Sao không để dân tự quản lễ hội?

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN 10/03/2015 02:03 GMT+7

TTCT - Đầu năm, mùa lễ hội truyền thống lại diễn ra với biết bao ngổn ngang, tranh cãi. Theo chuyên gia văn hóa học - PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, bằng việc “tăng cường hơn nữa khả năng hiện thực của cuộc sống, công ăn việc làm thuận lợi, đời sống an toàn, bớt rủi ro sẽ giúp người ta có đến với thần, Phật cũng vì một đời sống tâm linh lành mạnh chứ không nhuốm màu thực dụng”...

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên - Ảnh: N.V.N.

Cái thiêng bị triệt tiêu

Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là văn hóa lễ hội cổ truyền, ông có suy nghĩ gì khi hằng năm cứ tới mùa lễ hội chúng ta lại phải nghe những chuyện chẳng tốt lành gì?

- Trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội được gọi là hiện tượng văn hóa nguyên sinh, nguyên hợp. Tức là một tổ hợp của rất nhiều hình thức sinh hoạt, các hiện tượng văn hóa khác nhau. Lễ hội dân gian truyền thống của người Việt về bản chất là gắn với tín ngưỡng.

Hằng ngày, các vị thần được yên vị trong không gian thờ phụng như đình, chùa, miếu, nhưng đến lễ hội thì các vị ấy đi vào trong cộng đồng. Dân đến với các vị để bày tỏ sự tôn kính và mong ước của mình - mong ước một nguồn năng lượng siêu nhiên, những điều tốt lành trong cuộc sống.

Vì gắn với yếu tố tín ngưỡng nên lõi của lễ hội truyền thống là trục thiêng. Vì trục thiêng nên khi cộng đồng đến với lễ hội mang theo tinh thần hướng thượng.

Nhưng theo lý thuyết phương Tây, người ta cho rằng bao giờ cũng có hai vị thần xuất hiện trong cùng một lễ hội, chẳng hạn thần rượu nho - Dionysus và thần ánh sáng - Apollo. Thần Dionysus tượng trưng cho sự say sưa, trần tục, vui thú thái quá trong khi thần Apollo thì tượng trưng cho ánh sáng của trí tuệ, sự tỉnh táo.

Do đó, trong phần thực hành nghi lễ thì bao giờ cũng nghiêm túc, tỉnh táo (theo tính cách Apollo) nhưng trong phần hội bao giờ cũng có một chút thái quá, không kiểm soát được hành vi (như tính cách Dionysus). Nếu bắt các lễ hội vào một trật tự kỷ cương như một cuộc mittinh, diễu hành là điều không thể có.

Như vậy có sự trục trặc nào trong câu chuyện lễ hội gần đây, khi mà sự thái quá, thực dụng, thậm chí bạo lực đã xuất hiện và triệt tiêu tính thiêng hay không gian văn hóa?

Đi vào tín ngưỡng là đi vào một thế giới ảo. Tôi nghĩ cần tăng cường hơn nữa khả năng hiện thực của cuộc sống, công ăn việc làm thuận lợi, đời sống an toàn, bớt rủi ro thì người ta không phải cầu viện nhiều đến thần, Phật, mà có đến với thần, Phật cũng vì một đời sống tâm linh lành mạnh chứ không nhuốm màu thực dụng. Tôi thích câu thơ của Nguyễn Duy trong bài Đò Lèn: “Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/ bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Cuối cùng phải tạo ra những “quả trứng” nuôi sống con người và cần xây dựng những hệ giá trị mới phù hợp với bối cảnh hiện đại để con người được sống trọn vẹn và bình an với hiện thực của mình.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên 

- Như đã nói, lễ hội truyền thống trục chính là tính thiêng liêng và cao cả. Tính thiêng liêng và cao cả là một từ tính. Vì vậy, người ta cho rằng tất cả những gì gắn với thần linh đều nhiễm thiêng cả.

Nếu anh lấy được một thứ gì đó mang về thì đem điều tốt lành về cho mình - người miền Bắc gọi đó là “cái khước”, người Nam gọi là “cái hên”. Trong lễ hội ông Đùng bà Đà ở Hưng Yên, người ta giành giật cái nan tre vì quan niệm rằng chỉ cần xé cái nan tre ném xuống ruộng, lúa sẽ trĩu hạt, ném vào ruộng muối, muối sẽ được mùa.

Trong lễ hội Thánh Gióng, người ta giành giật những chùm hoa tre vì cho rằng ai giành được hoa tre của Thánh Gióng thì sẽ đem cái hên, tài lộc về nhà. Thế cho nên khi lễ hội lên cao trào thì bao giờ cũng có một trận cướp - hoàn toàn bột phát, người này đè đầu cưỡi cổ người kia để giành lấy một cái nan hay hoa tre, tức là giành tài lộc về cho mình. Đó là hiệu ứng đám đông.

Vấn đề là những người tổ chức phải nhận biết “kịch bản” sẽ đi đến điểm đó để có cách tổ chức an ninh tốt, ngăn chặn không cho xảy ra cảnh bạo lực đáng tiếc như đã thấy.

Như vậy về mặt nào đó, bản thân trong quan niệm cái thiêng của lễ hội đã có mầm mống nguyên nhân những hỗn loạn khi cái dung tục lấn át...

- Ở đây cái thiêng đã bị cái dung tục khống chế khi người ta đem cái nguyện vọng đặt lên trên lòng thành kính, tính cao cả. Tôi đã từng chứng kiến cảnh ở lễ hội ông Đùng bà Đà tại Hưng Yên, người ta gom sạch không còn cái lá trang trí động ông Hổ nào trên sân đình.

Khi chỉ nghĩ tới đi lễ hội để cầu may thì người ta đã trần tục hóa lễ hội và mặt thiêng đã bị triệt tiêu. Lễ hội đang bị giải thiêng. Ông Mikhain Bakhtin (*) nói rằng lễ hội là một hiện tượng văn hóa vượt lên trên tất cả các nhu cầu, kể cả nhu cầu sinh học nhưng giá trị tinh thần bay trên cao, trên cộng đồng người.

Lễ hội là hướng thượng chứ không thấp lè tè như những chuyện ta đang thấy. Người ta đến với lễ hội để cầu tài, cầu lộc, cầu may, mua may bằng mọi giá (kể cả việc ném tiền xuống nước bẩn chứ không còn nhét vào tay tượng Phật) mà bỏ quên sự thành kính, bỏ quên tâm thế phải dọn mình để hóa thân, hòa nhập trong thần, Phật. Và từ đó họ dễ dàng mạo phạm đến thần, Phật.

Khi tính thiêng bị triệt tiêu thì tính cộng cảm và cộng đồng tốt đẹp trong lễ hội cũng mất?

- Đúng như vậy.

Và khi cắt nghĩa nguyên nhân vì sao lễ hội cổ truyền xói mòn giá trị văn hóa đến vậy, hẳn không thể bỏ qua vấn đề quản lý lễ hội...

- Về phía Nhà nước, trong một thời gian quá dài, do chiến tranh, nghèo đói, năng lực tổ chức hạn chế ở các địa phương nên có một thời kỳ Nhà nước hạn chế các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội truyền thống vì cho rằng lễ hội truyền thống gắn với mê tín dị đoan, lạc hậu. Điều đó chỉ đúng một phần.

Sau này dưới khẩu hiệu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì Nhà nước thả trở lại các hình thái văn hóa truyền thống.

Xin lưu ý: hình thái truyền thống chứ không phải giá trị truyền thống văn hóa. Chúng ta khôi phục hết tất cả văn hóa truyền thống (những hình thái xuất hiện trong quá khứ, không có nghĩa tất cả đều tốt và phù hợp với bối cảnh mới).

Theo thống kê không đầy đủ, VN có gần 1 vạn lễ hội truyền thống lớn nhỏ. Khôi phục một lúc 1 vạn lễ hội, liệu có cần không? Thả lễ hội như thả âm binh, mà thả âm binh thì không thể thu gom hay kiểm soát được, vậy sẽ sinh ra làng nào cũng có hội làng, đình có hội đình, chùa có hội chùa... tức là có thiết chế tín ngưỡng nào dưới hình thái nào thì cũng bung ra thành lễ hội được.

Chúng ta quên rằng trong các hình thái truyền thống đó có những thứ lạc hậu lỗi thời, những điều không phù hợp bối cảnh hiện đại cũng chẳng mang giá trị truyền thống văn hóa nào.

Cần gia tăng khả năng hiện thực

Vậy nhìn chung, năng lực quản lý hiện nay thế nào, thưa ông?

- Điều đáng lo ngại nhất là trong ngành quản lý văn hóa có một sự khủng hoảng nhân lực nghiêm trọng. Quản lý kiểu tay ngang, thiếu hiểu biết chuyên sâu để biết điều gì nên làm, điều gì nên tránh nên mới có chuyện cái gì khó quá, không kiểm soát được thì cấm.

Về ý chí, chúng ta nói với nhau trên khía cạnh quản lý hay chuyên môn nghiên cứu như vậy, còn trên thực tế lễ hội vẫn thuộc về nhu cầu cộng đồng, cộng đồng làm chủ thể và có vận hành riêng của nó, ở đó phản chiếu phần nào nhu cầu, tâm thế xã hội. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nói rằng người ta cầu viện các giá trị tâm linh khi sa sút niềm tin...

- Tôi đồng tình với ý kiến của ông Cao Tự Thanh. Các vị lãnh đạo hay đặt ngược câu hỏi với các chuyên gia: tại sao đời sống kinh tế đi lên, kinh tế thị trường thì người ta lại đến với tín ngưỡng, lễ hội nhiều như vậy?

Tôi nghĩ độ rủi ro, phiêu lưu trong đời sống càng cao, người ta càng đến với tín ngưỡng nhiều, càng có nhu cầu cầu cạnh thần thánh. Vài năm qua suy thoái kinh tế, mỗi năm hàng vạn doanh nghiệp phá sản, mất bạc tỉ, đi tù... con người mất niềm tin vào nhau, vào xã hội nên tìm đến với thần thánh mong lấy lại chút niềm tin nào đó.

Người ta cần tâm linh đem lại những năng lực để đối phó với đời sống đầy bầm giập, thách thức.

Vì không có niềm tin vào hệ giá trị nên họ lúng túng. Thời trước hệ giá trị rõ ràng: chân Nho cổ truyền hướng đến sự thanh bần - nghèo cho sạch, còn bây giờ nghèo người ta quan niệm là hèn. Tư duy đó đẩy con người phải thoát nghèo bằng mọi cách.

Thời chiến tranh, hệ giá trị gắn với lý tưởng bảo vệ đất nước, còn thanh niên nay lựa chọn điều gì? Mục tiêu giàu sang sẽ hấp dẫn họ. Họ đến với thần để cầu tài cầu lộc, để mong chiến thắng trong những cạnh tranh khốc liệt của đời sống.

Theo ông, mô hình lễ hội nào được tổ chức ổn nhất hiện nay?

- Cách quản lý lễ hội ở Nam bộ như Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang là hình mẫu tích cực hiện nay. Dĩ nhiên điều này một phần cũng do cơ tầng văn hóa quyết định - người Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo Nam tông - các chùa Khmer có vai trò lớn trong việc tổ chức lễ hội, từ lễ hội Phật giáo đến tín ngưỡng cộng đồng.

Tính cộng đồng tự quản trong lễ hội Nam bộ rất tốt. Trong khi đó ở miền Bắc, tính tự quản rất thấp do bị lợi dụng hoặc bị chính quyền địa phương can thiệp. Nếu chuyện công khai minh bạch tiền công đức và phương thức đóng góp tiền công đức đang là vấn đề nổi cộm của lễ hội miền Bắc thì tại các lễ hội miền Nam, chuyện này được xử lý rất tốt.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực là một hình mẫu đẹp. Trước lễ hội, hàng vạn người đưa công đức về. Công đức là tiền, hoa quả, bánh trái, gạo, thịt, rau quả... Ở đây có ban cộng đồng tự quản do dân bầu lên, có sổ sách thu chi minh bạch. Trong lễ hội, số vốn công đức mang về có thể nuôi cơm cho 2 vạn người ăn trong 5-10 ngày.

Vai trò Nhà nước ở đây là không can thiệp vào công việc nội bộ mà là công nhận ban tự quản do dân bầu ra. Số tiền công đức lễ hội dư hàng tỉ, chục tỉ để làm việc từ thiện, giúp người nghèo, xây trường học, xây cầu, đường và các công trình công cộng...

Lễ hội bà Chúa Xứ năm rồi thu tiền công đức gần trăm tỉ đồng. Tài chính minh bạch đến mức ban tổ chức trả lương, chi lương cho từng người lao động phục vụ lễ hội được công khai hẳn hoi. Sau khi chi lương, trùng tu thì họ tạo quỹ, xây trường, làm từ thiện...

Vậy cần trả lễ hội về cho nhân dân và tạo ra cơ chế tự quản tốt để những chủ thể lễ hội tự quản tài chính và cả xử lý các vấn đề nội bộ. Vấn đề của các cơ quan quản lý là đảm bảo an ninh thật tốt để lễ hội diễn ra tốt đẹp./.


 

(*): Nhà nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn của Liên Xô.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận