​Sinh viên mang lại rất nhiều bất ngờ

LƯU GIA 13/01/2015 21:01 GMT+7

TTCT - “Với nền tảng hiện nay, thế hệ sinh viên ngày nay có nhiều cơ hội thành công hơn thế hệ đi trước. Đó là thế hệ đa dạng về mặt tri thức, thành thạo công nghệ và cách tiếp cận tư duy cởi mở hơn” - TS Đàm Quang Minh, người trẻ nhất đang đảm trách vị trí hiệu trưởng một trường ĐH (ĐH FPT) hiện nay, nói với TTCT.

 
 TS Đàm Quang Minh (Ảnh: NVCC)

 Trong bức tâm thư gửi cán bộ, giảng viên ĐH FPT đầu năm 2015, cũng để đánh dấu 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ hiệu trưởng, anh nói đến quan niệm xuyên suốt của mình về quản trị theo hướng nâng cao hiệu suất lao động, xây dựng trường thành một tổ chức học hỏi hiệu quả. Còn với hơn 5.000 sinh viên của FPT, anh sẽ nói gì với họ?

- Trong lĩnh vực giáo dục, sinh viên là đối tượng hưởng lợi từ quá trình đào tạo nhưng người học lại rất khó có thể đánh giá được tính hợp lý và hiệu quả của tổ chức giáo dục như các trường đại học.

Trách nhiệm của những người điều hành các tổ chức giáo dục là cần phải thực hiện tốt để đạt mục tiêu về giáo dục - đào tạo, mang lại giá trị cao nhất cho người học. Với ĐH FPT, đó là các yếu tố về chuyên môn, trải nghiệm thực tiễn học tập trong môi trường doanh nghiệp và môi trường xây dựng tính trưởng thành của mỗi sinh viên qua các chương trình phát triển cá nhân (PDP). 

Đối với sinh viên của FPT, chúng tôi sẽ giữ vững những điều tâm đắc đã chia sẻ: đó là một môi trường học thật - thành công thật, một môi trường trẻ trung và luôn khao khát chiến thắng với một khát vọng đổi thay, giúp tri thức Việt Nam thật sự sánh vai, bình đẳng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Nếu nói một cách ngắn gọn, đó là xây dựng con người mới tự lập và có trách nhiệm.

Anh từng gửi tâm thư cho sinh viên để giải đáp tám kiến nghị của họ. Vài điều trong số đó là về chuyện điện, nước, Internet và xếp hàng trong nhà ăn. Anh nói rằng mình sẽ giải đáp sau đối với những kiến nghị của họ liên quan đến “triết lý đào tạo và phương pháp tổ chức đào tạo”. Anh đã làm điều này chưa? Bản kiến nghị đó mang lại cho anh suy nghĩ gì về sinh viên của mình?

- Đó chỉ là bức thư bình thường cần phải có của một người đại diện nhà trường trả lời các thắc mắc của sinh viên. Thực tế tôi thường xuyên viết thư trả lời sinh viên.

Điều quan trọng nhất cần có là không khí cởi mở trao đổi đã được đẩy mạnh và sinh viên dám nói những điều mình suy nghĩ, và tôi cũng quyết định nói thẳng những điều mình nghĩ để hai bên cùng hiểu nhau hơn. 

Có như vậy vấn đề mới nhanh chóng được phát hiện và giải quyết. Tôi tin chỉ cần nói chuyện được với nhau thì các vấn đề đã tự động giải quyết được một nửa.

Thực tế các kiến nghị vẫn tăng lên và khiến tôi có nhiều bất ngờ thú vị. Hóa ra chúng tôi có nhiều điểm chưa hợp lý mà chẳng ai phát hiện. Sinh viên với sự nhanh nhạy của thế hệ mới đã cho chúng tôi những ý kiến bất ngờ. Nhờ đó chúng tôi có cơ hội sửa đổi và cải tiến.

Việc kiến nghị và giải quyết kiến nghị chắc chắn sẽ không dừng lại vì bản chất cuộc sống thay đổi, chúng ta không thể có hệ thống hoàn mỹ, tuyệt hảo. Chúng tôi mong muốn xây dựng được một tổ chức có thể cải tiến liên tục để từng ngày hoàn thiện hơn.

 “Sinh viên bất kỳ ai cũng đều sẵn sàng nói, chỉ có điều các nhà trường có sẵn sàng nghe hay không?”. 

TS Đàm Quang Minh

Anh nhìn thấy đâu là những đặc điểm nổi bật của sinh viên hiện nay? Họ khác và giống thế hệ anh khi còn trên giảng đường ở những điểm nào, nhất là trong lối tư duy và lựa chọn mục đích?

- Điều thấy rõ ràng nhất là sinh viên ngày nay đa dạng hơn rất nhiều. Trước đây cuộc sống giữa các gia đình không khác nhau nhiều, thành thị - nông thôn cũng cơ bản giống nhau. Nhưng ngày nay đã có rất nhiều thay đổi toàn diện. Sự phân hóa đưa tới sự khác biệt giữa các sinh viên.

Chính vì vậy việc dạy học ngày nay cũng cần được tổ chức theo phương thức khác, cởi mở hơn và không được áp đặt. Internet cũng mang lại nhiều nguồn tri thức cập nhật, do vậy sinh viên có nhiều cơ hội kiểm chứng tính đúng sai của thầy giáo. Nhờ đó các thầy giáo cũng không thể thụ động được nữa.

Tôi cho rằng với nền tảng hiện nay, thế hệ sinh viên ngày nay có nhiều cơ hội thành công hơn thế hệ đi trước. Đó là thế hệ đa dạng về mặt tri thức, thành thạo công nghệ và cách tiếp cận tư duy cởi mở hơn.

Sinh viên ĐH FPT hẳn sẽ rất mừng vì anh tuyên bố việc tăng học phí không phải là phương cách giải quyết việc tăng thu nhập của trường. Nhưng học phí chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Anh nghĩ (hoặc biết) sinh viên của mình đang thật sự khao khát những điều gì khác?

- Đúng là học phí chỉ là một phần của bức tranh giáo dục đại học, cho dù nó có vai trò quan trọng nhưng đó vẫn chỉ là một khía cạnh. Thước đo sự thành công của một trường đại học chính là mức độ thành công của sinh viên, thể hiện qua việc có việc làm và việc làm tốt. Để tăng được tỉ lệ có việc làm thành công cần thay đổi căn bản về phương pháp đào tạo và xây dựng kỹ năng cho sinh viên.

Cảm ơn anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận