Ron Galella: di sản của một paparazzi đáng kinh và đáng kính

PHAN BẢO 27/05/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Thế giới vừa mất đi một ngôi sao trong làng săn ảnh (paparazzi), Ron Galella. Là một tay nhiếp ảnh được nhiều người yêu mến lẫn kính sợ với sự nghiệp kéo dài hơn 60 năm, ống kính máy ảnh của ông đã ghi lại vô số khoảnh khắc tự nhiên, vô cùng đắt giá của nhiều nhân vật nổi tiếng. Dù gây tranh cãi, công việc của Galella đã góp phần xây dựng nên văn hóa người nổi tiếng ngày nay ở Mỹ.

Ron Galella, người được mệnh danh là paparazzi tiên phong ở Mỹ, qua đời vào ngày 30-4-2022 ở tuổi 91. Theo tờ The New York Times, ông chết vì suy tim sung huyết.

Sự nghiệp hơn 60 năm

Sinh ra trong một gia đình ở phía Bắc khu Bronx, thuộc thành phố New York, Galella nói tiếng Anh sệt giọng Ý. Cha ông là người Ý nhập cư hành nghề làm quan tài và hộp đàn piano, còn mẹ đam mê phim ảnh đến mức đặt tên ông theo tên một ngôi sao điện ảnh. Tuổi thơ ông cũng không mấy êm ấm, bởi cha mẹ cãi nhau suốt. Ông chỉ còn cách bầu bạn với con thú cưng của mình - một chú thỏ, ít nhất là cho đến khi cha ông đem nó đi hầm thịt.

Trong quá trình nhập ngũ, tham gia không quân Hoa Kỳ thời chiến tranh Triều Tiên, ông đăng ký học nhiếp ảnh kết hợp sửa chữa máy ảnh. Sau đó, ông bắt đầu chụp những người nổi tiếng đến thăm nơi ông đóng quân cho tờ báo của đơn vị. Sau khi xuất ngũ năm 1955, Đạo luật G.I. hỗ trợ cho những người giải ngũ của Mỹ giúp ông có thể theo học trường nghệ thuật ở California. Ông bắt đầu chụp ảnh diễn viên tại các buổi công chiếu và buổi tiệc khi rảnh rỗi để kiếm thêm.

 
 Ron Galella những năm 1970. Ảnh: Images Press

Thời vận của Galella khá tốt. Nhờ vào scandal ngoại tình của Elizabeth Taylor và Richard Burton, hai ngôi sao nổi tiếng của phim Cleopatra, chàng thợ sửa máy ảnh trẻ tuổi mới ra khỏi lực lượng không quân nhanh chóng nhận ra rằng công việc chụp ảnh bán thời gian của anh có thể trở thành sự nghiệp cả đời. Ron Galella sau này sẽ trở thành một paparazzi nổi tiếng, và ông bắt đầu sự nghiệp vào đúng thời điểm từ paparazzo (số ít của paparazzi) ra đời (xem thêm box).

Khi đã chọn được lối đi, Galella dần trở nên thành thạo trong việc ghi lại những khoảnh khắc các ngôi sao không cảnh giác - Greta Garbo bước ra khỏi căn hộ với khuôn mặt được giấu phía sau chiếc khăn tay; John Lennon và Mick Jagger cùng chia nhau một điếu thuốc; hay Mick Jagger, Bob Dylan và Bruce Springsteen dùng chung micro.

Nhưng điều khiến Galella nổi tiếng không phải là những bức ảnh của ông, mà là những đối tượng ông chụp: Mick Jagger và Elvis Presley ngồi trong ôtô; Liza Minelli, David Bowie, Dionne Warwick và những người nổi tiếng khác trong cùng một bữa tiệc; Madonna và Sean Penn hay Woody Allen và Diane Keaton dạo bộ gần nhà…

Cố nghệ sĩ - nhà làm phim Andy Warhol từng nói: “Đối với tôi, một bức ảnh đẹp là một bức ảnh được lấy đúng nét và chụp một người nổi tiếng đang làm một điều gì đó rất bình thường. Đó là lý do tại sao Ron Galella lại là nhiếp ảnh gia yêu thích của tôi”.

 
 John Lennon và Mick Jagger. Chụp tại Los Angeles, California, 1974. Ảnh: Ron Galella

Dấu ấn riêng

Tạp chí Newsweek gọi Galella là Paparazzo Extraordinaire (tay săn ảnh phi thường), còn tạp chí Harper’s Bazaar miêu tả ông là người “gây tranh cãi nhất mọi thời đại” trong ngành săn ảnh. Theo tạp chí Document Journal, Galella là nhiếp ảnh gia xuất chúng vừa được yêu thích vừa bị ghét bỏ, nhưng tác phẩm của ông để lại dấu ấn khó phai mờ trong văn hóa người nổi tiếng. Tất cả là nhờ phương pháp làm nghề rất táo bạo của Galella.

Thời kỳ hoàng kim của nhiếp ảnh gia này đến sau vụ kiện New York Times Co. v Sullivan năm 1964. Khi đó, Tòa án tối cao ra một phán quyết mang tính bước ngoặt: hạn chế quyền riêng tư của các chính trị gia Mỹ, cụ thể là hạn chế khả năng họ kiện người khác tội phỉ báng. Quyết định này được mở rộng cho tất cả các nhân vật được xếp hạng là “người của công chúng” vào năm 1967.

Kể từ đó, chỉ cần Galella ở nơi công cộng, ông sẽ mặc sức chụp ảnh những người có danh tiếng và cả tai tiếng. Trong số đó, Galella nổi tiếng với sự theo đuổi cựu đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis - người mà ông đã chụp ảnh không ngừng trong suốt những năm 1970. Hậu quả là bà từng đưa ông ra tòa vì đã khiến cuộc sống của bà trở nên “không thể chịu đựng được”. Galella cũng từng bị Marlon Brando đấm gãy hàm và 5 chiếc răng vì bám theo nam tài tử này cả ngày hòng săn cho được một tấm ảnh chụp ông không đeo kính râm. Sau đó, ông luôn phải... đội mũ bảo hiểm mỗi khi muốn chụp ảnh Brando (đã mất năm 2004).

 
 Marlon Brando và Ron Galella - 1974. Ảnh: Getty

Galella ra đi, để lại một di sản đồ sộ. Ông đã đưa người nổi tiếng đến gần với công chúng hơn bằng những cách chưa ai làm trước đây. Ron Galella đã hối lộ một người canh gác để vào trong một nhà kho tồi tàn bên bờ sông Thames nhằm theo dõi cặp đôi Elizabeth Taylor - Richard Burton đang tranh cãi trong lúc ăn sáng trên du thuyền của họ vào một dịp cuối tuần.

Phong cách của Galella gây tranh cãi, nhưng ở một góc độ nào đó, ông đã tiên phong mở đường cho sự bất cần của các paparazzi đời sau, từ những tay săn ảnh đã theo dõi Công nương Diana và Britney Spears cho đến những người gần đây đang săn lùng các ngôi sao TikTok mới nổi. Chính quyết tâm nắm bắt các khía cạnh tự nhiên của các đối tượng đã khiến công việc của Galella “khơi dậy một cảm giác sống động đáng ngạc nhiên về giới người nổi tiếng” - cây bút Naomi Fry của The New Yorker nhận định.

Theo The Economist, Ron Galella từng theo sau Jacqueline Kennedy Onassis vào đến tận khu vực gửi áo khoác của một nhà hàng, theo bà vào chỗ ngồi ở nhà hát, và túc trực bên ngoài căn hộ của bà ở Manhattan hầu như mỗi ngày. Thậm chí có lần Galella theo bà đến một hòn đảo ở Hy Lạp và giả dạng một thủy thủ để chụp ảnh bà trong kỳ nghỉ mát. Ông còn hẹn hò với người giúp việc của Onassis để thu thập thông tin về bà, cho đến khi người giúp việc đó bị sa thải. Ông thừa nhận đã từng xem Onassis như bạn gái của mình theo một cách nào đó. Cuối cùng, ông đã lựa chọn kết hôn với một người có giọng nói khiến ông liên tưởng đến giọng của Jackie (cách gọi thân mật Jacqueline).

Thành quả của công cuộc đeo bám không ngừng đó là sự ra đời của bức ảnh “Jackie tóc gió thôi bay” được nhiều người coi là một trong những bức ảnh paparazzi nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, năm 1972 Onassis đã thắng kiện Galella. Ông bị buộc phải ở cách xa Onassis 25 feet (7m) và cách các con bà 30 feet (10m).

 
 Bài viết trên TIME về hậu trường và bức ảnh nổi tiếng "Jackie tóc gió thôi bay" của Ron Galella.

Đáng kính hơn đáng ghét

Galella từng bị gọi là một kẻ xấu tính, một kẻ bám đuôi và những từ ngữ tồi tệ hơn nữa khi ông bắt đầu chụp ảnh người nổi tiếng vào những năm 1960, trước khi các tạp chí phát hành hàng loạt như PeopleUs tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho những tay săn ảnh như ông. Đó là cả một câu chuyện dài cho đến khi máy ảnh điện thoại được phát minh và sự ra đời của các trang web như TMZ khiến việc rình rập người nổi tiếng trở thành thú tiêu khiển của đông đảo công chúng Mỹ.

Galella đã “mặt dày” vượt qua hết những chỉ trích đó để chờ đến ngày nhìn thấy tác phẩm của mình không những được đánh giá cao, mà còn được đặt trang trọng trong các phòng trưng bày thời thượng, bên cạnh các tác phẩm nhiếp ảnh của các tên tuổi như Diane Arbus và Henri Cartier-Bresson, và được đưa vào các viện bảo tàng trong đó có Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở thành phố New York. 

Theo The New York Times, các bức ảnh của ông, hầu hết ở dạng đen trắng, được ngưỡng mộ vì bố cục, cái nhìn sâu sắc và năng lượng lan tỏa trong đó do chịu sự ảnh hưởng từ động học của nhiếp ảnh chiến trường. Trong một bài báo xuất bản năm 2010 trên tạp chí phong cách T của The New York Times, phong cách chụp ảnh hành động cận cảnh đặc trưng của Galella được mô tả là “vừa thân mật vừa táo tợn”.

 
 Ron Galella tại Staley-Wise Gallery (New York) năm 2015. Ảnh: Gilles Decamps

Ông từng nói trong phim tài liệu Smash His Camera (Đập máy ảnh của hắn đi) hồi năm 2010 rằng: “Các biểu hiện trên khuôn mặt con người trở nên vô hạn khi người đó không hay biết [mình đang bị chụp ảnh]”. Ông chưa bao giờ sử dụng kính ngắm vì ông luôn cố tiếp cận chủ thể một cách gần nhất có thể, vào lúc họ không ngờ nhất và nhìn họ trực tiếp. “Vậy thì mới là trực diện, mặt đối mặt. Làm vậy hay hơn là để chủ thể nhìn vào máy ảnh, bởi nó chỉ là một cái máy” - ông giải thích.

Tuy vậy, Galella cũng thẳng thắn thừa nhận bất kể có cố gắng gán ghép những lý do nghệ thuật như thế nào đi chăng nữa thì động lực chính của ông dưới tư cách một nhiếp ảnh gia là để vụ lợi. Đơn cử trường hợp của Jacqueline Kennedy Onassis, ông theo dõi vị cựu đệ nhất phu nhân vì có hẳn một thị trường béo bở cho những bức ảnh của bà mà chưa một nhiếp ảnh gia nào khác khai thác, bên cạnh lý do bà ấy là nỗi ám ảnh của ông.

Chưa có câu trả lời cho câu hỏi liệu cách làm của Galella có thể biện minh cho mục đích của ông hay không, chỉ biết các tạp chí như Time, Life, People và tờ The National Enquirer đều là những khách hàng thường xuyên mua những tác phẩm của ông.

Mặt khác, một số đối tượng bị Galella bám đuôi cũng nằm trong số những người ngưỡng mộ ông. Trong lời mở đầu cho bộ sưu tập tác phẩm của mình năm 2002, nữ diễn viên Diane Keaton đã mô tả ông là người viết biên niên sử hay nhất về vẻ đẹp thoáng qua của những người đẹp trong thời đại của ông, người nắm bắt tốt nhất nét thu hút của những người đương thời và “người mà chỉ với một cái cau mày hoặc mỉm cười trong lúc xoay đầu cũng có sức mạnh đè bẹp hoặc nâng đỡ tôi”. Bà viết: “Trong những bức ảnh của Galella, Marlon Brando vẫn là người đàn ông đẹp nhất mà tôi từng thấy”.■

Nguồn gốc của từ “paparazzi”

Theo The New York Times, khái niệm paparazzi được ra đời vào những năm 1960 khi đạo diễn Federico Fellini quay bộ phim có tên La Dolce Vita xoay quanh nhân vật chính Paparazzo - một nhiếp ảnh gia đại tài. Fellini cho biết ông đã tìm ra nguồn cảm hứng cho nhân vật thông qua cuộc gặp gỡ với nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Ý Tazio Secchiaroli, cũng là nhà sáng lập Hãng tin Roma Press Photo lúc bấy giờ.

Vào thời điểm đó, những nhà đầu tư Hollywood đổ xô sản xuất vô số phim ở Rome để khắc họa lại tình hình thủ đô nước Ý hậu Thế chiến thứ 2. Điều này khiến những con đường sầm uất tại Rome xuất hiện rất nhiều ngôi sao điện ảnh người Mỹ với phong cách thời thượng khiến bao người qua đường phải choáng ngợp. Lúc này, Secchiaroli cùng các đồng nghiệp đã không ngừng theo chân các ngôi sao này để thu lại được những bức ảnh tự nhiên và đầy cảm xúc.

Còn có nhiều cách lý giải khác khá thú vị về nhân vật Paparazzo, chẳng hạn từ này bắt nguồn từ từ papataceo để chỉ một con muỗi khổng lồ theo tiếng địa phương Sicily. Giả thiết này càng được củng cố thêm khi Fellini trả lời trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Time: “Nhân vật Paparazzo gợi cho tôi về hình ảnh của một con côn trùng đang bay lởn vởn trong không khí, nó phóng nhanh và để lại vết đốt đau nhói”. Một cách giải thích khác cũng rất được chú ý: trong cuốn tự truyện của mình, Fellini chia sẻ rằng thuật ngữ này được lấy từ một vở opera. Còn theo BBC, Fellini bắt chước cái tên Paparazzo từ nhân vật người canh cửa ở khách sạn trong cuốn sách By the Ionian Sea của tác giả George Gissing.

Cũng có nơi cho rằng nguyên mẫu cho Paparazzo là một tay săn ảnh khác có tên Felice Quinto. Cho dù từ này đã xuất hiện theo cách nào và có nguyên mẫu là ai đi chăng nữa thì sau khi bộ phim La Dolce Vita được trình chiếu ở Ý, từ paparazzi trở nên gắn liền với thân phận của những tay nhiếp ảnh chuyên bám theo và soi mói đời tư của những người nổi tiếng.

Tạp chí Time năm 1961 từng dành hẳn một bài viết cho những người săn ảnh với tựa đề “Paparazzi on the Prowl” (Cuộc săn mồi của Paparazzi), kèm hình ảnh một tay săn ảnh chặn đường một chiếc xe đang chở vị công chúa nổi tiếng xứ nọ đi tham quan thành Rome. Ngay sau đó, các trang báo có tiếng khác như Cosmopolitan, Life và những ấn phẩm khác cũng đã lan truyền mạnh mẽ thuật ngữ này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận