven biển như Quảng Ngãi là một đặc trưng của miền Trung Việt Nam. Cùng với những dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy dài ven sông, các mỏm đá núi thấp từ dãy Nam Trường Sơn mọc “chồm” ra bờ biển tạo nên những ghềnh đá và vịnh nước sâu, thảm thực vật tự nhiên từ các kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi cao cho đến những cánh rừng nước lợ vùng cửa sông, cùng với các bãi cát trắng xen lẫn các tảng đá nham thạch đen còn sót lại... tạo ra tính độc đáo của cảnh quan tự nhiên vùng sinh thái rừng khô đất thấp ven biển Nam Việt Nam.

Những giá trị sinh thái nhân văn hiếm có

Là một chuyên gia về sinh thái và đa dạng sinh học, tôi thấy thực sự rất suy nghĩ, lo lắng cho thiên nhiên và con người của tỉnh Quảng Ngãi. Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn không khác gì với những dự án lấn biển ở các tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... mà chúng ta đã biết.

Những địa phương giàu có nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển, biển và hải đảo, nhưng rồi sau khi phát triển đầu tư những dự án như của FLC Quảng Ngãi, thì kết quả cuối cùng là tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Môi trường thiên nhiên bị suy thoái, nghèo đi. Tất cả, người dân và cộng đồng ven biển sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề này.

Tôi đã gắn bó với Quảng Ngãi trong hai năm từ 2015 - 2017 khi làm quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cho tỉnh. Tôi hiểu những giá trị mà Quảng Ngãi đang có. Quảng Ngãi có một vị trí địa chính trị rất đặc biệt. Quần đảo Lý Sơn và vùng ven biển Quảng Ngãi chứa trong mình những giá trị sinh thái nhân văn không đâu có được.

Lý Sơn là một vùng đất thiêng liêng gắn chặt với truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước của ông cha ta. Vùng đất này vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Việc ra quyết định đầu tư và phát triển dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn sẽ phá vỡ tất cả hệ sinh thái vùng biển và ven biển Quảng Ngãi. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt về sự mất mát môi trường tự nhiên, di sản địa chất và không gian văn hóa Sa Huỳnh của khu vực. Đó là sự đánh đổi môi trường quá mạo hiểm. ■

Khu DTSQTG Sa Huỳnh - Quảng Ngãi phát triển dựa trên sự mở rộng của khu bảo tồn biển Lý Sơn, công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và vùng phụ cận nằm trong phạm vi của 8 huyện, thành phố Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn với tổng diện tích dự kiến khoảng 537.620,6ha, dân số khoảng 1.044.052 người. Khu DTSQTG Sa Huỳnh - Quảng Ngãi được phân chia thành 3 vùng chức năng, bao gồm: vùng lõi (22.096,1ha), vùng đệm (33.392,8ha) và vùng chuyển tiếp (483.128,7ha).

Khu DTSQTG này có 3 chức năng: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Khu DTSQTG Sa Huỳnh - Quảng Ngãi sẽ là bảo tàng sống trong tự nhiên, nơi lưu giữ những giá trị về một nền văn hóa Sa Huỳnh đặc sắc, về lịch sử của cha ông chúng ta, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc nước Việt trên Biển Đông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận