Sản xuất hậu COVID: Chờ đợi nối lại chuỗi cung ứng

TRUNG TRẦN 09/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Thượng Hải - thành phố có mức ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất của Trung Quốc - bị hạn chế kiểu chỉ thị 15 bên ta vào đầu tháng 3-2022 vì có khoảng 50 người tử vong mỗi ngày do biến thể Omicron. Sau đó trung tâm thương mại, tài chính có 25 triệu dân này phong tỏa hoàn toàn từ cuối tháng 3. Lập tức cả châu Á rung lắc.

Thượng Hải là nơi có khoảng 72.000 văn phòng các công ty trên khắp thế giới, 121 trong top 500 công ty lớn nhất thế giới có nhà máy hoặc trung tâm R&D ở đây, bao gồm Volkswagen, Ford, Tesla… và một cái tên ít nổi tiếng hơn, SCMT - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Công xưởng của công xưởng

Đây còn là nơi xuất phát của khoảng 20% số container của Trung Quốc - tương ứng khoảng 47 triệu container 20 feet mỗi năm (để dễ hình dung, hệ thống cảng Sài Gòn mỗi năm thông quan khoảng 7 triệu container như thế), và là nơi có sân bay bận rộn thứ 8 thế giới. Tại thời điểm giữa tháng 4, chỉ còn 10% đầu kéo xe container ở Thượng Hải được phép hoạt động.

 
 Một người lao động trong bộ đồ bảo hộ y tế đi bộ trên một tuyến xa lộ ở Thượng Hải đã bị hạn chế đi lại để phòng dịch (ảnh chụp ngày 28-3). Ảnh: Reuters

Về mặt logistics Thượng Hải là cái van quan trọng nhất để hàng hóa từ Trung Quốc đi ra thế giới. Một tháng qua, cái van đấy bị khóa. 

Một phần xuất phát từ quyết tâm chính trị của giới cầm quyền Trung Quốc - theo đuổi đến cùng chính sách zero Covid, dù có thể nó đã không còn phù hợp, nếu nhìn ra khắp thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc bao giờ cũng có quyền cho họ là quốc gia đặc biệt, nên việc của phần còn lại của thế giới, không gì khác, là phải chấp nhận.

Từ trung tuần tháng 3, tại Việt Nam tình trạng thiếu nguyên liệu cho các ngành sản xuất sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đã được báo động. Nửa tháng sau, doanh nghiệp phải lựa chọn giữa việc chi phí vận chuyển nguyên vật liệu tăng gấp vài lần đến cả chục lần hay chấp nhận dừng sản xuất. 

Việc chuyển từ đi tàu biển sang đi máy bay với khối lượng lên đến con số tấn, cho các nguyên liệu được sản xuất ở ngoại vi Thượng Hải, làm các doanh nghiệp dệt may - da giày và lắp ráp điện tử ở Việt Nam phải thanh toán chi phí vận tải có khi nhiều hơn giá trị của lô nguyên liệu. Điều đó, cho đến cuối tháng 4 nếu vẫn có thể xảy ra thì cũng đã là hạnh phúc. Viễn cảnh tồi tệ hơn đã và sẽ xảy ra là không giao được hàng.

Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, vốn đứng giữa trong chuỗi cung ứng - phụ trách lắp ráp và giao hàng bán thành phẩm cho khách hàng - lần khủng hoảng này, họ bị tổn thương kép: đầu vào không đủ để lắp ráp, và kể cả khi đủ thì đơn hàng của khách hàng cũng giảm vì chính khách hàng cũng rơi vào tình trạng y hệt.

Các hãng lắp ráp máy văn phòng, cụm chi tiết xe hơi, xe gắn máy… buộc phải giảm thời gian làm việc, thậm chí cho nghỉ hoàn toàn vì bài toán thiếu chip - vốn đã thiếu trầm trọng trước khi Trung Quốc đóng cửa, bây giờ lại khốn đốn gấp bội. Một số khách hàng ở Malaysia của người viết đã thông báo nghỉ hai tuần cuối tháng 5.

Nghiêm trọng hơn, không ai biết tương lai sắp tới sẽ thế nào, vì nó phụ thuộc không phải vào sự gia tăng của dịch bệnh - mà là quyết tâm của chính giới Bắc Kinh. Cập nhật cho đến cuối tháng 4, có gần 30 thành phố - tương ứng khoảng 165 triệu dân ở Trung Quốc - sẽ phải chấp nhận bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ trong tháng 5 và có thể cả tháng 6.

Đợi đến mùa thu?

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng biện pháp đẩy mạnh tồn kho thành phẩm. Dựa trên cam kết không chắc chắn của khách hàng rằng tổng doanh thu đặt hàng năm 2022 sẽ được giữ nguyên hoặc bằng ít nhất 90%. Quý 2 theo năm tài khóa thông thường (tháng 6 đến tháng 8), nhiều doanh nghiệp coi như sẽ mất khoảng 50% doanh thu. Con số này hy vọng sẽ được khách hàng bù lại từ tháng 9 trở đi.

Do vậy để tránh phải giảm nhân công - vốn sau Tết khó khăn lắm mới phục hồi được, doanh nghiệp sẽ áp dụng giữ nguyên sản lượng sản xuất - mặc dù làm ra chỉ để tồn kho chứ không để bán. Điều này sẽ giảm áp lực sau khi thị trường nguyên liệu phục hồi, dự kiến vào mùa thu. 

Vấn đề sẽ nằm ở chỗ đầu vào nguyên liệu có điểm nghẽn ở đâu (“bottleneck”, từ chỉ lượng cung thấp nhất trong toàn bộ chuỗi, mà người Nhật cũng dùng luôn nguyên bản là Bô-tô-ru-ne-ku).

Nếu tồn kho ở điểm nghẽn vẫn đủ cho dây chuyền sản xuất hoạt động đến tháng 5 thì có thể mạo hiểm cho nhà máy chạy đủ ngày, trong thời gian đó tìm cách xoay xở ăn đong, và chờ đợi. 

Ăn đong có thể là tìm nguồn nguyên liệu thay thế - cũng có thể là từ chính Trung Quốc, nơi các nhà cung cấp khác ở phía nam nước này như Quảng Châu hay Thâm Quyến, hoặc may mắn hơn, từ chính Việt Nam - với cái giá phải trả là đơn giá cao hơn, chất lượng thiếu ổn định hơn, để bù cho yếu tố còn lại: thời gian giao hàng.

Nếu xoay xở hết những cách đó rồi mà vẫn không được thì đành ngồi đợi đến mùa thu với câu hỏi then chốt là Trung Quốc sẽ duy trì chính sách zero Covid đến lúc nào. Câu trả lời sẽ có một phần trong tháng 5 - khi chúng ta nhìn vào cách quốc gia này xử lý tình hình ở Bắc Kinh. Thủ đô Trung Quốc sẽ bị phong tỏa như Thượng Hải, phong tỏa một phần, hay sẽ có chính sách cởi mở hơn?

Điều này đến lượt nó tùy thuộc vào phản ứng của dân chúng, nhiều hơn là lo ngại về sự giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mục đích quan trọng nhất đối với Trung Quốc trong năm 2022 này là ổn định. 

Ổn định về mặt xã hội để họ chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, và cả để khẳng định giá trị của một quốc gia đặc biệt - khác hẳn với sự hỗn loạn và binh đao đang diễn ra ở nhiều nơi. Để bảo đảm sự ổn định đó - Trung Quốc có vẻ đang cho thấy họ sẵn sàng trả những cái giá đắt.

Nhưng với các quốc gia châu Á khác, bao gồm Việt Nam, vốn đã mở cửa trở lại và hoạt động gần như bình thường, thiệt hại là rất lớn. Cỗ máy sản xuất vừa phục hồi và bắt đầu tăng tốc sau Tết Nguyên đán, đang đứng trước nguy cơ khựng lại.

Nếu có sự ngậm ngùi nào thì đó là những sự thực đang diễn ra trước mắt. Các dự án bất động sản hào nhoáng, các khu đô thị quốc tế, các siêu đô thị nghỉ dưỡng… thực tế hầu hết chỉ là những khoản đầu cơ. 

Chỉ số chứng khoán VN-Index lao dốc gần 200 điểm trong tháng 4, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng gần 8%. Vẫn một câu cảm thán từ mấy năm qua: Tiền cho nền kinh tế hớt váng, nếu được đầu tư cho sản xuất thì chúng ta càng ít đi sự đợi chờ, khi những khủng hoảng thế này diễn ra.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận