Rủi ro nghề tài xế công nghệ

VŨ THỦY - LÊ PHAN 11/12/2018 23:12 GMT+7

TTCT - Xe ôm công nghệ đã không còn mang đúng nghĩa “tận dụng xe nhàn rỗi”, hay “cho đi nhờ xe” khi có ngày càng có nhiều tài xế làm công việc này toàn thời gian. Đồng nghĩa với việc có thêm một lượng lớn lao động tự do đang làm một công việc nhiều rủi ro mà không được bảo đảm các chế độ phúc lợi xã hội cơ bản.

Tài xế xe ôm công nghệ ngày càng đông, sự cạnh tranh càng nhiều. Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Làm tự do, thoải mái, không thích thì tắt app nghỉ” là lý do anh Đinh Thanh T. (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chọn công việc lái xe ôm công nghệ làm nghề mưu sinh từ nửa năm nay.

Tự do = rủi ro?

“Tui lên Sài Gòn từ hồi năm 2009, làm công nhân cả chục năm trời mà lương tháng chỉ 4,1 triệu đồng, tăng ca thêm nữa tổng cộng chừng 6 triệu. Nghe bạn bè nói làm tài xế công nghệ thu nhập khá nên nghỉ việc chạy thử, rồi làm luôn tới giờ” - anh T. kể. Thu nhập khá mà anh nói là một ngày “được khoảng 800.000 đồng, trừ xăng 100.000-140.000 đồng, tiền cơm, cà phê, thuốc lá khoảng 100.000 đồng, chiết khấu 20% cho công ty (160.000 đồng), còn chừng 400.000 đồng”.

So với lương công nhân mà anh T. đã làm trước đó thì đây là khoản thu nhập không nhỏ. Còn anh Bùi Văn Đ. đã nghỉ công việc phục vụ nhà hàng lương 10 triệu đồng/tháng để chuyển sang chạy xe ôm công nghệ ban đêm hơn một năm nay.

Nhưng thời gian gần đây, nhắc đến xe ôm công nghệ, người ta nhắc nhiều về những vụ án cướp của giết người. Ngày 21-10, một tài xế bị sát hại dã man ở Hóc Môn chỉ hai ngày sau vụ tài xế Lê Nhật Hào, sinh viên chạy xe ôm công nghệ ngoài giờ học, bị sát hại vào ban đêm. Trước đây, nhiều tài xế công nghệ thích “cày” đêm vì mát mẻ, ít xe thì nay bắt đầu dè chừng, thậm chí thay đổi hẳn giờ giấc chạy xe.

Ông Lê Minh H. (ngụ Củ Chi), tài xế xe công nghệ toàn thời gian, chia sẻ: “Nghề xe ôm lúc nào cũng tiềm ẩn đủ rủi ro: va quẹt, chạy đêm, chạy xe sang rất dễ vào tầm ngắm của bọn cướp giật. Chưa kể lúc nào cũng phải tránh né để tránh đụng chạm với xe ôm truyền thống”. Ông kể ngày nào ông cũng chạy từ 5-6h sáng đến 6-7h tối mới về nhà. “Mấy bữa xảy ra mấy án mạng tới giờ, thấy khách đặt cuốc tới mấy chỗ xa xôi quá tui bấm hủy cho an toàn. Nhưng bấm hủy nhiều quá sẽ bị mất tiền thưởng. Theo quy định của công ty, tỉ lệ hủy không được vượt quá 20%” - ông H. nói.

Anh Vương Thanh L., tài xế GoViet, cũng chia sẻ về các mối nguy hiểm mà tài xế xe ôm công nghệ đối mặt. Một lần anh nhận đón khách, chạy đi một đoạn thì người đặt xe nhắn tin riêng cho biết khách nhờ đặt xe giùm và dặn anh cẩn thận vì thấy khách này khả nghi. Nhìn qua kính chiếu hậu thấy vị khách mắt láo liên, có dấu hiệu không bình thường, anh sợ quá tấp xe vào lề giả vờ nói xe hư để bỏ khách.

Tuy nhiên, một khi đã xem đây là công việc mưu sinh thì nhiều tài xế cũng phải nhắm mắt đưa chân. Trần Văn Tr., tài xế xe công nghệ, chia sẻ dù mang danh nghĩa “đối tác” nhưng tài xế vừa bỏ công sức, phương tiện vừa phải chi đủ thứ chi phí từ đồng phục, xăng xe, dầu nhớt, tiền điện thoại, cà phê, cơm nước...

Nhiều người chọn xe ôm công nghệ làm công việc toàn thời gian. Ảnh: VŨ THỦY
Nhiều người chọn xe ôm công nghệ làm công việc toàn thời gian. Ảnh: VŨ THỦY

Không gắn lâu dài

Làm tài xế Grab, GoViet có thể là một công việc toàn thời gian, thu nhập khá, nhưng ngoài khoản bảo hiểm hành trình thì các tài xế không có bất kỳ khoản trợ cấp rủi ro nào cho các trường hợp đau ốm, thất nghiệp, nghỉ thai sản, không có bảo hiểm y tế và về lâu dài không có tích lũy để hưởng lương hưu khi về già.

Anh Nguyễn Văn Q. (32 tuổi, tài xế công nghệ) cho biết sau khi chạy xe ôm công nghệ nửa năm đã từ giã hẳn khi tìm được một công việc mới. Theo anh, mặc dù có thể là một công việc có thu nhập khá nhưng lại là một công việc “bào sức”, nên càng lớn tuổi thu nhập càng giảm. Đồng thời nếu xảy ra những tình huống bị khóa app cả tuần, cả tháng hoặc khóa vĩnh viễn sẽ rất khó xoay xở vì không có thu nhập gì trong khoảng thời gian đó.

“Vậy nên chỉ người lớn tuổi, thất nghiệp tạm thời, chưa kiếm được việc làm thì nên làm nghề này. Nếu còn trẻ, khỏe thì chỉ nên xem đó là một công việc làm thêm” - anh nói. Tài xế Bùi Văn Đ. cũng cùng suy nghĩ không ai có thể chạy Grab, GoViet mãi được. Anh kể “hành trình” một năm chạy xe ôm công nghệ: “Phải bỏ ra nhiều tiền để sửa xe, thay hai cái điện thoại. Thu nhập thì ngày 300.000 - 400.000 đồng, nhưng có bữa chỉ có 41.000 đồng”. Anh dự tính qua tết sẽ xin làm lại ở nhà hàng, lương tuy không cao nhưng ổn định, ít rủi ro, không phải phơi nắng mưa và được mua bảo hiểm.

Tài xế Nguyễn Minh L. (38 tuổi) cho biết anh bỏ làm công ty lương 8 triệu đồng sau một lần cãi nhau với cấp trên để chạy xe. Thời gian đầu chạy cũng ổn, nhưng sau đó thấy “anh em tài xế đâu mà nhiều quá”. Hằng ngày, anh ra khỏi nhà khi vợ và hai con đang ngủ, lúc về thì họ cũng ngủ rồi. Nhưng cày ngày cày đêm, chạy từ sáng đến tối mà trừ này trừ kia nhiều bữa chỉ còn 200.000 - 250.000 đồng, bữa nào khá thì 300.000 - 400.000 đồng nhưng khá hiếm.

“Phần nhiều người ta chạy thêm, trúng bữa nhiều người chạy thì những người chạy chính sẽ không có nhiều cuốc. Gần một năm đổi nghề, anh không biết ra quán ngồi nhậu là gì, trong đầu chỉ suy nghĩ chạy làm sao cho đủ tiền, chạy ở đâu có khách. Nhưng đang làm tài xế, muốn chia tay cũng không dễ vì một thời gian dài chạy xe bữa nào đắp bữa đó, không có trợ cấp thất nghiệp để trang trải như lần nghỉ việc trước. Đến lúc nộp hồ sơ người ta gọi đi phỏng vấn thì không chạy xe được. Cũng may hơn một tháng sau, cuối cùng cũng xin được công việc lương 8,5 triệu đồng” - anh kể.■

Người lao động tự do có thể tham gia BHXH tự nguyện

Bà Nguyễn Thị Thu, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết khi tham gia BHXH bắt buộc, người lao động được hưởng 5 chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Theo đó, BHXH sẽ chia sẻ những rủi ro chẳng may xảy ra và bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi về già, không còn làm việc được nữa.

Chẳng hạn, trường hợp người lao động bị gián đoạn việc làm, không có việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lúc rủi ro như ốm đau không thể đi làm quỹ BHXH sẽ chi trả 75% lương. Lao động nữ nghỉ thai sản, BHXH sẽ trả 100% lương trong thời gian nghỉ sáu tháng, sau thời gian ốm đau được trợ cấp nghỉ dưỡng sức, khi về già có lương hưu và BHYT...

Do đó, việc ký kết hợp đồng lao động để hưởng các chế độ BHXH là rất quan trọng. Hiện nay, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với phần đóng góp từ cả ba phía: người sử dụng lao động đóng 21,5% lương, người lao động đóng 10,5% và ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%.

Theo bà Thu, mặc dù hiện nay số lượng tài xế công nghệ làm toàn thời gian khá lớn nhưng việc ràng buộc quan hệ lao động giữa công ty quản lý ứng dụng và tài xế có nhiều vướng mắc. Xét về quan hệ lao động, quan hệ tiền lương, tài xế đăng ký sử dụng ứng dụng có sự thỏa thuận trong phân bổ thu nhập, còn lại họ muốn làm lúc nào cũng được, làm bao lâu cũng được.

Ngay cả đối với một số công ty taxi truyền thống trước đây họ tuyển dụng tài xế, có ký hợp đồng, có tham gia BHXH thì nay do áp lực cạnh tranh, một số công ty đã giảm hết lao động, không còn là hợp đồng lao động mà chuyển sang dạng hợp đồng khoán xe, tài xế không còn thuộc diện đóng BHXH bắt buộc nữa. Các công ty khoán xe, giao xe cho người lao động và phân chia thu nhập theo tỉ lệ.

Tuy nhiên, bà Thu cho biết tài xế công nghệ có thể xem là lao động tự do và có thể tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực từ năm 2008 cho phép người lao động tự do, không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc tham gia BHXH tự nguyện, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng 10-30% tùy theo nhóm đối tượng. Hạn chế hiện nay là BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất. Nhưng chính sách BHXH tự nguyện cũng đang được nghiên cứu thay đổi theo hướng có thêm những chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản... để thu hút người tham gia.

Vũ Thủy

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận