Sống nhờ đất, chết trả về với đất

XUÂN TÙNG 11/01/2023 06:46 GMT+7

TTCT - Dù mới xuất hiện trong vòng một thập niên trở lại, công nghệ phân rã hữu cơ tự nhiên (natural organic reduction - NOR), còn được gọi là "ủ mục xác người" (human composting), đang trở thành một làn sóng đáng chú ý trong ngành dịch vụ mai táng.

Sống nhờ đất, chết trả về với đất - Ảnh 1.

Minh họa cảnh người thân chứng kiến thi thể người đã mất trước khi bước vào quy trình ủ mục.

Mới đây nhất, ngày 31-12-2022, New York chính thức trở thành bang thứ sáu của Mỹ hợp pháp hóa công nghệ này, kể từ khi bang Washington mở đầu phong trào năm 2019, tiếp theo đó lần lượt là Colorado và Oregon (cùng 2021), Vermont và California (2022).

Hóa thân thành đất

Thoạt nghe, hai từ "ủ mục" và "xác người" có vẻ không hề có điểm chung. "Ủ mục" dễ khiến người ta liên tưởng đến vỏ chuối và bã cà phê. Tuy nhiên, cơ thể người cũng có dinh dưỡng. "Sẽ ra sao nếu ta có thể nuôi những mầm sống mới ngay cả sau khi ta chết?" - Kate Spade, CEO của doanh nghiệp mai táng NOR mang tên Recompose, đồng thời là nhà vận động tiên phong cho NOR tại Washington, chia sẻ.

Spade và các cộng sự tại Recompose (tên lúc mới thành lập là Urban Death Project) đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng táo bạo của mình từ năm 2011 với các công nghệ sẵn có, vốn được dùng để xử lý rác hữu cơ hay động vật chết trong các kỳ dịch bệnh.

Nguyên lý tương đối đơn giản: nguyên liệu giàu nitrogen (xác người) được đặt vào một buồng kim loại hình lục giác chứa đầy nguồn nguyên liệu carbon (gỗ vụn, mùn cưa, cỏ linh lăng). Hơi ẩm và nitrogen/carbon được cung cấp liên tục để duy trì độ cân bằng, giúp các vi sinh vật (vốn có sẵn trong hệ tiêu hóa người) tiêu thụ nội tạng và xương một cách nhanh chóng.

Nhờ enzyme mà vi khuẩn tạo ra trong quá trình phân giải hiếu khí, các thành phần hữu cơ phức tạp trong cơ thể người được bẻ nhỏ ra thành các axit amin đơn giản. Sau lần "ủ" đầu tiên kéo dài khoảng 1-2 tháng, các buồng sẽ cho ra một chất mùn không quá khác với phân bón hữu cơ cùng với các khúc xương chưa phân hủy hết.

Phần xương này cũng sẽ được xay nhỏ "vừa ăn" cho vi khuẩn trong lần ủ thứ hai - kéo dài khoảng 1 tháng. Kết quả cuối cùng là khoảng 180kg đất được giao về cho mỗi gia đình người đã khuất.

Sống nhờ đất, chết trả về với đất - Ảnh 2.

Quy trình "về với đất" của Recompose.

Kỳ vọng xanh

"Ủ mục xác người" đang nhận được nhiều chú ý với các khách hàng khu vực Bắc Mỹ - những người đang ngày càng nhạy cảm với ngành mai táng truyền thống do các ảnh hưởng môi trường mà chúng mang lại.

Hỏa thiêu - phương pháp mai táng phổ biến nhất tại Mỹ hiện nay - đang xả trung bình 243kg khí CO2 ra môi trường cho mỗi xác người, tương đương 360.000 tấn khí nhà kính một năm chỉ tính riêng tại Mỹ, theo thống kê của tạp chí National Geographic.

Phương pháp địa táng truyền thống kiểu Công giáo cũng không tránh khỏi vòng soi xét, với 2 triệu lít formaldehyde, methanol và ethanol cùng các hóa chất ướp xác khác ngấm vào lòng đất hằng năm, theo thống kê của trang tin Gizmodo. Đó là chưa kể các cỗ quan tài và lăng mộ tiêu tốn gần 3 triệu mét vuông gỗ ép cùng 2 triệu tấn xi măng hằng năm.

Trước tình trạng này, các nhà vận động môi trường Mỹ đang đặt hi vọng nào NOR như một giải pháp giúp giảm mạnh lượng phát thải trong ngành công nghiệp mai táng. Theo trang The Verge, nhờ sử dụng quy trình phân giải hiếu khí với lượng phát thải nhà kính thấp, NOR có thể giúp giảm 1 tấn khí thải CO2 từ việc mai táng một xác người - bao gồm cả khí thải từ nhiên liệu cũng như khí nhà kính đến từ quá trình phân hủy xác sau mai táng.

"Dấu chân xanh"của NOR cũng đến từ việc tinh giản quy trình, cụ thể là việc tái sử dụng buồng ủ thay cho quan tài cá nhân, bên cạnh đó là việc sử dụng điện từ các lưới điện "xanh". Quy trình gọn nhẹ cũng giúp các đơn vị này đưa ra mức giá cạnh tranh: dịch vụ NOR trọn gói cho một thi thể ở doanh nghiệp Return Home (bang Washington, Mỹ) tốn khoảng 5.500 USD, rẻ bằng một nửa chi phí chôn cất khâm liệm, tuy vẫn còn đắt gấp đôi chi phí hỏa táng.

Sống nhờ đất, chết trả về với đất - Ảnh 3.

Phối cảnh phòng chờ của Return Home

Vượt qua rào cản xã hội

Dù NOR có nhiều triển vọng, số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ này ở Bắc Mỹ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi số đơn vị hỏa táng lên đến hàng nghìn và số nghĩa địa thì lên đến hàng trăm nghìn. Có thể thấy rõ NOR vẫn còn cần đi một chặng đường dài trong việc thay đổi các truyền thống xã hội lâu đời xoay quanh việc an táng tại các nước phương Tây.

Trên chặng đường này, thách thức trước hết mà các doanh nghiệp NOR gặp phải là thời gian. Quá trình để một thi thể phân hủy thành mùn trong các buồng NOR mất không dưới hai tháng - một con số khiến nhiều khách hàng lẫn nhà đầu tư chùn bước. Liệu có ai muốn biết người thân mình vẫn chưa thể "an nghỉ" như ý muốn sau ngần ấy thời gian?

Chính lúc này, sự sáng tạo trong thiết kế dịch vụ của các doanh nghiệp Mỹ vào cuộc. Ở các doanh nghiệp như Return Home, gia quyến sẽ được tự do tham quan buồng ủ xác của người đã khuất trong suốt lần ủ thứ hai.

Theo CEO Micah Truman, thời gian hai tháng cũng giúp các gia đình giảm bớt áp lực trong vài ngày tang gia bối rối đầu tiên - gia quyến đến với Return Home thường chăm lo các công việc hậu sự trong tuần đầu, sau đó dành thời gian đọc sách hay cầu nguyện bên cạnh di hài để nguôi ngoai nỗi tiếc thương.

Dù vậy, nhiều cộng đồng tại Mỹ, cụ thể là các nhóm Công giáo, vẫn không mặn mà với ý tưởng biến người thân thành đất mùn. Tháng 6-2022, Hội đồng Công giáo California đã công khai lên tiếng phản đối dự thảo hợp pháp hóa NOR, cho rằng công nghệ này "biến cơ thể người thành một loại hàng hóa thải bỏ". Hội đồng Công giáo New York cũng lên tiếng, cho rằng quy trình này "không bảo vệ và gìn giữ sự tôn trọng, phẩm giá con người". Nhưng kết quả là cả hai bang này đều đã hợp pháp hóa công nghệ này.

Tính đến nay, phần lớn các bang tại Mỹ vẫn yêu cầu thi thể người được xử lý bằng một trong các phương pháp truyền thống: địa táng, hỏa táng hoặc hiến xác cho khoa học.

Tuy vậy, quan điểm xã hội về các truyền thống mai táng có thể thay đổi trong thời gian rất ngắn, theo lời James Olson - một nhà tổ chức tang lễ tại bang Wisconsin, đồng thời là chủ tịch một nhóm vận động về an táng tự nhiên tại Mỹ.

Ông lấy phương pháp hỏa táng làm ví dụ: "Mới 50 năm trước, nếu tôi nói với bạn tôi sẽ thiêu xác người thân bạn ở nhiệt độ 2.000oC, sau đó nghiền nát xương họ bằng máy và gửi trả lại bạn, chắc chắn bạn sẽ kêu lên kinh hãi".

Ở bình diện nhận thức đại chúng này, Return Home cũng đang đặt vào nhiều nỗ lực. Doanh nghiệp này đã kịp xuất hiện trên TikTok, thu về hàng chục triệu lượt view với các video "giải thiêng" quá trình ủ mục xác người qua định dạng hoạt hình.

Dù nhiều người vẫn nghĩ NOR là sản phẩm của "ma thuật" và "mẹ thiên nhiên", CEO Truman khẳng định rằng "quy trình này còn ngầu hơn thế nhiều".

Sống nhờ đất, chết trả về với đất - Ảnh 4.

CEO Return Home Micah Truman bên cạnh một thiết bị xử lý dành cho người đã khuất, trên đó có hoa và hình ảnh kỷ niệm của người thân. Ảnh: AFP

Trong các bài viết và nội dung trên website cùng mạng xã hội, các doanh nghiệp NOR như Return Home và Recompass đang thể hiện quyết tâm viết lại nội hàm của hình ảnh "ủ mục xác người".

Theo Spade, CEO của Recompass, NOR chính là cách kết nối cái chết với vòng tuần hoàn của tự nhiên, giúp họ đối diện với sự phàm trần của bản thân, đồng thời đem lại sự an ủi cho những người thân ở lại.

Theo Olson, NOR cũng như trào lưu "xanh hóa" ngành tang lễ cho thấy một nét giá trị hiện sinh đang nổi lên trong dân cư nước Mỹ. "Ngành công nghiệp mai táng Mỹ đã luôn nhấn mạnh vào việc bảo quản cơ thể trước tác động của thiên nhiên.

Việc tư duy về cơ thể người như một sản phẩm sinh học là tương đối mới. Nó cho thấy một sự dịch chuyển trong cách nghĩ của con người về mối quan hệ giữa chúng ta với thế giới tự nhiên".

Việc con người dành nhiều thời gian để lưu tâm về Trái đất trong cái chết của mình âu cũng là điều đáng mừng: Nếu đi theo dòng suy nghĩ này, có thể ta sẽ học được cách đối xử với mẹ thiên nhiên khi trái tim vẫn còn đập.■

Bên cạnh NOR, quy trình thiêu xác bằng nước cũng đang là một lựa chọn thay thế được nhiều chuyên gia chú ý.

Trong phương pháp đã có tuổi đời hơn 1 thế kỷ này, thi thể người được ngâm trong một dung dịch kiềm đặt trong một buồng kín có nhiệt độ và áp suất cao (nhằm ngăn dung dịch đạt trạng thái sôi).

Ở điều kiện này, các phân tử protein và chất béo phức tạp nhanh chóng phân hủy thành các axit amin, peptit, đường và muối tương đối đơn giản, sau đó được xả trôi theo dòng dung dịch và chỉ để lại phần hài cốt và các khung kim loại nếu có.

Theo các nghiên cứu của Elisabeth Keijzer, chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu ứng dụng Hà Lan năm 2011 và 2014, quy trình thiêu xác bằng nước tỏ ra vượt trội hơn các hình thức như địa táng hay hỏa táng trong tổng số 17 hạng mục được so sánh, trong đó có ảnh hưởng đến môi trường và mức độ nguy hiểm.

Kết quả nghiên cứu cũng tiết lộ thủy táng giúp giảm lượng khí CO2 xuống 7 lần so với hỏa táng, chi phí bù đắp thiệt hại môi trường của hình thức này cũng thấp nhất với 2,88 USD/thi thể. Đối với hỏa táng và địa táng, con số lần lượt là 71 USD và 54 USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận