Sau World Cup là đại học

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 24/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Bên cạnh các khoản thưởng tiền tỉ, những lời tán dương không dứt, các cô gái của bóng đá Việt Nam còn nhận một phần quà đặc biệt ý nghĩa sau thành tích giành vé dự World Cup: suất học bổng đại học.

Với riêng các nữ tuyển thủ ở TP.HCM, có ít nhất hai trường đại học trao tặng học bổng cho họ, là Đại học Hoa Sen và Đại học Công nghệ thông tin.

Thêm động cơ để học

Cảm giác đầu tiên của các cô gái khi nghe tin là hạnh phúc và… ngỡ ngàng. HLV Đoàn Thị Kim Chi, người cũng từng trải qua một thời quần đùi áo số, chia sẻ: 

“Trong số những phần thưởng mà đội chúng tôi nhận được sau khi giành vé dự World Cup, đây là điều có ý nghĩa đặc biệt nhất. Đời nữ cầu thủ đa số là khổ, nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi luôn xem trọng việc học". 

"Dù có nỗ lực đến mấy cũng chỉ đá bóng được đến 35, 36 tuổi là cùng, sau đó ai cũng phải xoay xở kiếm việc làm, mà không phải ai cũng có thể theo nghiệp HLV. Trung bình vài chục người mới có một người thành HLV. Nếu có bằng đại học, cơ hội tìm kiếm việc làm cho các cầu thủ sau khi giải nghệ sẽ cao hơn”.

 
 Đội trưởng tuyển nữ Việt Nam Huỳnh Như. Ảnh: Nguyên Khôi

Tài chính luôn là một vấn đề. HLV Kim Chi chia sẻ từng có nữ cầu thủ phải thay đổi kế hoạch học đại học vì vấn đề học phí. 

“Quan trọng nhất là ý thức. Được trao học bổng sẽ giúp các em có thêm động lực, quyết tâm hơn. Đây đều là các trường đại học danh giá cả mà. Nếu các cầu thủ có thể tốt nghiệp, kết quả này cũng đáng quý như giành vé World Cup vậy”.

Huỳnh Như, đội trưởng tuyển bóng đá nữ VN, cũng cho biết cô rất hạnh phúc với phần thưởng tưởng chừng không hề liên quan gì đến sự nghiệp đá bóng. 

Huỳnh Như hiện là sinh viên năm cuối khoa giáo dục thể chất Đại học Sư phạm TP.HCM. Lấy nốt vài tín chỉ nữa, cô sẽ có trong tay tấm bằng đại học. Huỳnh Như đã lên kế hoạch sẽ học tiếp bằng thạc sĩ ngành quản lý thể thao của Đại học Hoa Sen.

Có học… nổi không?

Nghe bóng đá nữ được quan tâm, ai cũng mừng thay cho những cô gái quanh năm dầm mưa dãi nắng. Nhưng đi kèm đó là nỗi lo: liệu họ có đủ sức theo kịp chương trình học - đặc biệt khi đây đều là những ngôi trường vào phân khúc “cao” trong làng đại học VN.

Chuyện học vốn là vấn đề khá nhạy cảm với các VĐV đỉnh cao của VN bấy lâu nay. Ở các nước phương Tây, nơi có môi trường thể thao học đường hết sức tiến bộ, các VĐV trẻ dễ dàng hòa quyện việc học tập và thi đấu. 

Một số nước phát triển còn đầu tư đến mức cử cả giáo viên kèm cặp VĐV mỗi khi họ phải xa nhà tập huấn, thi đấu. Vì vậy mà khi lên đại học, không ít VĐV đỉnh cao đã lấy được bằng tốt nghiệp, thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường danh giá, các chuyên ngành đậm tính học thuật như vật lý, y khoa, luật… 

Chuyện trao tặng học bổng đại học cho các VĐV ưu tú cũng quen thuộc ở những cường quốc thể thao.

Nhưng ở VN, mô hình thể thao vẫn đi theo hướng “luyện gà chọi”. Các VĐV trẻ khi bắt đầu bước vào giai đoạn đào tạo chuyên nghiệp đều phải đắn đo giữa hai con đường học hành và thể thao chuyên nghiệp. Không ít phụ huynh đã quyết tâm buộc con phải ngừng con đường thể thao để tập trung cho việc học. 

Ngay cả với các VĐV giàu nghị lực, họ hầu như cũng chỉ có con đường vào Đại học Thể dục thể thao, hoặc theo học ngành sư phạm thể chất, với mục tiêu là lấy bằng để sau này dễ làm HLV.

Nhưng vài năm gần đây, con đường học vấn dành cho các VĐV đã trở nên đa dạng hơn. Điển hình như Đại học Hoa Sen đã mở ra ngành kinh tế thể thao, với 3 chuyên ngành quản lý các loại hình kinh doanh thể thao, quản lý chăm sóc sức khỏe; và quản trị truyền thông và marketing thể thao.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là chuyên ngành vừa mở từ năm 2021, với mục đích xây dựng đủ các kỹ năng giúp người học theo đuổi nhiều ngành nghề liên quan đến thể thao, thậm chí là tự kinh doanh, khởi nghiệp. 

“Theo tôi, không có chuyện các cầu thủ không thể theo kịp chương trình học của nhà trường. Vì trước tiên các bạn cũng đều đã tốt nghiệp trung học phổ thông, đã đủ kiến thức để ngồi vào ghế giảng đường đại học. Chúng ta cũng đều biết nghị lực của họ lớn đến thế nào. Với những người có tài và nỗ lực như thế, tôi tin họ có thể theo kịp chương trình học của nhà trường, của chuyên ngành mà họ chọn. Tất nhiên, các bạn cần sắp xếp thời gian”, bà Ngọc Thúy nói.

Không để lãng phí nguồn nhân lực

Nhiều nữ cầu thủ vốn cũng không xa lạ với việc vừa học vừa làm. Huỳnh Như chia sẻ 5 năm qua, cô thường xuyên phải đi học buổi sáng, và chỉ có thể tập luyện vào buổi chiều. Một số cầu thủ trong đội 1 của CLB nữ TP.HCM cũng đang sắp xếp việc học và tập luyện như vậy.

“Phần lớn các em trong đội học trung học ở Trường Năng khiếu nghiệp vụ hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên để tiện cho việc vừa học vừa tập. Nhưng vài năm gần đây cũng có nhiều em học ở các trường bình thường". 

"Đa số các em này sẽ đi học buổi sáng, và dành thời gian tập luyện vào buổi chiều, thậm chí là tối. Ban huấn luyện chúng tôi cũng dành nhiều thời gian hơn cho các em. Nói chung vừa tập luyện vừa đi học sẽ cực, nhưng hoàn toàn có thể được”, HLV Kim Chi nói.

Trần Thị Thùy Trang, tiền vệ cần cù, chăm chỉ của TP.HCM, là tấm gương về việc hoạch định kế hoạch học tập. Thùy Trang xuất thân từ bóng đá học đường tại Quảng Nam. 15 tuổi, cô nhận được lời mời thi đấu chuyên nghiệp nhưng từ chối để tập trung học xong trung học. 

Tốt nghiệp phổ thông, Trang chọn thi khối D nhưng sau đó chuyển sang Đại học Thể dục thể thao vì biến cố gia đình. Mãi đến năm 2010, sau khi đã tốt nghiệp đại học, Trang mới chính thức chơi chuyên nghiệp. Giờ đây, cô tiếp tục lên kế hoạch lấy bằng thạc sĩ từ suất học bổng của Đại học Hoa Sen.

“Tuổi nghề của VĐV thường rất ngắn. Nếu các cầu thủ giải nghệ ở tuổi chỉ ngoài 30 rồi loay hoay không biết phải tìm công việc gì, tôi nghĩ đó là sự lãng phí nguồn nhân lực. Các cầu thủ là người rất giỏi trong lĩnh vực thể thao, có năng lực lẫn kinh nghiệm. Nếu họ có thể lấy bằng đại học, trang bị thêm kiến thức, họ còn có thể đóng góp rất nhiều cho xã hội sau ngày giải nghệ”, bà Ngọc Thúy nói.

Ít ra cũng nên học ngoại ngữ

Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, cho biết hằng năm trung tâm phải chi rất nhiều tiền cho việc ăn, học của cầu thủ, vì chỉ có như vậy phụ huynh mới yên tâm cho con cái đi theo con đường thể thao. 

Trung tâm TDTT quận 1 cũng cho biết đang làm việc với Tập đoàn FPT để có thể cho các cầu thủ nữ được học thêm tiếng Anh miễn phí. Đây là điều rất có lợi cho sự nghiệp của họ nói chung, bất kể họ theo đuổi con đường nào sau khi giải nghệ. “Tôi nghĩ ngoại ngữ là quan trọng nhất, dù cho có không học đại học, các VĐV trẻ ít ra cũng nên học tiếng Anh”, Huỳnh Như nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận