Rác điện tử - Bức tranh khó xem

HỒNG VÂN 29/07/2019 04:07 GMT+7

TTCT - Lần gần nhất bạn mua một món đồ điện tử mới là gì và bạn làm gì với đồ điện tử cũ? Khi vứt bỏ một món đồ điện tử cũ, bạn có biết số phận của nó sẽ đi về đâu?

Employees sort various waste in a treatment plant for recycling of electronic products and papers at Santiago, Chile  May 9, 2019. Picture taken May 8, 2019.  REUTERS/Rodrigo Garrido
Employees sort various waste in a treatment plant for recycling of electronic products and papers at Santiago, Chile May 9, 2019. Picture taken May 8, 2019. REUTERS/Rodrigo Garrido

Đầu năm nay, bảy cơ quan về kinh tế, môi trường, con người của Liên Hiệp Quốc cùng Diễn đàn kinh tế thế giới và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới cùng công bố báo cáo kêu gọi thế giới giải quyết các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường của rác thải điện tử (rác điện tử). Theo báo cáo này, hiện mỗi năm thế giới thải ra khoảng 50 triệu tấn rác điện tử, chưa đến 20% số rác này được tái chế.

Ngày càng phình to

Đến năm 2017, một nửa dân số trên toàn cầu sử dụng Internet và đa số mọi người đều truy cập vào mạng di động và các dịch vụ của nó.

Nhiều người có hơn một thiết bị thông tin liên lạc và giá của các thiết bị ngày càng rẻ hơn so với các mức thu nhập của người dùng. Tốc độ thay thế các thiết bị cũng nhanh - vòng đời trung bình của một chiếc điện thoại thông minh ở Mỹ, châu Âu dao động từ 16,6-20,5 tháng.

Cùng lúc đó, thu nhập của người dân tại các nước phát triển được tăng lên, tầng lớp trung lưu có tiền để mua sắm đồ dùng và thiết bị điện tử nhiều hơn, làm gia tăng số lượng rác điện tử. Dự kiến, khối lượng rác thải điện tử vốn đã khổng lồ sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 4% mỗi năm.

Mô hình dự báo của Đại học Liên Hiệp Quốc (UNU) cho thấy đến năm 2050, thế giới sẽ thải ra 120 tấn rác điện tử. Báo cáo chỉ ra: dù có chú ý tái chế nhưng nỗ lực thu hồi bền vững các thiết bị đã sử dụng không theo kịp tốc độ tiêu thụ lớn cho các thiết bị mới.

Xu hướng cho thấy số lượng rác điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn trong các thập niên tới. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là nghiên cứu và hoạt động giám sát rác điện tử trên toàn cầu còn nhiều hạn chế.

Báo cáo Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2017, nghiên cứu mới nhất cho đến nay của UNU và nhiều tổ chức nghiên cứu khác thực hiện, cho biết chỉ có 41 quốc gia trên thế giới có số liệu thống kê chính thức về rác điện tử và chỉ 66% các quốc gia trên thế giới có luật về quản lý rác điện tử. Ngay cả khi có luật, việc thực thi pháp luật không được chú trọng. Rất nhiều nước không có các biện pháp và mục tiêu cụ thể về thu gom và tái chế.

Công nhân di chuyển các kiện dây cáp phế liệu tại một nhà máy xử lý rác điện tử và giấy ở Santiago, Chile. Ảnh: Reuters
Công nhân di chuyển các kiện dây cáp phế liệu tại một nhà máy xử lý rác điện tử và giấy ở Santiago, Chile. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu “đồ điện tử qua sử dụng”

Rác điện tử chứa nhiều kim loại nặng độc hại và không phân hủy tự nhiên, do đó cần được xử lý thích hợp. Thiếu các tiêu chuẩn tốt, buông lỏng quản lý, xử lý rác điện tử qua loa không đúng cách có thể dẫn đến các nguy hại về sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), việc đốt rác lộ thiên và nhúng linh kiện vào axit để thu hồi các tài nguyên có giá trị buộc công nhân tiếp xúc với các hóa chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium và asen.

Những hóa chất này có thể gây ra ung thư, sẩy thai, tổn thương thần kinh hoặc giảm chỉ số thông minh nơi con người. Ngoài ra, các vật liệu độc hại có thể ngấm đất, nước…, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.

Theo báo cáo Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2017, có khoảng 44,7 triệu tấn rác điện tử bị thải ra trong năm 2016. Trong đó, chỉ 20% được tái chế dưới các hình thức khác nhau. Số phận của 80% rác điện tử còn lại không có thông tin.

Trung Quốc là nước tạo ra lượng rác điện tử nhiều nhất thế giới trong năm 2017 với 7,2 triệu tấn, tỉ lệ tái chế là 18%. Thứ hai là Mỹ với 6,3 triệu tấn, tỉ lệ tái chế gần 25%.

Nhiều “công ty tái chế” ở các nước phát triển đã trốn tránh chi phí bằng cách xuất khẩu rác điện tử ra nước ngoài, đến những nước mà ở đó người ta tận dụng những bộ phận còn dùng được và thu lại kim loại hoặc khoáng sản quý.

Chưa có thống kê đầy đủ lượng rác điện tử từ các nước giàu đến các nước chậm phát triển hơn. Chỉ biết rằng trong hơn 10 năm trở lại đây, ngày càng có bằng chứng rõ ràng rằng rác điện tử được dán nhãn là “đồ điện tử qua sử dụng” khi xuất khẩu.

Trong một điều tra do các nhà báo và Mạng lưới hành động Basel (Công ước Basel) thực hiện, họ đặt máy định vị vào các thiết bị điện tử lỗi thời tại Mỹ và châu Âu để giám sát đường đi của chúng. Kết quả: 34% trong tổng số 205 máy định vị đi ra nước ngoài, hầu hết là các nước đang phát triển. Cụ thể, 93% được đưa sang châu Á, 7% còn lại sang Mexico và Canada.

Tại các nước đang phát triển, công nghệ tái chế thô sơ, lạc hậu đã gây ô nhiễm cho cộng đồng địa phương. Ở một số nơi, vàng được thu hồi bằng cách nhúng các bảng mạch điện tử vào dung dịch trong axit nitric và hydrochloric axit, làm nhiễm độc nguồn nước. Những gì là phế thải bị đổ bừa bãi ra môi trường. Tỉ lệ tái chế rác điện tử có trách nhiệm trên toàn cầu hiện chỉ là con số nhỏ nhoi: 15%.

Chiêu trò của nhà sản xuất

Vòng đời của một thiết bị, sản phẩm bất kỳ sẽ dài hơn khi được bảo trì tốt và có thể sửa chữa. Khuyến khích sửa chữa và làm cho việc sửa chữa dễ dàng hơn là một phần của các giải pháp hiện nay.

Trang web ifixit.com công bố cách sửa tất cả các thiết bị của Apple, sửa chữa tốt cho nhà sản xuất, nền kinh tế và tất cả chúng ta. 95% người dùng trong cộng đồng ifixit cho biết sửa thành công một sản phẩm khiến họ cảm thấy muốn gắn bó lâu dài với công ty.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất đã sử dụng nhiều chiêu trò để buộc chúng ta mua sản phẩm mới. Một số công ty còn thiển cận đến mức giữ bí mật cách sửa chữa chỉ để bán nhiều sản phẩm hơn.

Những ví dụ sau đây không phải trong lĩnh vực điện tử, điện lạnh nhưng khiến chúng ta suy ngẫm. Công ty Patagonia, chuyên sản xuất quần áo, thiết bị dã ngoại, cam kết sửa tất cả các sản phẩm của công ty.

Davek là công ty bán dù tốt nhất thế giới và cam kết bạn không phải mua một cây dù thứ hai sau khi đã mua dù từ họ. Công ty bán giỏ Saddleback có chính sách bảo hành 100 năm. Của rẻ là của ôi. Hãy từ chối những thứ hàng hóa rẻ nhưng kém chất lượng. Thay vào đó, mua đồ tốt để nó có thể phục vụ chúng ta lâu dài. ■

Trị giá 62,5 tỉ USD mỗi năm

Theo báo cáo Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2017 của UNU và nhiều cơ quan nghiên cứu khác cùng thực hiện, khái niệm rác điện tử bao gồm tất cả các thiết bị và đồ dùng điện tử cùng các bộ phận của nó đã bị chủ sở hữu bỏ đi và không có ý định tái sử dụng. Rác thải này bao gồm tivi, điện thoại thông minh, tấm pin năng lượng mặt trời, tủ lạnh và nhiều thiết bị khác.

Dự báo ngành công nghiệp tái chế vật liệu thô từ rác điện tử trị giá 62,5 tỉ USD mỗi năm trong tương lai không xa. Chúng ta có thể lấy được vàng, bạc, đồng, bạch kim, nhôm… Về lâu dài, nền kinh tế thế giới cần chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn hướng tới không tạo ra rác thải và tái sử dụng hoàn toàn rác thải.

Ông Nguyễn Thượng Hiền (vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường):

Chưa xử lý triệt để nguồn rác thải điện tử từ hộ gia đình

Hiện VN không có nguồn rác điện tử từ nước ngoài do đã có chính sách cấm nhập khẩu chất thải điện tử từ lâu, chỉ còn nguồn rác điện tử phát sinh từ trong nước, với hai nguồn chính: từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối và nguồn từ hộ gia đình, cá nhân. Với nguồn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi thu gom, thường các đơn vị này sẽ ký hợp đồng với các cơ sở có chức năng về xử lý chất thải nguy hại để xử lý hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Lượng rác điện tử ở trong nước đến nay chưa có điều tra, thống kê cụ thể.

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 16 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường VN, qua các điểm thu hồi, sau đó xử lý hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý. Bộ Tài nguyên - môi trường đã có thông tư hướng dẫn về vấn đề này nhưng thực tế hiệu quả thu hồi chưa cao.

Lý do là doanh nghiệp sản xuất máy vi tính, tivi lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ nhưng người sử dụng thường bán cho cơ sở thu mua đồng nát. Trường hợp mang đến điểm thu hồi, chưa kịp bàn giao nhưng máy tính, tivi hỏng dễ bị người khác lấy bán đồng nát. Vậy nên, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại chủ yếu thu gom rác điện tử từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối, còn nguồn từ hộ gia đình gần như không thu hồi được.

Tới đây, khi sửa đổi Luật bảo vệ môi trường sẽ bổ sung các quy định, áp dụng các giải pháp kinh tế, yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà phân phối để họ nâng cao hiệu quả thu hồi sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường.

XUÂN LONG (ghi)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận