Salman Rushdie: Câu hỏi muôn thuở

SÁNG ÁNH 19/08/2022 06:42 GMT+7

TTCT - Bao giờ chính trị mới hết sợ nhà văn, qua trường hợp Salman Rushdie lại vừa bị đâm ngay trên đất Mỹ?

Salman Rushdie: Câu hỏi muôn thuở - Ảnh 1.

Salman Rushdie đã trở thành khuôn mặt đại diện cho tự do sáng tác trong một cuộc xung đột chồng chéo và phức tạp. Ảnh: PEN Canada

Cô ngồi một mình, áo hở rốn, coi dáng rất cô đơn tại quầy rượu mênh mông của khách sạn Atrium ở Praha. Lúc đó đã gần 2 giờ sáng, và hở rốn là vì cô mặc quốc phục sari của Bangladesh. Cô nhìn tôi và tôi đã định lại gần kéo ghế bên cạnh. "Khuya rồi, yên ắng nhỉ, bạn có thấy không, mọi thứ như là chùng hẳn xuống và 2 người mình vàng vọt như trong một bức tranh của Edward Hopper…", tôi định nói.

Nhưng nào chỉ có 2 người mà là 3, và người thứ 3 cũng ngồi nhìn tôi là anh công an bảo vệ Taslima Nasreen làm tôi mất cả hứng. Năm đó, tại Hội nghị quốc tế Văn bút, nữ nhà văn này vì từ đạo Hồi và viết lách sao đó chống đối nên tính mạng bị đe dọa, và cũng như Salman Rushdie, bị một giáo sĩ treo án tử hình. Nhờ vậy nên mấy ngày trước tôi thấy cô đi xe BMW chống đạn đến đại hội, lúc nào cũng có một anh mặc đồ vest đi theo sau dáo dác. Tình hình rất là chán, tôi quyết định chỉ ủng hộ quyền tự do phát biểu và sáng tác của cô từ xa. Tôi gật đầu chào cô rồi đi ra khỏi khách sạn.

Những đụng độ văn chương, tôn giáo, tự do ngôn luận (và tự do sau ngôn luận) không bắt đầu hay kết thúc ở Salman Rushdie, nhưng với thế giới, nhất là phương Tây, thì văn sĩ 75 tuổi này lại trở thành bộ mặt cho cuộc tranh luận đó.

Va đập văn hóa

Trước cuộc gặp gỡ đó mấy chục năm, năm 1966 báo chí miền Nam có thuật lại một sự cố tại Thái Lan. Đó là vụ con gái danh ca Mỹ Frank Sinatra, nữ ca sĩ Nancy Sinatra, sang thăm nước này và chụp ảnh quảng cáo cho đĩa hát mới ra lò của cô, These boots are made for walking (Đôi giày cổ cao này được dùng để đi bộ).

Sự cố là tại cố đô Ayutthaya, trước những pho tượng Phật, cô Nancy mặc đồ hở hang, hoặc váy ngắn mini rất thịnh hành dạo đó, hay đồ tắm 2 mảnh gì đó, nhưng có sao đi nữa thì chẳng mấy chốc cũng bị đồn đãi là chụp ảnh khỏa thân nơi tôn nghiêm. 

Chuyện "khỏa thân" này khiến tôi và hẳn là nhiều độc giả khác hiếu kỳ khác thấy hấp dẫn, nhưng riêng tại Thái thì gây ra làn sóng căm phẫn trong dư luận địa phương và phần nào trong cả dư luận Việt. Hành động này bị coi là chà đạp tín ngưỡng và tôn giáo địa phương. Nó lại nằm trong bối cảnh một khu vực đang bị chà đạp không phải bởi phụ nữ váy ngắn đi giày cổ cao mà bằng bom đạn.

Sau này, thỉnh thoảng lại có chuyện như một nhà văn Úc bị tuyên án 3 năm tù ở Thái vì tiểu thuyết có ý nói gần xa về thái tử Thái Lan, hay du khách Trung Quốc bị bắt giữ vì thu hình TikTok trước đền đài nào đó. Thật ra, điều khiến quần chúng Thái cảm thấy bị xúc phạm không phải là tôn giáo, ở đây là Phật giáo, hay chế độ chính trị của nước họ, ở đây là nền quân chủ. Họ cảm thấy chính bản thân mình bị xúc phạm - tức bản dạng và cốt lõi chất Thái của họ bị Tây phương giàu mạnh hay gần đây là du khách Trung Quốc giàu xổi coi thường.

Dông dài như vậy để nói tới chuyện Salman Rushdie, người vừa bước qua tuổi 75 và bị đâm suýt chết trong khi đang diễn thuyết ngay ở New York (Mỹ), nơi ông chạy nạn.

Rushdie tuy là người gốc Ấn và Hồi giáo nhưng là nhà văn Tây phương, viết chủ yếu bằng tiếng Anh và xuất bản tại Tây phương, nơi ông sinh sống từ năm 14 tuổi. Tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan năm 1988 bị coi là xúc phạm thiên sứ đạo Hồi. Ông bị quần chúng Hồi giáo nhiều nơi phản đối, đốt sách, biểu tình, khiến an ninh Pakistan bắn chết 5 người chống đối tại Islamabad, an ninh Ấn Độ bắn chết 5 người tại Mumbai, nhiều người khác chết tại Ai Cập. Giáo chủ Iran Khomeini ra án tử hình với nhà văn.

Salman Rushdie: Câu hỏi muôn thuở - Ảnh 2.

Nhà văn Salman Rushdie. Ảnh: Reuters

Như đã thấy, nếu bóng gió về thái tử Thái Lan thì chỉ tuyên án 3 năm tù thôi. Còn Rushdie phải đi trốn, và trong những năm sau đó, dịch giả của ông tại Ý và tại Nhật bị sát hại, dịch giả tại Thổ Nhĩ Kỳ (chính là nhà văn rất nổi tiếng ở Việt Nam Aziz Nesin) bị mưu sát không thành nhưng vụ hỏa hoạn định giết ông làm chết 33 người trong một khách sạn. Tuy bị thần quyền Iran tuyên án và một số quần chúng Hồi giáo khắp thế giới chống đối, nhưng Rushdie được các chính quyền và dư luận Tây phương bảo vệ và bênh vực. Ông được nữ hoàng Anh phong hầu (sir) và trở thành biểu tượng của tự do ngôn luận.

Ngày 11-7 vừa rồi, đạo diễn Iran Jafar Panahi đến Bộ Tư pháp hỏi thăm về trường hợp 2 đạo diễn khác mới bị chính quyền bắt. Vậy là ông bị giữ lại luôn để thụ một án treo 10 năm tù. Trường hợp của Panahi có phức tạp hơn một chút. Năm 2001, ông đáp máy bay từ Hong Kong sang Buenos Aires, khi quá cảnh ở New York thì bị cảnh sát Mỹ bắt giữ và trục xuất về Hong Kong trở lại với tội danh gì không biết. 

Nói để hiểu thần quyền Iran không chỉ lên án Rushdie và đòi cấm đoán tự do sáng tác của nhà văn này. Từ ngày lên nắm quyền (1979), thần quyền Iran đã bắt giữ, cấm đoán và sát hại cả chục ngàn người bao gồm những người cánh tả cũ, đảng viên Cộng sản Tudeh Iran, người đồng tính, người thích nghe nhạc, uống rượu, hay thậm chí là người "chiều nao xõa tóc ngồi bên thềm". Tại Iran, phụ nữ xõa tóc trong phòng thì được, nhưng bên thềm thì không được. Nói để biết thêm rằng sự bênh vực của Tây phương có những giới hạn và lựa chọn của nó, có người quên và có kẻ nhớ.

Cũng cần nhắc lại, dưới thời quân chủ thân Anh - Mỹ tại Iran, tự do sáng tác và ngôn luận cũng giới hạn thôi, số nhà văn (Jalal al Ahmad) và nhà thơ (Khosro Golesorkhi) bị chính quyền quân chủ sát hại lên đến vài tá, ngoài việc giam giữ chính thức còn lén lút đánh bom tư gia (Mehdi Bazargan), chặn xe nơi vắng toan hãm hiếp (nữ giáo sư Homa Nategh) hoặc đè ra đòi chặt tay (Reza Baraheni). Các bạn này tuyệt đối không ai được nữ hoàng Anh phong tước. Nhưng tất nhiên, không phải vì cảnh sát quân chủ từng chặt tay Baraheni mà ta chấp nhận Rushdie bị đâm dao.

Cả thế kỷ qua tại Trung Đông nói rộng, việc can thiệp, xâm lăng, lật đổ đây kia tùy hứng của Tây phương đã giúp gì cho tự do sáng tác và ngôn luận? Iraq, Syria, Lybia, Afghanistan… hàng triệu người chết thì bao nhiêu nhà văn không được lên tiếng, cả nửa nước bỏ nhà bỏ cửa, như Syria, thì mất bao nhiêu sách và bao nhiêu người đọc? Nhưng tất nhiên, xin nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, quyền muốn viết gì của Rushdie vẫn phải được tôn trọng.

Salman Rushdie: Câu hỏi muôn thuở - Ảnh 3.

Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Salman Rushdie. Ảnh: magicpin.in

Tại sao Rushdie?

Như các vụ việc ở Thái Lan hay Việt Nam đã đề cập ở trên, sự bất mãn của người Hồi, giáo sĩ hay là con chiên, với Rushdie không phải là trên bình diện văn chương. Ngay cả bình diện tôn giáo, tôi nghĩ cũng chỉ là bình phong hay là cái cớ. Nó nằm trong một bối cảnh lớn hơn. 

Nói riêng Iran là từ 43 năm qua bị Tây phương xiết của cải, phong tỏa cấm vận và khó dễ đủ điều chỉ vì không để tài nguyên quốc gia cho Tây phương quyết định và quản lý. Nói chung cho cả khu vực là cái nhục bị Tây phương chia cắt theo Hiệp ước Sykes-Picot 1916. Nó là cái nhục từ hơn trăm năm trước, khi một sĩ quan tình báo Anh quốc cắn bút chì màu chia bán đảo cho mấy người con của nhà Hashem. Nó là cái nhục thời quốc gia chủ nghĩa của thập niên 1960, lật tướng này, đưa đại tá kia lên, đuổi vua này, bảo kê vua nọ. Sau khi Liên Xô tan rã, Tây phương phải có địch thủ mới để mà đỡ chán cuộc đời. Đó là Hồi giáo.

Cần nhắc lại là thời Liên Xô, tại Malaysia, Indonesia, Pakistan, Afghanistan, Saudi, hay vùng Vịnh, Hồi giáo là lực lượng tin cậy nhất của Tây phương. "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vứt bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết" âu cũng là lẽ thường: Hồi giáo trở thành kẻ thù mới. Họ hãnh diện nhận lấy vai trò này sau những thất bại trước Tây phương của các chế độ quân chủ cổ truyền, của phong trào quốc gia, của phong trào phi liên kết…

Giờ ở khu vực chỉ còn Tây phương và Hồi giáo 4 mắt nhìn nhau trong một giai đoạn tạm bợ và hỗn độn. Sau những nỗi nhục chồng chất của cả thế kỷ vừa qua, biết làm gì đây?

Ta bèn cầm dao đâm một tay văn sĩ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận