Nơi học sinh lớp 6 có thể là nhà sử học

TTCT - Biên soạn sách giáo khoa (SGK) là công việc cần nhiều thời gian và trí tuệ bởi SGK là “giao điểm” hội tụ của nhiều ngành khoa học hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục.

Cuốn lịch sử lớp 6 của Nhật Bản - Ảnh: Nguyễn Quốc Vương
Cuốn lịch sử lớp 6 của Nhật Bản - Ảnh: Nguyễn Quốc Vương

Thử nhìn vào bộ SGK lịch sử lớp 6 Nhật Bản hiện hành để tìm hiểu về sự hội tụ và gắn bó hữu cơ này. 

Từ sau năm 1945, Nhật Bản thực hiện chế độ “SGK kiểm định”. Theo đó, SGK sẽ do các nhà xuất bản tư nhân biên soạn. Những cuốn vượt qua vòng kiểm định của Bộ Giáo dục sẽ được công nhận là SGK. Ủy ban giáo dục các địa phương hoặc hiệu trưởng sẽ quyết định chọn bộ SGK phù hợp với trường mình, địa phương mình. 

Lịch sử là để nhìn lại, nhìn sang và nhìn tới

Cuốn SGK lịch sử lớp 6 còn được gọi là SGK môn xã hội (quyển thượng) do hai tác giả chính là Ito Mitsuharu và Sajima Tomomi biên soạn với sự tham gia của 32 tác giả khác, trong đó có các giáo viên tiểu học. Cuốn sách dày 106 trang chưa kể bìa và bảng niên biểu cuối sách.

Nhìn mục lục thì biết được nội dung cơ bản của sách: Phần I về “Hãy cũng nhìn vào cuộc sống của quá khứ nào”, “Hãy cùng tìm hiểu thế giới của võ sĩ”, (với hai phần Từ khi võ sĩ xuất hiện đến khi thiên hạ thống nhất - Sự trưởng thành của dân chúng và sự biến đổi của xã hội).

Phần II về “Hãy nhìn vào công cuộc xây dựng nước Nhật Bản mới” (nói về hai cuộc chiến tranh và Nhật Bản - châu Á). Phần III về “Hãy cùng nhìn lại những bước đi từ chiến tranh đến hòa bình” kết thúc với “Hướng tới cuộc sống hòa bình và giàu có”.

Bìa ngoài cuốn sách có bức ảnh chụp đoàn người hiện đại cưỡi ngựa trong trang phục cổ xưa đầu đội nón lá và bốn em học sinh, một em đứng cầm micro phỏng vấn ba em còn lại (ba em này mặc áo cổ trang cắt bằng giấy có dòng chữ ghi tên ba nhân vật lịch sử thời Chiến quốc là Oda Nobunaga, Toyomi Hideyoshi, Tokugawa Ieyasu).

Bìa lót cuốn sách có khổ lớn, vẽ cảnh nhà cửa và sinh hoạt cổ xưa của người Nhật Bản cùng dòng chữ “Các bạn tìm thấy gì nào?” và các bức ảnh ghi lại cảnh học môn lịch sử ở phòng máy tính, bảo tàng. Niên biểu được đặt ở cuối sách tóm tắt dưới dạng sơ đồ các sự kiện lịch sử Nhật Bản quan trọng từ thời cổ đại đến thời hiện đại. 

Sự đa dạng của quan điểm

Cuốn SGK này được thiết kế nội dung theo chủ đề (tangen). Trong đó, phần thông tin thị giác gồm rất nhiều minh họa nhân vật đóng vai giáo viên, học sinh, bảng biểu, sử liệu bằng tranh - ảnh, tranh minh họa, ảnh - tranh vẽ chân dung các nhân vật lịch sử. Lượng thông tin ngoài bài viết chính rất lớn và phong phú.

Theo nhà nghiên cứu người Nhật Fukaya Yuko, sự đa dạng này được thể hiện ở ba điểm: “dạng thức” (mode), “cách bố trí” (layout) và “quan điểm” (viewpoint). Sự đa dạng của “dạng thức” thể hiện ở sự tồn tại song song của thông tin chữ viết và thông tin thị giác.

Thông thường thông tin thị giác được đưa vào SGK nhằm minh họa một cách thống nhất cho bài viết chính, giúp người đọc dễ hiểu dễ nhớ, thể hiện thông tin bổ sung. Sự đa dạng ở “cách bố trí” thể hiện ở việc các thông tin khác nhau được bố trí song song trong cùng một không gian và đều liên quan đến chủ đề chính.

Sự đa dạng ở “quan điểm” thể hiện trong bài viết chính và thông tin chữ viết khi “trần thuật” về sự thật lịch sử, trong nhiều trường hợp sẽ có sự nhìn nhận khác nhau. Đây là điểm đặc biệt nhất.

Ví dụ, ở chủ đề “Hãy cùng nhìn lại những bước đi từ chiến tranh đến hòa bình” (tr.80-94), cuốn sách vừa có phần bài viết và hình ảnh về thiệt hại của Nhật Bản khi bị Mỹ ném bom nguyên tử, vừa có những thông tin về tội ác của quân đội Nhật Bản đối với người dân tại các nước châu Á và những bình luận đa chiều của học sinh.

Chẳng hạn, ở trang 92 trong phần hoạt động học tập với nội dung điều tra thông tin để viết sách về chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương có tranh vẽ năm học sinh với lời thoại thể hiện quan điểm của các em:

“Mình muốn dựa trên những gì điều tra được từ nghĩa địa để chế tạo ra các biểu đồ và sơ đồ”, “Tớ muốn tóm tắt xem trẻ em trong chiến tranh đã sống như thế nào?”, “Tớ nghĩ rằng nếu tạo ra cả những trang đứng trên lập trường của người châu Á thì sẽ có thể nghĩ về chiến tranh từ rất nhiều mặt khác nhau”, “Sau khi chiến tranh kết thúc, mọi người đã mong muốn một thế giới như thế nào?”, “Trong số những điều tra cứu và tìm hiểu được, việc nào lưu giữ ấn tượng trong lòng sâu sắc nhất?”. 

Ở trang 93, trong phần ví dụ minh họa về cuốn sách do các học sinh viết có những thông tin thị giác và chữ viết về sự bức hại của quân Nhật đối với người dân châu Á như: Ảnh trẻ em Philippines học tiếng Nhật, câu chuyện về Việt Nam “Chị (anh) Nôi sống với bố mẹ và năm anh em nhưng năm 1945 (năm Showa thứ 20) do quân Nhật cưỡng ép cung cấp gạo mà gia đình không có lương thực. Bố mẹ và anh em đã dành phần thức ăn ít ỏi cho người nhỏ nhất là anh Nôi. Cả nhà chết đói dần, chỉ có anh Nôi sống sót”...

Bài viết chính trong SGK cũng được kể với các giọng điệu khác nhau: giọng điệu của nhà sử học, giọng điệu của người đương thời và giọng điệu của học sinh đang tìm hiểu quá khứ...

Đi từ nền tảng lý luận khoa học

Đằng sau cấu trúc lý thú này là cả một cơ sở lý luận và thực nghiệm khoa học của người Nhật. Trong đó, một lý luận có tính chất cơ bản: Lý luận về mối quan hệ giữa lịch sử học (sử học) và giáo dục lịch sử. SGK luôn là nơi thể hiện rất rõ mối quan hệ này.

Bản thân sự tham gia của các nhà sử học cùng các nhà giáo dục lịch sử trong tư cách là tác giả biên soạn SGK đã thể hiện điều đó. 

Sau năm 1945, giới học thuật nước Nhật cơ bản thống nhất rằng giữa sử học và giáo dục lịch sử có mối quan hệ chặt chẽ dù là hai ngành độc lập có nhiệm vụ khác nhau. 

Mối quan hệ này từng được hiểu và diễn giải theo luận điểm “giáo dục lịch sử truyền đạt thành tựu của sử học” vốn chiếm địa vị chủ đạo trong giáo dục lịch sử Nhật Bản trước chiến tranh. Vì vậy SGK trở thành nơi trình bày la liệt sự kiện lịch sử và giờ học lịch sử trở thành giờ học nhồi nhét tri thức.

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, vào khoảng thập niên 1960, luận điểm này lại trỗi dậy khi Bộ Giáo dục Nhật hệ thống hóa nội dung giáo dục. Các nhà sử học cố gắng nghiên cứu để tạo dựng hình ảnh lịch sử, rồi các nhà giáo dục lịch sử nỗ lực truyền đạt chúng tới học sinh.

Tuy nhiên, do có sự “khác biệt” khá lớn giữa khả năng ý thức vấn đề của học sinh và nhà sử học nên những hình ảnh lịch sử mà nhà nghiên cứu đưa ra trong nhiều trường hợp không nằm trong phạm vi quan tâm của học sinh. Kết quả là SGK rơi vào tình trạng “hàn lâm”, giờ học lịch sử trở nên nặng nề, nhàm chán.

Cuốn sách mới (nói trên, được kiểm định năm 2003) đã khắc phục nhược điểm này bằng cách thiết lập các chủ đề mà học sinh quan tâm hứng thú: lịch sử xã hội, đời sống trẻ em... sử dụng thêm thông tin phong phú ngoài phần bài viết chính của nhà sử học.

Từ nửa sau thập kỷ 1970, kiểu dạy học nhồi nhét các thành tựu của sử học bị phê phán mạnh mẽ và giáo dục lịch sử chuyển sang chú trọng phương pháp của sử học. Nghĩa là giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh học tập dựa theo các phương pháp của sử học, đem các di vật, sử liệu tới lớp để học sinh đọc hiểu, giải mã giống như quá trình nhà sử học làm, từ đó đưa ra các sự thật, tiến hành suy đoán về bối cảnh sinh ra các sự thật đó.

Như vậy, quá trình học tập lịch sử về cơ bản trở thành quá trình tìm kiếm sự thật của sử học. Học sinh được đóng vai là “nhà sử học nhỏ tuổi” để nghiên cứu các di vật, sử liệu. Giáo viên giờ đây không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức cho học sinh mà chú trọng huấn luyện các em phương pháp tìm kiếm sự thật một cách khoa học, thực chứng. 

Cuốn SGK lịch sử tiểu học Nhật Bản ở trên đã vận dụng lý luận này khi sử dụng một hệ thống tư liệu phong phú song song với bài viết chính sử dụng kết quả của sử học. Trong sách có hệ thống các hoạt động học tập dành cho học sinh như: điều tra thông tin, đọc và giải mã các tư liệu, làm báo lịch sử...

Đặc biệt, sách chú ý đưa vào các tài liệu gốc để học sinh có thể nhận thức lịch sử một cách khách quan. Bài viết chính trong SGK hầu như không bình luận về ý nghĩa sự kiện hay phân tích nguyên nhân sự kiện.

Bằng việc chú trọng phương pháp của sử học đi kèm với hệ thống sử liệu, SGK lịch sử tiểu học Nhật Bản đã chuyển từ lối trần thuật “lịch sử chỉ có một, lịch sử đã được quyết định” (the history) vốn tồn tại phổ biến ở các “SGK quốc định” (cả nước dùng chung một bộ) sang lối trần thuật “lịch sử có tính đa dạng, đa chiều” (A history).

Sự đa dạng của nhận thức lịch sử chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của môn học này.

Bước vào thập niên 1990, bản thân sử học đã thay đổi. Các nhà sử học đã chuyển đổi cách giải thích đối với lịch sử, đi từ chỗ lấy khái niệm quốc gia - dân tộc làm tiêu chuẩn để giải thích lịch sử sang nhìn nhận lịch sử bằng nhiều tiêu chuẩn tham chiếu khác nhau.

Cách nhìn đó thể hiện ý thức của nhà sử học đối với các vấn đề của xã hội hiện tại, “gặp” nhà giáo dục lịch sử ở chỗ nhấn mạnh ý thức vấn đề đối với xã hội hiện tại... Cuốn SGK mới đã vận dụng điều này khi chú trọng vào lịch sử xã hội thay vì chỉ lấy lịch sử chính trị làm trung tâm.

Đời sống ăn, mặc, ở của dân thường trong các thời kỳ lịch sử, tâm tình của con người trong quá khứ... do vậy được chú ý với các sử liệu thực chứng...

Cuốn sách này có thể sẽ là một tham khảo tốt cho các tác giả Việt Nam khi biên soạn bộ SGK mới. Nhưng suy cho cùng, cuốn sách nào cũng chỉ là một tài liệu cơ bản được giáo viên và học sinh sử dụng trong một quá trình học tập nhất định.

Cho dù là thành tựu đỉnh cao của các nhà khoa học đương thời đi chăng nữa thì cũng chỉ 10, 15 năm sau sẽ lại trở nên lạc hậu. Bởi thế, cùng với việc biên soạn nên những cuốn SGK hấp dẫn, khoa học, đừng quên việc xác lập một triết lý giáo dục nhân văn có tính thuyết phục cao và cơ chế đảm bảo sự chủ động, tự do sáng tạo của giáo viên thông qua các thực tiễn giáo dục phong phú.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận