Sinh viên làm luận văn: Ý kiến của một sinh viên

NGUYỄN THANH BÌNH 07/07/2008 03:07 GMT+7

TTCT - Đọc bài “Trung Quốc “lạm phát” tiến sĩ” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 22-6-2008, tôi chợt nhớ một hiện tượng khá buồn ở nước ta hiện nay. Đó là hằng năm có hàng vạn luận văn/nghiên cứu khoa học (LV/NCKH) “công phu” của sinh viên (SV) gần như bị xếp xó, không thể ứng dụng được vào cuộc sống! Quả là một sự lãng phí khổng lồ.

Có rất nhiều đề tài tiến sĩ rất trời ơi, vô nghĩa và thực tế là chỉ nhắm tới mục đích duy nhất: lấy được bằng tiến sĩ mà thôi. Ở nước ta hiện nay, việc làm LV tốt nghiệp và kể cả các NCKH của SV phần lớn cũng có ý nghĩa tương tự!

Câu hỏi đặt ra là: Bộ GD-ĐT còn duy trì sự lãng phí khủng khiếp này tới bao giờ? Vì sao tính ứng dụng, tính sáng tạo của LV/NCKH tại nước ta lại thấp như vậy? Làm cách nào để những LV/NCKH ấy thật sự là những kết quả mới mẻ thay vì chăm chăm vào việc sao chép như hiện nay?

Tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính sau:

1. Chạy theo thành tích

Để bảo toàn uy tín của mình, các giảng viên hướng dẫn luôn có xu hướng ngầm khuyến khích SV chọn những đề tài vừa phải, không quá đặc biệt, vo sao cho tròn tròn, tàm tạm là được. Những đề tài quá “viển vông”, quá đặc biệt có thể tạo sốc (về quan điểm, ý tưởng...) đối với các giảng viên khác, với hội đồng thì giảng viên hướng dẫn “sợ” SV mình sẽ không qua “ải” phản biện nổi. Đây là câu trả lời cho câu hỏi vì sao những LV/NCKH tại VN hầu như chỉ là những đề tài sao chép, thiếu những đề tài đột phá, chấn động có thể tạo hướng đi mới cho khoa học như tại các quốc gia khác.

2. SV bị phụ thuộc giảng viên hướng dẫn

Cho dù SV có lựa chọn một đề tài hay, sáng tạo như thế nào đi nữa mà giảng viên hướng dẫn từ chối thì SV đành chịu thua mà thôi. Bởi kèm theo sự từ chối là một câu đại loại như: “Tôi sẽ không chấp nhận LV của em” hoặc “Tôi sẽ không thể cho LV của em qua điểm 5 được”!

Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa truyền thống cũng vô hình ép SV nhất nhất phải tuân thủ mọi ý tưởng của giảng viên hướng dẫn. Nếu như ở phương Tây, SV và giảng viên như “hai người bạn” thì với văn hóa truyền thống tại nước ta khác rất xa. Trong đó, vai trò của giảng viên là “thầy”! Thầy bảo sao thì trò phải nghe vậy. Thậm chí, tiếng nói của thầy đôi khi còn quan trọng hơn cả tiếng nói của cha mẹ.

3. Bản thân SV muốn tốt nghiệp bằng mọi giá

Nếu như tại nhiều nước, tốt nghiệp hay không tốt nghiệp đại học là không quá quan trọng thì ở VN ta rất khác. Sức ép tốt nghiệp là vô cùng lớn, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến yếu tố sáng tạo trong các LV/NCKH tại nước ta khá nghèo nàn.

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, tôi cho rằng không bắt buộc đi theo mô hình làm LV/NCKH phải có giảng viên hướng dẫn như tại phương Tây bởi hai nền văn hóa thầy - trò hai khu vực là rất khác.

Thay vào đó, mỗi trường đại học nên thành lập một ban tư vấn nghiên cứu khoa học, có hai chức năng chính là: thẩm tra (ban đầu) xem đề tài của SV có vi phạm pháp luật không? Và tư vấn SV về phương pháp nghiên cứu...

Nếu không chú ý tới vấn đề này, tôi e rằng tình hình sẽ tiếp tục giẫm chân tại chỗ. Hằng năm cả nước sẽ tiếp tục phải bỏ ra nhiều trăm tỉ đồng cho các LV/NCKH để rồi tất cả chỉ để xếp xó trong bụi bặm mà thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận