Sài Gòn - Đáng nói nhất vẫn là con người

PHẠM VŨ 09/07/2016 19:07 GMT+7

TTCT - Trong ngôi biệt thự yên tĩnh giữa quận Phú Nhuận (TP.HCM), mỗi ngày ông Dương Quang Thiện vẫn miệt mài với công trình ERP (phần mềm quản trị hệ thống) của ông, thỉnh thoảng lại viết lên trang Facebook của mình vài bài nhận định tình hình chính trị, xã hội, không ngại tranh luận với những “bạn Facebook” trẻ hơn ông rất nhiều về tuổi đời, trải nghiệm sống.

Thuận Thắng
Thuận Thắng

Đọc những gì ông viết, xem những gì ông làm, không ai nghĩ ông đã 84 tuổi. Hôm nay, giữa ngôi biệt thự 40 năm của mình, ông cười sảng khoái nói chuyện về Sài Gòn - TP.HCM.

“Tôi và “bà đầm” (từ ông thường dùng để gọi người vợ người Thụy Sĩ của mình - PV) mua đất, xây lên ngôi nhà này năm 1975, giữa lúc Sài Gòn xao xác chuyện đổi chủ, thay tên, đi - ở. Tôi không đành bỏ quê hương, “bà đầm” quyết: ở lại, mình làm công nghệ thông tin, chế độ nào cũng cần sử dụng. Nhờ vậy mà tôi được thấy Sài Gòn thay đổi biết bao nhiêu 40 năm qua.

Đầu tiên là đổi chế độ, rồi đổi tên, rồi bao nhiêu thay đổi khác nữa. Khu Phú Nhuận nhà tôi khi xưa là nơi cư ngụ của dân nghèo miền Trung. Nhà ván, nhà tôn lụp xụp, bụi tre, bụi chuối khắp nơi. Nay thì nhà lầu san sát.

Tất nhiên đó chỉ là một tí xíu trong sự thay đổi, phát triển của thành phố, chỉ cần nhìn hình ảnh là đã rõ. Chúng tôi đã đi qua thời bao cấp khó khăn và hiểu thật ra thành phố này mới bắt đầu bước vào xa lộ của phát triển từ năm 1995, khi lệnh cấm vận được tháo bỏ. Tiềm năng phát triển của thành phố này rất lớn và nó nằm trong mỗi con người, như câu chuyện tôi làm bút bi...”.

Ông Dương Quang Thiện-Quang Định
Ông Dương Quang Thiện-Quang Định

 Những năm bao cấp, sản xuất đình đốn, buôn bán ẩn chui, lén lút, ông Dương Quang Thiện vẫn tìm được cách để làm giàu và giúp những người khác kiếm sống một cách lương thiện, đàng hoàng.

Nắm được tình hình khan hiếm bút viết do trong nước không sản xuất được đầu bi, ông đã lập ra một tổ hợp sản xuất bút bi cùng với đường dây kiều hối: dùng tiền ngoại tệ của Việt kiều muốn gửi về cho thân nhân trong nước để mua đầu bi ở nước ngoài - chuyển về VN và đưa vào tổ hợp sản xuất bút bi - bán bút bi lấy tiền trả cho các gia đình của người gửi.

Vòng tròn chuyển tiền - sản xuất vượt rào ấy của ông đã giúp bao nhiêu người vượt qua thời bao cấp khó khăn, trong ấy có cả những sinh viên trong chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ.

“Tôi nhờ đó mà có vốn để đóng góp học bổng, xây trường, làm những việc mà chúng tôi cho là có ý nghĩa” - ông Thiện cười thoải mái với nụ cười của người Sài Gòn. Bao nhiêu câu chuyện “vượt rào” như vậy đã diễn ra trong từng căn nhà, ngõ xóm cho tới tận Thành ủy TP.HCM để nuôi dưỡng những nhân lực, nguồn lực, hi vọng của thành phố.

Kể mãi cũng không hết được. Đổi mới và con đường phát triển đều đã đi ra từ đó. Vốn trải nghiệm sâu dày qua nhiều thời kỳ, nhiều môi trường sống đã cho ông Thiện một thái độ sống bình tĩnh, an nhiên.

"Nhiều người không hài lòng với tốc độ phát triển, sốt ruột với những vấn nạn mà lớn tiếng, mà bất mãn. Riêng tôi thì lại không thấy gì đáng phê phán nặng lời. 40 năm hòa bình nhưng chúng ta mới có 20 năm để phát triển.

So với Sài Gòn năm 1975, dân số TP.HCM nay tăng gấp 4 lần. 400%. Với số dân như vậy và tốc độ tăng cơ học như vậy, làm sao tránh khỏi những vấn đề như kẹt xe, ngập nước, trường học, bệnh viện quá tải, làm sao tránh khỏi vấn nạn, tệ nạn, tội phạm.

Tôi cho đó là những việc sẽ đến tự nhiên, không nên vin vào đó để phủ nhận những nỗ lực, những thành quả. Từ Sài Gòn hôm qua đến TP.HCM hôm nay là cả một bước dài. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều phải cố gắng rất nhiều để xây dựng, để khắc phục, cho một thành phố văn minh, hiện đại, yên bình, đáng sống" - ông nói.

Ông Dương Quang Thiện không nói suông việc nỗ lực, cố gắng trên mạng hay trong căn biệt thự. Ông nói bằng công việc của chính mình. Bao nhiêu năm, những cuốn sách giảng dạy, hướng dẫn tin học của ông là sách gối đầu giường cho các thế hệ sinh viên công nghệ thông tin.

Hôm nay, ông lại đang tiếp tục miệt mài với bộ sách hướng dẫn viết phần mềm quản trị hệ thống, hi vọng sẽ có một xã hội vận hành và kết nối một cách thông minh, thông suốt, minh bạch.

“Tôi cho rằng tố chất người Việt Nam giỏi, thông minh, dễ thích nghi, dễ thành công nhưng lại thiếu cách phối hợp, tổ chức để công việc hiệu quả. Vì vậy mà ngành công nghệ thông tin của Việt Nam mới chỉ tập trung vào gia công phần mềm, và cũng vì vậy mà tôi tập trung vào nghiên cứu về quản trị hệ thống.

Tôi mong mỏi quan điểm về dạy và học sẽ thay đổi, trong công nghệ thông tin và trong các lĩnh vực khác, và từ đó sẽ kéo theo rất nhiều thay đổi khác trong xã hội”.

Lưu Ngọc

 Ông Thiện đau đáu nói với tất cả những người muốn lắng nghe ông. Nói về đứa con tinh thần của mình, mắt ông lấp lánh, nụ cười bừng nở, tay quơ lên đầy hào khí. Chính thức sống ở Sài Gòn hơn 50 năm, ông khẳng định mình là người Sài Gòn dù vẫn thích nhất những món mắm, cá xứ Quảng. Hỏi ông thấy điều gì đáng nói nhất, đáng phải thay đổi nhất sau những dâu bể ở thành phố này, ông nói: “Lại cũng là con người”.

“Mấy mươi năm trước người Mỹ ở đây, chi phối từ quân sự, kinh tế đến sinh hoạt, văn hóa, giáo dục. Nhưng trong mỗi người, mỗi gia đình lại có một hàng rào bảo vệ khá cao về văn hóa, lối sống. Người ta không thích những người Việt nói tiếng Anh, người ta khinh ghét những người làm sở Mỹ. 

Bây giờ thì khác rồi, ai nói được tiếng Anh là đã ở một đẳng cấp khác, bao nhiêu cơ hội ở trong tầm tay. Thế giới mở rộng ra thì văn hóa càng phải được chú ý để bồi đắp, gìn giữ. Khi xưa, kinh tế miền Nam có khoản viện trợ lớn, lương công chức rủng rỉnh, các gia đình không bị áp lực phải lao vào cuộc mưu sinh, cha mẹ có thời gian gần gũi, giáo dục con cái nhiều hơn.

Bây giờ, cuộc mưu sinh, làm giàu có nguy cơ phá vỡ nền tảng gia đình, xô đẩy con người đến những bờ vực. Điều gì sẽ giúp họ? Vẫn là cái nền văn hóa trong mỗi người, phải được chuẩn bị từ tuổi ấu thơ” - ông đúc kết.

Ông lại kể một câu chuyện về “bà đầm”: khi tài trợ mấy mươi chiếc máy vi tính cho một trường đại học, ông bà được các giảng viên mời đi dự tiệc cảm ơn.

“Bà đầm” về và tỏ ra khó chịu: “Sao họ không có tiền sắm máy cho sinh viên mà lại để tiền chiêu đãi khách?”. Rồi ông cười: “Bây giờ thì tiệc tùng, nhậu nhẹt đã thành cái lệ rồi. Nhà hàng, quán ăn tràn thành phố, làm gì cũng phải đi nhậu mới xong. Tôi mong những việc ấy được hạn chế bớt, chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm. Tiền, sức khỏe, thời gian đều cần phải được tiết kiệm. Hãy dành tâm lực cho việc xây dựng thành phố”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận