San sẻ dòng sữa mẹ

VŨ THỦY 31/01/2018 23:01 GMT+7

TTCT - Hiểu được sự quý giá của sữa mẹ, ngày càng có nhiều “mẹ sữa” chia sẻ sữa của con mình cho những em bé khác. Không ít những em bé mới sinh dị ứng sữa ngoài, sinh non, mồ côi, mẹ đẻ mổ… đã bú những giọt sữa đầu tiên từ những người mẹ xa lạ.

.

Trước khi có một ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở một bệnh viện, có những cộng đồng chia sẻ sữa mẹ đã hoạt động nhiều năm trên mạng xã hội. Các “mẹ sữa” tìm đến nhau, người cho sữa, người xin sữa.

Nghĩa tình cho - nhận

“Em bé nhà mình mới sinh, bú không hết sữa, mỗi ngày mình vắt dư 2l sữa. Mẹ nào mới sinh cần sữa thì gọi mình, ưu tiên cho các mẹ sinh non, con dị ứng sữa ngoài”, đó là dòng chia sẻ của chị Nguyễn Anh Quỳ (31 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) trên một trang cộng đồng chia sẻ sữa mẹ có hơn 4.000 thành viên.

“Tôi biết sữa mẹ nuôi con tốt, lại thấy nhiều mẹ phải đi xin sữa vì đẻ mổ, sinh non, bị dị ứng sữa ngoài... nên đăng lên để mẹ nào cần thì có sữa cho con bú” - chị Quỳ bảo.

Con của chị mới 20 ngày tuổi nhưng sữa về nhiều, mấy ngày nay chị vắt và trữ lại đầy cả khoang trữ đông chuyên dụng.

Ngay lập tức, nhiều người nhắn tin cho chị: ông bố có con dị ứng sữa bột vừa mới sinh ở một bệnh viện cách đó 4 cây số, một bà mẹ đẻ mổ chưa có sữa, một bà mẹ đột nhiên mất sữa... “Nhưng tôi chỉ nhận lời ông bố đến trước. Vì nhà tôi gần bệnh viện của bé nên tôi bảo anh đến lấy hằng ngày cho sữa tươi” - chị kể.

Vậy là nhiều ngày liền, ngày nào anh cũng đi xe máy đến nhà, mang theo thùng đá để lấy 3-4 túi sữa cho con.

Chị Quỳ kể anh cũng gãi đầu gãi tai “làm theo lời vợ dặn” là hỏi chị thích ăn gì, vợ chồng anh muốn mua để bồi bổ cho chị nhưng chị từ chối. “Anh chồng ấy thương lắm, còn hỏi tôi cách nào để có nhiều sữa cho con. Tôi cũng bày cách tôi làm là chịu khó uống nhiều nước, ăn các loại đậu hạt.

Cũng mừng khi nghe anh bảo là mấy bữa nay nhờ y tá hỗ trợ thì vợ anh cũng bắt đầu có sữa. Tôi cũng ăn uống đầy đủ nên cũng không cần gì” - chị kể.

Cũng là “mẹ bỉm” may mắn nhiều sữa như chị Quỳ, chị Phạm Ngọc Oanh (29 tuổi, ngụ Q.1) đang nuôi con 2 tháng tuổi cũng mò mẫm tìm các trang chia sẻ sữa để cho sữa với lý do “ai cũng biết sữa mẹ tốt cho con, mà 'người ăn không hết, kẻ lần không ra', mình vắt thì dư nhiều, con không bú hết cũng bỏ đi nên đăng lên đây để cho các em bé đang cần sữa”.

Trên những cộng đồng chia sẻ sữa mẹ, rất nhiều bà mẹ có con dị ứng sữa ngoài cũng đăng chia sẻ tìm sữa cho con và nhận được sự giúp đỡ của những bà mẹ khác.

“Con em bị dị ứng sữa ngoài mà em thì ít sữa quá, không đủ cho con bú. Mẹ nào dư sữa cho em xin với. Ở chỗ nào em cũng tới lấy được ạ” - bà mẹ trẻ Lương Thị Lê (27 tuổi, ngụ Q.5) đã đăng lên một trang cộng đồng nhờ các mẹ giúp đỡ con gái 6 tuần tuổi.

Hơn một tháng sau đó, bé được nhận sữa từ ba bà mẹ khác, còn chị thì sau một thời gian được nhiều bà mẹ khác bày vẽ kinh nghiệm, đến giờ cũng đã đủ sữa cho con bú.

*** Error ***
Các bà mẹ có con được chăm sóc ở ngân hàng sữa mẹ bệnh viện phụ sản- nhi Đà Nẵng tham dự một chương trình của ngân hàng sữa mẹ.

 

Chuyện ở ngân hàng sữa mẹ đầu tiên

Nhiều bà mẹ không đủ sữa cho con bú vẫn phải đi xin sữa từ những bà mẹ khác dù cũng ngần ngại chuyện vệ sinh, khử trùng, bảo quản. Nhưng chị Trần Thị Hoài Thương (Đà Nẵng) may mắn không phải xin sữa trên các nhóm cộng đồng khi Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng đã thành lập ngân hàng sữa mẹ (NHSM).

Chị kể: “Tôi sinh con lúc bé chỉ được 6,5 tháng. Vừa lọt lòng mẹ, cháu không khóc và được các cô điều dưỡng bế đi ngay. Tôi lúc đó không được nhìn thấy con, không được nghe tiếng con khóc, chỉ loáng thoáng nghe cân nặng của cháu vỏn vẹn 800 gram.

Tôi bị sốc khi chứng kiến cảnh xung quanh con mình chỉ toàn là máy móc, ống thở, ống truyền dịch... nên tôi không có đủ sữa cho con. Nhưng rồi sau đó, con tôi may mắn qua được những ngày đầu thử thách nhờ được bú sữa từ NHSM”.

Sau đó, nhờ các y bác sĩ hướng dẫn, chị Thương đã kích sữa thành công. Về sau sữa về nhiều, con bú không hết, có ngày chị hiến hơn 2l sữa cho NHSM.

Chị kể mỗi lần qua NHSM, chị được biết chút ít về quy trình vắt sữa, nhận sữa và thanh trùng sữa, được các cô hướng dẫn cách vệ sinh tay, dụng cụ và vú đúng cách... “Sau khi con tôi xuất viện, tôi vẫn tiếp tục hiến tặng sữa tại nhà, có các cô nhân viên NHSM đến tận nhà lấy sữa. Tôi đã hiến hơn 50l sữa cho NHSM”.

Chỉ sau hơn 9 tháng hoạt động, đã có hơn 2.300 bé sơ sinh không may không có sữa mẹ ruột đã được dùng sữa của NHSM tại bệnh viện, trong đó gần 900 em là sơ sinh nhẹ cân, non tháng và bệnh lý. Đó là nguồn sữa từ 147 bà mẹ đã tham gia hiến sữa với tổng số sữa hiến tặng hơn 1.350l.

TS.BS Trần Thị Hoàng - phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng, trưởng NHSM - cho biết đây là NHSM tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại VN do Quỹ Margaret A. Cargill và Bill & Melinda Gates tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức phi chính phủ PATH và Dự án Alive & Thrive (A&T), khai trương vào tháng 2-2017.

Để đảm bảo tính an toàn và chất lượng của sữa mẹ hiến tặng, người cho sữa cần được xét nghiệm máu để loại trừ mắc một số bệnh truyền nhiễm và được phỏng vấn sàng lọc các yếu tố nguy cơ. Sữa sau khi nhận từ bà mẹ cần được thanh trùng, xét nghiệm trước và sau thanh trùng...

Toàn bộ dụng cụ liên quan cần được tiệt trùng bằng các phương pháp khác nhau tùy loại dụng cụ. “Tất cả các công đoạn này xảy ra tại NHSM.

Vì vậy, nếu không được bảo hiểm chi trả (như một số nước đang áp dụng) thì để các em bé sơ sinh non tháng hoặc bệnh lý không may mắn có sữa mẹ ruột được hưởng những giọt vàng này, gia đình phải trả một khoản tối thiểu đủ để trang trải cho các loại chi phí được kể trên.

Đây cũng là trăn trở của chúng tôi” - bác sĩ Hoàng nói. Theo thông tin từ A&T, mục tiêu của ngân hàng là hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 - 4.000 trẻ nhỏ mỗi năm tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng. Hiện A&T đang cùng các đối tác xây dựng kế hoạch nhân rộng ở nhiều tỉnh thành và Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM sẽ là nơi kế tiếp.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Từ Anh - trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ - cho biết Bệnh viện Từ Dũ đã có ý định thành lập NHSM từ mấy năm nay nhưng chưa có quy định về việc thu nhận và phân phối sữa mẹ hiến tặng nên chưa thực hiện được.

Hằng năm, có trên 65.000 em bé sinh tại bệnh viện, trong số đó trên 15% là các trẻ sơ sinh bệnh lý như non tháng, dị tật bẩm sinh, suy hô hấp...

Đặc biệt, các trẻ non tháng rất nhiều, khoảng 7.000 trẻ mỗi năm. Những trẻ sơ sinh non tháng và bệnh lý rất cần sữa mẹ vì có khả năng phòng ngừa được bệnh lý viêm ruột hoại tử và hấp thu tốt nhất. Tuy nhiên, hơn 50% trẻ sinh non không có sữa mẹ khi điều trị tại khoa sơ sinh.

NHSM sẽ giúp bệnh viện tăng tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và đáp ứng nguyện vọng được chia sẻ sữa mẹ của các bà mẹ thiện nguyện trong cộng đồng, đảm bảo nghĩa cử này được thực hiện với điều kiện an toàn nhất và đến đúng đối tượng có nhu cầu.■

Chuyên gia hướng dẫn quy trình vắt sữa tại ngân hàng sữa mẹ (Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng). Ảnh: N.H.
Chuyên gia hướng dẫn quy trình vắt sữa tại ngân hàng sữa mẹ (Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng). Ảnh: N.H.

Sữa lưu trữ không đúng cách dễ gây bệnh cho trẻ

Thế giới hiện có hơn 500 ngân hàng sữa mẹ đang hoạt động. Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh cho biết sữa mẹ là dịch tiết của cơ thể và tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh nên việc hiến tặng và nhận sữa mẹ phải theo những quy trình nghiêm ngặt như hiến máu và nhận máu. Các bệnh lý có nguy cơ lây qua sữa mẹ như lây nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, vi khuẩn Ecoli, S.aureus, ký sinh trùng, nấm...

Bên cạnh đó, nếu người vắt sữa không vệ sinh tay và đầu vú đúng cách thì có thể làm cho sữa bị nhiễm khuẩn. Trẻ bú sữa bị nhiễm khuẩn dễ bị tiêu chảy, ói mửa, nặng hơn có thể bị viêm ruột, nhiễm khuẩn huyết.

Trẻ bú sữa mẹ vắt ra cũng có nguy cơ nhiễm bệnh đường tiêu hóa nếu vệ sinh dụng cụ vắt sữa, bình sữa, núm vú không đúng cách.

Ngoài ra, khi trẻ bú sữa mẹ vắt ra bình thì không được thừa hưởng những lợi ích về phát triển các giác quan, tăng chỉ số thông minh như khi bú mẹ trực tiếp.

Sữa mẹ trữ đông bị giảm chất béo, giảm vitamin C, hoạt tính các kháng thể và các tế bào miễn dịch giảm và không có men tiêu hóa chất béo nên khó tiêu hóa hơn sữa mẹ bú trực tiếp.

Nếu sữa mẹ cho, tặng không được lưu trữ đúng cách, không được xử lý thanh trùng thì sẽ tạo môi trường dinh dưỡng giúp vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho trẻ.Ngọc Loan ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận