Sỏi mật, đâu cứ phải đau là mổ

BS LÊ TUYẾT HOA 24/04/2015 22:04 GMT+7

Mẹ tôi bị sỏi túi mật, có người nói nên mổ cắt túi mật, có người nói chỉ cần uống thuốc. Mong bác sĩ cho lời khuyên? (Hoàng Hà, Bình Dương)


Một trong những lý do tạo nên bệnh sỏi mật là do lượng cholesterol kết tinh trong dịch mật. Ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa sỏi mật.

Nguy cơ bị sỏi túi mật tăng theo tuổi. Ở người dưới 40 tuổi, nguy cơ chỉ 8% nhưng ở độ tuổi trên 70, nguy cơ tăng đến 50%. Do vậy người già là đối tượng thường bị mổ cắt bỏ túi mật nhất.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy những người nguy cơ cao có đến 65% phải nhập viện trong vòng hai năm, còn trong nhóm nguy cơ thấp, 20% không cần phải nhập viện. Như vậy người nguy cơ thấp có tỉ lệ bệnh ổn định dài lâu. Thậm chí ở những bệnh nhân được khuyên cắt túi mật cũng chỉ có gần 10% không chịu cắt dù từng đi bệnh viện vì đau túi mật.

Sỏi túi mật hầu hết đều yên lặng, ít khi gây đau nên không cần can thiệp. Nhưng túi mật cần được cắt bỏ ở người đau do sỏi làm nghẹt đường đi của mật gây viêm túi mật. Ngày nay cắt túi mật bằng nội soi là phẫu thuật rất phổ biến để điều trị sỏi túi mật vì ít xâm lấn.

Trong mổ nội soi, bác sĩ đặt một máy quay chuyên dụng và những dụng cụ đặc biệt qua những lỗ tạo ra trên thành bụng để lấy túi mật, khác với mổ hở là phải rạch thành bụng rộng. Cuộc mổ này thường được lên chương trình kỹ lưỡng (tức không phải mổ cấp cứu).

Chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy giúp cuộc mổ ít xâm lấn và ít khó khăn hơn nhằm tránh phải chuyển qua mổ hở giữa chừng. Chỉ số ít trường hợp nặng như viêm túi mật hoại tử, thủng túi mật mới mổ cấp cứu.

Vấn đề khó xử ở chỗ bệnh nhân không có triệu chứng gì, vẫn đang khỏe mạnh nhưng rất lo lắng vì biết mình có cục sỏi, bác sĩ khám và đề nghị mổ. Trong khi bệnh nhân không muốn mổ vì nhiều lý do như: có bệnh tiểu đường hoặc cho rằng đã lớn tuổi, mổ có nhiều nguy cơ tai biến, thậm chí có người không thích mổ vì nghĩ bệnh đến đâu hay đến đó.

Thường thì những ai có nguy cơ bị cơn đau bụng cấp (tức viêm túi mật cấp) trong vòng 1-2 năm nên cắt túi mật.

Những nguy cơ bao gồm tuổi cao, giới nữ nhiều hơn nam, bệnh kèm theo khác, từng bị viêm túi mật trước đó, sỏi hiện tại gây triệu chứng đủ khó chịu trong sinh hoạt và dấu chứng về túi mật nặng nề thể hiện trên siêu âm hay CT bụng: túi mật nhiều sỏi to, kích thước sỏi trên 3cm, hay thành dày vôi hóa hoặc ngược lại quá mỏng đều đe dọa thủng, nghi ngờ ung thư túi mật, dị dạng túi mật dễ gây kẹt sỏi gây viêm.

Cả trong tình huống có nguy cơ nhưng tình hình sức khỏe bệnh nhân ổn định, các bác sĩ thường chọn phương án cắt bỏ túi mật cho người có cơ địa khỏe mạnh hơn là cho người yếu ớt.

Như vậy trong thực hành lâm sàng, phẫu thuật lấy túi mật một cách chọn lọc dành cho người nguy cơ cao và ngăn ngừa biến chứng trong tương lai cho người dễ tổn thương mang lại kết quả có lợi. Tránh cắt túi mật cho người có rủi ro phẫu thuật cao hoặc nguy cơ biến chứng do sỏi thấp. Riêng người nguy cơ thấp, việc cắt bỏ túi mật nên để bệnh nhân chọn lựa, vì việc chọn lựa điều trị dựa vào triệu chứng và mức độ ảnh hưởng lên chất lượng sống của họ.      

Nếu không mổ, có thuốc gì làm tan sỏi? Chỉ những sỏi dưới 5mm mới hi vọng dùng thuốc tiêu được cục sỏi, ursodeoxycholic acid chỉ có hiệu quả với sỏi cholesterol không cản quang, sỏi sắc tố không đáp ứng. Và cũng phải dùng nhiều năm mới làm tan hoàn toàn cục sỏi nhưng vẫn tái phát sỏi sau khi ngừng thuốc. Ngoài ra người có sỏi mật phải giảm cân và lưu ý chế độ ăn hạn chế mỡ cùng các thực phẩm giàu cholesterol, ăn nhiều chất xơ và điều trị ổn định bệnh tiểu đường nếu có.

 

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận