Sẽ không có một Trung Quốc 1,5 tỉ dân?

D. KIM THOA 01/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng tốc độ già hóa dân số hiện nay ở nước này đã ở mức báo động khi số người qua đời nhiều hơn số trẻ sinh ra ngay trong năm 2022 này, tức sớm hơn 12 năm so với dự báo của Liên Hiệp Quốc.

Theo ông Zheng Bingwen (Trịnh Bỉnh Văn) - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an sinh xã hội quốc tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, một chỉ dấu quan trọng cho thấy quốc gia 1,4 tỉ dân chính thức trở thành một xã hội “già” là tỉ lệ những người trên 65 tuổi đã nhiều hơn 14% tổng dân số vào năm 2021.

Tốc độ già hóa nhanh

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính toàn cầu hôm 17-4 vừa qua, ông Zheng cho biết từ năm 2000 Trung Quốc đã gia nhập nhóm các nước đang già hóa khi tỉ lệ người cao tuổi chiếm 7% tổng dân số, và chỉ mất 22 năm để Trung Quốc chuyển từ trạng thái “già hóa” (aging) sang “già” (aged). 

 
 Hai phụ nữ đẩy xe đi qua một phụ nữ lớn tuổi ở Bắc Kinh vào hôm 19-4. Ảnh: AFP

Theo so sánh của chuyên gia này, tốc độ đó nhanh hơn nhiều so với một số nước phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật khi thời gian chuyển đổi của họ lần lượt là 115, 69 và 26 năm. 

Năm 2021, theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, dù tổng dân số đại lục (không gồm Hong Kong, Macau và Đài Loan) là 1,4126 tỉ người nhưng số người tăng thêm chỉ là 480.000, đồng nghĩa mức tăng trưởng dân số toàn quốc là 0,34‰ (cứ 1.000 người thì tăng 0,34 người). 

Đây là một trong những tỉ lệ thấp nhất vài thập niên qua. Trong khi đó, năm ngoái Trung Quốc có 10,62 triệu trẻ em ra đời, giảm 11,5% so với năm 2020 và cũng là năm thứ 5 liên tiếp số trẻ sinh thêm giảm.

Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định tăng trưởng dân số Trung Quốc sẽ chuyển sang âm ngay trong năm 2022, và nếu cứ theo lộ trình đó, quốc gia này sẽ thành nước siêu già (có số người trên 65 tuổi chiếm từ 20% dân số trở lên) vào năm 2035.

Nếu như mới cách đây vài năm Trung Quốc còn duy trì chính sách một con ngặt nghèo thì hiện giờ đã xuất hiện nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy việc kết hôn và sinh con, như trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có hơn một con hay miễn phí chăm sóc trẻ mẫu giáo cho con thứ ba của mọi gia đình, nhưng tới nay thì các giải pháp đó chưa phát huy bao nhiêu tác dụng.

Giới trẻ lười kết hôn

Có một thực tế là tỉ lệ kết hôn tại Trung Quốc hiện đang ở mức thấp kỷ lục. Trong xã hội Trung Quốc hiện đại, ngày càng nhiều phụ nữ từ chối hôn nhân để được tự do và độc lập tài chính. 

Trang Insider dẫn lại kết quả khảo sát của Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc với 2.905 thanh niên năm ngoái cho thấy 44% phụ nữ trong độ tuổi 18 - 26 sống ở thành thị cho biết không có ý định lập gia đình, 25% nam giới cũng có câu trả lời tương tự.

Thực tế này, cộng thêm sự mất cân bằng giới kéo dài vì quan niệm trọng nam khinh nữ và chi phí khổng lồ để chăm lo một gia đình, đã khiến rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ (tức thế hệ Y, chỉ những người sinh trong khoảng đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000) ở Trung Quốc chọn độc thân. 

Họ muốn tự do hơn là ràng buộc với người khác, bất chấp sức ép từ gia đình và xã hội về việc phải lập gia đình theo mẫu hình truyền thống.

Chen Yu (Trần Ngọc), một phụ nữ độc thân 35 tuổi ở Quảng Đông, là một ví dụ. Cô thừa nhận suốt ngày phải nghe cha mẹ và họ hàng hỏi han, thúc giục vì sao “tới tuổi này vẫn chưa chịu lấy chồng?”. “Rất nhiều người Trung Quốc có suy nghĩ như vậy”, Chen nói. 

Nhưng với công việc làm bác sĩ tại một bệnh viện có thu nhập cao, Chen cảm thấy cô đang rất hạnh phúc. Sở hữu căn hộ 100m2 ở thành phố Trạm Giang (Quảng Đông), với cô, cuộc sống độc thân thật tự do và thoải mái.

Có rất nhiều những người trẻ như Chen tại Trung Quốc. Bà Allison Malmsten, giám đốc tiếp thị của Công ty tư vấn Daxue (Hong Kong), cho biết: 

“Trong hai thập niên qua, chúng tôi thấy phụ nữ Trung Quốc đang trở nên giàu có hơn. Họ chi tiêu cho bản thân nhiều hơn cho gia đình. Có sự tăng chi với các hàng hóa như đồ trang sức và thời trang, chứ không phải cho hôn nhân hay những biểu tượng của hôn nhân, và ngày càng nhiều phụ nữ có các khoản mua sắm lớn như xe hơi, bất động sản”.

Khi tăng trưởng dân số bằng 0

Trong một bài xã luận đăng ngày 21-4 trên SCMP, hai chuyên gia Nicole Chung Yuen-Wing và Paul Yip của Đại học Hong Kong cho rằng đã đến lúc các nhà hoạch định chiến lược quốc gia của Trung Quốc phải tính toán trước và điều chỉnh chính sách trong bối cảnh sự chuyển đổi nhân khẩu học đầy thách thức hiện nay.

Theo đó, một lực lượng lao động già nua tất yếu sẽ kéo ì năng suất lao động do khả năng thích ứng chậm chạp hơn với tiến bộ công nghệ, sự suy giảm về năng lực nhận thức cũng như thể chất do tuổi tác. 

Khi số người trong lực lượng lao động giảm, nguồn vốn nhân lực và chất xám cũng giảm, kéo theo giảm năng suất lao động chung của toàn xã hội.

Số người lớn tuổi không còn lao động tăng lên đồng nghĩa số người đóng thuế sẽ giảm, trong khi nhu cầu ngân sách chi cho an sinh xã hội, chăm sóc y tế và lương hưu phình lên, trở thành gánh nặng cho chính quyền. 

Tăng trưởng dân số bằng 0 vì thế sẽ dồn thêm áp lực lên ngân sách và trở thành gánh nặng về lâu dài và cả ngắn hạn.

Trung Quốc cần tìm kiếm nhiều phương án để duy trì phát triển kinh tế trong một kỷ nguyên tăng trưởng dân số bằng 0, bao gồm cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động và hỗ trợ tốt hơn các dịch vụ chăm sóc trẻ em. 

Cụ thể, các luật chống kỳ thị giới có thể tạo thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ, trong khi cho phép thu xếp công việc linh hoạt và có thể làm tại nhà cũng sẽ giúp nhiều phụ nữ cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp.

Với những người lao động lớn tuổi, các chính sách như tăng tuổi hưu, tiếp tục đào tạo nghề và thời gian làm việc linh hoạt có thể giữ chân họ ở lại làm việc. 

Đào tạo lại lao động là vấn đề đặc biệt quan trọng để cập nhật kỹ năng. Những biện pháp khuyến khích này có thể giúp bù đắp phần nào các thay đổi về nhân khẩu học trong lực lượng lao động.

Và dù hiện là điều còn khó tưởng tượng với một nước đất chật người đông như Trung Quốc, vấn đề già hóa dân số ắt sẽ phải tính tới những chính sách nhập cư đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lực lao động chất lượng cao và giới đầu tư nước ngoài.

“Vùng đệm” tài chính

Với dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nước “siêu già” vào năm 2035, chuyên gia Zheng Bingwen cảnh báo gánh nặng chăm lo cho nhóm người lớn tuổi sẽ dồn lên vai thế hệ trẻ. 

“Tỉ lệ phụ thuộc ở Trung Quốc trong năm 2020 là 17,9%, có nghĩa có 6 người trẻ hỗ trợ một người già. Nhưng tỉ lệ này có thể vượt mốc 43% trong năm 2050, có nghĩa mỗi người già sẽ chỉ còn 1,3 người hỗ trợ”, ông Zheng giải thích.

Căn cứ vào hệ thống an sinh xã hội chăm sóc người già hiện đang mất cân đối và chưa đủ ở Trung Quốc, các chuyên gia nước này cho rằng cộng đồng cần chú ý hơn tới vai trò của bảo hiểm thương mại - một lĩnh vực cũng đang phát triển rất nhanh tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông Zhou Yanli (Chu Diên Lễ), nguyên phó chủ tịch Ủy ban Quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC), phân tích Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống an sinh cho người già chủ yếu dựa trên ba cột trụ: lương hưu cơ bản cho người lao động và cư dân tại các thành phố, thị trấn; trợ cấp hàng năm (niên kim) cho nhân viên các doanh nghiệp và cơ quan/tổ chức thuộc chính phủ; và bảo hiểm hỗn hợp (bảo hiểm kết hợp với tiết kiệm) thương mại.

Chuyên gia này chỉ ra các vấn đề liên quan: “Hệ thống chủ yếu lệ thuộc vào lương hưu cơ bản không thể phủ hết dân số vùng nông thôn. Mức niên kim của doanh nghiệp và cơ quan chính phủ cũng có quy mô rất hạn chế, và cột trụ thứ ba là bảo hiểm hỗn hợp thương mại chỉ mới bắt đầu phát triển”.

Bà Pan Yanhong (Phan Diễm Hồng), chủ tịch Công ty bảo hiểm China Pacific Life Insurance, cho rằng sự phát triển của bảo hiểm hỗn hợp thương mại đã tăng tốc trong bối cảnh mức thâm hụt ngân sách của Trung Quốc trong chi trả lương hưu được dự báo sẽ tăng lên thành 8.000 - 10.000 tỉ nhân dân tệ (1.230 - 1.540 tỉ USD) trong 5 - 10 năm nữa.

“Chính phủ đã đề xuất mô hình từ trên xuống trong việc xây dựng cột trụ thứ ba này trong năm 2021. Các cơ quan quản lý bảo hiểm của Trung Quốc cũng đề xuất các dự án thí điểm gói bảo hiểm hỗn hợp thương mại và những sản phẩm tài chính được nhận định sẽ mở rộng thị trường lương hưu cá nhân”, bà Pan bình luận.■

Thế giới hiện đã có gần 8 tỉ người, nhưng tốc độ tăng trưởng dân số rất khác nhau tùy khu vực. Ở Mỹ Latin và Caribe, Đông và Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ, châu Đại Dương, tỉ lệ sinh, hay số con mà một phụ nữ có thể có trong một đời người, đều đã rơi xuống dưới mức thay thế (khoảng 2,1 con với mỗi phụ nữ) vào năm 2020. Trong khi đó, dân số vùng châu Phi hạ Sahara dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần trong thế kỷ này, với tỉ lệ sinh là 4,72, tức đã giảm so với mức 5,88 hồi hai thập niên trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận