Săn rắn trong rừng cấm

MAI VINH - TRÙNG PHƯỚC 31/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT - Khi màn đêm buông xuống, dọc theo hai bên bờ sông, bờ suối bên trong Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), nhiều tay săn rắn bắt đầu hành nghề.

Nhóm đi săn lội suối suốt đêm tìm rắn và nhiều loại thú rừng khác. -Ảnh: M.VINH
Nhóm đi săn lội suối suốt đêm tìm rắn và nhiều loại thú rừng khác. -Ảnh: M.VINH

 

Bằng tay và những dụng cụ thô sơ, họ bắt rắn lưng lửng bao tải rồi rời rừng về nhà khi đã gần sáng. Chuyến đi của những tay săn rắn im ắng như thanh âm của rừng già. Thi thoảng là tiếng quẫy mạnh của một con rắn khi biết số phận đã dừng lại.

Tay không bắt rắn

Chúng tôi có mặt ở những bản làng của người Châu Mạ, S’Tiêng trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên. Qua giới thiệu của một người bạn Châu Mạ, chúng tôi nhập vào đoàn săn rắn.

K’Hoàng bảo: “Người dân sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên như chúng tôi dựa hẳn vào lộc rừng mỗi khi nông nhàn”.

Ban ngày người dân lên rừng tìm rau bép, đọt mây, đêm về lang thang khắp rừng già săn rắn. Để tới được vùng nhiều rắn, nhóm đi săn đến khu rừng cách làng đang sống khoảng chục cây số.

Rắn nước, rắn ráo, hổ mang chúa, hổ hành, hổ đất, hổ ngựa, rắn lục, trăn... là những loài mà nhóm đi săn cố công tìm kiếm.

Để chuyến đi săn đêm được thuận lợi, anh K’Hoàng gọi thêm 10 thanh niên đi cùng. Nhóm đi xe máy đến con suối dẫn lên thượng nguồn rồi giấu xe ở đó, trời vừa sập tối bắt đầu vào rừng.

Đồ nghề của toán săn rắn là cây kẹp tự chế để kẹp đầu rắn, bao tải, bao lưới, đèn pin và cây rựa. “Vũ khí” nguy hiểm của nhóm là khẩu súng tự chế dùng cồn để bắn đạn là những viên bi kim loại.

Đây là loại vũ khí tự chế đã bị cấm sử dụng nhưng như K’Hoàng nói: “Khi cần mình mua vài thứ ống nước linh tinh rồi chế ra, hết đêm đi săn mình lại tháo rời ra cất, ai biết được mà lo”.

Bóng tối bao trùm xung quanh, những chim, thú rừng hoạt động về đêm bắt đầu cất tiếng kêu. Chúng tôi dọc theo hai bờ của con suối, hướng lên đầu nguồn.

K’Niếp (khoảng 30 tuổi), tỏ ra có kinh nghiệm đi rừng săn rắn. Mặt trên của bàn tay K’Niếp chi chít những vết sẹo. Đó là hậu quả những cú chọt tay vào bụi chộp rắn.

Để đến được nơi rắn ẩn nấp, việc lội ngược những con suối sâu giữa rừng đêm trở thành thách thức lòng dũng cảm của những thợ săn.

“Đang lội, nghe tiếng động lạ ở đầu nguồn hay dòng nước bỗng dưng chảy mạnh hơn thì phải thoát ngay ra khỏi dòng suối. Nước lũ có thể về và cuốn phăng cả nhóm” - K’Niếp lưu ý với thái độ cảnh giác.

K’Hoàng dùng tay trần lôi một con rắn ra khỏi cây bên suối.-Ảnh: Trùng Phước
K’Hoàng dùng tay trần lôi một con rắn ra khỏi cây bên suối.-Ảnh: Trùng Phước

 

“Thời điểm này, những con rắn, trăn... thường đi kiếm ăn ở hai bên bờ suối. Chúng bò theo bụi rậm, cành cây, tìm bắt tất cả con mồi nằm trong tầm ngắm. Cứ soi đèn thật kỹ sẽ thấy thôi” - K’Niếp nói.

Đối với các thợ săn, chỉ cần soi đèn pin lướt qua là có thể phát hiện rắn, trăn. Đối với các con thú chim, gà rừng, cheo, kỳ đà, kỳ tôm... ánh đèn soi qua, mắt chúng sẽ phát sáng. Đối với loài rắn, trăn khi soi đèn vào chúng thì phần đuôi và thân sẽ ánh lên, lộ rõ nơi ẩn nấp.

Nhóm thợ chia thành hai nhóm, cầm súng cồn, đèn pin và dụng cụ bắt rắn. Tại chỗ cây cối sum sê, nhiều bụi rậm, K’Hoàng huýt sáo báo hiệu khi phát hiện một con trăn.

Mọi người tỏa ra xung quanh bao vây nơi con trăn nằm. K’Hoàng soi thẳng đèn pin vào một con trăn nặng khoảng 3kg. Con trăn nằm cuốn mình trên cành cây, cách mặt đất khoảng 3m.

Thấy con trăn ở một vị trí khá cao, không thể dùng tay bắt trực tiếp, K’Hoàng nhẹ nhàng dùng cây kẹp bắt rắn kẹp thẳng vào đầu con trăn.

Con trăn cố gắng vùng vẫy, thoát thân nhảy xuống suối. Biết trước loài trăn thường nhảy xuống suối hoặc trốn vào bụi rậm bên cạnh nếu bị “tấn công” nên K’Niếp đợi sẵn ở bờ suối, nhanh như chớp vồ lấy con trăn. Con trăn bị tóm gọn sau một hồi vùng vẫy kiệt sức.

“Đối với con trăn từ 10kg trở lên, thân hình khá dài, loài này có thể uốn mình cuốn chặt một người trưởng thành. Nếu không được cứu kịp thời thì chết hoặc bị thương cực nặng, đa số là gãy xương” - K’Hoàng nói.

Theo anh K’Diệu, vài tháng trước, anh cùng một nhóm người trong làng đi bắt rắn và phát hiện một con rắn hổ mang chúa.

Với kinh nghiệm trong nghề, anh thừa biết loài rắn này cực độc, đã có người bị cắn chết ngay trong rừng. Để bắt được loài này, không thể nào dùng tay không, phải dùng cây đè phần đầu, thân hoặc dùng cây kẹp bắt rắn kẹp đầu.

Khi một người trong nhóm kẹp được đầu con rắn, anh K’Diệu chộp đầu thì con rắn giật mạnh thoát khỏi kẹp và tấn công anh. Nhờ phản xạ nhanh, K’Diệu thoát được. Không dừng lại, con rắn này tiếp tục đuổi theo tấn công, khiến cả nhóm chạy tán loạn.

K’Hoàng kể lại một kinh nghiệm đi săn của nhóm: một thanh niên mới vào nghề đã gia nhập nhóm săn rắn của anh. Anh này chỉ mới đi săn được vài lần nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết các loài rắn vào ban đêm.

Khi phát hiện một con rắn nằm trên cành cây, anh tưởng là con rắn ráo (không có nọc độc) nên dùng tay không bắt. Chưa kịp chạm vào đuôi, con rắn trở mình cắn nhanh mạnh vào tay.

Nhìn vết rắn cắn, K’Hoàng hiểu ngay, vội vã dùng dây rừng cột chặn độc rồi cõng thanh niên này đi cấp cứu. Giữa rừng lạnh sau cơn mưa, nghe câu chuyện K’Hoàng và nhóm người săn rắn kể, chúng tôi thấy ớn lạnh.

“Kiếm sống qua ngày thôi, bắt được rắn càng độc thì giá càng cao nên cũng cố. Hái măng, hái rau là việc của phụ nữ với lại cũng không đủ đổi gạo nên cánh đàn ông không thích làm” - K’Niếp trần tình lý do chọn nghề thợ săn rắn độc nguy hiểm.

Rắn, trăn… thu được sau chuyến săn đêm.-Ảnh: Trùng Phước
Rắn, trăn… thu được sau chuyến săn đêm.-Ảnh: Trùng Phước

 


Tận diệt rắn quý

Hành trình săn rắn tiếp tục. Giữa đại ngàn, những chiếc đèn pin len lỏi soi khắp nơi. Dọc theo dòng sông được một đoạn khoảng chục mét, lần này anh K’Diệu ra dấu và soi đèn pin thẳng vào mắt một con rắn khác.

Xác định đây là rắn ráo nặng khoảng 2,5kg, một loài rắn không có độc. Anh nhanh như chớp dùng tay không tóm gọn.

Ngoài việc săn rắn, nhóm cũng tận dụng săn bắt các loài thú rừng khác nếu gặp. Một số thú rừng như cheo, kỳ tôm, gà rừng, chim...

“Rắn mình bắt được nó có nhiều loài, rắn nào có giá trị cao sẽ bán lại rồi chia nhau tiền, còn những con khác giá trị thấp nên chia nhau đem về chế biến.

Các con thú khác cũng vậy, thấy con nào là bắt con đấy” - K’Diệu nói. Trong chuyến đi săn lần này, nhiều loài rắn và trăn đã bị nhóm bắt gọn, trong đó có năm con rắn ráo gần 10kg và con trăn khoảng 2kg, ba con kỳ tôm...

K’Diệu bảo như thế này không có gì nhiều và thừa nhận đã chục năm đi săn nhiều loài rắn quý hiếm như hổ mang chúa, hổ đá, hổ đất, hổ hành, hổ ngựa, cạp nông, cạp nia, hổ mèo, hổ ngựa...

“Bây giờ đi kiếm được những loài này rất khó. Kiếm được bán cho quán nhậu được giá lắm, vài triệu đồng một con to đấy” - K’Diệu không giấu giếm.

Theo ghi nhận, giá các loài rắn độc như nêu trên có giá dao động từ 1-1,2 triệu đồng/kg, các loài khác như hổ đá, hổ ngựa khoảng 400.000-450.000 đồng/kg...

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, không chỉ ở Cát Tiên, các huyện lân cận vườn quốc gia như Đạ Tẻh, Đạ Huoai, nhiều người dân vẫn lén vào rừng săn thú.

K’Diệu (31 tuổi) có anh trai và bố làm nghề đi săn từ khi họ mới 20 tuổi. Anh kể: “Sống giữa rừng nhiều thứ khó khăn lắm. Không có đất canh tác, không có nghề gì nên phải đi săn”.

Một cán bộ phụ trách bảo tồn tại Vườn quốc gia Cát Tiên đau xót: “Rắn, thú rừng bị săn bắt ngày đêm ngoài lý do kiểm lâm lơi lỏng, lực lượng mỏng thì còn do mâu thuẫn trong quản lý rừng cấm. Như Vườn quốc gia Cát Tiên, ngay trong vùng lõi có cả nghìn hộ dân sinh sống lâu đời.

Muốn di dời nhưng thiếu kinh phí tái định cư nên đành để họ sống. Rừng cấm mà dân sống ngay giữa rừng thì khó kiểm soát lắm. Họ sống dựa vào rừng nên ngoài cây trái thì động vật rừng cũng thành thức ăn hoặc sản vật để mang đi bán”.

Ông Nguyễn Khang Thiên cho biết hằng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất các quán ăn trên địa bàn tỉnh.

Hình thức kiểm tra chéo, hạt kiểm lâm huyện này sẽ đến thanh tra ở hạt kiểm lâm huyện khác, và lần nào đoàn cũng thu về hàng trăm con rắn, heo, nhím và nhiều loại động vật quý. Phần nhiều thú rừng thu được đã bị chết nên buộc phải tiêu hủy.

Nhiều lần đoàn kiểm tra có tình nguyện viên quốc tế đi cùng, họ thấy cảnh rắn chết nằm la liệt trên sàn mà xót xa và tức giận.

Theo ông Thiên, khi lực lượng chức năng thu được rắn thì thường đã bị làm chết, sơ chế. Hiếm hoi lắm mới thu được thú rừng còn sống, là những loại thú lớn như voọc, gà lôi… “Xử đúng quy định nhưng vì lợi nhuận cao nên các quán ăn vẫn móc nối với người đi săn rắn, thú rừng để thu mua bán lại cho thực khách” - ông Thiên nói. ■

Phạt từ 500.000 - 400 triệu đồng

Ông Nguyễn Khang Thiên, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết sáu tháng đầu năm 2017, lực lượng kiểm lâm bắt quả tang và xử lý tám vụ bắt, vận chuyển động vật quý hiếm gồm nhiều chủng loại như khỉ, các loại gà rừng, rắn, trăn...

Trong các vụ bắt quả tang, lực lượng chức năng thu giữ 32 con rắn, trăn các loại. Theo ông Thiên, đối với hoạt động săn bắt rắn như đã nêu trong bài, khi bị bắt quả tang có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 400 triệu đồng tùy số lượng, và chủng loại rắn.

Ông Thiên cho biết thêm các cánh rừng vùng phía nam Lâm Đồng, nhất là khu vực rừng Cát Tiên có nhiều loại rắn được xếp vào nhóm IIB (động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) như trăn đất, trăn gấm, rắn sọc dưa, rắn ráo trâu, rắn cạp nia nam, rắn hổ mang, rắn cạp nong...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận