Sống dai như Microsoft

HOA KIM 02/03/2023 05:23 GMT+7

TTCT - Vừa tuyên chiến với Google bằng cách tích hợp chatbot sử dụng công nghệ tương tự ChatGPT vào bộ máy tìm kiếm Bing, Microsoft đã lập tức nhận hàng loạt quả đắng vì AI này liên tục có các phát ngôn kỳ quái và nổi loạn.

Microsoft mang công nghệ của OpenAI vào bộ máy tìm kiếm Bing.

Microsoft mang công nghệ của OpenAI vào bộ máy tìm kiếm Bing.

Vừa tuyên chiến với Google bằng cách tích hợp chatbot sử dụng công nghệ tương tự ChatGPT vào bộ máy tìm kiếm Bing, Microsoft đã lập tức nhận hàng loạt quả đắng vì AI này liên tục có các phát ngôn kỳ quái và nổi loạn. 

Còn quá sớm để gọi đó là sai lầm, nhưng ngay cả thế, điều đó cũng không lạ với Microsoft. Sau hàng loạt bước đi sai, đây vẫn là cây đại thụ đúng nghĩa của nhóm Big Tech.

Sau khi vụt sáng từ cuối thế kỷ 20, Microsoft từng có thời gian dài lạc lối với hàng loạt sản phẩm đáng thất vọng và những quyết sách sai lầm trong thập niên 2000 - những cú ngã ngựa mà nếu là một công ty nào khác có thể đã phải trả giá bằng sự sụp đổ của cả đế chế. 

Nhưng thực tế Microsoft chưa từng đánh mất vị thế một ông lớn công nghệ thuộc nhóm "ngũ đại" của Thung lũng Silicon - bên cạnh Alphabet (Google), Amazon, Meta (Facebook) và Apple.

Microsoft cho một nhóm người thử nghiệm giới hạn trải nghiệm chatbot Bing từ 7-2. Đến ngày 20-2, công ty thông báo giới hạn mỗi người chỉ được đặt 50 câu hỏi/ngày, và mỗi phiên hỏi đáp không được đặt quá năm câu. Động thái đưa ra sau khi hàng loạt cây bút công nghệ đã thử trò chuyện với Bing và phát hiện AI này thường nói trật chủ đề, thích thảo luận bạo lực, lúc thì cãi người dùng, lúc lại nói yêu họ, thậm chí bày tỏ mong muốn có sự sống và sẵn sàng phá hủy bất cứ thứ gì nó muốn.

Thập niên bị bỏ lỡ

Những ngày đen tối của Microsoft bao nhiêu giấy mực nói cũng không đủ. Giới quan sát gọi đó là "the lost decade" ("thập niên mất mát" hay "thập niên bị bỏ lỡ") của công ty này, kéo dài từ khoảng giữa những năm 2000 đến năm 2014 và gắn liền với thời kỳ nắm quyền của cựu CEO Steve Ballmer.

Ballmer tiếp quản Bill Gates trong vai trò CEO Microsoft từ năm 2000 đến 2014 và được đánh giá cao ở khả năng kinh doanh hơn là một người có đầu óc công nghệ. Dưới thời Ballmer, nhân viên muốn thăng tiến phải biết làm chính trị nơi công sở hơn là tập trung vào chuyên môn, năng lực đổi mới sáng tạo bị suy giảm, nhiều phiên bản Windows ra mắt gây thất vọng, còn thị phần di động thì trượt dài. Lượt đăng ký MSN biến mất. Google Docs và Google Sheets xuất hiện như luồng gió mới hoàn toàn miễn phí thay thế MS Word và Excel.

Microsoft cố gắng sao chép công thức thành công của đối thủ, tự biến mình thành những kẻ bám đuôi thay vì là người dẫn lối. Mất 5 năm sau khi chiếc iPod đầu tiên ra đời, Microsoft mới có câu trả lời cùng máy nghe nhạc Zune. Chưa đầy hai tháng sau Apple tung ra bom tấn iPhone - thiết bị tái định nghĩa điện thoại thông minh và khiến Zune trông giống một món đồ chơi trẻ con.

Microsoft để cho Google chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm và - chỉ sau khi thất bại trong việc đàm phán mua lại Yahoo - cho ra mắt công cụ tìm kiếm Bing bị đánh giá là không có gì ấn tượng. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Vanity Fair năm 2012, một cựu quản lý ở Microsoft nhận xét Ballmer "xa rời thực tế một cách vô vọng và không lắng nghe những nhân sự có chuyên môn công nghệ xung quanh ông ta".

Nhưng ngay cả trong những năm tháng buồn bã nhất ở Microsoft, thứ duy nhất mà gã khổng lồ công nghệ không thiếu là tiền. Và dù sóng to gió lớn, con thuyền ấy vẫn chưa đắm bao giờ.

CEO Microsoft Satya Nadella, một trong các lãnh đạo kín tiếng bậc nhất làng công nghệ, và các sản phẩm chủ chốt của Microsoft. Ảnh: boldbusiness.com

CEO Microsoft Satya Nadella, một trong các lãnh đạo kín tiếng bậc nhất làng công nghệ, và các sản phẩm chủ chốt của Microsoft. Ảnh: boldbusiness.com

Quả ngọt từ "đám mây"

Năm 2013, Microsoft tạo ra 27 tỉ USD lợi nhuận trước thuế - nhiều hơn con số mà một đối thủ trong nhóm Big Tech là Amazon kiếm được trong năm 2020, theo báo The New York Times. Điều đó cho thấy dù các sản phẩm mới của Microsoft có thất bại đến mức nào - và thực tế đã thất bại rất nhiều lần - thì người dùng vẫn cần mua máy tính Windows và vẫn cần bỏ tiền để sử dụng bộ công cụ làm việc của Microsoft.

Doanh thu từ những sản phẩm chủ chốt đó trở thành lưới bảo hộ và đòn bẩy để Microsoft khai phá các lĩnh vực kinh doanh mới, và dường như họ đã đào trúng mỏ vàng với cú đặt cược vào công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) cùng sản phẩm Azure.

CEO kế nhiệm Ballmer năm 2014 là Satya Nadella, một kỹ sư công nghệ sinh ra ở Ấn Độ và là người đứng đầu bộ phận điện toán đám mây của Microsoft. Nadella nhìn thấy tiềm năng để công nghệ này trở thành cơ sở hạ tầng cơ bản cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, và tuyên ngôn sứ mệnh mới của họ là minh chứng cho mục tiêu đó: "truyền cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh sức mạnh và khả năng để họ đạt được nhiều điều hơn".

Ngày nay, Azure chiếm 21% thị phần dịch vụ điện toán đám mây thế giới, đứng thứ hai thế giới sau Amazon Web Services (AWS), theo số liệu đến quý 3-2022 của Statista. Mảng kinh doanh điện toán đám mây năm ngoái mang về cho Microsoft hơn 100 tỉ USD, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của gã khổng lồ công nghệ, theo báo cáo thường niên năm 2022.

"Giờ đây, trong khi các đối thủ cạnh tranh của họ đang loay hoay trong phòng xử án và tàu vũ trụ, thì Microsoft đang gặt hái thành quả của chiến lược thương hiệu đã thành hình trong 20 năm" - Mick McConnell viết cho trang Fast Company.

Dịch vụ đám mây Microsoft.

Dịch vụ đám mây Microsoft.

Kẻ quấy nhiễu già cỗi

Microsoft không chỉ có đám mây và bộ công cụ dành cho doanh nghiệp. Microsoft của thập niên 2020 đang trong quá trình tái định vị bản thân để một lần nữa trở thành người dẫn đầu thay đổi - một "kẻ quấy nhiễu" giới công nghệ ở tuổi 48 như cách họ đã từng làm cách đây gần nửa thế kỷ.

Như để chứng minh hệ sinh thái của họ không chỉ giúp người dùng "làm hết mình" mà còn tạo điều kiện để người ta "chơi hết sức", Microsoft ngày càng mạnh tay đầu tư cho mảng trò chơi, bao gồm hệ máy chơi game Xbox, dịch vụ Cloud Gaming (cho phép chơi game từ "đám mây" mà không phải tải về máy hay cài đặt cồng kềnh), hay các thương vụ thâu tóm đình đám để chiếm lĩnh thị phần trò chơi điện tử.

Thế hệ máy console mới nhất Xbox Series X/S được dự báo cán mốc doanh số 37 triệu đơn vị vào năm 2024, và với tốc độ bán ra kỷ lục như hiện nay thì không khó để dòng này phá kỷ lục 85 triệu máy console đến tay khách hàng của huyền thoại Xbox 360.

Microsoft còn chứng tỏ họ đang nỗ lực rũ bỏ hình ảnh một ông lớn công nghệ già nua và "bắt sóng" với người trẻ khi từng công khai mong muốn mua lại mảng kinh doanh của TikTok ở thị trường Mỹ vào năm 2020, khi chính quyền cựu tổng thống Donald Trump manh nha muốn cấm mạng xã hội chia sẻ video này ở Mỹ vì lo ngại an ninh.

Microsoft cũng là công ty đứng sau những khoản đầu tư khổng lồ trị giá nhiều tỉ USD vào OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT. Microsoft cho biết quan hệ đối tác mới sẽ thúc đẩy những đột phá về AI và giúp cả hai công ty thương mại hóa các công nghệ tiên tiến trong tương lai, theo CNBC.

Chỉ vài tháng sau khi ngồi ghế CEO năm 2014, Nadella "chốt deal" mua lại nhà phát triển game Mojang với giá 2,5 tỉ USD - thương vụ thâu tóm trong mảng gaming lớn nhất của Microsoft tính đến thời điểm đó. Mojang là công ty phát triển Minecraft, tựa game bán chạy nhất lịch sử với hơn 238 triệu bản đã bán ra và gần 140 triệu người chơi đang hoạt động hằng tháng tính đến năm 2021.

Tháng 3-2021, Microsoft mua lại ZeniMax - công ty mẹ của studio phát triển trò chơi Bethesda đứng sau các tựa game đình đám như Doom, Elder Scrolls, Fallout và Wolfenstein - với giá 7,5 tỉ USD. Đầu năm 2022, Microsoft thông báo mua lại studio game Activision Blizzard với giá 68,7 tỉ USD nhằm tiếp cận tệp khách hàng màu mỡ với hơn 400 triệu người chơi hoạt động hằng tháng qua các tựa game như World of Warcraft, Call of Duty, Overwatch và Candy Crush. Nếu được thông qua, thương vụ sẽ giúp đưa Microsoft lên vị trí thứ ba trong thị trường trò chơi điện tử với 10,7% thị phần, xếp sau Tencent và Sony, theo Hãng tin Reuters.

Tìm lại bản dạng Big Tech

Trong nhóm "ngũ đại" Big Tech của Thung lũng Silicon, chỉ Microsoft và Apple xứng đáng là hai cây đại thụ thực thụ đã tồn tại qua gần nửa thế kỷ với những phát minh làm thay đổi nhân loại. Với Microsoft, chưa bao giờ bản dạng ông lớn công nghệ của họ rõ ràng như hôm nay.

Không ồn ào trên mặt báo, không vướng vào những lùm xùm kiện tụng chống độc quyền, và không có những cú hích truyền thông như bay vào không gian, gã khổng lồ công nghệ vẫn lầm lì nhưng lừng lững tiến về phía trước.

Microsoft mất 33 năm kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng để đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỉ USD lần đầu vào năm 2019. Nhưng họ chỉ mất hai năm để khiến con số này tăng gấp đôi lên 2.000 tỉ USD.

Microsoft khác với các công ty công nghệ lớn khác ở chỗ doanh nghiệp - chứ không phải người dùng cá nhân - mới là đối tượng khách hàng tạo ra doanh thu chủ đạo của công ty. Điều này cho họ khả năng sống khỏe một thời gian dài với những sản phẩm không cần quá đặc sắc nhưng quan trọng phải ổn định.

Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi: liệu chiếc thuyền Microsoft chưa đắm là vì họ lèo lái giỏi, hay đơn giản là vì công ty này quá lớn nên có thể thất bại hàng trăm lần nhưng chỉ cần một lần đúng để trở thành ngôi sao?

"Có thể công cụ tìm kiếm của Google, sàn thương mại điện tử của Amazon và dịch vụ quảng cáo của Facebook vô cùng tuyệt vời. Hoặc có thể đơn giản là chúng ta không thể hình dung ra những sự thay thế tốt hơn bởi vì các công ty hùng mạnh không cần phải làm xuất sắc để tiếp tục giành chiến thắng" - cây bút Shira Ovide nhận xét trên The New York Times.

Ovide cũng cho rằng những quyết định đầu tư đúng đắn cùng chuyển biến tích cực trong văn hóa nội bộ công ty là nền tảng giúp Microsoft chuyển hóa từ "sống sót bất chấp chiến lược và sản phẩm" của mình thành "sống sót nhờ chiến lược và sản phẩm". "Đây là kiểu thay đổi mà chúng ta nên mong muốn ở một doanh nghiệp" - cô viết.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận