Ra biển xem cá voi, trèo đèo ngắm khuynh diệp

ĐẶNG THÁI 02/12/2020 04:10 GMT+7

TTCT - Đi ngắm cá voi đã trở thành một ngành du lịch chuyên biệt ở một số vùng đông nam nước Úc

Cá voi trồi lên thở phun cột nước. Ảnh: Đặng Thái

Ngành du lịch Úc vốn không phụ thuộc nặng nề vào khách du lịch nước ngoài. Chi tiêu của khách nội địa đạt hơn 100 tỉ đôla, chiếm 2/3 tổng thu toàn ngành. Nhưng tâm lý e ngại dịch và việc dựng lên các hàng rào “nội địa” khiến người Úc không dám đi đâu, chưa kể những người mất thu nhập. Nhưng rồi mùa xuân vẫn tới, gia đình tôi cũng quyết định lên đường, “giải cứu” ngành du lịch và chính mình sau gần một năm loanh quanh trước nhà.

Việc hạn chế đi lại giữa các bang khiến cơ quan du lịch của bang New South Wales (NSW) ra sức quảng bá cho du lịch địa phương. Người dân mới nhận ra “ta về ta tắm ao ta” lại hay, vì bang NSW còn rộng hơn khoảng 150 nước khác trên thế giới, đường bờ biển 2.100km và đủ núi non sông hồ, đèo cao suối sâu.

Nhưng đi chơi thì đi, an toàn trong dịch vẫn là trên hết. Truyền thông phòng dịch ở đây được làm khéo léo và hiệu quả. Việc tìm hiểu các quy định trong mùa dịch cực kỳ dễ dàng: áp phích dán khắp nơi, các trang mạng đầy đủ, 100% cửa hàng cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn in các quy định treo ngay cửa ra vào với hình minh họa mà ngay cả trẻ con chưa biết đọc cũng hiểu: đeo khẩu trang, sát trùng tay, khoảng cách 1,5m. Các đoạn phim và hình ảnh tuyên truyền được trả tiền để xuất hiện trên mạng xã hội như một dạng quảng cáo. Các cơ sở lưu trú đều tuân thủ nghiêm ngặt việc dọn vệ sinh khử khuẩn, vì ai cũng sợ nhất là nơi mình làm trở thành ổ dịch, sợ virus thì ít nhưng sợ đóng cửa thì nhiều. Việc xét nghiệm Covid-19 cũng dễ dàng vì mọi thành phố, thị xã đều có biển chỉ đường riêng để đến cơ sở y tế (mà không cần dừng lại hỏi đường ai).

Cá voi

Trên toàn nước Úc có một hệ thống hơn 450 trung tâm thông tin du lịch (Visitor Information Centre) được nhận diện dễ dàng bằng biểu tượng chữ “i” màu vàng trên nền xanh, gắn sau địa danh trên các biển báo giao thông đường bộ, bản đồ, nhà ga, sân bay, bến cảng. Thời đại công nghệ thông tin phát triển nhưng người ta vẫn muốn ghé vào những trung tâm như thế, vừa để trò chuyện với những nhân viên người địa phương với hiểu biết sâu sắc về khu vực đó, vừa để tìm kiếm những thông tin không thể tìm được trên mạng, phổ biến nhất là hỏi đường. Điều này giúp khách du lịch có thể đổi hướng và lịch trình chuyến đi dễ dàng mà không cần phải lên kế hoạch quá chi tiết hoặc bị bỏ sót điểm đến ở khu vực đó.

Dù trên mặt đất đại dịch đang hoành hành, dưới lòng biển, những đàn cá voi vẫn lũ lượt kéo nhau từ biển Nam Cực về bờ Đông nước Úc mỗi khi trời chuyển lạnh, từ tháng 4 đến tháng 9. Hơn 5.000 cây số mỗi chiều khiến cho hành trình của những con cá voi lưng gù trở thành một trong những cuộc di cư dài nhất của động vật có vú trên Trái đất. Mùa hè, chúng sống ở Nam Băng Dương nơi nước lạnh ê hề tôm cá. Khi mùa rét tới, chúng bơi về Úc để sinh con, bởi cá voi con không chịu nổi nước lạnh quanh Nam Cực.

Nghề săn cá voi là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên ở nước Úc ngày xưa. Từ đầu thế kỷ 19 đến nửa sau thế kỷ 20, người Úc khai thác cá voi tới mức gần tận diệt: từ năm 1949 - 1962 là 8.300 con. Điều này dẫn đến sự sụp đổ của ngành công nghiệp cá voi, trước cả khi Ủy ban quốc tế về săn bắt cá voi ra lệnh cấm đánh bắt cá voi lưng gù ở Nam bán cầu vào năm 1963. Khi người Úc dừng lại thì những đội tàu của Nhật Bản và Liên Xô vẫn ra sức đánh bắt trái phép. Chỉ trong hai mùa 1959 - 1960 và 1960 - 1961, người Liên Xô đã bắt khoảng 25.000 con cá voi, dẫn đến số lượng cá voi năm 1963 còn lại chỉ khoảng 100 con. Từ đó đến nay, công luận Úc đã thay đổi hoàn toàn thái độ với cá voi, luật pháp ra đời để bảo vệ chúng. Năm 2005, số lượng cá voi đã trở lại khoảng 8.000 và chính phủ ban hành Bộ quy tắc toàn quốc về dịch vụ ngắm cá voi và cá heo. Đi ngắm cá voi đã trở thành một ngành du lịch chuyên biệt ở một số vùng đông nam nước Úc.

Những con cá voi được bảo vệ tốt đã trở thành tài sản quý và điểm tựa cho du lịch nước Úc. Ảnh: Skeeze

Lần này chúng tôi hướng đến Newcastle, thành phố lớn thứ hai ở bang NSW, cách Sydney 160km, và là thành phố cảng - công nghiệp quan trọng.

Nhìn thành phố Newcastle xinh đẹp bên bờ đại dương, khó mà nghĩ nơi đây là hải cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Càng khó tin hơn khi phía bên này là những cần cẩu, container siêu trường siêu trọng, còn bên kia cách chỉ vài hải lý là nơi cá voi bơi lội tung tăng, đủ biết những quy định về môi trường đã được tuân thủ nghiêm ngặt thế nào. Trước khi xuất phát, thuyền trưởng thông báo trên loa về lịch trình, các quy định an toàn, nhân viên hướng dẫn cách mặc áo phao, chỉ rõ khu vực có bánh kẹo, nước uống và thuốc chống say miễn phí. Tàu đi chậm hết mức, để “rón rén” tiến lại gần cặp mẹ con cá voi đang sóng đôi, quẫy cái đuôi khổng lồ và phun những cột nước lên cao.

Trên những cung đường của nước Úc, các khu bảo tồn thiên nhiên có mật độ dày đặc. Cảnh quan tự nhiên được giữ gìn cẩn thận, trước hết là để phục vụ môi trường sống trong lành, và đóng góp không nhỏ cho ngành du lịch. Người địa phương luôn hiểu rằng, khách phương xa đến đây là nhờ những khu rừng, dòng suối, thác nước xanh sạch mà địa phương mình “sở hữu”. Vì vậy, bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ nguồn thu nhập mỗi ngày của chính mình.

Lá con mơn mởn mọc lên từ những thân cây cháy đen. Ảnh: Đặng Thái

Từ Newcastle xuôi về phía nam phải vượt qua dãy Lam Sơn (Blue Mountains) sừng sững. Gọi như vậy vì dãy núi này được bao phủ bởi loài cây bản địa đặc trưng của nước Úc: bạch đàn. Tinh dầu từ hàng tỉ chiếc lá thuộc loài khuynh diệp bốc hơi trong không khí, tạo thành màu xanh lam phản xạ trong ánh mặt trời. Thật xót xa khi lái xe cả trăm cây số, qua hàng triệu thân cây bạch đàn đen nhẻm vì trận cháy rừng khủng khiếp mùa hè vừa rồi. Cơn bão lửa đã thiêu rụi 81% khu vực di sản thiên nhiên thế giới Blue Moutains: gần 1 triệu hecta rừng! Nhưng mùa xuân năm nay, trên những khúc đèo quanh co uốn lượn của dãy núi này, tôi được chứng kiến một cảnh tượng thật kỳ vĩ. Triệu triệu chiếc lá non đang đâm ra tua tủa từ những thân cây đen sì, nhiều khúc cành trông như củi khô giờ được phủ xanh bởi những mảng lá lấm tấm. Lá bạch đàn non màu đồng, đỏ rực, vàng cam vươn lên rực rỡ trong ánh trời chiều. Cái đẹp nằm chính ở sức sống phi thường của loài khuynh diệp này: trải qua hàng triệu năm chống chọi với cháy rừng, loài cây này đã học được cách tạo ra lớp vỏ dày chống cháy để bảo vệ mầm lá bên trong. Và nhiều loài bạch đàn chỉ “tung” ra hạt mầm khi có cháy. Lửa đốt lớp vỏ siêu cứng bên ngoài hạt và hạt nảy mầm, bén rễ vào lớp đất đầy tro giàu dinh dưỡng sau vụ cháy. Những mầm cây xanh sẫm cứng cáp mọc lên cạnh thân cây mẹ đen nhẻm như những con phượng hoàng tái sinh từ tro tàn vậy.

Người Úc không dùng những khẩu hiệu hùng hồn nhưng đã cùng nhau vượt qua năm 2019 vừa hạn hán vừa lũ lụt, cộng một mùa cháy rừng khủng khiếp và hi vọng là cả đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Giống như những rừng bạch đàn san sát kia, sau lửa cháy, sức sống mãnh liệt lại bật lên. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận