Quýt hồng lộng lẫy tết

DƯƠNG THẾ HÙNG 27/01/2011 14:01 GMT+7

TTCT - Năm nào cũng vậy, hễ gần tết là quýt hồng Lai Vung lại tươi vui như trẻ nít được mặc áo mới. Vườn nào cũng vàng rực trái chín mọng treo lủng lẳng trên cành. Trái đặc rật từ gốc tới ngọn giống như mai vàng nở tết.

Phóng to
Thu hoạch quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), vận chuyển bằng xuồng ra đường lộ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Các nhà vườn bắt đầu nhộn nhịp từ giữa tháng chạp với việc hái trái, phân cỡ, vô thùng, đưa lên xe về thành phố.

Đường vô xứ quýt quanh quanh

Từ Sa Đéc theo quốc lộ 80 về hướng An Giang chừng 9 cây số là tới trung tâm huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Từ đây rẽ trái ra hướng sông Hậu chừng 5 cây số nữa là tới “thủ phủ” quýt hồng, tập trung ở bốn xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới. Nói đường đi “quanh quanh” vì nó ngoằn ngoèo như con rắn, cặp theo rạch Thong Dong chạy ra sông Cái, xuyên qua bốn xã nói trên. Lạ là cây quýt hồng chỉ tươi tốt, trĩu cành ở vùng đất hai bên con rạch Thong Dong này, chỉ “dịch” một chút qua xã khác là đã không “ăn”, sang huyện khác hoặc tỉnh khác càng... thua. Nên người Lai Vung tự hào vì đặc sản “quýt hồng Lai Vung” là có lý do.

Đi cặp con rạch Thong Dong những ngày giáp tết này, hình ảnh quen thuộc là hàng đống thùng mút xốp chất cao ngất trước mỗi nhà vườn để đựng quýt cho êm khi vận chuyển. Trước sân nhà vườn, quýt mới hái được đổ ra trên tấm nhựa cho mấy chị lui cui chọn lựa, phân cỡ lớn nhỏ, rửa sạch sẽ rồi xếp nhẹ nhàng vô thùng. Cứ mỗi thùng 16kg tính tới. Vô thùng rồi, xe ba gác đến tận nhà bốc lên chạy cái ào tới bến xe tải. Nơi tập kết quýt hồng là dốc cầu Thong Dong, trước UBND xã Long Hậu. Hàng dãy xe tải nối đuôi nhau nằm sẵn chờ bốc hàng về Sài Gòn kịp bán cho mối lái.

Bên trong vườn, từ sáng sớm đã thấy rộn rịp nhân công bên cây hái quýt. Có những vườn trái nhiều tới nỗi phải dùng cây chống, sợ nặng quá gãy nhánh hoặc chà dưới đất hư trái. Trái được cắt cẩn thận, giữ nguyên cuống với lá xanh mướt cho đẹp rồi đưa xuống xuồng chở vô nhà. Trên bờ nhìn xuống, xuồng chở quýt toàn một màu vàng pha sắc đỏ sáng rực, lộng lẫy như hoàng bào của vua chúa thời xưa. “Người ta mua quýt làm quà biếu, để chưng, cúng bàn thờ ngày lễ tết là chủ yếu vì quýt Lai Vung màu sắc tươi tắn, biểu hiện tài lộc, thạnh trị. Ngày tết, trên mâm ngũ quả có quýt hồng thì bàn thờ tổ tiên rực rỡ và ấm áp hơn. Sau tết, trái quýt chín thêm, lột vỏ tách múi, miếng quýt tứa nước ngọt thanh, vị chua dìu dịu khiến người thấy khỏe khoắn, tỉnh táo, có lỡ say chút rượu tết, ăn một trái quýt hồng là tỉnh lại liền” - ông Nguyễn Văn Bảy (Bảy Thành), một lão nông ở ấp Long Khánh B, xã Long Hậu, nay đã 80 tuổi mà vẫn chống xuồng thoăn thoắt, chân leo lên bờ đi nhẹ tênh, giải thích.

Ông Bảy cho biết thêm mọi năm thường tới Noel, Tết dương lịch là nhà vườn đã hái quýt bán dần. Sau đó là ngóng mấy dịp lễ để bán được giá như giỗ tổ thợ may (12 tháng chạp), cúng rằm (15 tháng chạp), 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời... từ đó bán dài dài tới ba mươi cúng giao thừa. Năm nay quýt được giá, loại nhứt màu đẹp lúc này có giá 20.000 đồng/kg, loại nhì nhỏ hơn cũng đã 18.000 đồng, so với năm ngoái có 13.000-15.000 đồng/kg. Cận tết có thể lên cỡ 25.000-28.000 đồng/kg. “Bởi vậy, lóng rày mà mấy chú vô đây là thấy trên lộ dưới sông ghe cộ ì xèo chật chội, thiếu điều hổng có lối đi” - ông cụ tươi cười nói vậy.

Phóng to
Thương lái mua 23 tấn quýt hồng của ông Đặng Thanh Lâm, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, vận chuyển ra Đà Nẵng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Lộc trời cho

“Cây quýt hồng đã có mặt ở vùng đất này hơn 50 năm nay - ông Huỳnh Văn Tồn, phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lai Vung, cho biết - Có thể do thiên nhiên ưu đãi, vùng này nước lớn ròng vừa phải, mùa mưa lũ nước không quá cao, mùa khô nước không cạn quá sâu, lại thêm đất thịt pha sét nặng thích hợp cho cây quýt phát triển nên chỉ ở đây trồng được tươi tốt. Chỉ cần nhích lên một chút huyện Lấp Vò hoặc xuống dưới miệt Sa Đéc là cây quýt không chịu. Bà con thường nói có lẽ đây là lộc trời cho”. Ông Tồn kể rằng những người đầu tiên đem giống quýt hồng này về trồng là các cụ Chín Liệp (ở xã Long Hậu), Năm Tô (xã Tân Thành), Chín Liêm, Tư Chuột (xã Tân Phước)... Các cụ nay người còn, người mất. Cụ còn sống cũng đã 80-90 tuổi. Nghe kể hồi đó đâu có chiết giống như bây giờ, mấy cụ đi đâu đó trên Sài Gòn thấy quýt ngon mua ăn thử rồi đem hột về trồng chơi. Nào dè ăn thiệt, cây quýt chịu đất mọc lên tươi tốt. Rồi các cụ rủ nhau trồng thành cả xóm. Điều may mắn nữa là quýt lại chín vàng ngay dịp tết, các cụ thấy màu đẹp nên đem chưng trên bàn thờ. Nay thì tết về, nhà nào cũng chưng đĩa trái cây có quýt hồng như một nét văn hóa truyền thống.

Còn ông Bảy Thành nhớ lại: “Gần 50 năm trước tui làm ruộng vất vả lắm, chuột bọ ăn hết. Thấy hàng xóm anh em trồng quýt có ăn, tui bắt chước làm theo. Lúc đầu chỉ có 1,5 công, sau bán thấy được, tui lên liếp hết 20 công ruộng trồng quýt, tới tết bán thấy ham”.

Nói vậy mà cây quýt cũng có đận ba chìm bảy nổi. Những năm lũ lụt 1996, 2000, nước ngập vườn, quýt chết gần hết. Người dân phải chặt quýt bán củi, vườn quýt tiêu điều. Bà con và chính quyền địa phương sau đó đã chung tay đắp bờ bao, xây cống bọng thông nước, chở đất lên liếp, tái lập vườn quýt trên đống cành khô xơ xác. Vài năm sau, vườn quýt bắt đầu hồi sinh. Tới nay, cả huyện có 1.176ha quít, năng suất bình quân 40-50 tấn trái/năm, có vườn đạt mức 70-80 tấn/năm. Có nhà vườn thu hoạch cả năm trên 100 tấn trái, thu nhập hàng tỉ đồng.

Quýt hồng làm “GAP”

Cặp mé trái rạch Thong Dong, từ UBND xã Long Hậu đi vô hướng cầu Cán Cờ chừng 2 cây số là tới ấp Long Hưng 1. Đây được coi là vùng quýt cây tốt trái đẹp nhất huyện. Ông Nguyễn Văn Dân, phó chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho biết: “Hổng hiểu sao mé phải rạch là ấp Long Hưng 2, cũng cùng loại cây giống, đất, nguồn nước, kỹ thuật chăm sóc y chang nhau, nhưng lúc lên màu son thì quýt lại không đẹp bằng, năng suất cũng thấp hơn. Cho nên huyện chọn bên Long Hưng 1 làm điểm đưa quýt hồng vào chương trình Viet GAP, tức là thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam”.

Ghé thăm vườn quýt của bà Nguyễn Thị Ngọc Nuôi, một trong những nhà vườn tham gia Viet GAP, mới thấy làm vườn theo chuẩn có khác. Quanh vườn không còn cầu tiêu ao cá như thuở làm VAC nữa. Chuồng heo, gà, vịt cũng được dọn sạch trơn. Bà Nuôi cho biết đó là một trong những tiêu chuẩn nhằm giữ sạch nguồn nước, không bị ô nhiễm môi trường, nhà vườn tận dụng rơm mục, phân bò để bón, cây quýt lại chịu hơn. “Có vườn bắc thang cao 6m vẫn chưa tới ngọn, một cây dám cho tới 200 ký trái, thiệt hết hồn” - bà Nuôi rạng rỡ khoe.

Nhiều nhà vườn trồng quýt Lai Vung đang làm thủ tục “lên” thương hiệu để sắp tới in logo, dán nhãn, đóng thùng bán vô siêu thị, thậm chí xuất khẩu. Nếu không có gì thay đổi, sau tết này huyện sẽ hoàn thành bộ hồ sơ nộp Cục Sở hữu trí tuệ xin cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu “quýt hồng Lai Vung” để có thể “mặc áo mới” ra mắt người tiêu dùng trong mùa tết năm tới.

Phóng to
Ảnh: Hoàng Thạch Vân

“Nhà vườn trồng quýt có chiêu diệt trừ rệp sáp và bọ xít (làm vỏ sần sùi, nám đen) bằng cách nuôi kiến vàng” - ông Bảy Thành kể. Tối ngày ông cứ chống xuồng đi kiếm ổ kiến trên cây gáo, vườn hoang đem về thả lên cây quýt. Rồi ông giăng dây cho kiến đi từ cây này qua cây kia, lấy ruột gà, vịt, cá để vô rọ treo lên cây cho kiến ăn. Nhờ kiến mà quýt trúng, trái không “chai”, màu vàng sáng thiệt đẹp. Hồi đó đi mua cứ lựa vườn nào có kiến vàng là biết quýt đó ngon và ngọt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận