Ruộng lúa bờ hoa

ĐỨC TUYÊN - NGỌC HẬU 08/05/2012 19:05 GMT+7

TTCT - Bà con nông dân khu vực ĐBSCL đang trồng lúa sinh thái giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm gạo an toàn. Từ con số khoảng 100 nông dân trồng trên dưới 60ha lúa sinh thái năm 2010, nay đã có hơn 4.000 hộ tham gia trồng hơn 2.000ha.

Phóng to
Bờ ruộng lúa giờ đây sạch và đẹp hơn nhờ mô hình “ruộng lúa bờ hoa”

Có dịp đi về những vùng trồng lúa sinh thái, đúng kiểu “ruộng lúa bờ hoa”, chúng tôi cảm nhận được hình ảnh những cánh đồng lúa xanh mướt được khoác trên mình tấm áo mới muôn sắc hoa. Những bờ đê rậm rạp cỏ dại giờ được thay bằng hoa xuyến chi với màu trắng tinh khiết, hoa cúc dại vàng đỏ tím, hoa sao nhái vàng rực... Thêm vào đó là màu trắng muốt của hoa đậu bắp, hoa mè... nổi bật trên nền lúa xanh.

Tất cả những loài hoa này là một rừng hương đua nhau khoe sắc, dẫn dụ những đàn bướm, ong... cùng với lũ nhện, những loài thiên địch tìm về diệt các loài sâu rầy hại lúa. “Từ ngày có đội quân ong bướm giúp sức diệt sâu rầy trên ruộng lúa, tụi tui không còn phải tốn một giọt thuốc trừ sâu nào, mần ruộng khỏe re à” - anh Phạm Văn Tòng cười tươi nói.

Lời đậm

Men theo bờ ruộng với những hạt hoa sao nhái vướng cả vào ống quần, chúng tôi tìm đến nhà anh Tòng, ấp Tân Vinh, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Mỗi năm anh trồng ba vụ lúa trên hơn 1,1ha ruộng. Ngồi trước cánh đồng mới thu hoạch xong còn trơ gốc rạ, anh Tòng cho biết những năm trước mỗi vụ anh phải xịt ít nhất ba lần thuốc trừ rầy nâu, chi phí 2-3 triệu đồng/ha. Ngoài ra để diệt trừ sâu quấn lá cho 1ha lúa, anh Tòng và những nông dân khác phải phun xịt thuốc ít nhất một lần với tiền thuốc khoảng 400.000 đồng. Nhờ vụ hè thu này canh tác lúa theo mô hình ruộng lúa bờ hoa, anh Tòng không phải tốn một đồng tiền thuốc nào.

Khi được mời đi tham quan mô hình trồng lúa sinh thái của nông dân ở xã Hòa Đông, huyện Tân Phước, anh Tòng trầm trồ: “Đẹp quá. Tụi tui đi ruộng, giữa những bờ hoa lòng cũng thấy vui”. Từ niềm vui đó, anh Tòng cùng các nông dân trong ấp quyết tâm học cách làm lúa sinh thái.

Gặp rất nhiều nông dân ở ấp Tân Vinh, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của họ sau vụ mùa làm lúa sinh thái đầu tiên: năng suất tăng lên hơn 10 tấn/ha (trước từ 7-8 tấn/ha), chi phí giảm hơn 3 triệu đồng/ha/vụ. Tính ra anh Tòng và những nông dân khác có thể tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng/ha/năm (làm ba vụ) với mô hình ruộng lúa bờ hoa. Tuy lúa không được giá như những mùa trước, nhưng nhờ làm lúa sinh thái mà vụ này anh Tòng cũng lời đậm tay.

“Giá lúa tươi thương lái chỉ mua 4.300 đồng/kg và tui phải bán luôn 11 tấn ngay bờ ruộng để trả nợ tiền mua phân bón nên được hơn 47 triệu đồng. Tính ra cũng còn lời đậm vì toàn bộ chi phí vụ rồi tui bỏ ra nhắm chừng chưa đến 18 triệu đồng” - anh Tòng phân tích.

Ông Trần Ngọc Dũng, một nông dân làm lúa sinh thái tại ấp Tân Vinh, cũng khẳng định mô hình đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Ông Dũng cho rằng không trồng hoa thì cỏ dại cũng lên đầy bờ ruộng gây hại cho ruộng lúa, trong khi trồng hoa chẳng phải bỏ công nhiều mà lại giúp ích cho nông dân làm lúa.

Kể từ ngày canh tác theo mô hình ruộng lúa bờ hoa, ông Dũng và bà con nông dân nơi đây lại được “làm thầy” đối với khách Tây cũng như bà con nông dân nơi khác tới tham quan học hỏi. “Những ông khách Tây cứ trầm trồ trước vẻ đẹp của bờ hoa đồng lúa mà ấp mình tạo ra. Họ nhờ phiên dịch hỏi nhiều thứ và tụi tui giảng giải, nói lại cho họ phương thức và lợi ích của việc trồng hoa bên ruộng lúa này. Nghĩ cũng sướng miệng” - ông Dũng hãnh diện nói.

Ngoài lợi ích kinh tế của mô hình, điều quan trọng, theo TS Hồ Văn Chiến - giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, “là nó giúp người nông dân có ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ cũng như nhận thức trong việc làm ra sản phẩm sạch phục vụ cộng đồng”. Theo tính toán của TS Chiến, mỗi hecta lúa canh tác sinh thái sẽ giúp nông dân tiết kiệm được 1-3 triệu đồng/vụ, với 2.000ha canh tác hiện nay số tiền này lên đến 2-6 tỉ đồng/vụ.

“Nếu sắp tới có được 100.000ha lúa trồng theo mô hình sinh thái này thì một năm chúng ta sẽ tiết kiệm được ít nhất là 200 tỉ đồng (làm lúa hai vụ/năm). Đây là số tiền cực lớn để giúp đời sống bà con nông dân ngày càng khá hơn” - TS Chiến mong ước.

Phóng to
Những nông dân ở huyện Cái Bè, Tiền Giang trồng hoa bên ruộng lúa - Ảnh do TS Chiến cung cấp

Dụ “du kích” về đồng

Tất cả loài hoa có màu sắc sặc sỡ như xuyến chi, cúc mặt trời, sao nhái, cúc dại, đậu bắp, hoa mè, đậu xanh, hướng dương, mười giờ, cẩm tú... đều có thể trồng bên bờ ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch. Hoa được trồng xung quanh bờ ruộng với khoảng cách 7 tấc một cây. Nhiều nông dân cho biết ở những khu đất cao ráo, hoa trồng sẽ rụng hạt, đến vụ lúa lần tới sẽ tự mọc nên ít khi phải trồng thêm hoa mới.

TS Chiến được coi là người khởi xướng chương trình trồng lúa sinh thái - ruộng lúa bờ hoa tại Việt Nam nhằm tạo sự cân bằng sinh thái. Ông giải thích: “Trước đây, việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu đã vô tình giết chết các loại thiên địch có lợi khác. Chính vì thế chúng tôi cố gắng thuyết phục bà con nông dân trồng hoa bên ruộng lúa để dụ những loài thiên địch như ong cùng các loài có lợi khác như bướm, nhện... về diệt sâu rầy”.

TS Chiến ví loài thiên địch có lợi như những chàng du kích ẩn trong các cụm lúa, nhánh mạ để luôn sẵn sàng triệt hạ các loài sâu rầy gây hại cho lúa. “Đó chính là dụ “du kích” về đồng” - TS Chiến nói vui.

Là người luôn suy nghĩ tìm cách giúp đỡ bà con nông dân, cuối năm 2009 trong một lần đi công tác nước ngoài, TS Chiến tình cờ nghe các chuyên gia nói về việc trồng hoa bên ruộng dưa hấu để dụ thiên địch chống lại các loài sâu hại cây trồng. Ông suy nghĩ: “Tại sao ta không trồng hoa để dụ thiên địch bên ruộng lúa?”. Ngay khi về nước, TS Chiến đã đưa mô hình ruộng lúa bờ hoa vào áp dụng trên 30ha ruộng lúa sinh thái tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) và gặt hái được thành công bước đầu.

Tính đến nay, chỉ riêng tại tỉnh Tiền Giang đã có hơn 400 hộ nông dân tham gia trồng 810ha ruộng lúa bờ hoa. Nhiều nông dân ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè đã canh tác lúa sinh thái đến vụ thứ năm và đều rất phấn khởi trước thành quả đạt được. TS Chiến cho biết từ 60ha lúa đầu tiên của 100 hộ dân trồng thử nghiệm tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè năm 2010, đến nay đã có khoảng 4.000 nông dân tại các tỉnh như Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Long An, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... canh tác trên 2.000ha lúa theo công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa.

Ông Võ Văn Quốc, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh đã thí điểm mô hình này trên diện tích 30ha ở xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm và thu được kết quả tích cực. Song song với việc trồng hoa, nông dân đồng thời áp dụng chương trình “3 tăng, 3 giảm” (tăng sản lượng, hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm; giảm phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống) cho đồng ruộng nên giảm được chi phí khá lớn cho thuốc trừ sâu cũng như tiết kiệm được tiền lúa giống. Trong khi đó theo ông Quốc, năng suất lúa lại tăng trung bình 0,5-1ha/vụ.

Phóng to
Mô hình trồng hoa bên ruộng lúa của bà con nông dân tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - Ảnh do TS Chiến cung cấp

“Khi chúng tôi triển khai mô hình trồng lúa theo công nghệ sinh thái, người dân rất thích thú thực hiện. Và khi thấy được hiệu quả đem lại, nhiều bà con nông dân hăng hái tham gia mô hình này” - ông Quốc nhận xét. Từ đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã khuyến khích nông dân trồng bất cứ loại cây nào bên ruộng lúa, miễn là có hoa với màu sắc sặc sỡ để thu hút các loài thiên địch.

Giờ đây, khi đi trên bờ ruộng lúa của bà con nông dân tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi dễ dàng nhận ra nào là đậu bắp, đậu xanh, mè đen... được trồng xen kẽ với các loài hoa dẫn dụ thiên địch. “Vừa trồng lúa sinh thái lại vừa có thêm nguồn thực phẩm từ các loại đậu để cải thiện bữa ăn gia đình, tụi tui rất khoái. Lâu lâu còn cắt hoa về chưng trong nhà cho thêm phần “gia đình nông thôn mới” nữa đó chú” - chị Năm Duyên, nông dân trồng lúa sinh thái, cười nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận