Sách sau song sắt

HOA KIM 24/02/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Sách là phiến đá lót trên con đường hoàn lương của phạm nhân, nhưng đưa sách vào nhà tù là cuộc đấu tranh dai dẳng với bộ máy quan liêu, với sự kỳ thị của xã hội, và cả với dịch bệnh.

 
 Minh họa: Elizabeth Brockway/The Daily Beast

Đọc sách là một trong những biện pháp giáo dục phạm nhân đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả rất lớn. Một nghiên cứu năm 2018 của tập đoàn tư vấn chính sách RAND (Mỹ) sử dụng dữ liệu thu thập trong 30 năm cho thấy việc tiếp cận giáo dục có thể giúp kéo giảm tỉ lệ tái phạm của tù nhân đến 43% và tiết kiệm hàng trăm triệu USD ngân sách. “Nhưng mọi nỗ lực giáo dục sẽ là bất khả thi nếu tù nhân không được tiếp cận sách” - Nila Bala, đồng sự tại Viện nghiên cứu chính sách R Street, viết cho báo Washington Post.

Cấm từ sách vật lý đến truyện tranh

Cách đây 4 năm, nhiều bang ở Mỹ có các quyết định gây khó khăn hơn cho những cư dân sống đằng sau song sắt các nhà tù quốc gia trong việc tiếp cận sách, trong khi đó là những người có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sách.

Tháng 1-2018, bang New Jersey ra lệnh cấm cuốn sách bán chạy The New Jim Crow: Mass Incarceration in the Age of Colorblindness (Luật Jim Crow kiểu mới: Bỏ tù hàng loạt trong thời đại không phân biệt màu da) của tác giả Michelle Alexander tại hai nhà tù cấp tiểu bang. Mỉa mai thay, Alexander là cây bút được biết đến với những tác phẩm viết riêng cho người “bị bỏ tù và gạt ra bên lề xã hội”. Sau đó phải nhờ tác động từ Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) mà lệnh cấm này mới bị thu hồi.

Cùng tháng đó, bang New York ra chỉ thị buộc tù nhân tại 3 nhà tù chỉ được quyền tiếp cận các đầu sách do 6 nhà cung cấp được chỉ định phân phối. Quy định này khiến các tựa sách phân phối bởi những tổ chức độc lập không thể tới tay phạm nhân. Sở cải huấn và giám sát cộng đồng New York giải thích động thái này là để “tăng cường an toàn và an ninh của các cơ sở cải huấn thông qua một gói chương trình dành cho tù nhân được kiểm soát chặt chẽ hơn”. Sau khi hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ người dân, thống đốc New York khi đó là ông Andrew Cuomo đã can thiệp để hủy bỏ chỉ thị vô lý.

Nhưng tù nhân ở nhiều bang khác thì không may mắn như vậy. Như bang Texas có đến 11.000 tựa sách nằm trong danh sách cấm đối với phạm nhân, bao gồm các tác phẩm của đại văn hào Anh William Shakespeare, nhà văn chuyên viết về chủ nghĩa bãi nô Mỹ Harriet Beecher Stowe, và nhà hoạt động da màu nổi tiếng người Mỹ Sojourner Truth. Bang Arizona thì có quy định quái gở hơn khi cấm tiệt không cho các tù nhân đọc Batman: Eye of the Beholder - một tựa truyện tranh về siêu anh hùng người dơi, và E=MC2: Simple Physics - quyển sách giải thích các hiện tượng vật lý một cách dễ hiểu dành cho người đọc bình dân.

Theo Washington Post, các tiểu bang có quyền cấm sách trong nhà tù là nhờ vin vào quy định liên bang cho phép các quan chức kiểm duyệt tài liệu “gây phương hại đến an ninh, trật tự hoặc kỷ luật” hoặc “có thể tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm” tại cơ sở mà họ chịu trách nhiệm. Quy định như thế sẽ là hợp lý nếu những sách nằm trong danh mục bị cấm là tài liệu hướng dẫn người đọc cách chế tạo vũ khí, kích động bạo loạn hoặc vượt ngục. Tuy nhiên, thực tế các nhà tù có toàn quyền xác định thế nào là nội dung gây phương hại, đồng nghĩa tùy thuộc vào tiểu bang mà số lượng đầu sách bị cấm có thể lên đến hàng nghìn cuốn.

 
 Phạm nhân chọn sách tại thư viện bên trong nhà tù quận Wood (Ohio, Mỹ). Ảnh: BG Independent News

Covid chắn đường sách đến trại giam

Trên khắp nước Mỹ, có khoảng 30 chương trình đang hoạt động với mục tiêu thiết lập các thư viện nhà tù và đưa sách đến tay những người bị giam giữ. Đó là nhiệm vụ không dễ dàng: hầu hết dựa vào các khoản đóng góp và tình nguyện viên để duy trì hoạt động trong khi các hệ thống nhà tù thường có các quy định khác nhau và thường xuyên thay đổi.

“Các thư viện trong nhà tù thường không có đầu sách phong phú và khả năng tiếp cận cũng hạn chế. Tôi từng chứng kiến lịch sinh hoạt phạm nhân dán tại một nhà tù mà theo đó mỗi người chỉ có nửa giờ một lần mỗi tháng (để vào thư viện)” - Washington Post dẫn lời Vicki White, chủ tịch CBWP, một tổ chức chuyên cung cấp sách cho phạm nhân nữ. Những người bị giam giữ thường không có dư dả tài chính để tự mua sách, vì vậy những thư viện và chương trình cung cấp sách miễn phí như thế này là cầu nối duy nhất giữa họ và giáo dục.

Tình trạng của các thư viện nhà tù vốn không mấy sáng sủa lại càng bi đát hơn khi dịch COVID-19 quét qua nước Mỹ. Tỉ lệ tù nhân nhiễm COVID-19 ở Mỹ cao gấp 5 lần trung bình quốc gia, trong khi tỉ lệ tử vong cũng cao hơn tỉ lệ chung của cả nước, theo một thống kê của Equal Justice Initiative. Đứng trước những con số đáng lo ngại này cùng với tình trạng quá tải và tình hình sức khỏe kém nói chung của điều kiện giam giữ, nhiều nhà tù đã thực hiện các biện pháp để hạn chế sự lây lan của COVID-19, trong đó có đóng cửa các thư viện phục vụ phạm nhân trên khắp đất nước.

“Vào đúng thời điểm mà sách quan trọng hơn bao giờ hết như trong giai đoạn đại dịch này, khi trốn thoát (khỏi thực tại) thông qua những trang sách là một nhu cầu có thật, thì tiếp cận sách lại bị hạn chế chưa từng có” - White chia sẻ với trang Book Riot. Lo ngại về việc virus corona có thể lây truyền trên các bề mặt như bìa sách cũng như khó khăn trong huy động tình nguyện viên khiến nhiều sáng kiến đem sách vào nhà tù phải tạm ngưng trong nhiều tháng. Những tổ chức tìm ra cách duy trì hoạt động thì chỉ còn được cáng đáng bởi một nhóm nhỏ các tình nguyện viên trung thành nhất còn bám trụ.

DC Books to Prisons (tạm dịch: Gửi sách vào tù) là một tổ chức phi lợi nhuận với trên 20 năm phục vụ cộng đồng bằng mô hình gửi sách cho phạm nhân ở 34 tiểu bang và thủ đô Washington DC nước Mỹ. Giống như nhiều tổ chức khác, DC Books to Prisons nhận thư từ các tù nhân kèm theo yêu cầu về những cuốn sách cụ thể mà họ muốn đọc và cố gắng hết sức để thực hiện ước nguyện đó. Năm 2020, tổ chức này buộc phải ngừng hoạt động trong nhiều tháng khi trụ sở chính bị đóng cửa vì dịch. “Chúng tôi đã bàn giao các quy trình gửi sách của mình cho một số ít tình nguyện viên dài hạn (để họ có thể) tự gửi sách từ nhà” - Jackie Snow, một tình nguyện viên, cho biết. Mặc dù DC Books to Prisons cho đến nay vẫn hồi đáp kịp thời những lá thư mà họ nhận được, Snow cho biết việc mỗi tình nguyện viên tự đóng gói và gửi sách từ tủ sách riêng cũng gây khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu đa dạng từ phạm nhân.

Tù nhân thích đọc gì?

Theo nhà sáng lập tổ chức Prison Books (Sách trong tù) Chris Satterwhite, những thể loại sách được phạm nhân yêu cầu nhiều nhất lần lượt là từ điển, khoa học viễn tưởng và tôn giáo. Lý giải về điều này, Satterwhite cho rằng thời gian đằng đẵng trong tù đã tạo cảm hứng cho nhiều người cầm bút lên sáng tác dù trước đó không có nền tảng văn học, và từ điển là trợ thủ đắc lực giúp họ hoàn thành tác phẩm đầu tay. Nhiều phạm nhân chọn từ điển song ngữ để tranh thủ trau dồi ngoại ngữ làm vốn liếng xin việc khi mãn hạn tù. Các tác phẩm viễn tưởng giúp họ thoát ra khỏi 4 bức tường chật hẹp thông qua trang sách, trong khi tôn giáo là chiếc neo tinh thần trong những ngày tháng khó khăn.

 

Quan liêu và thành kiến

Ngay cả trước dịch, đưa sách vào tù cũng chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng bởi đủ thứ quy trình xét duyệt nhiêu khê và thường không thể lường trước được, lại khác nhau giữa nhà tù này và nhà tù khác. Snow nhận thấy một thành kiến chủng tộc rõ ràng trong khâu xét duyệt khi các tiểu thuyết có yếu tố băng đảng hoặc tội phạm người da màu - dù là tác phẩm hư cấu - đều bị cấm tiệt trong tù, trong khi những tác phẩm cũng nói về đề tài tội phạm nhưng là người da trắng như tiểu thuyết Bố già thì lại dường như không ai để mắt đến.

Sách tập trung vào các chủ đề như nô lệ, sắc tộc, phân biệt chủng tộc và nạn bách hại người da màu có khả năng bị cấm trong tù cao hơn so với các tác phẩm khác. Một quy định khác thường bị lạm dụng là cấm các tác phẩm có chứa hình ảnh khỏa thân. Quy định này hợp lý nếu đó là tác phẩm khiêu dâm, nhưng lại khiến các sách ảnh nghệ thuật cũng bị vạ lây vì có chứa ảnh scan các kiệt tác hội họa như bức Sự ra đời của thần Vệ Nữ hay tranh hài nhi Giêsu không mặc quần áo.

Dù vậy, việc các nhà tù có một danh sách rõ ràng những tựa sách bị cấm chí ít cũng giúp công việc của các tổ chức tặng sách cho tù nhân phần nào dễ thở hơn nhờ sự minh bạch. Một số nhà tù không duy trì danh sách này mà cho phép cán bộ quản giáo tùy nghi xét duyệt từng cuốn sách được gửi vào, qua được cửa hay không đôi khi còn tùy thuộc vào tâm trạng của người gác cổng.

Điều này khiến nhiều lúc cả một thùng sách quyên góp bị từ chối chỉ vì một cuốn bị sót thẻ đánh dấu, có chữ viết của chữ sở hữu trước, hoặc thậm chí là vết ố do thấm nước mà họ sợ là… ký hiệu đặc biệt để trao đổi với người bên trong. Những ấn phẩm hoàn toàn vô hại như từ điển hoặc sách dạy ngôn ngữ ký hiệu đôi lúc cũng bị từ chối không rõ nguyên do, đến khi bị khiếu nại thì lại được cho qua.

Một thế hệ mafia có học thức

Khi nghĩ về mafia Ý, ta hình dung đến hình tượng thô lỗ và chẳng dính dáng gì đến sách vở, song có một thế hệ “xã hội đen” sau 1/4 thế kỷ nằm sau song sắt đã trở nên say đắm với những tác phẩm của Fyodor Dostoevsky, Lev Tolstoy, và cả Immanuel Kant. Tờ Domani (Ý) gọi đây là “thế hệ mafia có văn hóa nhất từng được sinh ra”. Với niềm hăng say tìm tòi kiến thức, họ ngấu nghiến mọi thứ trên giấy trắng mực đen, trở thành khách quen của các thư viện nhà tù, gây sức ép lên luật sư mỗi ngày để giúp thuyết phục các công tố viên và thẩm phán cho phép họ tích lũy tín chỉ và lấy chứng chỉ đại học thông qua thời gian học trong tù.

Năm 2008, trùm mafia Filippo Graviano lấy thành công tấm bằng kinh tế và một chứng chỉ tài chính khác sau thời gian thụ án tù vì đứng sau một loạt vụ đánh bom ở châu Âu đầu những năm 1990. Một câu chuyện truyền cảm hứng khác đến từ Giuseppe Grassonelli. Khi bị tống vào nhà tù trên đảo Pianosa vào tháng 11-1992, thành viên mafia này đã tìm thấy cuốn Chiến tranh và hòa bình bên dưới tấm đệm giường của buồng giam. Ông đã bật khóc tuyệt vọng vì không thể đọc nó.

Để giết thời gian nhàm chán trong tù, Grassonelli lao đầu vào học văn hóa và đã hái quả ngọt: đề tài luận văn về các cuộc nổi dậy cách mạng ở Naples năm 1799 đã giúp ông lấy tấm bằng cử nhân văn học. Hiện Grassonelli đang tiếp tục theo đuổi tấm bằng thứ hai, lần này là ngành triết học. “Luật pháp đã đóng chặt cánh cửa phòng giam mãi mãi nhưng lại mở ra cho họ cánh cửa giáo dục” - tờ Domani nhận xét.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận