"Quyền lực mềm" kiểu Hàn

CUNG TUY 06/01/2013 05:01 GMT+7

TTCT - Một thập niên qua, người Hàn Quốc đã để lại trong lòng thế giới nhiều ngạc nhiên và ngưỡng mộ vì cách mà họ - không vội vã và ầm ĩ - tiến lên trong văn hóa, khoa học, cải cách kinh tế và trong đối diện, giải quyết những thách thức về xã hội.


Changmin (giữa), thành viên trong ban nhạc Hàn Quốc TVXQ, biểu diễn tại đêm nhạc Kpop ở Hà Nội vào ngày 29-11. 17 ban nhạc từ Hàn Quốc đã hội tụ về Hà Nội để tham dự sự kiện kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Vào năm 1990, học giả người Mỹ Joseph Nye đã đưa ra thuật ngữ “quyền lực mềm” mà chính ông, trong một công trình xuất bản năm 2004 định nghĩa là “khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc”. 

Quyền lực mềm xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia. Nước Mỹ đã áp dụng “quyền lực mềm” suốt thời gian dài để phổ biến giấc mơ Mỹ và giờ đây nó đang được người Hàn Quốc áp dụng một cách linh hoạt thông qua làn sóng văn hóa của mình.

Một Hàn Quốc thay đổi

Bản thân “quyền lực mềm” đã từng thách thức mô hình phát triển truyền thống của Hàn Quốc. Từ những năm 1960, chính phủ độc tài đã đặt ưu tiên tuyệt đối về tăng trưởng kinh tế và chính sách này thật sự là một đầu tàu kéo theo kinh tế Hàn Quốc đi đến những thành công được mô tả là lớn nhất tại quốc gia này trong thế kỷ 20. 

Khi có những thay đổi về chính trị, chế độ quân sự độc tài sụp đổ thì ngoài việc ảnh hưởng tới sự thay đổi to lớn về kinh tế còn dẫn đến những ảnh hưởng các giá trị văn hóa vốn đã được đóng gói cẩn thận suốt bao thập niên, giờ phải cọ xát trực tiếp với những văn hóa bên ngoài đang xâm nhập nhanh chóng.

Và những thay đổi mang tính bản lề mau chóng đến. Nếu trước đây việc du học là chuyện hết sức ngặt nghèo thì bây giờ công dân Hàn Quốc có thể học tập, làm việc ở nước ngoài và sau đó về phục vụ quốc gia. Một loạt du học sinh được gửi sang nước ngoài học về điện ảnh, âm nhạc, hội họa và các lĩnh vực văn hóa.

Nhiều người biết đến Hãng SM Entertainment, một trong ba hãng “ông trùm” của ngành giải trí Hàn Quốc, được Lee Soo Man sáng lập, một trong những du học sinh thời kỳ đầu của Hàn Quốc, trở về năm 1989 để lập nên đế chế giải trí của riêng mình với những sáng tạo mới và mô hình giải trí mới mà trước đó chưa bao giờ xuất hiện một cách chuyên nghiệp tại Hàn Quốc. 

SM Entertainment là một trong những công ty cho ra lò nhiều gương mặt để xuất khẩu giá trị văn hóa Hàn sang nhiều nước trong khu vực, với nhiều ngôi sao đang rất được yêu mến như: Shinhwa, BoA, Super Junior, Girls’ Generation hay SHINee...

Năm 1996, luật kiểm duyệt cũng được thay đổi. Những gì là cấm kỵ trước đó như mặc áo quần khêu gợi, chuyện giới tính, sex... cũng được nới lỏng và sự đòi hỏi cấp thiết là trong sự thay đổi đó phải có ý nghĩa tích cực và tất nhiên, phải có chất Hàn xuyên suốt. “Chất Hàn Quốc” xuyên suốt được hiểu là có mở cửa bung ra nhưng những giá trị văn hóa hay chất sáng tạo riêng của người Hàn vẫn được chăm bón.

Vào những năm khủng hoảng kinh tế châu Á lên đến đỉnh điểm, văn hóa Hàn lại càng được chú trọng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng và thay đổi triệt để để có thể trở thành một thứ hàng hóa xuất khẩu được và mang lại kinh tế hiệu quả. Từ âm nhạc đến phim ảnh và cả video game thay nhau xuất hiện ở khắp các lục địa đến nỗi người Trung Quốc phải đặt ra thuật ngữ Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc).

Làn sóng này làm thay đổi rất mạnh những cái nhìn về xuất khẩu của Hàn Quốc trước đây khi Samsung hay Hyundai trở thành những đế chế xuất khẩu hàng đầu Hàn Quốc nhưng bên trong không có những thông điệp văn hóa. Kể từ lúc này, những sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc đều ít nhiều dính dáng đến văn hóa.

Năm 2002, Bản tình ca mùa đông trở thành bộ phim được yêu thích khắp châu Á đến nỗi ngôi sao của phim, Bae Yong Joon, được xem là biểu tượng văn hóa quốc tế đầu tiên của Hàn Quốc. Bộ phim Nàng Dae Jang Geum (2003) với câu chuyện hậu cung triều đại Joseon đã trở thành bộ phim truyền hình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình của Hong Kong. 

Và đến năm 2004, khi bộ phim Old boy của đạo diễn Park Chan Wook giành giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes 2004, chính phương Tây cũng phải “ngả mũ cúi chào” sự thay đổi trong cách tiếp cận văn hóa của Hàn Quốc.

Đó không chỉ là một cách tiếp cận có chọn lọc mà còn nâng tầm bản sắc và giá trị văn hóa mà ở bất cứ cấp độ nào cũng không thể bị lẫn vào nhau. Để mở cửa ra bên ngoài, người Hàn Quốc sẵn sàng dẹp bỏ những tư tưởng ủy mị, ướt át, thêm vào đó một chút kịch tính kiểu W.Friedkin, M.Scorsese hay R.Polanski và đã rất thành công.

 Người ta xác định làn gió mới mang tên Hàn Quốc bắt đầu thổi tung châu Á là vào năm 2005 khi doanh thu xuất khẩu sản phẩm văn hóa lên tới 22 tỉ USD. Thành công của Gangnam style mới đây dù có chút đi ngược lại yếu tố xuất khẩu của văn hóa Hàn Quốc, nhưng vẫn cho thấy đó là lứa quả ngọt mà người Hàn Quốc sau nhiều năm vun trồng bắt đầu thu lợi một cách ấn tượng.

Simon Mundy viết trên tờ The Globe and Mail, cho rằng Gangnam style làm cho thương hiệu Hàn Quốc hấp dẫn hơn bao giờ hết. “Hiện tượng Psy chứng minh sự quan tâm rất lớn của chính quyền Hàn Quốc dành cho văn hóa và đã đẩy vị thế Hàn Quốc lên một tầm cao mới trong mắt quốc tế”.

Làn gió mới

Bộ phim Bản tình ca mùa đông có giá trị về mặt PR hơn bất kỳ hoạt động nào của Bộ Du lịch Hàn Quốc khi nườm nượp du khách kéo sang nước này chỉ để được chiêm ngưỡng những địa điểm mà bộ phim đã quay. 

Bộ phim bạo lực Old boy tuy không thể kéo du khách đến xem những khu bạo lực ở Seoul nhưng bù lại nó nhận được những cái gật đầu thán phục của các nhà chuyên môn phương Tây, điển hình là đạo diễn Quentin Tarantino. Sự gật đầu của đạo diễn này cũng là một minh chứng cho điện ảnh Hàn có thể làm những bộ phim có đẳng cấp.



Nhà báo Andrew Salmon khi viết về làn sóng Hàn Quốc cho tờ Korean Times đã cho rằng “Đối với người xem ở Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á, phong cách sống Hàn Quốc đã trở thành một tiêu chuẩn đáng mơ ước”. Thị trường sản xuất phim cũng như văn hóa nói chung đang ngày càng mở rộng hơn và những sản phẩm văn hóa dù có sặc mùi bạo lực hay mang chủ đề cấm kỵ vẫn được mô tả một cách chân thực, vẽ nên một xã hội Hàn Quốc đã cởi mở hơn rất nhiều.

“Khi bạn nhìn vào âm nhạc hay những bộ phim Hàn Quốc, bạn sẽ thấy họ rất giống Hollywood về tiêu chuẩn sản xuất, quảng bá và mô hình hoạt động. Điều này sẽ khiến những nhà chuyên môn khi nhìn vào sẽ thấy Hàn Quốc cũng tương tự ở Mỹ” - nhà sản xuất phim Jonathan H. Kim, người có 30 năm kinh nghiệm dấn thân vào sản xuất phim với dấu ấn sâu đậm trong ít nhất 5/50 bộ phim vĩ đại nhất của điện ảnh Hàn Quốc, nói. Hiện ông là cố vấn sản xuất cho CJ Entertainment & Media - công ty lớn nhất Hàn Quốc về đầu tư, sản xuất và phân phối phim.

Lý giải vì sao Hàn Quốc ngày càng cho ra nhiều phim bom tấn, ông Kim giải thích “một mặt người Hàn Quốc ngày càng sành phim và nếu bộ phim không lớn họ sẽ biến mất khỏi rạp. Điều thứ hai, những bộ phim kinh phí lớn sẽ giúp chúng tôi có mặt ở rạp quốc tế nhiều hơn”.

Theo tờ Korean Times, nhiều nước đang có kế hoạch chiếu phim truyền hình Hàn Quốc nhiều hơn nữa để thay thế các bộ phim hạng B của Hollywood. Bởi đơn giản, tiền bản quyền rẻ hơn và sức hút khán giả tốt hơn. Bên cạnh những bộ phim truyền hình thì luôn có những phim điện ảnh gai góc để giới thiệu chất lượng thật sự của điện ảnh Hàn Quốc mà cái tên Kim Ki Duk (đạo diễn phim Pieta đoạt giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venice lần thứ 69) là một ví dụ.

Choi Dong Hun - vị đạo diễn mới ngoài 40 tuổi, đang làm nên kỷ lục phòng vé với 13 triệu người xem bộ phim The thieves, thu về hơn 80 triệu USD - cho rằng làn sóng này mới bắt đầu. “Phim Hàn Quốc luôn có đặc điểm thương mại truyền thống của họ và nếu nghiên cứu kỹ từng phim một bạn sẽ thấy mỗi bộ phim là duy nhất và khó có thể so sánh. Phim nào cũng có những câu chuyện phức tạp và mỗi nhân vật đều có vấn đề mà điều này lại liên quan đến bản chất của người dân Hàn Quốc. Phát huy được yếu tố đó một cách linh hoạt thì điện ảnh Hàn không thua kém ai”.

Hội đồng phim ảnh Hàn Quốc gần đây công bố khoảng 120 triệu vé xem phim đã được tiêu thụ trên toàn quốc chỉ tính riêng quý 2-2012, tăng 20% so với năm năm trước. Trong khi đó, về âm nhạc, với hiệu ứng Gangnam style, chắc chắn những ca sĩ, nhóm nhạc đi sau sẽ được thừa hưởng thành công rất nhiều và điều đó giúp họ tiếp cận thế giới bên ngoài dễ dàng hơn.

Gangnam style chỉ là chiến thắng mới nhất cho những gì đã được biết đến như là Hallyu. Ông Ma Young Sam, viên chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết: “Khi người nước ngoài chú ý nhiều hơn đến những ca sĩ, điện ảnh Hàn Quốc thì từ từ họ sẽ phát triển một niềm yêu thích với những sản phẩm Hàn Quốc và sẽ mua chúng. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng để thúc đẩy”. Chẳng phải đây chính là thứ “quyền lực mềm” được hoạch định một cách toàn diện nhất sao?

___________

“Khi tín hiệu Làn sóng Hàn Quốc sáng đèn thì Chính phủ Hàn Quốc đã không tiết kiệm việc hỗ trợ để nâng cao hình tượng đó lên” - giáo sư Park Yeon Kwan, một nhà Việt Nam học của Trường đại học Chungwoon (Hàn Quốc), giải thích về câu chuyện thành công của nước mình.

Giáo sư Park Yeon Kwan

* Thưa ông, những sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc đang được đón nhận như những làn gió mới. Đó có phải là kết quả của một sự chuẩn bị từ rất lâu?

- Mục tiêu tạo ra Làn sóng Hàn Quốc đã có từ lâu và có sự chuẩn bị chu đáo nhưng việc ấy không dễ thực hiện. Theo tôi, trong văn hóa Hàn Quốc có những tính phổ thông và khách quan, kể cả tính hấp dẫn cho công chúng của những nền văn hóa khác. Đây chính là yếu tố quan trọng.

Tất nhiên khi tín hiệu Làn sóng Hàn Quốc “sáng đèn” thì Chính phủ Hàn Quốc đã không tiết kiệm việc hỗ trợ, các lĩnh vực thương mại kể cả ngành giải trí đã cố gắng hết mình để nâng cao hình tượng đó lên.

* Từ giữa những năm 1980, chính quyền mới đã nhìn xa trông rộng khi gửi học sinh đi du học từ khoa học kỹ thuật đến văn hóa, bây giờ Hàn Quốc đang hưởng lợi với những sản phẩm văn hóa được làm ra rất có chất lượng và có tính toàn cầu. Ngay bên trong thị trường nội địa, văn hóa Hàn Quốc đã làm gì để không bị những sản phẩm văn hóa khác “xâm chiếm”?

- Nhiều sinh viên ra nước ngoài học khoa học tiên tiến và nền văn hóa khác là điều rất có giá trị và hữu ích. Hàn Quốc chúng tôi đã và đang cố gắng để học hỏi những thành tựu phát triển hơn mình. Đó là một yếu tố quan trọng để sớm vượt qua những lạc hậu và đạt được thành quả mới mẻ.

Bảo vệ văn hóa của mình cũng là điều quan trọng. Người Hàn Quốc hay nói “Cái có bản sắc Hàn Quốc nhất chính là sản phẩm có tính hấp dẫn nhất trên thế giới”, nghĩa là nếu như chỉ có tính phổ thông mà không có nguồn gốc hay gọi là cơ sở văn hóa của mình thì nó không vững mạnh mà chỉ là mô phỏng của người khác thôi. Việc học hỏi và tiếp thu văn hóa khác và việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của mình có thể đi song song chứ không phải bỏ cái này để làm một cái khác có lợi hơn. Có thể nói là đôi bên cùng có lợi.

* Theo ông, tính văn hóa quyết định thế nào trong kinh doanh toàn cầu hiện nay và một sản phẩm văn hóa như thế nào để được xem là đủ tiêu chuẩn xuất khẩu?

- Gần đây chúng ta dễ nhìn thấy những sản phẩm nào có sự phối hợp giữa khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn luôn tạo ra được những giá trị và tính hấp dẫn mới. Văn hóa không chỉ có tính truyền thống mà còn có sức sáng tạo. Tôi nghĩ rằng khi làm ra những sản phẩm mới thì càng tận dụng tinh thần văn hóa càng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Sản phẩm văn hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì phải có sự điều hòa giữa tính phổ thông quốc tế với tính độc đáo của văn hóa của mình. Nếu chỉ có tính phổ thông không thôi thì sẽ được coi là mô phỏng. Và nếu chỉ có tính độc đáo của văn hóa mình thôi thì cũng được coi là sản phẩm chỉ dùng trong thị trường nội địa.

Để Làn sóng Hàn Quốc tiếp tục duy trì và phát triển thì phải có sự giao lưu với các nền văn hóa khác trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau để có động lực phát triển và huy động được sức sống mới.

___________

Sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc trong bốn thập niên vừa qua có liên hệ chặt chẽ với những nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục của nước này ở các bậc học cơ sở như tiểu học và phổ thông.

Một cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho học sinh Hàn Quốc - Ảnh: flick.com

Báo cáo mới nhất về học lực và trình độ nghiên cứu khoa học ở các bậc học cơ sở “Nghiên cứu các khuynh hướng toán học và khoa học quốc tế (TIMSS)” năm 2011 xếp Hàn Quốc đứng đầu trong số 50 nước tham gia đánh giá, bao gồm tất cả các nước phát triển trong khối Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD).

Dẫn đầu về toán và khoa học

Báo cáo của TIMSS (một chương trình của Hiệp hội Đánh giá thành tích giáo dục quốc tế - IEA) dựa trên các bài trắc nghiệm toán học và khoa học với 300.000 học sinh 10 tuổi, tương đương lớp 4. Điều đáng chú ý là mọi học sinh Hàn Quốc tham gia cuộc trắc nghiệm đều học ở những trường có phòng thí nghiệm khoa học riêng. TIMSS còn đánh giá 300.000 học sinh lớp 8 từ 42 nước, và ở hạng mục này Hàn Quốc cũng dẫn đầu.

Tỉ lệ học sinh không đạt chuẩn về toán của Hàn Quốc là 0% và về khoa học chỉ là 1% ở khối lớp 4, còn ở lớp 8 lần lượt là 1% và 3% (Việt Nam chưa tham gia đánh giá này). Một đánh giá khác, Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Trắc nghiệm PISA) chỉ dành riêng cho các nước OECD, cũng xếp Hàn Quốc thường xuyên trong tốp năm nước dẫn đầu.

“Điều đầu tiên phải nói tới ở Hàn Quốc là học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh đều tin tưởng mạnh mẽ rằng sản sinh ra các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ giỏi là điều sống còn với năng lực cạnh tranh của đất nước trong thế kỷ 21 - trang mạng Slate.com dẫn lời giáo viên sinh học Lim Soo Jin ở Trường cấp III khoa học Hansung, Seoul - Tầm quan trọng của giáo dục khoa học thể hiện trong số trường công cấp III chuyên khoa học ở nước tôi.

Hiện có 20 trường cấp III như thế trên toàn quốc, cộng thêm bốn học viện khoa học cho những em đặc biệt xuất sắc, đào tạo tập trung toán và khoa học. Ngoài ra có hơn 100 trường có chương trình tăng cường khoa học trên cả nước, mỗi trường này đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo về giáo trình và cơ sở vật chất, bao gồm trang thiết bị, phòng thí nghiệm và đội ngũ giáo viên để khuyến khích nghiên cứu khoa học ngay từ khi các em còn học cấp II, cấp III”.

Nhà nước đóng vai trò chủ lực trong những cố gắng này. Bộ Giáo dục, khoa học và công nghệ cùng Văn phòng giáo dục thành phố Seoul tổ chức các khóa tăng cường cho giáo viên liên tục mỗi năm. Những người như Lim Soo Jin còn được đi nước ngoài học. “Tôi có bằng thạc sĩ về giáo dục học sinh giỏi ở Đại học Virginia (Mỹ) nhờ sự hỗ trợ của bộ và văn phòng để sang Mỹ học năm 2005” - cô nói.

Bằng cấp, sự nhiệt tâm với nghề và có lẽ quan trọng nhất là tự do trong giảng dạy, giúp Lim rất thành công với các học sinh.

“Là sinh viên môn sinh vật, giáo án của tôi tương đối linh hoạt, tôi có thể tự thiết kế chương trình dạy. Đây là điều đặc biệt của Trường Hansung, vốn thuộc hệ thống trường chuyên. Thông thường các trường công khác ở Hàn Quốc phải dạy theo tiêu chuẩn cứng về chương trình học của Bộ Giáo dục. Mục tiêu trong lớp của tôi là hỗ trợ học sinh tự học, kết nối những vấn đề trong chương trình giảng dạy với thế giới thực và nuôi dưỡng khả năng tự học ở các em. Mỗi tuần tôi đều có hai giờ cho các học trò làm những thí nghiệm tự thiết kế, trao đổi, trình bày và đôi khi tranh luận về kết quả”.

Ngay từ lúc này, Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết tới năm 2015 toàn bộ hệ thống trường học các cấp sẽ được số hóa, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng sách giáo khoa giấy. Chương trình này dự kiến sẽ tiêu tốn của chính quyền 2 tỉ USD, nhưng sẽ tạo ra một nguồn học liệu mở toàn diện và có tính kế thừa rất cao, “theo kiểu Wikipedia”, theo lời Bộ Giáo dục.

Trẻ em Hàn Quốc được dạy yêu khoa học từ nhỏ - Ảnh: telegraph.co.uk

Hệ thống quản lý tập trung từ trên xuống

Một hệ thống quản lý tập trung cao độ giúp các dự án đó có thể trở thành hiện thực cũng như triển khai chính sách giáo dục xuyên suốt từ mẫu giáo tới cấp III. Toán học, khoa học, tiếng Hàn, khoa học xã hội và tiếng Anh là những môn quan trọng nhất. Hàn Quốc, giống như nhiều nước Á Đông, không đầu tư mạnh cho giáo dục thể chất và nhiều trường thiếu các khuôn viên cho hoạt động thể thao, nhưng bù lại, mọi trường học trong cả nước đều được tiếp cận với Internet băng thông rộng.

Giáo dục cho tới cấp II là bắt buộc, còn cấp III không bắt buộc, nhưng theo một nghiên cứu của OECD năm 2005, khoảng 97% người trưởng thành ở Hàn Quốc đã tốt nghiệp cấp III, cao nhất trong khối.

Để tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ và giảm bớt áp lực phải có mảnh bằng đại học vốn rất lớn ở Hàn Quốc giống như nhiều nước Á Đông, các trường nghề ở nước này được tổ chức ngay sau khi học sinh học xong cấp II và chia làm năm lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ/kỹ thuật, kinh doanh/thương mại, hàng hải/ngư nghiệp và kinh doanh tại gia.

Tại các trường nghề, lớp 10 có chương trình giống nhau trên toàn quốc, lớp 11 và 12 bắt đầu được chuyên biệt hóa, tập trung vào các kỹ năng thực tế nhờ sự hợp tác giữa trường học và các cơ sở kinh doanh ở địa phương. Khoảng một nửa trường nghề là trường tư thục. Tuy nhiên, với việc nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng trở nên hiện đại với năng suất ngày càng cao, lượng sinh viên học các trường nghề bắt đầu giảm, từ khoảng một nửa tổng số học sinh cấp III vào năm 1995 còn khoảng một phần tư ngày nay.

Hầu hết chuyên gia đều nhất trí quá trình hiện đại hóa và phát triển kinh tế ngoạn mục của Hàn Quốc từ sau chiến tranh Triều Tiên có phần đóng góp lớn của sự sẵn sàng trong từng cá nhân của xã hội để đầu tư nguồn lực rất lớn cho giáo dục, để cải thiện “vốn con người”. Những nghề trong lĩnh vực khoa học tới tận bây giờ vẫn là những nghề được trọng vọng nhất với xã hội Hàn Quốc.

Chi tiêu của chính phủ cho giáo dục luôn rất rộng rãi. Năm 1975 là 220 tỉ won (200 triệu USD), tương đương 2,2% GDP, hay 13,9% tổng chi chính phủ. Đến năm 1986, con số này đã là 3,76 nghìn tỉ won (3,5 tỉ USD), chiếm 4,5% GDP và 27,3% chi ngân sách. Nhưng không chỉ có tiền bạc, vấn đề là cả xã hội rất coi trọng vấn đề giáo dục.

Tập trung vào các kỹ sư

Hệ thống giáo dục Hàn Quốc, có thể nói không ngoa, được thiết kế để đào tạo các kỹ sư thay vì các tay môi giới chứng khoán. “Con đường của tôi đã được vạch ra từ khi tôi học tiểu học” - Lee Hyung Tae, một kỹ sư điện học ở Hàn Quốc hiện làm việc tại Mỹ, nói. Hệ thống trường học ở Hàn Quốc được quản lý tập trung và theo yêu cầu của phát triển kinh tế. Trong nhiều thập niên, chiến lược thành công của Hàn Quốc đã vượt xa những nước láng giềng giàu có hơn về tài nguyên, dù bắt đầu cũng đầy khó khăn với giáo dục tiểu học bắt buộc và giáo trình chuẩn.

Lee lớn lên ở Seoul, học toán và lịch sử cùng một giáo án với mọi học sinh khác ở Hàn Quốc. Nền tảng giáo dục cơ bản đã chuẩn bị trước cho một đợt bùng nổ sinh viên đại học vài thập niên sau. Trong giai đoạn từ năm 1980-2008, số sinh viên đại học ở Hàn Quốc tăng từ 647.500 lên 3,6 triệu người. “Trong bối cảnh bạn cần học hỏi nhanh về mặt công nghệ và huấn luyện thật đông người các kỹ năng nghề nghiệp, một hệ thống giáo dục kiểm soát chặt sẽ có hiệu quả” - Joseph Halble, trưởng khoa kỹ sư công trình ở Đại học Dartmouth (Mỹ), bình luận.

Để thu hút những sinh viên giỏi nhất vào các ngành khoa học và công nghệ, những ngành cần thiết cho đất nước nhất, chính phủ đứng ra lập và tài trợ cho các trường đại học đỉnh cao như KAIST hay Học viện Khoa học công nghệ tiên tiến Hàn Quốc. Trường này do nhà nước bảo trợ toàn bộ và là nền tảng quan trọng cung cấp nhân lực cho những ngành công nghiệp của đất nước thăng tiến thần kỳ kể từ khi được thành lập năm 1971.

Những sinh viên Hàn Quốc đi học ở nước ngoài cũng được thu hút về nước giảng dạy khi chính quyền sẵn lòng trả mức lương rất hấp dẫn. Những học sinh giỏi được miễn học phí và nghĩa vụ quân sự, đổi lại cam kết phải làm việc cho một cơ quan nghiên cứu của chính phủ trong ít nhất ba năm sau khi tốt nghiệp. Những sinh viên KAIST dần chiếm lĩnh nhiều vị trí trong các viện nghiên cứu chính quyền và ở các đại tập đoàn như Samsung hay Hyundai. Truyền thống cũng rất giá trị khi những sinh viên vùng sâu vùng xa đậu vào đại học lớn được đón tiếp không kém các ông nghè, ông cống thời xa xưa.

Lee, 34 tuổi, nhớ lại việc anh xem một bộ phim truyền hình với tựa đề KAIST về tình yêu trong phòng thí nghiệm: “Tôi không bỏ tập nào”. Anh nhận bằng thạc sĩ ở trường đại học danh giá đó sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Đại học Sogong, Seoul. Trong một ngày mùa xuân ấm áp, những bãi cỏ trong khuôn viên đại học rộng hơn 120ha tại Seoul vắng người, nhưng phòng thí nghiệm lúc nào cũng đông đúc.

Sinh viên chuẩn bị thiết bị thí nghiệm cho người bị bệnh Alzheimer, nghiên cứu ruồi giấm và chế ra các xe buýt mini chạy bằng điện có khả năng tự sạc bằng các máy phát điện lắp trên đường. Lee sẽ có bằng tiến sĩ vào đầu năm sau. Ước mơ của anh là làm việc cho Google, nhưng trở lại quê nhà luôn là một lựa chọn hấp dẫn. “Tùy thuộc vào việc tôi được đề nghị gì” - anh nói.

Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng lấy Hàn Quốc làm ví dụ để nước Mỹ học tập. “Con em chúng ta mỗi năm học ít hơn các trẻ nhỏ Hàn Quốc hơn một tháng trời. Đây không thể là cách để chuẩn bị cho một nền kinh tế thế kỷ 21” - ông nói cách đây không lâu. Ông Obama không phải là người Mỹ duy nhất “ghen tị” với giáo dục Hàn Quốc.

Thống kê chính thức cho thấy Hàn Quốc đang vượt Mỹ về số thanh thiếu niên có bằng đại học (63% so với 41%) và học sinh Hàn Quốc thường xuyên hơn các bạn bè đồng trang lứa giành giải ở những kỳ thi quốc tế. Quan trọng hơn, cứ bốn sinh viên đại học Hàn Quốc thì một người theo học các ngành kỹ thuật, so với chỉ 1/20 ở Mỹ.

Được chuẩn bị tốt về toán và khoa học từ các cấp thấp hơn giúp các em theo học những ngành thật sự làm ra sản phẩm và cải thiện năng suất lao động xã hội, thay vì quá nhiều nhân tài chạy vào những lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh tế.




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận