Sáp nhập đơn vị hành chính: Muốn tinh phải gọn

BẢO NGỌC 13/10/2022 08:59 GMT+7

TTCT - Sáp nhập các đơn vị hành chính, giảm biên chế, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương trong bối cảnh Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị công là ý chí chính trị của Nhà nước, nhưng từ định hướng tới thực thi sẽ là không ít thách thức.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Muốn tinh phải gọn - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Hữu Hạnh

Theo Bộ Nội vụ, trong ba năm 2019 - 2021, thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã, cả nước giảm được 8 huyện và 561 xã. Sau khi thực hiện sắp xếp, cả nước hiện có 705 huyện, trong khi số xã giảm 561 đơn vị so với năm 2018, còn 10.599 xã.

Quan trọng là hiệu quả bộ máy

Bộ Nội vụ đánh giá sau ba năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, trong số 705 huyện vẫn còn 246 huyện chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Tương tự, 5.431 xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và/hoặc quy mô dân số.

Về nhân sự, đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư 589 người, còn cấp xã là 8.488 người, chưa kể lực lượng không chuyên trách hưởng lương ở cấp xã sau sáp nhập dôi dư 7.723 người. 

Việc giải quyết số lao động dôi dư này đang gặp nhiều khó khăn, theo Bộ Nội vụ, khi ba năm qua các địa phương chỉ giải quyết được 186 cán bộ dôi dư cấp huyện và hơn 13.000 người ở cấp xã (cả chuyên trách và không chuyên trách).

Cũng theo Bộ Nội vụ, qua sắp xếp cả nước đã giảm được 12% biên chế công chức cấp huyện, 32,6% biên chế công chức của cấp xã và 56,4% số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nhờ đó giảm chi ngân sách nhà nước trên 2.000 tỉ đồng.

Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết việc giảm đơn vị hành chính cấp xã và huyện là xu hướng chung của nhiều nước phát triển trên thế giới. Ví dụ ở Nhật Bản, số đơn vị hành chính cấp xã đã giảm từ hơn 10.000 xuống còn hơn 2.000 xã.

Với Việt Nam, quá trình thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính các cấp hiện phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của hệ thống. Ông Phúc khuyến nghị nên đẩy mạnh sáp nhập các huyện, các xã để nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính địa phương.

"Thực tế có những xã hiện nay có một vài ngàn dân cũng lập ra bộ máy nên cồng kềnh và tốn kém. Và trong bối cảnh phát triển hiện nay, công nghệ đang hỗ trợ rất nhiều cho việc chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính thì việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính rất cần thiết", ông Phúc nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), cho biết việc sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính cấp xã lúc này là cần thiết.

Cấp huyện, tỉnh: Sáp nhập hay không?

Thực tế cho thấy đơn vị hành chính cấp huyện hiện chủ yếu đóng vai trò trung gian, hầu hết các vấn đề lớn, quan trọng tại địa phương đều do cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên theo ông Phúc, việc sáp nhập phải dựa trên hiệu lực, hiệu quả bộ máy, không làm theo phong trào. 

"Chúng ta từng thực hiện sáp nhập, giảm đơn vị hành chính cấp tỉnh những năm trước đây xuống còn hơn 40 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc sáp nhập này không phát huy hiệu quả nên buộc phải tách ra như hiện nay. Hơn nữa, sau khi tách ra nhiều địa phương đã phát triển hơn", ông Phúc nói.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, với cấp huyện thì không nên chỉ tập trung vào sáp nhập địa giới hành chính. Điều quan trọng nhất trong sắp xếp bộ máy ở cấp huyện là thay đổi về chức năng dịch vụ công. 

Ông Đồng cho rằng ở cấp huyện, vai trò quản lý nhà nước ít, theo kiểu ra quyết định, làm quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, làm thủ tục phê duyệt ngân sách không quá lớn, đây chủ yếu là cấp trung gian thực hiện nhiều chức năng báo cáo, thống kê, thông tin.

"Vì thế, với bộ máy hành chính cấp huyện cần đặt trọng tâm sắp xếp chức năng là vấn đề cốt lõi. Cấp huyện cũng là cấp khả thi nhất để làm những cải cách mang tính kỹ thuật", ông Đồng phân tích. 

Ông Đồng cũng đề xuất xem lại chức năng của chính quyền cấp huyện, những gì không còn phù hợp nữa thì cần giảm bớt hoặc chuyển đổi, đặc biệt khi Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng "chính quyền số" để tối ưu hóa quản lý.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nhấn mạnh vấn đề lịch sử, truyền thống, văn hóa trong các quyết định sáp nhập. Ông nêu ví dụ tỉnh Bắc Thái trước đây hiện tách thành hai tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, hay hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh từng là một.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô dân số để sáp nhập thì quá nặng về mặt kỹ thuật. Địa giới hành chính phụ thuộc không nhỏ vào yếu tố lịch sử và văn hóa vùng miền. 

Ông nêu ví dụ Hà Nam Ninh là vùng Sơn Nam Hạ có lịch sử truyền thống, thời Nguyễn giữ nguyên một tỉnh, sau giải phóng cũng thế, nhưng nay đã tách làm ba tỉnh. 

Ông Đồng cho biết hai tiêu chí diện tích và dân số chỉ phục vụ cho việc phân bổ biên chế công chức hành chính chứ không nên coi là yếu tố phận định địa giới, vốn bao gồm địa giới tự nhiên và văn hóa, chứ không chỉ là những con số cơ học.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nêu quan điểm việc sáp nhập nếu chỉ hướng tới giảm đầu mối hành chính sẽ không thực chất bằng giảm số lượng cán bộ, công chức trong bộ máy và giảm chi ngân sách. 

Số người hưởng lương ngân sách ở Việt Nam tính theo tỉ lệ dân số còn cao hơn cả Trung Quốc và nhiều nước phát triển, theo ông Lập. Tóm lại, mục tiêu phải là tinh gọn bộ máy chứ không chỉ đơn thuần là giảm số đơn vị hành chính. ■

30 năm tăng thêm 25 tỉnh

Mới đây, phát biểu tại phiên họp của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận đây là việc "rất khó, rất phức tạp", bởi hàng chục năm qua bộ máy hành chính địa phương không ngừng phình to, số đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện tăng mạnh.

Trong 30 năm 1986-2015 đã có thêm 25 tỉnh và 183 huyện mới. Trước năm 1986, cả nước có 38 tỉnh, nay là 63. Cấp huyện tăng từ 530 lên 713 đơn vị. Cấp xã từ 9.657 tăng lên 11.162 đơn vị.

Cắt giảm ở cấp trung ương

Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay các bộ, ngành đã và đang triển khai xây dựng nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến giảm ba đơn vị sự nghiệp so với cơ cấu cũ; Bộ Nội vụ giảm hai đơn vị cấp vụ; bốn tổng cục thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ chuyển thành cục và vụ…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận