Sri Lanka: Ảo mộng nông nghiệp hữu cơ

H.MINH 24/04/2022 01:00 GMT+7

TTCT - Những ngày này, biểu tình đang lên đến đỉnh điểm tại quốc đảo Nam Á Sri Lanka, khi đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy trong nửa thế kỷ. Nguồn cơn rất có thể bắt đầu từ một thí nghiệm thất bại: biến đổi nền nông nghiệp toàn quốc thành sản xuất hữu cơ.

Năm 2019, trong chiến dịch tranh cử, một trong những lời hứa then chốt của đương kim Tổng thống Gotabaya Rajapaska là chuyển đổi nông nghiệp Sri Lanka thành sản xuất hữu cơ hoàn toàn trong vòng 10 năm. 

Tháng 4-2021, chính quyền Rajapaksa thực hiện lời hứa đó, ấn định lệnh cấm nhập khẩu và sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học trên toàn quốc, rồi yêu cầu 2 triệu nông dân cả nước (trong một dân số 22 triệu người) chuyển sang sản xuất hữu cơ.

 
 Ảnh: The Quint

Ăn sạch hay ăn đủ

Kết quả, hay hậu quả thì đúng hơn, thật ghê gớm và gần như tức thì. Bất chấp các tuyên bố rằng phương pháp hữu cơ có thể mang tới năng suất tương đương canh tác kiểu bình thường, sản lượng gạo trong nước đã giảm 20% chỉ trong vòng 6 tháng. 

Sri Lanka, vốn một thời gian dài có thể tự túc lương thực, giờ buộc phải nhập khẩu lượng lúa gạo trị giá 450 triệu đôla, khiến giá cả mặt hàng thiết yếu này tăng gần gấp đôi. Phương pháp hữu cơ cũng hủy diệt năng suất ở những trang trại trà, mặt hàng xuất khẩu chính mang về ngoại tệ cho đất nước.

Tới tháng 11-2021, khi sản lượng trà tiếp tục sụt giảm, chính quyền đành dỡ bỏ một phần lệnh cấm phân bón với các loại cây trồng xuất khẩu chính, gồm trà, cao su và dừa. Rồi khi biểu tình bùng lên, lạm phát tăng mạnh và đồng rupee Sri Lanka giảm giá không phanh, chính quyền mới chấm dứt hẳn lệnh cấm. 

Nhà nước cũng đề xuất bồi thường cho nông dân khoản tiền mặt trực tiếp tương đương 200 triệu đôla và thêm 149 triệu đôla trợ cấp nữa cho các nông hộ thua lỗ vì nông nghiệp hữu cơ. 

Nhưng những số tiền đấy chỉ là muối bỏ biển so với tổn thất: riêng sản lượng trà sụt giảm vì giấc mơ nông nghiệp hữu cơ 100% ước tính đã khiến nền kinh tế Sri Lanka mất 425 triệu đôla.

Nhưng tổn thất gây ra với con người là không thể đo đếm. Trước khi đại dịch bùng phát, Sri Lanka tự hào vươn tới mức thu nhập bình quân đầu người trên trung bình của thế giới (4.100 USD vào năm 2021). Hiện giờ, nửa triệu người ở đất nước này, số đông là nông dân, lại rơi vào tình trạng nghèo đói.

Giấc mộng nông nghiệp hữu cơ hóa ra chỉ là sự kết hợp huyễn hoặc giữa ảo vọng, sai lầm về quản trị và sự thiển cận của nhà nước. Hành trình hướng về đất hứa nông nghiệp thời cổ ở Sri Lanka bắt đầu từ năm 2016, theo chỉ thị của ông Rajapaksa, với việc thành lập phong trào xã hội Viyathmaga. 

Phong trào này là nền tảng chính trị để vận động tranh cử của Rajapaksa với các cương lĩnh chính: nhà nước sẽ làm hết, từ an ninh quốc gia tới chống tham nhũng và chính sách giáo dục, cùng lời hứa biến Sri Lanka thành đất nước nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn trong vòng một thập niên.

Dù Viyathmaga tuyên xưng là một phong trào kỹ trị, hầu hết các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu đất nước đã không được hỏi ý kiến trong nghị trình nông nghiệp nói trên, vốn bao gồm quyết định loại bỏ phân bón hóa học, phát triển 2 triệu nông hộ hữu cơ để đáp ứng nhu cầu trong nước, và biến những khu đất rừng và đất ngập nước thành vùng sản xuất phân bón sinh học.

Sau khi đắc cử tổng thống, ông Rajapaksa bổ nhiệm nhiều thành viên của phong trào Viyathmaga vào nội các, bao gồm ghế bộ trưởng nông nghiệp. 

Bộ Nông nghiệp Sri Lanka sau đó lập hàng loạt ủy ban để triển khai chính sách nông nghiệp hữu cơ, một lần nữa lại không có mặt các nhà nông học, mà chủ yếu là đại diện của lĩnh vực nông nghiệp “tái tạo” và giới học giả ủng hộ phong trào hữu cơ.

Ảo ảnh

Chỉ vài tháng sau khi ông Rajapaksa đắc cử, COVID-19 ập đến. Đại dịch đã khiến lĩnh vực du lịch từng rất phát đạt của Sri Lanka - chiếm một nửa thu nhập bằng ngoại tệ của đất nước - “đứng hình” vào năm 2019. Đầu năm 2021, ngân sách và đồng rupee rơi vào khủng hoảng. 

Đúng lúc đó thì Rajapaksa quyết định thực hiện lời hứa nông nghiệp hữu cơ.

Từ những ngày đầu của cuộc cách mạng xanh những năm 1960, Sri Lanka đã có truyền thống trợ cấp cho nông dân sử dụng phân bón hóa học. Kết quả, giống như cả vùng Nam Á, là một cuộc đại nhảy vọt: Sản lượng gạo và các cây trồng khác tăng hơn gấp đôi. 

Sri Lanka tự đảm bảo được lương thực và xây dựng ngành xuất khẩu trà cùng cao su thành những nguồn thu ngoại tệ thiết yếu cho sự phát triển đất nước. 

Sự gia tăng năng suất nông nghiệp còn là nền tảng cho tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, giúp phần lớn lực lượng lao động chuyển dịch sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đưa Sri Lanka thoát khỏi nhóm nước nghèo và vươn lên có thu nhập trung bình cao vào năm 2020.

Năm đó, tổng kim ngạch nhập khẩu và trợ cấp phân bón trong nước là gần 500 triệu đôla. Nhưng do giá phân bón tăng mạnh vào năm 2021, lệnh cấm được chính phủ Rajapaksa tính toán là một động thái nhất tiễn song điêu: vừa tiết kiệm ngoại tệ, vừa cắt giảm các khoản trợ cấp lớn mà ngân sách vẫn chi cho nông dân.

Nhưng về năng suất nông nghiệp, đó là một sai lầm chết người, theo nghĩa đen. Đầu vào cho sản xuất ở ngành này - nước, phân, cần, giống - có quan hệ mật thiết với sản lượng. 

Giới nông học, cả ở Sri Lanka và trên thế giới, cảnh báo sản lượng nông nghiệp sẽ sụt giảm không thể tránh khỏi, nhưng chính quyền tuyên bố họ đủ sức thay phân bón tổng hợp bằng phân hữu cơ.

Niềm tin đó chỉ là ảo ảnh. Khoản tiền tiết kiệm được cho ngân sách từ cấm nhập phân bón chẳng là gì so với mất mát vì giảm sản lượng xuất khẩu nông sản. Giảm chi ngân sách nhờ bỏ các khoản trợ cấp cho nông dân rốt cuộc vẫn kém xa chi phí đền bù cho họ vì nhà nước gây ra cảnh mất mùa diện rộng.

Bản chất của nông nghiệp

Nông nghiệp, xét đến cùng, rất đơn giản: Dưỡng chất và năng lượng đầu ra dưới dạng calorie được quyết định bởi dưỡng chất và năng lượng đầu vào. 

Trong phần lớn lịch sử thành văn của loài người, chúng ta đơn giản tăng sản lượng bằng cách mở rộng diện tích đất canh tác. Hơn nữa, mới 200 năm trước thôi, hơn 90% dân số toàn cầu vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và chật vật nuôi sống cũng chừng ấy con người.

Lúc bấy giờ, cách duy nhất để bổ sung năng lượng và dưỡng chất vào hệ thống làm tăng sản lượng là cho đất nghỉ, luân phiên các loại cây trồng và sử dụng phân hữu cơ từ gia súc và người. 

Chỉ từ thế kỷ 19, sự mở rộng của thương mại toàn cầu dẫn tới việc khai thác và sử dụng guano - vẫn là một loại phân hữu cơ, cụ thể là phân chim, đóng lớp trên các đảo hoang nhiều chim - và một số loại phân bón khác, mới giúp người ta khai phá những vùng đất nông nghiệp mới, mênh mông ở châu Âu và Bắc Mỹ. 

Hàng loạt tiến bộ công nghệ - máy móc cơ giới, thủy lợi, giống cây trồng… - cũng góp phần.

Nhưng sự chuyển đổi quyết định chỉ diễn ra với việc phát minh chu trình Haber-Bosch ở Đức vào đầu những năm 1900, khi người ta sử dụng nhiệt độ cao, áp suất cao và chất xúc tác hóa học để thu được nitơ từ không khí và sản xuất ra ammonia, chất nền của phân bón hóa học. 

Đó có lẽ là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Con người dần không còn phải lo tới cái ăn nữa. Ngày nay, phân bón hóa học đang giúp thế giới nuôi sống 8 tỉ người.

Tác động của phát minh không dừng ở việc giúp con người khỏi đói. Không có phân bón hóa học, không thể có đô thị hóa, công nghiệp hóa, giai cấp trung lưu, giáo dục công lập, Internet và gần như tất cả những gì tồn tại ngày nay. 

Thế giới đó đã phát triển đến mức trớ trêu nực cười: Ngày nay, đời sống “hữu cơ” gói gọn trong khoảng 700 triệu người nghèo cùng cực vẫn canh tác kiểu truyền thống ở những ngóc ngách xa xôi hay cằn cõi và một nhúm những kẻ giàu nhất thế giới, chủ yếu là ở phương Tây, vốn coi nông sản hữu cơ là một lựa chọn thể hiện lối sống và đẳng cấp. 

Tất cả những ai ở giữa, tức khoảng 7,3 tỉ người, đều phải ăn uống dựa vào công nghiệp hóa chất.

Trở lại với Sri Lanka, thí nghiệm chết yểu vừa qua khẳng định nỗ lực nuôi sống một dân số thị dân lớn bằng nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ ắt sẽ thất bại. 

Sản lượng sụt giảm ước tính là 35% với gạo, 50% với trà, 50% bắp, và 30% dừa. Nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn không phải là khó khăn, mà là không khả thi về mặt kinh tế. Nhập khẩu phân bón đắt đỏ nhưng nhập khẩu gạo còn đắt hơn nhiều. ■

Một số ví dụ khác

Cuba, dù không tự nguyện, từng phải ngừng nhập khẩu phân bón hóa học khi nền kinh tế nước này lâm vào khủng hoảng giai đoạn Liên Xô sụp đổ. Dù nhà nước vẫn nỗ lực duy trì được việc cung ứng lương thực, cân nặng trung bình của một người Cuba đã giảm khoảng 5-10kg trong những năm sau đó. 

Năm 2011, Bhutan từng hứa sẽ chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ 100% vào năm 2020. Nhưng ngày nay, nhiều nông dân ở vương quốc khá khép kín chỉ có hơn 700.000 dân nằm trên dãy Himalaya này vẫn tiếp tục dựa vào hóa chất nông nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận