Ráng vui để đợi ngày vui

KHỔNG LOAN 03/07/2012 22:07 GMT+7

TTCT - Cuộc sống thường nhật ở Ramallah thể hiện một hình ảnh khác với những gì truyền thông phương Tây vẽ lên. Đó là tinh thần lạc quan, yêu đời, cuộc sống hiện đại mà bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới này.

Người dân Palestine đang nỗ lực để chuẩn bị cho một nền độc lập, tự do trong tương lai.

Kỳ 1: Vượt tường đến Palestine

Phóng to

Một nghệ nhân làm hàng thủ công phục vụ du khách tại trung tâm Ramallah, Bờ Tây Palestine

Tối thứ hai và thứ ba hằng tuần, câu lạc bộ thanh niên ở Ramallah lại chào đón những người đến tham gia "Quiz Night" - một chương trình giải đố giúp họ vừa học kiến thức mới, vừa thử nghiệm sự hiểu biết của mình bằng cách trả lời những câu hỏi dạng lựa chọn. Ví dụ, con trai cần bao lâu mới tạo thành ngọc trai, Nelson Mandela bị bỏ tù năm nào, chương trình truyền hình đầu tiên trên thế giới là chương trình gì...

Câu lạc bộ trí tuệ

Họ có những lựa chọn và phải đưa ra đáp án cho mười câu hỏi trong vòng ba phút. "Ôi, sao khó thế!" - tôi hoa mắt với những câu hỏi yêu cầu mình phải đào sâu kiến thức không biết ở ngăn nào trong não. "Không khó đâu, mà là quá khó!" - một trọng tài cười đáp.

Quiz Night ra đời và tồn tại liên tục từ 17 năm qua ở Palestine theo sáng kiến của Riyad Mostaf và Raed Haddad sau thời gian họ du học ở Nga. Cho đến nay Mostaf - có vẻ ngoài cao lớn và mái tóc buộc túm đằng sau - vẫn là người duy nhất đưa ra những câu hỏi để đánh đố người chơi. Để giữ tính hấp dẫn và bí mật cho chương trình, không ai biết chủ đề của ngày hôm đó là gì, và người chơi phải phân công thành viên trong nhóm đọc, tìm hiểu về tất cả các chủ đề, từ chính trị, văn hóa, địa lý tới xe hơi hoặc thậm chí là hoa hậu.

Fares Ahmad Odeh, 31 tuổi, phát thanh viên đài truyền thanh ở Ramallah, nói: "Không thể đi lại dễ dàng từ nơi này đến nơi kia vì các trạm kiểm soát và bức tường ngăn cách của Israel, chúng tôi tìm đến những nơi như câu lạc bộ này và cũng muốn chứng tỏ với thế giới là dân tộc Palestine vẫn tồn tại và sẽ giành lại lãnh thổ của mình". Odeh cho biết người Palestine đang nỗ lực thay đổi cái nhìn "rập khuôn" của thế giới về họ, và cuộc đấu tranh hiện nay để có tự do, độc lập và quyền tự quyết cần phải có trí tuệ chứ không chỉ dùng trái tim mở đường.

"Truyền thông chỉ đưa những thứ tiêu cực về đất nước chúng tôi, còn những điều tốt đẹp thì không nhắc đến... Chúng tôi muốn chứng tỏ là người Palestine cũng có trí tuệ, ham học hỏi sáng tạo, và sẽ hi sinh đến giọt máu cuối cùng để có được độc lập, tự do cho dân tộc" - anh khẳng định.

Bởi vậy bốn năm qua, tuần nào Odeh cũng cùng vợ đến câu lạc bộ, tham gia vào nhóm năm người toàn là bạn bè. Giải thưởng cho mỗi tối chỉ là một ly uống nước có in logo danh hài Charlie Chaplin, nhưng cũng đủ khiến các đội phấn khích. Sau sáu buổi thi, họ bước vào vòng thi cuối mùa. Càng vào sâu giải thưởng càng cao, có thể là những hiện vật như đầu video, tivi, hay chuyến du lịch nước ngoài dành cho cả đội nhờ tài trợ của doanh nghiệp địa phương và tiền đóng góp 15 NIS (80.000 đồng)/buổi chơi của mỗi thành viên.

Ashraf Al Nabali, 29 tuổi, làm nghề quay phim, cho rằng mình được nâng cao giá trị khi tìm đến câu lạc bộ này. "Tôi đọc nhiều hơn, và một trong những cách để chúng tôi chống lại ách chiếm đóng là phải đọc thêm, tìm hiểu tất cả mọi thứ". Nhưng với thanh niên Palestine, giá trị của cuộc chơi không nằm ở giải thưởng, mà những thông tin họ có được, tinh thần làm việc nhóm, sự đoàn kết, tôn trọng đối thủ ngay cả khi thua cuộc.

Phóng to

Tại các cửa hàng ở Palestine, người bán hàng và phục vụ hầu hết là nam giới. Trong ảnh là một người bán hoa tại trung tâm Ramallah - Ảnh: Khổng Loan

Giấc mơ tự do, độc lập

Ramallah có nghĩa "đỉnh cao của Chúa". Đây là trung tâm hành chính của Chính quyền Palestine (PA) và là nơi đặt trụ sở của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán. Ramallah khiến bạn ngạc nhiên vì tính cởi mở và hiện đại của mình, với đủ cả Starbuck, HSBC, khách sạn 5 sao hay những cặp tình nhân tay trong tay tình tứ dạo phố. Phụ nữ ăn mặc kín đáo, thường là những chiếc áo choàng đen trùm kín người và khăn che kín tóc và cổ.

Đây là cách phục sức hợp lý nếu xét đến thời tiết nắng vào ban ngày nhưng lại trở lạnh vào cuối chiều và tối. Nhưng có lẽ nếu họ không mặc như vậy, không ít người sẽ "chết đuối" trong những cặp mắt đẹp mê hồn và dáng người cao ráo, khỏe mạnh của cô gái Trung Đông thuần khiết.

Usher Komugisha, phóng viên nữ mảng thể thao của báo New Vision (Uganda), vẫn nhớ câu nói của bạn bè: "Thôi, thế là mày chết rồi đấy" khi cô thông báo sẽ đến Palestine. Cô kể: "Tôi trả lời ừ, chết cũng được, nhưng tôi phải đến đó". Và từ khi cô gái tầm 30 tuổi này đặt chân đến Palestine, cô không hề có một giây hối hận. Cô cảm nhận rõ vẻ đẹp thanh bình, cổ kính của đất nước Palestine, tình cảm, sự nồng ấm, thân thiện của người dân nơi đây và càng hiểu rõ hơn hoàn cảnh mà họ phải chịu đựng trong 64 năm qua.

"Từ khi còn bé, tôi đã đọc những thông tin đăng tải quá nhiều về Israel và Palestine, đến mức có những lúc chán chẳng thèm đọc. Truyền thông đăng tải chuyện đánh bom, người chết, khủng bố, toàn những thứ đáng sợ. Nhưng khi đến đây tôi thấy kinh ngạc lắm. Người dân Palestine đã cho tôi thấy họ quyết tâm sống hạnh phúc cho dù chuyện gì xảy ra với họ, và họ đang làm tất cả để chào đón tương lai mà họ xứng đáng được hưởng, dù con đường đi rất khó khăn" - Usher nói.

Những hình ảnh đẹp đẽ ở Bethlehem, Jericho, Nablus hay Herbon mà Usher đăng tải trên Facebook của mình một phần nào đó giúp bạn bè cô ở khắp nơi trên thế giới thay đổi một chút suy nghĩ của họ về Palestine. "Nhưng tôi biết thay đổi suy nghĩ của họ lập tức là điều không thể. Tôi cho rằng truyền thông quốc tế đã chối bỏ quyền được đối xử công bằng với Palestine. Tôi rất tức giận vì điều đó" - cô nói.

Ramallah trông không giống như một thành phố nghèo do tốc độ xây dựng đang rất nhanh và người dân sống gọn gàng, sạch sẽ. Nhưng thu nhập bình quân đầu người của Palestine vẫn chỉ khoảng 1.000 USD, và nền kinh tế của nước này phụ thuộc đa số vào viện trợ nước ngoài. "Thu nhập ở Gaza chỉ bằng phân nửa như thế.

25% nhà cửa ở Gaza đã bị phá hủy vì bom Israel năm 2008-2009, và Israel không cho phép chuyển ximăng vào để xây dựng lại. Gaza thường xuyên không có điện, nước, khí đốt". Nhưng Gaza hiện hoàn toàn bị phong tỏa và cô lập, chính người Palestine cũng không thể đặt chân đến lãnh thổ của mình. Điều phi lý này vẫn đang tiếp tục tồn tại, cản trở tiến trình hòa hợp về mặt địa lý và chính trị của Palestine.

Tiến sĩ Nabil Shaath, trưởng ban đối ngoại Đảng Fatah, nhận định: "Hiện chúng tôi đang muốn xây dựng một nhà nước hiện đại, phát triển theo lối cạnh tranh tự do. Quá trình đó không phải là khó khăn quá lớn, vì các tổ chức quốc tế đã công nhận chúng tôi có đủ nền tảng để thành lập một nhà nước độc lập, mà vấn đề lớn với chúng tôi là tình trạng bị chiếm đóng. Cánh tả, cánh hữu, dân chủ hay xã hội trong một nhà nước Palestine không thành vấn đề, vấn đề là chúng tôi trở thành con tin trong ván bài mặc cả giữa Mỹ và Israel xung quanh vấn đề hạt nhân Iran.

Tôi không tin là Israel sẽ tấn công Iran, vì như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế Mỹ. Đổi lại, Mỹ phải làm ngơ trước những hành động mà Israel làm với Palestine". Nhưng dù vậy, ông vẫn lạc quan về việc ra đời một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Người Palestine, và phần lớn thế giới tin cái đích đó là điều tất yếu, dù hành trình sẽ rất gian nan.

Ramallah những ngày này vẫn đầy nắng và gió. Bạn sẽ gặp những gương mặt tức giận, uất hận, nhưng có cả những niềm phấn khích nhờ niềm tin và lạc quan không gì lay chuyển được. Nếu đến Ramallah, hãy ghé mộ phần và đài tưởng niệm Mammoud Darwish (1941-2008), nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới và là niềm tự hào của người Palestine.

Khi còn sống, ông từng nói: "Tôi kiên nhẫn, và vẫn đang chờ đợi sự thay đổi mang tính cách mạng trong ý thức của người Israel. Người Ả Rập sẵn sàng chấp nhận một nhà nước Israel mạnh, có vũ khí hạt nhân. Tất cả những gì Israel cần làm là hãy mở cổng thành và kiến tạo hòa bình".

Phóng to
Tiến sĩ Nabil Shaath, trưởng ban đối ngoại Đảng Fatah - Ảnh: Khổng Loan
Di sản Việt Nam ở Palestine

“Tự do”, “Độc lập”, “Thống nhất”, “Tự quyết” là những từ ngữ mà tôi nghe được nhiều nhất ở những người Palestine mình đã gặp nơi đây, cảm nhận được nỗi khát khao trong mắt họ.

“Việt Nam là một phần di sản rất quan trọng đối với cuộc đấu tranh của chúng tôi. Hồ Chí Minh là nhân vật vĩ đại mà nhân dân chúng tôi đều biết đến - tiến sĩ Nabil Shaath, trưởng ban đối ngoại Đảng Fatah, cho biết - Người dân Việt Nam đã không bỏ cuộc trong quá trình đòi hỏi tự do, và chúng tôi cũng sẽ không bỏ cuộc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận