Sau những dòng phụ đề

PHAN BẢO 25/12/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Sự bùng nổ của các dịch vụ streaming đã dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng người dịch có chất lượng, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của lượng khán giả toàn cầu đang tăng cao thích xem nội dung tiếng nước ngoài thông qua phụ đề hay lồng tiếng của ngôn ngữ bản địa.

 
 Ảnh: Hollywood Reporter

Trong năm 2021 này, thật khó để nói về streaming mà không kể đến Squid Game. Tính đến tháng rồi, khán giả toàn cầu đã dành tổng cộng 1,65 tỉ giờ xem series phim sống còn này của Hàn Quốc. Thành tựu này chắc chắn không thể có được nếu Squid Game chỉ có bản gốc tiếng Hàn, cùng lắm là phụ đề tiếng Anh. Theo Netflix, series này có phụ đề bằng 37 thứ tiếng và bản lồng tiếng bằng 34 ngôn ngữ.

Tuy vậy, phụ đề Squid Game của một số thứ tiếng (như Anh, Pháp và Hindi) bị cho là dịch kém chất lượng, làm mất hồn cốt và sai lệch nhiều tình tiết của bộ phim, khiến báo chí quốc tế tốn khá nhiều giấy mực lúc bộ phim bắt đầu gây sốt toàn cầu. Điều thú vị là chính những tranh cãi đó đã thu hút sự chú ý của công chúng đối với một ngành dù quan trọng nhưng hiếm khi được nhắc đến: cung cấp dịch vụ ngôn ngữ (LSP), một hệ sinh thái với các dịch giả phụ đề, diễn viên lồng tiếng, biên tập viên bản dịch và kỹ thuật viên âm thanh.

LSP trở thành một công cụ không thể thiếu trong kế hoạch chinh phục khán giả toàn cầu của các nền tảng streaming, bởi để gia nhập thị trường mới, việc phải có tài nguyên dịch thuật bằng ngôn ngữ phổ biến ở thị trường đó là tất yếu. Nhưng làm điều này không dễ. Lấy ví dụ Disney+, nơi có hằng hà sa số nội dung - từ loạt phim mới nhất của Marvel, các chương trình gốc, cho đến thư viện phim và chương trình truyền hình cả cũ lẫn mới, thì chỉ cần có thêm phụ đề của một thứ tiếng ngoài tiếng Anh đã là một khối lượng công việc cực lớn.

Cầu “đè bẹp” cung

Theo báo Economic Times của Ấn Độ, các nền tảng streaming và thành công của nhiều bộ phim tại thị trường nước ngoài đã “tạo ra một nền kinh tế xung quanh việc làm phụ đề” ở nước này, với các công ty LSP đầu tắt mặt tối để đáp ứng nhu cầu. Đơn cử trường hợp Sacred Games, loạt phim gốc Netflix sản xuất dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ấn Độ Vikram Chandra - phim được lồng tiếng bằng 4 thứ tiếng và có phụ đề lên tới 24 ngôn ngữ.

Chris Fetner, giám đốc của Hiệp hội Toàn cầu hóa giải trí (EGA), một hiệp hội thương mại dành cho các công ty địa phương hóa nội dung, dự báo trong vài năm tới ngành LSP có thể chứng kiến một lượng lớn các đơn đặt hàng dịch thuật từ khắp nơi trên thế giới. Đó có thể là những hợp đồng lớn như sản xuất phụ đề tiếng Anh cho 100.000 giờ nội dung gốc bằng tiếng Hindi của nền tảng video MX Player, theo Economic Times.

Từng có 9 năm làm giám đốc điều hành chuyên xây dựng chiến lược địa phương hóa cho Netflix, Fetner nói với trang Rest of World rằng cho đến gần đây, khả năng của ngành công nghiệp LSP vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Nhiều tổ chức thành viên của EGA cho biết họ không thể nhận công việc mới cho đến sau năm 2022. “Mỗi ngày, tôi đều nghe ai đó nói về việc họ đã phải từ chối công việc như thế nào. Nó thực sự đang đạt đến điểm tới hạn, giờ đây miếng bọt biển không thể hút thêm nước nữa” - Fetner ví von.

David Lee - giám đốc điều hành của Iyuno-SDI, một trong những nhà cung cấp phụ đề và lồng tiếng lớn nhất trong ngành, hiện cung cấp dịch thuật trên 100 ngôn ngữ và thường xuyên dịch hơn 600.000 tập phim mỗi năm - thậm chí nhận định tình hình còn tệ hơn.

“Có thể nói, thật sự cung sẽ vượt cầu trong ngành này chỉ trong 2-3 năm tới. Không ai dịch, không ai lồng tiếng, không ai xử lý kỹ thuật - ngành công nghiệp này không có đủ nguồn lực để làm điều đó” - Lee nói với Rest of World. Nguyên nhân chính là vì công việc dịch phụ đề phim không phải dễ và thù lao nhiều khi không tương xứng.

 
 Các tùy chọn ngôn ngữ trên Netflix.

Nghề khó

Daniel Laksono, cử nhân ngành ngữ văn Anh Trường đại học Sanata Dharma ở thành phố Yogyakarta (Indonesia) đến với nghề làm phụ đề phim năm 2018. Mặc dù đã có kinh nghiệm từ công việc chính là dịch tin tức với vai trò chuyên gia phân tích tại một công ty giám sát truyền thông, Daniel vẫn gặp nhiều thách thức khi dịch phụ đề, bởi không phải chỉ đơn giản dịch là xong, còn phải xét đến độ dài câu, đối tượng người xem và từ vựng.

“Nếu phân khúc khán giả dưới trung lưu thì từ ngữ phải đơn giản hóa” - Daniel nói với The Jakarta Post. Ấy là chưa kể đến những đòi hỏi về vần điệu và chuyển tải thành ngữ, tục ngữ giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích sao cho mượt mà.

Một đặc thù khác của công việc biên dịch nội dung cho các dịch vụ phát trực tuyến là dịch xoay vòng (pivot translation). Trong kỹ thuật này, nội dung gốc sẽ được dịch lần đầu sang tiếng Anh trước khi được dịch lần nữa sang ngôn ngữ tiếp theo. Việc sử dụng mẫu tiếng Anh như vậy là cách làm hoàn toàn phổ biến trong ngành, nhằm cắt giảm chi phí và dễ dàng mở rộng quy mô. Lấy trường hợp biên dịch nội dung tiếng Hàn sang Pháp làm ví dụ, dịch giả Hàn - Pháp có thể khó tìm và đòi hỏi thù lao cao nhưng biên dịch Hàn - Anh và Anh - Pháp thì không thiếu.

Mặc dù việc sử dụng mẫu tiếng Anh mang lại tính hiệu quả cao hơn, nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành lo ngại quá trình này đang làm giảm chất lượng phụ đề. Họ cho rằng để tiếng Anh làm ngôn ngữ chủ đạo điều phối cách diễn đạt của nhiều ngôn ngữ khác mang lại khá nhiều vấn đề. Không ít lần Daniel đã phải “vò đầu bứt tóc” vì không hiểu nổi bản dịch tiếng Anh của những video nấu ăn bằng tiếng Hoa mà anh đang chuyển ngữ sang tiếng Indonesia.

“Nhiều lúc tôi phải xem đi xem lại video để đoán xem người ta đang nói gì. Xem video nấu ăn mà nhiều khi tôi tưởng mình đang đọc 50 sắc thái” - Daniel hóm hỉnh nhận xét khi nói về chất lượng kém của các mẫu tiếng Anh. Hiểu được rồi là một chuyện, chàng cử nhân ngữ văn Anh còn phải bỏ công tham khảo, tìm kiếm những nguyên liệu tương đương về mặt sinh học để gọi tên những nguyên liệu không thể tìm thấy ở Indonesia được xuất hiện trong các video.

Ngành làm phụ đề cũng gặp những khó khăn khác, như vừa dịch vừa đoán mò vì không được xem hình ảnh, hạn chế về phông chữ cho các ngôn ngữ không sử dụng hệ thống chữ cái Latin ví dụ tiếng Hoa, Hàn, Nhật, Thái, Ấn Độ, hay Ả Rập. Nội dung của mỗi ngôn ngữ trong số này lại có những nét cá biệt đầy thử thách khác nhau. Ví dụ, đặc trưng khi dịch phim Ấn Độ là phải chuyển ngữ luôn cả những bài hát trong phim tiếng Hindi sao cho cả vần điệu và chất thơ đều được giữ nguyên vẹn. Với những khó khăn như vậy, việc người xem gặp phải những bản dịch “dở khóc dở cười” vì mắc lỗi đọc hiểu và sai ngữ cảnh cũng không phải chuyện hiếm.

Đời người dịch phim

Vất vả là vậy nhưng việc dịch phụ đề phim chỉ là việc tay trái của Daniel. Ông bố 1 con này hiện vẫn sống chủ yếu dựa vào thu nhập ổn định từ công việc văn phòng, và nhận dịch 3-4 video mỗi tuần. Tùy khách hàng mà thù lao được trả theo phút (17,63 USD/60 phút) hay số từ (5,3-20 USD/1.000 từ).

Santy Sianturi, một biên dịch tự do với 13 năm kinh nghiệm trong nghề dịch thuật nói chung và 11 năm trong ngành dịch phim nói riêng, lại kiếm thu nhập chủ yếu từ việc dịch phim. Cô kiếm được 1.763-2.468 USD mỗi tháng, theo Jakarta Post. Nhưng đổi lại, hạn chót của nhiều dự án biên dịch thường ập đến cùng một lúc và áp lực choàng gánh cho những dịch giả hay biên tập viên bị ốm buộc cô phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, kể cả biên tập lại bản dịch.

Có lần Santy phải thức trắng suốt 2 ngày rưỡi để biên tập phụ đề 3 mùa của một bộ phim anime (hoạt hình Nhật) dài tổng cộng 178 tập. Khách hàng chỉ cho cô thời hạn 2 ngày, trong khi chất lượng bản dịch rất kém, có rất nhiều lỗi cần biên tập. Cuối cùng, cô phải thuyết phục khách hàng để được gia hạn thêm 1 ngày. “Lúc đó tôi tưởng mình như sắp chết đến nơi rồi vì tôi không dám chợp mắt một tí nào cả. Cà phê và thuốc nhỏ mắt luôn thường trực bên tôi” - Santy nhớ lại.

Theo Max Deryagin - chủ tịch Hiệp hội Phụ đề Anh, về lý thuyết, kỷ nguyên streaming hiện tại đang là thời kỳ hoàng kim của nghề biên dịch phim. Trớ trêu thay, những gì Deryagin thấy lại là những người dịch phụ đề cố gắng kiếm sống với thu nhập ba cọc ba đồng trong tình trạng căng thẳng và kiệt sức. Điều này khiến các dịch giả giàu kinh nghiệm nhất nản chí và quyết định rời bỏ lĩnh vực dịch phim để làm những công việc dịch thuật được trả lương cao hơn hoặc chuyển đổi hoàn toàn sang ngành nghề khác, Deryagin nói với The Guardian.

Tương tự, nhiều chuyên gia trong ngành đang chỉ trích các công ty LSP quá keo kiệt trong việc chi trả cho biên dịch phim, những người tạo ra những bản dịch đem về hơn 50% doanh thu của hầu hết các bộ phim nhưng chỉ được nhận 0,01-0,1% của con số đó. Các công ty còn sẵn lòng thay thế các biên dịch chuyên nghiệp bằng cộng tác viên nghiệp dư và giải pháp dịch máy, bất chấp việc các phương án này dẫn đến hậu quả là chất lượng dịch thuật xuống cấp.

Sau 2 năm gắn bó với nghề biên dịch phim từ tiếng Anh sang tiếng Đức, Anne Wanders, 40 tuổi (Dortmund, Đức), tự nhủ sẽ không khuyến khích những người mới gia nhập ngành này. Mặc dù yêu thích công việc dịch phụ đề phim mà cô miêu tả là sáng tạo và đầy thách thức, Wanders không hài lòng với thu nhập bèo bọt, thậm chí dưới mức lương tối thiểu, mà nó mang lại. “Thật tuyệt khi có một công việc như vậy, nhưng mọi thứ sẽ hết tuyệt nếu bạn phải tài trợ thêm cho công việc đó bằng tiền tiết kiệm của mình. Vậy thì đó không phải là một công việc. Đó là bạn đang bị lợi dụng” - Wanders nói với The Guardian.

Chiếc cầu nối ngôn ngữ vô hình

Ông Dennis Chau, giám đốc lồng tiếng Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định phụ đề và lồng tiếng là những chiếc cầu nối ngôn ngữ vô hình có thể "bắc" qua cả những đại dương mênh mông và đưa phim ảnh khắp toàn cầu, làm thay đổi cách thế giới trải nghiệm nội dung giải trí.

"Bản địa hóa ngôn ngữ chính là chìa khóa để 214 triệu khán giả trên thế giới có thể thưởng thức cách kể chuyện tuyệt vời trong Casa De Papel (Money Heist/Phi vụ triệu đô, Tây Ban Nha), dù cho diễn viên có nói ngôn ngữ nào chăng nữa" - ông Chau nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

95% người xem Squid Game trên Netflix đến từ ngoài biên giới Hàn Quốc, trong đó 97% dùng phụ đề hoặc lồng tiếng để hiểu được phim. Đặc biệt với phim này, khán giả chọn nghe lồng tiếng nhiều hơn đọc phụ đề. Tại Mỹ, lượt xem phim truyền hình Hàn Quốc vào năm 2021 tăng hơn 200% so với năm 2019. Năm 2020, 97% khán giả Netflix xem ít nhất một phim không nói tiếng Anh.

Các nền tảng streaming đã góp phần thói quen đọc phụ đề hoặc xem nội dung tiếng nước ngoài được lồng tiếng cho khán giả phương Tây. Theo ông Dennis Chau, không đơn thuần là dịch thuật, phụ đề và lồng tiếng còn tạo thành "bản địa hóa" - khái niệm đầy sức mạnh trong một thế giới quá đa sắc về văn hóa. MI LY

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận