![]() |
Tưởng nhớ những người ở nhà giàn đã hi sinh tại “nghĩa trang trên biển” - Ảnh: Tấn Đức |
Nghĩa trang trên biển
Anh Bùi Xuân Bổng, cán bộ nhà giàn DK1/17, bồi hồi kể lại câu chuyện tang thương ngày nào mà anh là nhân chứng sống. Đó là đêm 4-12-1990, một cơn bão cấp 12 tràn qua bãi cạn Phúc Tần. Nhà giàn DK1/A vừa mới được xây dựng chỉ cách mực nước biển khoảng 5m bị sóng đánh tung cả sàn gỗ, cả căn nhà rung bần bật trước bão tố.
Thấy hiểm nguy đã cận kề, mọi người trên nhà giàn lấy dây thừng kết tất cả những thứ có thể nổi trên mặt nước thành một chiếc phao để khi nhà giàn có đổ thì bám vào, chờ người trong đất liền ra cứu. Đến khoảng 2 giờ sáng, nhà giàn đổ ập xuống biển. Trong đêm tối, anh em bám vào chiếc phao mới kết vội. Sóng càng lúc càng lớn, đánh tơi tả cả những bộ quần áo trên người. Mọi người động viên nhau cùng cột người vào phao để nếu có chết thì gia đình, đồng đội còn tìm thấy xác.
Nhưng đến sáng thì phao cũng bị sóng đánh tan tành, ai vớ được gì thì bám nấy. Giữa sự sống và cái chết, trạm phó Nguyễn Hữu Quảng đã nhường lại chiếc can nhựa của mình cho anh em rồi chìm dần vào lòng biển. Hơn 15 giờ sau, tàu HQ 711 mới ra đến, chỉ có năm người may mắn thoát chết, còn Quảng cùng với y sĩ Lê Đức Là và nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền đã vĩnh viễn ra đi.
![]() |
Phút bình yên ở nhà giàn là đọc thư nhà và nhớ về đất liền Ảnh: Tấn Đức |
Không chùn bước trước bão tố, để phục vụ công việc nghiên cứu trên thềm lục địa, các nhà giàn khác tiếp tục được dựng lên giữa trùng dương. Nhưng rồi rạng sáng 14-12-1998, cuồng phong lại giáng xuống nhà giàn DH1/16. Cơn bão như muốn bật tung tất cả lên.
Thấy nhà giàn khó trụ được trước cơn cuồng phong này, trạm trưởng Vũ Quang Chương ra lệnh cho mọi người đu dây xuống biển tìm đường thoát, còn mình ở lại tìm cách bảo vệ tài liệu nghiên cứu khoa học quan trọng, quyết không để thất lạc.
Không lâu sau đó căn nhà cao hơn 25m đổ ập xuống biển, mang theo hình hài người trạm trưởng dũng cảm. Cũng trong cơn bão này, ở một nhà giàn khác trên bãi Phúc Nguyên, nhân viên báo vụ Lê Đức Hồng đã kiên quyết bám trụ nhà giàn để liên lạc với đất liền, gọi tàu ra cứu đồng đội. Cuộc điện đàm đang dang dở thì đầu máy trong bờ đột ngột mất tín hiệu. Đó cũng là lúc anh Lê Đức Hồng bị dìm xuống lòng biển cùng với nhà giàn.
Thiên tai cứ liên tục trút xuống, mức độ ngày càng khốc liệt. Giữa biển khơi, những người trên nhà giàn đã làm hết sức mình nhưng vẫn không tránh được mất mát, hi sinh. Bốn cơn bão lớn từ năm 1990 đến nay đã cướp đi sinh mạng của chín người. Càng đau lòng hơn khi tất cả các anh đều hòa vào lòng biển, không một thi thể nào được tìm thấy. Đồng đội các anh xem nơi các anh đã ra đi là một nghĩa trang trên biển và những lượn sóng bạc đầu là mộ phần của các anh. Đã thành thông lệ, tất cả những chuyến tàu DK1 đi ngang qua đây đều dừng lại, ngậm ngùi tưởng niệm các anh.
Hôm tàu chúng tôi dừng lại làm lễ, nhiều người trong đoàn đã không cầm được nước mắt khi thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội năm xưa. Và tôi, một người chưa từng gặp các anh, cũng nghẹn ngào khi biết thêm những câu chuyện của người ở lại.
Sau khi hay tin con trai hi sinh, từ quê nhà Thái Thụy (Thái Bình), cụ Vũ Quang Dương (bố của liệt sĩ Vũ Quang Chương) đã lặng người ngất đi. Đau khổ tột cùng, người cha già tìm đường đến những nơi con ông đã từng công tác, từ Hải Phòng qua Nha Trang, rồi vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu mà theo ông "biết đâu nó vượt biển sống sót trở về thì sao?". Biết là vô vọng nhưng ông vẫn đi. Cho đến bây giờ, từ căn nhà tình nghĩa do đơn vị xây tặng, ông vẫn thường đi dò hỏi tin tức và hi vọng tìm kiếm đứa con đã hi sinh ngoài biển khơi.
Trong khi đó, đồng đội của Chương là liệt sĩ Lê Đức Hồng ra đi để lại người vợ trẻ và đứa con hai tháng tuổi mà anh chưa kịp thấy mặt. Liệt sĩ, trạm phó Nguyễn Hữu Quảng để lại sự thảng thốt ngỡ ngàng cho người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy trở về sẽ làm lễ cưới.
Thời gian rồi sẽ xoa dịu những mất mát đau thương. Nhưng thiên tai làm sao lường trước được. Đây đó ở quê nhà, những người vợ, người cha, người mẹ của những người bám biển ấy vẫn luôn dõi mắt ra biển khơi với bao lo toan. Với những người sống và làm việc trên nhà giàn xa tít tắp giữa trùng dương, nhiệm vụ giảm nhẹ mất mát do thiên tai, bão tố cho hàng triệu người trong đất liền đang từng ngày cần sự cống hiến và hi sinh của họ.
Số tới khởi đăng loạt bài:
Làm dâu dòng họ Bin Laden
"Tôi đã sống giữa gia tộc Bin Laden. Cuộc sống thanh thản, tự do tự tại của chúng tôi đã vụt tan biến theo ngày 11-9-2001. Lúc này, hơn bao giờ hết, là thời điểm để chúng tôi tỏ rõ quan điểm và vượt lên những lời nói dối đã mở đường cho thảm kịch ấy".
Carmen Bin Laden - người từng làm dâu dòng họ Bin Laden - tiết lộ điều gì? Mời bạn đọc hồi ức của người chị dâu của Osama Bin Laden.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận